Chủ nhật, 08/09/2024,


Lại Văn Long: 'Văn chương cần tôn vinh giá trị lớn' (07/12/2009) 

Gần 20 năm, sau truyện ngắn "Kẻ sát nhân lương thiện" (giải nhất báo Văn Nghệ năm 1990-1991), Lại Văn Long ra mắt tiểu thuyết "Thạch đế" (NXB Văn học, 2009). Dưới đây là cuộc trò chuyện với anh.

 

- Anh vừa trở lại đầy thuyết phục qua tập "Thạch đế" - tiểu thuyết đầu tay của anh. Vì đâu một thời gian dài anh ngưng sáng tác?

 

- Sau giải thưởng truyện ngắn của báo Văn Nghệ, tôi về làm việc tại báo Công an TP HCM. Công việc làm báo rất bận rộn, tôi không còn nhiều thời gian để viết văn, nhưng tôi vẫn suy nghĩ, ấp ủ những điều sẽ viết. Đến bây giờ ngoài Thạch đế, tôi đã có thêm một tập khác dày hơn, có lẽ sắp được in. Giải nhất của báo Văn Nghệ là một áp lực lớn nên tôi phải cố gắng nhiều hơn và chuẩn bị kỹ cho những gì mình sắp "trình làng"…

 

- 19 năm để anh đầu tư cho một tiểu thuyết quả là lao động nhà văn rất đáng trân trọng. Vậy anh hoàn thành cuốn sách khi nào?

 

- Tôi ngưng viết suốt một thời gian dài và chịu áp lực không nhỏ từ những thôi thúc của chính mình và sự nhắc nhở của độc giả, bạn văn. Dịp Tết Kỷ Sửu - 2009, chỉ trong một tháng công việc cuối năm thư giãn, tôi đã làm việc liên tục với cường độ viết trên dưới 15 giờ mỗi ngày và đã hoàn thành 5 chương còn lại vào chiều mồng 4 Tết Kỷ Sửu với niềm hạnh phúc khó tả! Tôi đã viết rất nhanh, từ mười đến hai mươi trang một ngày. Những suy nghĩ, kiến thức, cảm xúc tích lũy, dồn nén gần hai mươi năm tuôn ra ào ạt, nhiều khi viết đến tê dại cả tay; nhiều khi lo lắng không đủ thời gian, sức khỏe cho việc sáng tác. Tôi viết như đang sống trong một giấc mơ.

 

- Đọc tác phẩm mới biết anh vận dụng thực tế cho đến tư liệu qua sách, báo từ nghề báo. Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cho những bạn trẻ vào nghề văn?

 

- Văn chương cần tính độc đáo, dấu ấn của trải nghiệm cá nhân là rất quan trọng. Tôi cứ nhìn sự vật, hiện tượng và thông tin nhiều chiều theo cách của mình rồi ghi nhớ và thể hiện trên tác phẩm cũng bằng cách riêng của mình. Chúng ta luôn kính phục bậc tiền bối tài hoa, nhưng không thể lặp lại điều họ đã viết về nội dung lẫn bút pháp.

 

- Từng là sinh viên triết, duyên cớ đâu anh lại chọn con đường viết văn, viết báo?

 

- Cuối năm 1983, khi tôi học lớp 12A trường PTTH Đức Trọng -Lâm Đồng, thầy giáo dạy văn là Nguyễn Văn Hương đã nói với học sinh rằng: chưa có tác phẩm văn học phản ánh khái quát, tổng thể xã hội Việt Nam sau hai cuộc kháng chiến vừa qua. Thầy lại giới thiệu về Ttrường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội. Từ buổi học đó, tôi cứ bị ám ảnh lời thầy. Đến nỗi 25 năm sau, khi nghe có người tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, tôi đã ra tận Hà Nội tìm gặp, làm quen và hỏi xem trong ngôi trường đặc biệt đó, họ đã học được điều gì? Cũng từ buổi học đó, tôi mơ ước mình viết được một tiểu thuyết như thầy đang mong. Đó cũng chính là lý do tôi đeo đuổi viết Thạch Đế suốt nhiều năm qua…Với nghề báo, nếu tôi không chọn thì còn biết làm nghề gì để kiếm sống và lo cho gia đình? Tôi yêu nghề báo vì đam mê khám phá và cả vì lý do nói trên!

 

- Thông qua tiểu thuyết "Thạch đế", anh gởi thông điệp gì cho thế hệ trẻ?

 

- Ngoài tính triết lý, tôi thích văn chương phải tôn vinh được những giá trị lớn lao của dân tộc và phải công bằng trong đánh giá những nhân vật và sự kiện lịch sử. Tôi ghét những loại nghệ thuật hay cách tuyên truyền làm hèn thế hệ trẻ và dẫn người ta vào góc tối tăm, hỗn loạn, không định hướng!

 

Nhà văn Lại Văn Long sinh năm 1964 tại Đà Lạt (gốc Huế, Bình Định), tốt nghiệp khoa Triết ĐH Tổng hợp TP HCM (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn). Anh viết báo từ năm 1988. Tháng 5/1992, anh công tác tại báo Công an TP HCM dến nay.

Lại Văn Long từng nhận hơn 20 giải thưởng báo chí. Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của anh được dịch ra tiếng Anh - Pháp - Nhật, in trên một số tạp chí, tập truyện ở nước ngoài.

- Đầu tư dài hơi gần 20 năm cho một tiểu thuyết, tác phẩm đã trình làng anh có hy vọng sự đón nhận của bạn đọc, nhất là giới trẻ?

 

- Tôi biết Thạch đế rất kén độc giả. Nhưng tôi tin rằng ai đã chịu đọc sẽ tìm được điều thú vị, dù đó là người đã trải qua những thời kỳ đáng nhớ của đất nước, hay thế hệ thanh niên 8X, 9X lớn lên cùng tiến trình đổi mới với "Ăn ngon mặc đẹp" và giao lưu thoải mái, rộng rãi với thế giới.

 

- Sau tiểu thuyết “Thạch đế”, anh tiếp tục viết gì?

 

- Tôi đã hoàn tất tập thứ hai gồm 2 truyện vừa và 12 truyện ngắn. Tôi đang phấn đấu để một hai năm tới có thể in thêm được một tiểu thuyết, cũng theo khuynh hướng "pha" triết, sử như Thạch Đế.

 

 

Theo Nguyễn Tý (VnExpress)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: