Đang là giáo viên ở một trường tiểu học ven đô, tôi theo gia đình về thành phố và được chuyển công tác về Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì Phú Thọ
Ngày đó, Trung tâm mới thành lập, cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn, học sinh nhiều dạng tật: khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ… Đang quen với môi trường giáo dục hoà nhập, nay phải đối diện với những khó khăn ở một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, thời gian đầu tôi rất hụt hẫng và chán nản. Nhiều lần, tôi đã muốn chuyển công tác.
Nhưng rồi, thời gian đã giúp tôi thay đổi nhận thức của mình, giúp tôi cảm nhận được tình cảm mà những học trò đặc biệt dành cho mình. Sự không hoàn thiện về thể chất khiến các em thiếu cơ hội, điều kiện để phát triển và ít nhận được sự quan tâm, chia sẻ, nhưng các em lại rất biết quan tâm đến người khác. Khi cảm nhận được những tình cảm chân thật, trong trẻo ấy, tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện, những ước mơ thật nhỏ bé, giản dị của các em: được nhìn thấy gương mặt bố mẹ, anh chị, cô giáo của mình; được tiếng chim hót ngoài vườn… Trước sự hồn nhiên của các em, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình hơn. Không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của một giáo viên dạy văn hoá mà còn phải là người hướng các em làm quen và tự tin hoà nhập với cuộc sống ngoài kia.
Tôi đã từng phụ trách lớp khiếm thính và hiện đang là chủ nhiệm lớp ghép khiếm thị. Mỗi em một quê quán, một hoàn cảnh, nhưng khi đã đến đây các em đều coi nhau như anh em một nhà, rất đoàn kết, gắn bó. Ngoài dạy văn hoá, tôi vẫn thường xuyên chú ý đến nếp ăn ở, sinh hoạt cũng như hoàn cảnh gia đình mỗi em trong lớp. Tôi muốn mình có thể hỗ trợ kịp thời mỗi khi các em cần đến tôi. Nhưng thực tế các em còn trưởng thành hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Gặp chuyện gì khó khăn các em cũng đều tự giúp nhau giải quyết, chỉ những lúc không thể tự làm được mới nhờ đến giáo viên. Tôi đánh giá cao tính tự lập đó của các em và điều đó cũng thể hiện các em rất có ý thức trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, điều mà không phải bất kỳ em nhỏ bình thường nào cũng có thể làm được.
Tôi nhớ có em mới vào trường, chưa quen môi trường chuyên biệt, còn nhớ nhà nên vào được mấy hôm thì em trốn Trung tâm về trong một ngày mưa rét. Tất cả các thầy cô trong trường đã chia nhau đi tìm khắp thành phố. Đến khi thấy em đó đang co ro nơi góc đường, cô trò cùng ôm lấy nhau mà khóc. Việc đó khiến tôi nhận thức sâu sắc rằng: với các em khi đến với Trung tâm, điều đầu tiên các em cần chính là sự gắn bó, quan tâm, chia sẻ của thầy cô và những người bạn đồng cảnh. Có vậy mới giúp các em làm quen và hoà nhập được với cuộc sống tập thể.
Tôi bây giờ đã có tuổi, đã dìu dắt nhiều thế hệ học sinh khuyết tật tại Trung tâm này. Tâm sự, suy nghĩ của lứa tuổi các em thế nào, tôi cũng hiểu khá rõ, điều đó làm tôi thấy yêu quý các em và công việc của mình hơn. Tôi có ba người con đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Thấy tôi vất vả với việc chăm sóc, dạy dỗ các em tại Trung tâm, các con tôi đã khuyên mẹ chuyển công tác hoặc ở nhà nghỉ ngơi, nhưng tôi đều từ chối. Đối với tôi, Trung tâm giờ cũng giống như nhà mình, các em học sinh khuyết tật cũng giống như con cháu ruột rà của mình. Tình thương dành cho các em đã giúp tôi quên đi mọi khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống. Hoàn cảnh các em như vậy, các em rất cần sự quan tâm, khuyến khích, động viên của cộng đồng, giúp các em thoát khỏi mặc cảm khuyết tật, sống tự tin, có ích. Và tôi đã, đang và sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành cùng các em trên con đường hoà nhập ấy.
Nguyễn Thị An
Giáo viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật Việt Trì, Phú Thọ
(Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ)