Thứ sáu, 26/04/2024,


Dịch Thơ Việt ra… Thơ Ta (20/08/2008) 

 

Bẵng đi một thời gian, khi làng blogger xôn xao chuyện Đỗ Hoàng dịch Thơ Việt ra… Thơ Việt (không phải ra Thơ Tây!) tôi mới tìm đọc, thì đã bị anh xóa hết. Tôi liền “truy lùng” tóm gọn anh và lấy về được một tập bản thảo thơ dịch hơn 20 bài. Đỗ Hoàng nói nhỏ: “Đọc xong nhớ gửi trả mình nhé, đừng phát tán nguy hiểm lắm...'

Lâu nay chúng ta thường đọc những tác phẩm văn học nước ngoài hay những sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm của người xưa được dịch ra chữ Quốc ngữ.

Một năm trở lại đây, nhà thơ Đỗ Hoàng làm người dịch thơ Việt ra thơ Việt, gây sự chú ý, ngỡ ngàng trong làng văn chương nước nhà. Đỗ Hoàng không phải dịch thơ Việt ra thơ Việt để giải trí, mà anh có chủ đích hẳn hoi. 

 

'Phiên dịch viên' chữ nghĩa, tâm hồn 

Hồi trước, khi chưa có blog cá nhân, Đỗ Hoàng đem phô - tô mang phân phát cho bạn bè cùng đọc. Khi có blog, anh tải lên đó tất cả những bài thơ đã dịch của mình. 
Thật lạ, từ khi những bài thơ đó được tải lên blog, số người truy cập tăng nhanh, số người comment nhiều, và tạo thành hai luồng ý kiến trái ngược nhau: đồng tình và phản đối.
Thậm chí có nhiều ý kiến mang tính chất “khủng bố”, làm cho nhà thơ Đỗ Hoàng phải rút lui khỏi blog một thời gian. 

Tôi và Đỗ Hoàng cùng quê. Anh lớn hơn tôi chừng chục tuổi. Tôi quen Đỗ Hoàng từ hồi anh ra học Trường viết văn Nguyễn Du, năm 1982. Anh viết văn, làm thơ và dịch cả thơ chữ Hán. 

Tập thơ Tuý thì ca xuất bản năm 2001, anh dịch thơ Đường có những câu rất hay, ví dụ: “Rửa gươm trong sóng bể dâu/ Ngựa ăn cỏ máu tận đầu Thiên Sơn” (Nguyên văn: Tẩy binh điều chi thượng hải ba/ Phóng mã Thiên Sơn tuyết trung thảo - Bài Chiến thành Nam của Lý Bạch). 

Vào một buổi chiều cách đây hơn năm, tôi với Đỗ Hoàng ngồi nhâm nhi mấy cốc bia bên gốc sấu cổ, khi đã ngà ngà, anh liền đọc thơ. Lúc đầu tôi tưởng anh đọc thơ của anh sáng tác, nhưng không phải, mà đó là thơ người khác được anh dịch ra lục bát. Tôi cứ tưởng anh làm cho vui. 

Bẵng đi một thời gian, khi làng blogger xôn xao chuyện Đỗ Hoàng dịch thơ Việt ra thơ Việt tôi mới tìm đọc, thì đã bị anh xóa hết. Tôi liền “truy lùng” tóm gọn anh và lấy về được một tập bản thảo thơ dịch hơn 20 bài. 

Đỗ Hoàng nói nhỏ: “Đọc xong nhớ gửi trả mình nhé, đừng phát tán nguy hiểm lắm”. Tôi nghĩ, chắc Đỗ Hoàng còn sợ những tin nhắn trên blog, nên lo xa như vậy. Tôi hứa chỉ dùng một vài dẫn chứng để viết bài, sau đó trả anh ngay, anh mới yên tâm bắt tay tôi phóng xe máy đi nhà in. 

Đọc cả tập thơ dịch Đỗ Hoàng đưa, tôi thấy những nhà thơ được anh dịch nhiều nhất là Hoàng Vũ Thuật, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng… 

Một lần, hỏi chuyện Đỗ Hoàng, tôi được biết anh dịch thơ Việt ra thơ Việt bởi sự “phản ứng” với một số cây bút sáng tác thơ cách tân, làm thơ bí hiểm, người đọc không hiểu nổi. 

Anh và nhà thơ Vương Trọng - hai nhà thơ xuất thân từ thầy dạy Toán là hai đại biểu bảo vệ cách làm thơ truyền thống, bởi “thơ trọng ở tình cảm, đổi mới nội dung mới đáng quý, còn hình thức thơ như chúng ta từng có đã đủ để sáng tác được nhiều bài thơ hay”. 

Không những thế, Đỗ Hoàng còn viện dẫn cả Lục Du bên Tàu: “Công phu thâm xứ thi bình dị” (Thơ hay nhất là thơ phải bình dị). Thơ ca làm khó hiểu, rắc rối là hạ thấp thơ, anh không thể nào chịu nổi. 

Cơn “dị ứng” nổi lên, anh lôi ngay bài thơ Mãi viên trà của người bạn thân thiết nhất là Hoàng Vũ Thuật ra dịch. Sáng tạo lại trong cơn xúc động bởi sự ức chế, nên Đỗ Hoàng dịch rất nhanh. 

Dịch xong, đọc lại thấy hay, bài thơ như được “nâng cấp”, Đỗ Hoàng liền mang sang nhà nhà thơ Lê Đình Cánh - môt người thơ sành lục bát - đọc cho ông nghe.

Lê Đình Cánh “tiếp sức” cho Đỗ Hoàng bởi những lời khen ngất trời. Đặc biệt ông thích hai câu cuối:

Kết vào nhau tựa thêu thùa

Linh hồn tôi với ngải bùa cỏ cây

 (nguyên bản: kết dính vào nhau/ linh hồn tôi/ dính vào cành lá).

Không những thế, ông còn khuyến khích Đỗ Hoàng dịch tiếp và gửi in báo. 

Được đà, trong một tháng, anh dịch được hơn chục bài. Dịch được bài nào anh xuất bản mồm cho các bạn thơ, bạn rượu của mình nghe. Nhiều người khen ngợi. Thế là anh tung lên mạng.

Nhà thơ Tùng Bách ở tận Vũng Tàu khen trực tiếp trên blog bằng mấy câu lục bát:  

 Hoan hô bác Đỗ thật cừ

 Dịch Văn Cầm Hải cứ như uống trà

 Nguyên bản em đọc không ra

 Xem qua bản dịch thế mà lại hay. 

Tôi đã đọc hết những bài thơ của Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng, Trịnh Thanh Sơn… do Đỗ Hoàng dịch. Phải công nhận anh dịch lục bát rất khá. Không có một câu thơ nào lỗi vần. Ý tứ lại chuẩn. 

Bài thơ Giấc mơ đi qua của Vi Thùy Linh được anh dịch thành lục bát, nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “hay một cách bất ngờ”. 

Tôi xin trích một khổ thứ hai trong bài thơ đó, nguyên bản: 

Đêm qua rơi dải khăn mây
Gió đợi chờ nhau thơ thác
Này đọt yêu thương
Lớn trên tay những mầm khao khát 

Bản dịch:

Mây đêm buông xuống bất ngờ
           Thơ reo tiếng nhạc, gió chờ đợi nhau
           Tình yêu có phép nhiệm màu
            Dồn khao khát nhớ lên đầu ngón tay.

 

Chuyện chưa có hồi kết

Không giống như dịch thơ chữ Hán ra thơ Việt, Đỗ Hoàng dịch rất sát nghĩa, song dịch thơ Việt ra thơ Việt, có những chỗ anh “phải thêm lời, ý tứ vào bài thơ mới rõ nghĩa, vì bản chính tắc tị”. 

Vì vậy anh bảo nhiều khi phải “nghĩ nát óc” để đọc thơ, luận nghĩa. Đọc để hiểu được thơ của các nhà thơ “đổi mới” đã khó, dịch nó lại càng khó hơn. Khó bởi phải dịch làm sao thật sát, thật hay để người có bài thơ được dịch phải chịu, người đọc, người nghe phải khen. 

Thành công cũng có, song thất bại cũng không ít. Nguyên nhân thất bại là do không hiểu nổi bài thơ của tác giả đó nói gì, hoặc phải thêm ý của mình vào quá liều lượng. 

Đỗ Hoàng đơn cử một ví dụ nhỏ về tiêu đề một bài thơ của Hoàng Vũ Thuật, có tên Mãi viên trà. Khi mới đọc, Đỗ Hoàng không thể hiểu nổi. Sau này, có dịp vào Đồng Hới, Quảng Bình, anh mới thấy có cái quán tên Mãi Viên Trà mới vỡ lẽ. Thế mà khi dịch, chữ “Mãi Viên Trà” anh không thể nào dịch được, đành để nguyên.

Một lần gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ở Đồng Hới, tôi cho anh xem bài thơ Mãi Viên Trà do Đỗ Hoàng dịch. Hoàng Vũ Thuật đọc rất chăm chú. Đọc xong, ngẩng lên anh bảo: “Hoàng dịch rất chuẩn, lục bát có thần”. Nhưng sau đó mặt anh lặng buồn, nhìn ra cửa biển nói tiếp: “Đỗ Hoàng cũ lắm rồi. Bài thơ nào cũng dịch ra lục bát theo âm điệu của thế kỷ 18 thì còn gọi gì là thơ đời nay nữa…”. 

Tôi kể lại chuyện Hoàng Vũ Thuật đã nói cho Đỗ Hoàng nghe. Đỗ Hoàng “xù lông” nói cái câu đã từng nói rất nhiều lần, ở rất nhiều nơi về thơ lục bát: “Thơ lục bát là quốc hồn, quốc tuý. Truyện Kiều hay và mới đến muôn đời. Hoàng Vũ Thuật ngông cuồng!”. 

Tôi không dám bình luận gì thêm bởi Đỗ Hoàng đang trong cơn “cuồng nộ”. Chuyện người dịch thơ Việt ra thơ Việt đến nay chưa có hồi kết. Bởi càng ngày càng có nhiều người làm thơ theo lối mới, nghĩa là “không làm thơ theo lối tranh cảnh” như Phạm Quỳnh đã nói, mà thơ của họ đa chiều, lấy sự ám ảnh và nhịp tâm hồn làm trọng. Do đó, người dịch thơ còn phải “lao động” dài dài, và cần phải lao động có năng suất mới đạt được hiệu quả mong muốn. 

Rất may, hiện nay Đỗ Hoàng đang làm biên tập ở Tạp chí Nhà Văn, nên có điều kiện thuận lợi hơn. Và tôi nghĩ, không chừng, theo gót anh, có nhiều nhà thơ khác cũng đi dịch thơ Việt ra thơ Việt trong tương lai. Chuyện này dễ gây nên một “cú sốc” trong làng thơ Việt. 

Biết đâu, từ đó nảy sinh ra một cuộc tranh luận mang độ nóng cao, tạo đà cho cuộc cách mạng thơ trong giai đoạn mới? Khi đó, tên tuổi Đỗ Hoàng sẽ đi vào lịch sử văn học!

Tôi không muốn bình luận gì về chuyện dịch thơ này, vì người dịch là bạn tôi và người được/ bị dịch cũng là bạn/ đồng nghiệp của tôi. Tôi rất muốn đứng về một phía. Nhớ câu nói xưa “dĩ hoà vi quý”, nên chỉ xin phép được chép ra một bài thơ mà Đỗ Hoàng đã dịch để bạn đọc cùng xem xét, suy ngẫm. 

                                                        Theo: Trần Quang Đạo

 

Bản gốc:
Tôi nằm dưới bóng râm thời trang
Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố
Đất nước tôi
Những vòng môi mặn đỏ phù sa
Ngọn tầm vông chuyển giao đất trời
Tư duy tâm 
Đổi mới
Giấc chiêm bao lịch sử nóng ran
Công trường
Và chiếc nôi đầy đặn ngữ pháp khóc cười
Văn hiến
Đi tìm chồng cho mẹ Âu Cơ
Mà mất biết bao chùm điện tử
Không hoá giải
Hình quê hương trong khói hát mồ hôi…

Văn Cầm Hải 

Bản dịch:
Tôi nằm dưới bóng thời trang
Ôi, kinh nghiệm xanh râm ran phố phường 
Đất nước tôi mấy đoạn trường
Phù sa mặn đỏ thêm hường vòng môi! 
Ngọn tầm vông chuyển đất trời
Tư duy đổi mới hồn người tâm can! 
Chiêm bao lịch sử nóng ran
Công trường sôi động mở mang xứ nghèo 
Nôi đầy cười khóc, lời yêu
Nền văn hiến để dệt thêu bóng cờ 
Tìm chồng cho mẹ Âu Cơ
Bao chùm điện tử bất ngờ mất đi! 
Muốn hoá giải, phỏng được gì
Mồ côi khúc hát cũng vì hình quê!

Đỗ Hoàng 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: