Thứ bảy, 18/05/2024,


Một họa sĩ say mê vẽ chân dung (27/11/2009) 

Hơn 70 chân dung văn nghệ sĩ trong bộ Bản diện kim cương bất hoại (Những gương mặt đẹp bền vững như kim cương, thời gian không thể xóa nhòa) với tổng số 108 tác phẩm được họa sĩ Ðinh Quang Tỉnh sáng tác trong suốt 10 năm vừa ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong số ít tác giả vẽ nhiều chân dung văn nghệ sĩ tên tuổi nhất Việt Nam.

 

Họa sĩ Ðinh Quang Tỉnh (tên thường gọi Ba Tỉnh) sinh năm 1944 tại Xuân Trường, Nam Ðịnh. Theo học ngành cơ khí, từ khi còn làm việc tại Nhà máy cơ khí Hà Nội, ông đã tham gia phong trào vẽ tranh cổ động, châm biếm phục vụ sản xuất và chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và trở thành cây bút biếm họa quen thuộc của các Báo Nhân Dân, Lao Ðộng, Hà Nội mới, Văn Nghệ... Khi còn trẻ, ông có may mắn được hai người thầy trực tiếp giảng dạy cơ bản về hội họa là nhà điêu khắc Nguyễn Thiện và họa sĩ Ðỗ Tố.

 

Bức chân dung đầu tiên Ðinh Quang Tỉnh sáng tác trong những giây phút ngẫu hứng là chân dung họa sĩ Thành Chương, vào mùa xuân năm 2001. Cũng chính nhờ sự khích lệ của Thành Chương, ông bắt tay vào vẽ chân dung các văn nghệ sĩ mà mình quen biết, mến mộ với dự định hoàn thành bộ Bản diện kim cương bất hoại với tổng số 108 chân dung. Ông thường vẽ trực tiếp, vẽ theo trí nhớ, theo tài liệu ký họa hoặc theo ảnh nếu nhân vật đã qua đời bằng chất liệu chủ yếu là sơn dầu. Chặng đường sáng tác của ông định hình từng giai đoạn rõ nét. Hai năm đầu là giai đoạn tìm tòi thử nghiệm đầy xúc cảm, háo hức, cho ra đời những tác phẩm được bạn bè và đồng nghiệp đánh giá cao như chân dung nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Nguyễn Sáng. Những năm tiếp theo, tác giả đến thời kỳ làm chủ được mầu sắc, đi sâu miêu tả cá tính với những nét vẽ khoáng đạt. Nhiều bức tranh thành công bất ngờ như chân dung nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nam Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Văn Như Cương... Hai năm 2008 - 2009 có lẽ là thời kỳ ông hoàn toàn nhập thần, thăng hoa khi trong vòng chín tháng đã hoàn thành gần 40 tác phẩm, trong đó có những tranh rất đạt như chân dung nhà thơ Bùi Giáng, NSND Ðào Mộng Long, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà sử học Dương Trung Quốc, dịch giả Ðoàn Nguyên Huyến... Xem chân dung Nguyễn Gia Trí và Văn Như Cương ông vẽ, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả tượng đài Mẹ dũng sĩ Quảng Nam - Ðà Nẵng nhận xét: "Không thể có bức nào đẹp hơn thế nữa!".

 

Cho dù coi hội họa là những ngẫu hứng, là một cuộc chơi, nhưng chọn vẽ chân dung những người nổi tiếng lại chính là một cuộc chơi đầy thử thách khắc nghiệt với Ba Tỉnh. Bởi không chỉ đòi hỏi phải vẽ giống, mà còn cần làm toát lên cái thần thái, hồn vía của mỗi con người ngoài đời, những con người đã rất quen thuộc với công chúng. Nhiều phen họa sĩ Ba Tỉnh từng phải buông cọ, bỏ tranh, vẽ đi vẽ lại. Có những người bạn ông hết lòng yêu quý, muốn khám phá, muốn thể hiện tấm tình mà vẫn chưa tới được, phải "nợ" mãi mới trả được như Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Trần Cương... Thế mới biết "nghề chơi cũng lắm công phu!".

 

Bằng cảm xúc và lao động nghệ thuật cần mẫn, hơn 70 bức tranh tại triển lãm lần này đã phần nào thể hiện được khả năng hội họa và tấm lòng yêu mến, tôn vinh của họa sĩ Ðinh Quang Tỉnh với các văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà. Tấm lòng ấy đã nhận được những hồi âm sâu sắc từ đông đảo bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật và gia đình nghệ sĩ. Ðó là những dòng thư xúc động của con gái cố nhà văn Sơn Nam: "Thật bất ngờ khi vô tình lên mạng, cháu được xem bức tranh chân dung của ba cháu, nhà văn Sơn Nam. Bức họa rất giống ba cháu từ đôi mắt, khóe miệng, sự khắc khổ và ánh mắt xa xăm trong bức tranh đã làm cháu thật xúc động vì đã thể hiện rất thật về con người của ba cháu... Cháu nghĩ, chỉ có sự kính mến và vô cùng yêu thương người ta mới có thể vẽ lại được như vậy".

 

PHƯƠNG LIÊN

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: