Chủ nhật, 08/09/2024,


Đạo diễn – NSƯT Đoàn Bá: Sân khấu còn nhiều việc phải làm (11/12/2009) 

Năm nay, đạo diễn – NSƯT Đoàn Bá đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn bền bỉ, miệt mài lao động nghệ thuật. Không chỉ tham gia dàn dựng vở diễn trong nước mà ông còn ra tận nước ngoài để thực hiện một số vở tuồng phục vụ bà con kiều bào ở Mỹ. Trong “Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009” đang diễn ra tại TPHCM, đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng 2 vở “Khu vườn của thượng đế” và “Sau lũy tre làng”.


PV: Thưa đạo diễn, thời gian qua ông thường dàn dựng kịch nói, còn lĩnh vực cải lương dường như đã lâu lắm rồi mới thấy ông xuất hiện trở lại, phải chăng với ông loại hình nghệ thuật này đang dần giảm sức hút…

 

Đạo diễn – NSƯT ĐOÀN BÁ: Thời gian qua tôi ít xuất hiện một phần vì bận đi nước ngoài nghỉ ngơi, dàn dựng một số vở diễn; phần vì mấy năm nay, ít có đoàn hát nào dàn dựng vở diễn có nội dung thật sự hấp dẫn, chỉ thực hiện những chương trình hoặc vở diễn đơn giản, nhẹ nhàng để biểu diễn. Sân khấu cải lương bây giờ hiếm tác giả, hiếm kịch bản hay nên mặc dù có nhiều lời mời dàn dựng nhưng tôi đều từ chối. Còn ở hội diễn này, tôi nhận lời dựng 2 vở cho 2 đơn vị nghệ thuật Tây Ninh với Khu vườn của thượng đế và Hoàng Anh Tú với Sau lũy tre làng là vì cái tình. Tôi thấy anh em ở 2 đơn vị này rất tâm tư, nặng lòng với cải lương, chẳng lẽ mình cứ từ chối hoài nên tôi đã nhận lời.

 

* Qua nhiều năm gắn bó với sân khấu cải lương, có những vở của ông thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả đón xem, nhưng hiện nay ông có nhận thấy sân khấu cải lương đang bị mai một, hụt hẫng khán giả?

 

- Những bạn trẻ bây giờ đa phần đi xem ca nhạc hoặc kịch nói, còn cải lương, chỉ có những người lớn tuổi. Ngặt nỗi, khi lớn tuổi rồi, nếu muốn đi coi hát, phải nhờ con cháu chở đi, trong khi đó, ai cũng bận rộn, cũng khó… Lâu nay, cải lương chưa năng động đi tìm lực lượng khán giả mới cho mình. Nếu cứ đà này, mai đây thế hệ khán giả lớn tuổi không còn nữa, còn ai xem hát cải lương? Đó là vấn đề rất cần được quan tâm.

 

* Có một thực tế của sân khấu nói chung hiện nay là thiếu những vở diễn mang tính dự báo và thiếu cả những hình ảnh điển hình của con người hôm nay nên khó hấp dẫn khán giả…

 

- Bây giờ đòi hỏi điều này cũng hơi khó. Điều mà sân khấu đang thiếu cũng không kém phần quan trọng đó là tính triết lý và nhận thức sâu sắc. Sân khấu hài chỉ đơn giản là làm cho người ta vui, người ta cười chứ nó hoàn toàn không để ý đến tính triết lý, nhận thức. Nhiều người cứ suy nghĩ đơn giản, sân khấu chỉ cần phản ánh những vấn đề mang tính giáo dục như không chạy xe ẩu hay tham nhũng… Hoàn toàn không phải thế, bởi đó chỉ là đề tài. Những điều này báo chí nói rất nhiều và nói tốt hơn sân khấu. Ở hội diễn sân khấu kịch nói vừa qua, những vở mang tính dự báo cũng hiếm, đa phần chỉ là những vở diễn mang tính phản ảnh. Sân khấu bây giờ đang thiếu tính văn học nhiều lắm. Điều này rất cần quan tâm, điều chỉnh. Tôi có cảm giác như hiện nay, những người làm sân khấu đang chạy theo những thú vui hằng ngày, chọc cười là chính. Cuộc sống lúc nào cũng cần tiếng cười, nhưng phải làm sao thật sâu sắc, nếu không lại sai chức năng của sân khấu là nhận thức, thẩm mỹ và giáo dục. Sân khấu của chúng ta hiện như đang ở hai thái cực: sân khấu phía Nam thì nói những vấn đề đơn giản, gần gũi và rất bình thường, thiếu tính nhận thức, chất văn chương… Còn sân khấu phía Bắc lại nói những điều mang tính giáo điều, bảo thủ. Nếu như sân khấu hai miền được dung hòa với nhau, sẽ rất tốt.

 

* Về đội ngũ nghệ sĩ, những người ông từng giảng dạy, đào tạo làm nghệ thuật, nếu đánh giá lại, ông có hài lòng?

 

- Hiện nay, những người trẻ rất đa tài và giàu nghị lực vươn lên. Từ khi xã hội hóa sân khấu, có rất nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ khẳng định mình như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân… Có một điều cần phải nhìn nhận, đó là các nghệ sĩ này đang làm được những vấn đề rất tốt, mà ngay cả đơn vị nghệ thuật công lập cũng chưa làm được như việc xây dựng lực lượng trẻ kế thừa…

 

* Hiện nay, sân khấu dành cho người lớn đã nhiều, phát huy được những hiệu quả nhất định, còn với sân khấu thiếu nhi dường như chưa được quan tâm lắm, ông nghĩ sao?

 

- Về điều này thì phải tuyên dương Sân khấu Kịch IDECAF. Mỗi dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu hay Giáng sinh…, đơn vị này đều có những vở diễn phục vụ thiếu nhi. Chính việc làm này sẽ tạo ra được những thế hệ khán giả trẻ cho sân khấu tương lai. Cách đây 20 năm, khi tôi còn làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tôi đã từng đề xuất thực hiện đề án “Sân khấu học đường”, nhưng lúc ấy không ai quan tâm, không ai mặn mà để làm. Nếu làm được đề án này, giờ đây cải lương cũng đã có được những thế hệ khán giả trẻ. Tôi nghĩ, sân khấu học đường, ngoài việc minh họa làm sinh động cho những giờ học lịch sử của học sinh, còn góp phần giúp cho sân khấu tìm và nuôi dưỡng khán giả trẻ. Thiết nghĩ, bây giờ cải lương rất cần thực hiện những đề án như thế. Gần đây, một số sân khấu kịch cũng đã bắt đầu tổ chức sân khấu học đường. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

 

* Còn về âm nhạc cải lương, có những ý kiến cho rằng phải đưa vào học đường để giảng dạy, giúp cho học sinh hiểu biết được cái hay, cái độc đáo thì mới mong các em quý trọng văn hóa dân tộc...

 

- Nếu chúng ta làm được việc này thì quá tốt. Đó cũng là cách bảo vệ loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tránh sự mai một trong giới trẻ. Lẽ ra, điều này chúng ta phải bắt tay làm từ lâu rồi. Theo tôi, nếu không sớm đưa âm nhạc truyền thống cải lương vào học đường, chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ con cháu sau này.

 

Theo ĐỖ HẠNH (Báo SGGP)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: