Thứ hai, 02/12/2024,


Người làm sống lại nghề nhạc cụ dân tộc (26/11/2009) 

Xuất thân là một gia đình nghèo khó, từ đôi bàn tay trắng với niềm đam mê nhạc cụ của dân tộc mình, Rchâm Tih đã trở thành “ông chủ” của một HTX sản xuất nhạc cụ dân tộc với 20 nhân công đều là đồng bào các dân tộc. Năm nay 38 tuổi, Rchâm Tih là một trong những nghệ nhân trẻ nhất của vùng đất Tây Nguyên còn tình yêu và niềm đam mê lưu truyền nghề làm nhạc cụ dân tộc.

 

Yàng (Trời) cho tài năng

 

Người già ở làng Jút xã IaDê huyện Iagrai (Gia Lai) đều còn nhớ tuổi thơ của cậu bé Rchâm Tih cũng chính bởi niềm đam mê nhạc cụ dân tộc đặc biệt của Tih. Gia đình nghèo, trong nhà không có cồng, chiêng, cũng không có đàn T’rưng, đàn Goong hay Krong Put nhưng Rchâm Tih như được Yàng cho cái tài, cái khéo của người làm nhạc cụ. Dù đang lên rẫy, cứ thấy ở đâu có tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng vang lên là Tih như quên hết công việc. Cậu bé Tih ngày ấy cứ đến những gia đình có người già, nhìn các cụ làm nhạc cụ. Cái gì không hiểu thì lại hỏi. Dần dần, đôi tay khéo léo của cậu bé 12 tuổi đã biết làm các nhạc cụ.

 

                    

Nghệ nhân Rchâm Tih

 

Nhưng khi cậu biết làm nhạc cụ cũng là lúc mà các hoạt động văn nghệ của đồng bào trong làng không còn sôi nổi như xưa nữa. Rchâm Tih chỉ làm đàn Goong khi cây đàn của mình hoặc của người bạn nào đó trong làng Jút hay các làng bên hỏng. Tuy vậy, tài làm nhạc cụ và tài đánh đàn T’rưng, đánh cồng, chiêng của Rchâm Tih vẫn được cả làng Jút biết đến.

Năm 1991, khi huyện Iagrai tìm người cho hội diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh, Rchâm Tih đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất hội diễn. Tih còn nhớ mãi lần về Huế năm 1997, đánh đàn T’rưng ở giữa đất cố đô, đấy là lần đầu tiên xa mảnh đất đỏ và nắng gió Tây Nguyên đến thế. Từ đó đến nay, gia tài của người nghệ nhân trẻ này là 15 huy chương Vàng tại các hội diễn cấp tỉnh và Trung ương.

Khi được hỏi tại sao trong gia đình, không ai có tài đánh đàn, đánh cồng chiêng mà Rchâm Tih lại giỏi đánh cồng chiêng và giỏi làm nhạc cụ thế? Tih cười: “Chắc là Yàng cho thôi”.

 

Thắp niềm đam mê làm nhạc cụ cho đồng bào.

 

Là người Ê Đê, không được học tập ở trường lớp nào về âm nhạc, thậm chí, còn chưa học hết phổ thông nhưng Rchâm Tih rất am hiểu về nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Anh bảo: “Một dàn nhạc của đồng bào Jrai, Ba Na phải có đến 15 nhạc cụ. Trừ cồng chiêng là phải mua, còn các nhạc cụ làm bằng tre, nứa của đồng bào, Rchâm Tih đều làm được”.

Từ một nghệ nhân đánh đàn T’rưng, biết làm nhạc cụ để cho mình và bà con trong làng. Dần dần, nhiều người biết đến anh, lặn lội về làng Jút để mua các nhạc cụ mà anh làm. Bán được nhạc cụ, ảnh làm nhiều hơn. Dần dần, anh rủ bạn bè, bà con trong làng đến học và cùng làm với anh để kịp cho việc đặt hàng của khách.

Tiếng lành đồn xa, từ việc sản xuất tại nhà với những “nhân công” là người thân, bạn bè, đầu năm vừa qua, Rchâm Tih đã được Hội khuyến công của tỉnh Gia Lai ủng hộ bằng việc xây cho một xưởng sản xuất ở ngay thành phố Pleiku.

Thế là, ngày ngày phải từ làng Jút đi đến xưởng cách xa 15km nhưng Rchâm Tih phấn khởi lắm. Đặc biệt, những người bạn, người dân trong làng theo anh làm nghề cũng tin tưởng vào công việc mà anh mang lại cho họ. Hàng ngày, đi đi về về hơn 30 km từ làng đến xưởng, nhưng không ngày nào mọi người không đến làm với RChâm.

Giờ Rchâm Tih đã trở thành chủ nhiệm của Hợp tác xã Sản xuất nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên. Có đến 20 nhân công, mỗi tháng trả công cho họ từ 800.000đ đến 1,2 triệu đồng.

Làm được một cây đàn T’rưng không đơn giản, Rchâm Tih kể: “ngày xưa, người già làm một cây đàn T’rưng phải tốn công và thời gian lắm. Tre được mang về phải ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới mang lên để làm đàn. Giờ việc làm đó được đơn giản đi hơn. Tre chặt về phải phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp. Có 3 công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn T’rưng làm chỉ trong một ngày là xong nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng trời. Để làm được một cây đàn T’rưng ba giàn có giá bán 1,5 triệu thì riêng tiền làm vật liệu đã lên đến 500-600 ngàn rồi.

Một điều khiến Rchâm muốn khôi phục lại nghề làm nhạc cụ là vì trong ký ức của cậu bé RChâm yêu âm nhạc thủa bé mỗi dịp lễ tết, làng Jút luôn vang lên tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Goong, đàn Krông Put, T’rưng… Mỗi dịp lễ tết, trai làng này lại thể hiện tài làm nhạc cụ, đánh nhạc cụ với trai làng kia trước mặt các cô gái. Nhưng giờ đây, “người trẻ không còn cầm dao, không đan gùi, không biết làm nhạc cụ nữa. Anh muốn tụi trẻ con nhìn thấy anh làm, sẽ có nhiều đứa theo học, yêu mến nghề này và làm theo”.

Ngay từ khi bắt đầu làm nhạc cụ dân tộc, Rchâm đã không nghĩ mình làm vì tiền. Nhưng giờ, trở thành HTX, phải lo cho mọi người có niềm đam mê làm nhạc cụ như mình có đủ cơm ăn, áo mặc nên Rchâm lại đâm lo. Muốn duy trì nghề và dạy cho tụi trẻ thì phải bỏ vốn ra làm. Vừa rồi, anh đã tự bỏ ra hơn 50 triệu (cả gia tài của mình- Rchâm) để đầu tư cho các hoạt động của HTX. Mong muốn của Rchâm là Hội Khuyến nông sẽ hỗ trợ thêm bằng việc cho vay vốn để mở các lớp đào tạo làm nhạc cụ cho đồng bào.

Được hỏi, người trẻ làm nhạc cụ, Rchâm có dạy họ đánh đàn không, Rchâm cười: “Biết đánh đàn sẽ mê làm nhạc cụ và mê làm nhạc cụ sẽ mê đánh đàn. Nhạc cụ của người Tây Nguyên là thế. Nhìn qua thì dễ làm và dễ đánh làm, nhưng làm thế nào cho đúng, đánh thế nào cho đúng mới cần học”.

Làm nhạc cụ dân tộc, đánh nhạc cụ dân tộc thế nào cho đúng, hôm nay, vẫn đang có những người như Rchâm Tih lưu giữ cho mảnh đất tây Nguyên.

 

 

Bài & ảnh: Hồng Hà

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: