Thứ bảy, 20/04/2024,


Tác giả "Bờ sông vẫn gió" hiện sống ra sao? (19/08/2008) 

 

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông. Sinh năm 1940 tại Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh  Nam. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông còn có bút danh là Linh Vân, Chiêu Thương...

Bạn đọc biết đến Trúc Thông là một nhà thơ và nghiên cứu lý luận phê bình, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990). Trúc Thông từng nhiều năm làm việc tại Ban Văn nghệ - Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã cho xuất bản các tập thơ: Chầm chậm tới mình (1985, in chung với Thời yêu thương của Đào Cảng), Maratông (1993); Một ngọn đèn xanh (2000); Vừa đi vừa ở (2005). Ngoài ra, Trúc Thông còn in các tập: Văn chương ngẫu luận (tiểu luận phê bình, 2003); Mẹ và em (thơ có bình thơ, 2006)...

 

Các nhà thơ: Đặng Vương Hưng, Trúc Thông, Trần Đăng Thao và Nguyễn Thanh Kim.

 

Mới nửa năm về trước thôi, khi có dịp tới Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), người ta thường hay gặp một người đàn ông tầm thước, gày gò, trán hơi hói và đặc biệt dễ nhớ bởi mái tóc điểm bạc để dài, bồng bềnh, rất thi sĩ. Ông thường đi đôi giày bệt, xách theo cái túi nhỏ, thể nào trong đó cũng có mấy tập thơ, bản thảo (cũng về thơ) của chính ông, hoặc bạn bè vừa tặng.

Trúc Thông là người viết chậm, không nhiều và kỹ tính. Ông luôn chú ý đến chuyện cách tân và đổi mới. Trúc Thông cũng là một nhà thơ đặc biệt quan tâm dìu dắt lớp trẻ, ủng hộ cái mới, cá lạ, dù còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhà thơ Trúc Thông có nhiều bài thơ mang tứ độc đáo, gây ấn tượng mạnh, nhưng bạn đọc khó thuộc, khó nhớ vì hầu hết chúng đều là thơ tự do. Ngoài ông ra, ít người yêu thơ nào đọc nổi cả bài như thế, vì sự trúc trắc, gồ ghề và phóng khoáng của chúng. Cả đời làm thơ tự do, với những cách tân, tìm tòi thể hiện cả về nội dung và hình thức, nhưng thi phẩm của nhà thơ Trúc Thông được người ta nhớ nhiều, hay nhắc đến nhất lại là bài...  thơ lục bát 'Bờ sông vẫn gió' (lucbat.com đã giới thiệu trong chuyên mục “Mỗi ngày một bài thơ”).

Mỗi khi đi qua Sông Hồng, nhìn bờ bãi thôn quê, trong đầu người yêu thơ bất giác vang lên: 'Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về'. Đó là một trong những câu thơ để đời, buộc người ta không thể quên được Trúc Thông.

Nhà thơ Trúc Thông lập gia đình hơi muộn. Cuối năm 1988, mãi 50 tuổi, anh mới cưới vợ. Hồi đó, Trúc Thông còn ở một căn phòng nhỏ ở 16 Hồng Phúc, gần Dốc Hàng Than. Nghe tin Trúc Thông lấy vợ, bạn bè không được mời cũng kéo đến chia vui đông quá, thành ra thiếu cỗ. Mấy anh em làm thơ trẻ chúng tôi chúc mừng xong, phải lặng lẽ kéo nhau ra phố ăn phở. Chị Đỗ Minh Nguyệt, vợ của nhà thơ Trúc Thông là một phụ nữ dễ thương, quê Bắc Giang, hiện đang làm việc tại Văn phòng Hội Nhà văn. Họ đã có với nhau hai cô con gái xinh đẹp và thông minh: Cô chị là Đào Đỗ Phùng Linh, đang học năm thứ ba, Khoa Tiếng Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội. Cô em là Đào Đỗ Phùng Vân, vừa thi đỗ vào Khoa Đông phương học, Trường Đại học KHXHVNV Hà Nội.

Cuối tháng 2 năm 2008, nhà thơ Trúc Thông bị tai biến mạch máu não. Gia đình đã đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị nằm cả tháng trời. Bạn bè đến thăm, cứ ngỡ Trúc Thông không qua khỏi, vì ông bị liệt và không nói được.

Nhưng khi vợ con đưa ông về nhà để châm cứu và chữa thuốc Nam thì Trúc Thông đã hồi phục rất nhanh. Bây giờ, ông đã đã có thể nói chuyện với mọi người, dù còn khó khăn và chưa 'tròn vành rõ chữ'. Mỗi ngày, ông thường kiên trì tập đi bộ cả cây số dọc con đường nhỏ khu An Dương - Tân Ấp, chạy song song với sông Hồng để phục hồi lại sức khỏe...

            Một ngày giữa tháng Tám, người viết bài này đã cùng Nhà thơ Trần Đăng Thao (Tổng biên tập Báo Gíao dục và Thời đại), nhà thơ Nguyễn Thanh Kim (Báo Sức Khoẻ và Đời sống) cùng đến Bãi Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, để thăm nhà thơ Trúc Thông. Biết đó là khu dân cư ngoài đê, tìm nhà rất khó khăn, nên vừa đi, chúng tôi vừa điện cho số máy nhà riêng của Trúc Thông: 04.9270139. Con gái ông đã chỉ dẫn rất cụ thể: Nhà số 63c, ngõ 15, phố Nghĩa Dũng... Nhưng cuối cùng vẫn phải có người ra đón chúng tôi mới vào được đến nơi. Đúng là... 'Bờ sông vẫn gió'. Đang mùa lũ về, ngôi nhà gia đình nhà thơ Trúc Thông ở chỉ cách mép nước sông Hồng đỏ nặng phù sa chừng hơn chục mét.

            Bất ngờ có khách đến chơi, Trúc Thông rất vui. Ông bắt tay từng người, nhớ tên tất cả. Nhưng nói còn khó nghe lắm. Khi tôi đề nghị Trúc Thông đọc lại bài thơ 'Bờ sông vẫn gió' để ghi hình và giọng đọc đưa lên mục 'Tác giả đọc thơ' của website lucbat.com, thì ông đồng ý ngay. Nhưng Trúc Thông nghĩ mãi mà chẳng nhớ câu đầu, ngắc ngứ mất một lúc. Di chứng của cơn tai biến khiến ông nhớ quên như thế. Rồi Trúc Thông bắt đầu đọc. Giọng ông không còn vang, truyền cảm như ngày trước, phải lắng tai mới nghe được, cứ thì thào như tiếng gió thổi về từ xa lắm:

            Lá ngô lay ở bờ sông

            Bờ sống vẫn gió

            Người không thấy về

            Xin người hãy trở về quê

            Một lần cuối... một lần về cuối thôi

            Về thương lại bến sông trôi

            Về buồn lại đã một thời tóc xanh...

                                                Hà Nội, tháng 8-2008

                                                  Đặng Vương Hưng

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: