Thứ bảy, 18/05/2024,


Lặng lẽ cuộc đời với dân ca (28/11/2009) 

Dưới chân núi Kông Chro hùng vĩ, ngã mình bên dòng sông Ba thơ mộng, hiền hòa đi qua Tây Nguyên đại ngàn, có một vợ chồng nghệ sĩ hết lòng yêu dân ca. Gần suốt cuộc đời họ đã lặng lẽ đi 'nhặt' dân ca để đem về dâng tặng cho đời… Đó là vợ chồng nghệ sĩ H'Ben. Tình yêu dân ca của họ cũng thật lãng mạn như chính tình yêu của người con gái Bah Nar với chàng trai Hà Nội đã đi vào thơ ca…

 

Một đời ngân nga câu dân ca Tây Nguyên

 

Hồi tôi mới lên Tây Nguyên, chị H'Ben được mời dạy ở Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai. Thỉnh thoảng, chị ghé sang khu nhà tập thể tôi ở và hát vài bài dân ca Tây Nguyên cho nghe. Nghe giọng hát của chị mà lòng thấy càng yêu Tây Nguyên hơn và được tiếp thụ dân ca Tây Nguyên cũng bắt đầu từ dạo ấy. Sau vài năm chị về hẳn Kông Chro, nhưng dù có đi đâu, ở đâu, tiếng hát của chị cũng vẫn in mãi trong trái tim nhiều người.

Từ lúc sinh ra, hình như trời đã phú cho tiếng hát H'Ben ngọt lịm như quả ngọt chín rừng. Rồi lớn lên ra miền Bắc, câu dân ca Tây Nguyên qua giọng hát 'vàng' của H'Ben càng được 'nâng tầm'. H'Ben đi lưu diễn hầu khắp các nước trên thế giới từ Âu sang Á, đâu đâu cũng làm say đắm lòng người.

Sau ngày giải phóng, ước nguyện được trở về miền Nam của H'Ben đã trở thành hiện thực. Một năm sau, người chồng yêu quý của H'Ben cũng theo vợ về ở với núi rừng Tây Nguyên, đó là anh Lê Đức Thịnh, một chàng trai Hà Nội.

Rồi ngày ngày H'Ben đi dạy ở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, tối về chép nhặt dân ca. Mùa nghỉ hè chị cùng chồng với chiếc xe cà tàng lặn lội khắp núi rừng Tây Nguyên để sưu tầm những bản dân ca Bah Nar, Jơ Rai, Xê Đăng… còn sót lại trong dân gian. 'Nhặt' về, chị vừa hát, vừa tu sửa cùng chồng đàn cho tiếng dân ca vút cao, bay xa tỏa khắp buôn làng Tây Nguyên. Khi hoàn thành, H'Ben mang những bản dân ca ấy dạy cho học sinh của mình hát theo.

 

             

Vợ chồng H'Ben và người con trai tật nguyền. Ảnh: N.Như.

 

Những ngày trở về dưới chân núi Kông Chro, sống bên căn nhà sàn nhỏ bé nơi dòng sông Ba đầy thơ mộng và lãng mạn, những câu dân ca Tây Nguyên lại được cất cao, vút xa trong veo như tiếng suối reo qua chất giọng H'Ben. Ngày đi làm rẫy, đêm về H'Ben lại chép, sửa những bài dân ca vừa sưu tầm mới cho hoàn thiện để rồi đem… dâng tặng cho đời.

 

Lãng mạn đến cuối cuộc đời

 

Chị H'Ben kể: Năm lên 12 tuổi, chị nghe có cán bộ ở đồng bằng lên bảo rằng: 'Muốn cứu dân làng thoát cảnh làm tay sai cho giặc Pháp thì phải theo cách mạng đánh Pháp'. H'Ben so thân vào cột nhà thấy mình đã cao dong dỏng và xin phép cha mẹ lên đường.

Rồi một đêm vắng, H'Ben gùi hai bao thóc theo bước anh em lên rừng tiếp sức cho bộ đội đánh Pháp. Hết làm nhiệm vụ tải lương thực, H'Ben lại tham gia vót chông và biểu diễn văn nghệ…

Năm 1955, H'Ben tập kết ra Bắc vừa làm công tác 'văn công' vừa học văn hóa. Năm 1957, H'Ben là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được đi dự Đại hội thanh niên thế giới tại Matxcơva (Nga). Khi về nước, Bác Hồ đến thăm và căn dặn: 'Cháu phải cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp ích cho đời'. Ghi sâu lời dặn của Bác, H'Ben đã mài công học tập và cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. H'Ben càng học giỏi, càng hát hay.

Tiếng hát ngọt ngào của H'Ben không chỉ vang vọng khắp núi cao, rừng sâu ở Việt Nam mà còn vượt cả đại dương bao la đến tận các nước bạn Đông Âu, Đông Á… Rồi tiếng hát vang xa bất tận ấy lại mang cả hơi ấm quê hương Tây Nguyên đi sâu vào lòng Anh hùng Núp.

Vào khoảng thời gian 1958, vợ đầu của Anh hùng Núp là H'Liêu đã mất. Theo tục Bah Nar, người em gái của H'Liêu là Chrơ sẽ kế tục. Nhưng lúc này ở Tây Nguyên đã bị bặt tin nên Anh hùng Núp cưới H'Ben làm vợ. Trai tài gái sắc, hơn 6 năm chung sống hạnh phúc với Anh hùng Núp ở miền Bắc, hai người đã có với nhau được một người con trai là Đinh Trung Kiên. Sau khi về miền Nam, hay tin Chrơ còn sống nên H'Ben đã nhường hạnh phúc của mình lại cho Chrơ.

Năm 1964, mối tình thầm lặng giữa H'Ben, cô học trò cá tính có giọng hát trong như tiếng suối reo với chàng trai Hà Nội mang tên Lê Đức Thịnh, người thầy dạy văn hóa và chơi viôlông tài hoa lại bắt nhịp cầu uyên ương hạnh phúc mới. Vì tình yêu mà chàng trai này đã lặng lẽ khăn gói lên tận Hà Bắc tìm H'Ben ngay trong ngày mùng một Tết, rồi họ quấn quít bên nhau như cây không thể lìa cành, chim không thể lìa cánh cho đến ngày đầu bạc răng long mãi tận bây giờ.

 

Theo Ngọc Như (Báo CAND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: