Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài 'Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007 - 2010' do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức phát động từ tháng 9-2007 đến nay đã thu hút nhiều nhà văn cùng các cây bút trẻ trong và ngoài Lực lượng Công an Nhân dân tham gia.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thụ (ĐT: 0903423414) - Phó Giám đốc, kiêm Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân - cho biết, nhiều tác phẩm dự thi đã góp phần khắc họa rõ nét thêm hình tượng người chiến sĩ CAND trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, tạo thành nét riêng trong dòng chảy chung của văn hóa nghệ thuật cả nước.
P.V: Thưa Đại tá, nhiều nhà văn cho rằng mảng đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống dường như là một “vùng đất” chưa khai phá. Là thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi nói trên, Đại tá nghĩ gì về điều này?
Đại tá Nguyễn Thụ: Theo tôi, đề tài này từ lâu đã trở thành một mảng không thể thiếu trong đời sống văn học Việt
Cuộc thi được phát động nhằm vào ý nghĩa đó, đồng thời hướng đến kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2010), 60 năm CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an Nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”.
P.V: Là một nhà quản lý (Phó giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB CAND) đồng thời cũng là một nhà văn (bút danh Hoàng Huệ Thụ - tác giả của hàng chục tác phẩm phê bình và sáng tác văn học) Đại tá đánh giá như thế nào về cuộc thi sau 2 năm phát động?
Đại tá Nguyễn Thụ: Cuộc thi đã đi được hai phần ba chặng đường, đến nay có hơn 100 đề tài sáng tác đăng ký và khá nhiều tác phẩm gửi về dự thi, đề cập đến những vấn đề nổi cộm trên mặt trận giữ gìn ANTT.
Qua 2 năm kể từ ngày phát động cuộc thi, nhiều tác giả đã có sách in tại Nhà xuất bản CAND như: nhà văn Phan Quế với tiểu thuyết “Bao Công làng” xây dựng chân dung một sĩ quan CA sau khi nghỉ hưu vẫn hăng hái tham gia bảo vệ ANTT ở nông thôn; nhà văn Võ Bá Cường với tiểu thuyết “Những kẻ đeo mặt nạ” khắc họa đậm nét hình ảnh người CAX đấu tranh chống tham nhũng ở nông thôn. Ở đề tài chống ma túy và tội phạm công nghệ cao có nhà văn Nguyễn Như Phong với tiểu thuyết “Chạy án” đã được chuyển thể thành phim truyền hình trong chuỗi phim “Cảnh sát hình sự”. Tập ký “Bức tường lửa lặng lẽ” của Đỗ Doãn Hoàng và tiểu thuyết “Ác mộng trắng” của Nguyễn Trung Dũng phân tích những âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm ma túy, những tác hại ghê gớm của ma túy với con người, đồng thời phản ảnh cuộc chiến đấu gian khổ và những mất mát, hy sinh của các chiến sĩ Công an nhằm ngăn chặn, vạch trần tội ác của bọn buôn bán cái chết trắng.
Một số cuốn tham dự cuộc thi đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài Ngành; kể cả dư luận trái chiều nhau, có lúc tưởng chừng khá 'gay gắt' như 'Quận chú Biệt động' -Tiểu thuyết của nhà văn Đặng Vương Hưng. Điều đáng quý là nhiều nhà văn 'lão làng' rất nhiệt tình tham dự Trại viết như: Nhà văn Nguyễn Quang Hà với tập ký “Cuộc chiến đấu quả cảm” viết về chiến công của các chiến sĩ Công an huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Truyện ký “Thời ấy chưa xa” của Hàn Thế Dũng; 'Đi về phía chân trời' -Tiểu thuyết của Tô Đức Chiêu và bản thảo “Đức tin” của nhà văn Ngôn Vĩnh đi sâu vào cuộc chiến đấu chống lại bọn phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng và khắc họa hình ảnh đẹp của các chức sắc tôn giáo, các chiến sĩ Công an trong cuộc đấu tranh thầm lặng này...
Một số tác phẩm dự thi có nội dung phong phú, cách viết cũng khá mới lạ như 'Trại Hoa Đỏ'- Tiểu thuyết trinh thám kinh dị của nhà văn trẻ Di Li; 'Bước chân hoàn vũ'-Tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn; 'Hùng Karô'- Tiểu thuyết của Chu Lai; 'Phiên bản'-Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú v.v… Nhà văn Dương Hướng, nhà văn Võ Khắc Nghiêm và nhiều nhà văn cũng đang hoàn thành tác phẩm dự thi để sớm gửi về Ban Tổ chức cuộc thi.
Hai năm qua, cuộc thi đã gặt hái được những thành quả bước đầu khá tốt đẹp, tạo đà cho thời gian nước rút tới sẽ có nhiều tác phẩm dự thi có giá trị.
P.V: Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức 3 trại sáng tác văn học và một số chuyến thâm nhập thực tế để các nhà văn có tài liệu tham gia dự thi. Cụ thể ra sao, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Thụ: Đầu năm 2008, chúng tôi đã tổ chức thành công Trại sáng tác lần thứ Nhất tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và đưa các nhà văn đi thực tế ở một số trại giam của Cục V26 - Bộ Công an. Năm 2009, hoạt động tương tự đã diễn ra ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chúng tôi mới tổ chức Trại sáng tác lần thứ Hai tại Đà Lạt - Lâm Đồng.
Dự kiến vào quý 1 năm 2010, chúng tôi sẽ tổ chức Trại sáng tác lần thứ Ba tại Khánh Hoà hoặc tại Đà Nẵng. Trong tháng 10 và 11 năm 2009, Chi Hội Nhà văn Công an và Báo Công an Nhân dân cũng đã tổ chức thành công Trại viết tại Sầm Sơn -Thanh Hoá. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ thật hiệu quả hơn nữa của các nhà văn, các cây bút văn xuôi trong và ngoài Ngành: bằng cách đăng ký đề tài,tác phẩm tham dự trại sáng tác với Cơ quan thường trực Nhà Xuất bản Công an nhân dân 167-Mai Hắc Đế- Hà Nội, qua một trong các số máy: 0913094890 (miền Bắc); 0913210520 (các tỉnh miền Trung) và 0903709165 (Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ). Chúng tôi vẫn mong muốn các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ hãy thực sự vào cuộc, hưởng ứng mạnh mẽ và ủng hộ cuộc thi hơn nữa, nhất là những cây bút trong Lực lượng CAND. Nếu có nhiều tác giả ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia sẽ góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm văn học về đề tài Lực lượng Công an ở khu vực này nói riêng và cả nước nói chung.
P.V: Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Thụ.
Thảo Phương