Thứ bảy, 18/05/2024,


Sang trọng và rất Hà Nội (23/11/2009) 

Đó là nhận xét của báo giới phía Nam về NSƯT Minh Hòa khi tham gia tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP.HCM tháng 9 vừa qua. Người phụ nữ có duyên với các kỳ hội diễn này lại thêm một lần được vinh danh. 

 

* Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, chị đến với nghề diễn viên như một lẽ đương nhiên?

 

- Chắc chắn, không thể có lựa chọn khác được. Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình làm nghề kinh doanh, hẳn máu kinh doanh sẽ trở thành gen di truyền. Và sân khấu thì càng hấp dẫn hơn, ngay từ nhỏ, những ngày đi sơ tán cùng đoàn Văn công Quân khu 3, ánh đèn màu, những lời ca điệu múa dường như đã trở thành người bạn.

 

* Trong gia đình lớn đó, cũng không có ai theo môn kịch nói mà chủ yếu là âm nhạc, vì sao chị lại chọn diễn viên là nghiệp của mình?

 

- Khi đang học cấp III, tôi cũng có một giọng hát đẹp lắm nhé. Tôi đã đạt giải B trong cuộc thi Tiếng hát người Hà Nội. Nhiều người bạn trong lớp và cả gia đình tôi đều nghĩ tôi sẽ theo nghiệp ca hát. Nhưng rồi, khi trường ĐH Sân khấu Điện ảnh tuyển sinh, như có một lực hút mạnh mẽ, tôi thi tuyển. Kết quả còn nằm ngoài dự kiến, tôi đỗ thủ khoa, đủ điểm đi học ở Liên Xô, nhưng lại là ngành đạo diễn. Từ bỏ cơ hội đi nước ngoài, bạn đủ thấy tôi mê nghề diễn như thế nào.

 

* Đam mê đưa chị đến sự chuyên nghiệp, có lẽ vì thế chị dễ dàng nhập các vai phản diện?

 

- Quan điểm của tôi, không nên nhìn bề ngoài mà đánh giá con người. Nhìn một người bên ngoài có vẻ rất tốt nhưng tâm địa của họ chưa chắc đã tốt, kiểu “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, và cũng không thiếu người sắc sảo nhưng thực tâm lại rất tốt bụng. Người diễn viên, không phải cứ là người có tính nết chanh chua khó ưa mới đóng những vai phản diện. Được thử sức mình ở nhiều loại vai không phải là điều mơ ước của nhiều diễn viên hay sao? Khi bước chân vào nghề diễn, từ đạo diễn đến những bạn trong nghề đều nghĩ tôi, một người phụ nữ có giọng tốt, nhẹ nhàng, khuôn mặt cũng ưa nhìn và hơi hiền, sẽ đo ni đóng giày với vai chính diện, không ai nghĩ tôi sẽ chuyển sang vai phản diện.

 

* Thời điểm nào chị chính thức góp mình vào đội ngũ những diễn viên đóng vai phản diện?

 

- Tôi tham gia vai diễn phản diện đầu tiên là “Trò đời” của đạo diễn Vũ Châu, sau đó tôi được nhiều đạo diễn chú ý hơn với các vai phản diện. Tôi nhớ khi tìm diễn viên cho bộ phim “Con đường hạnh phúc”, đạo diễn Bùi Huy Thuần đã rất lăn tăn về người sẽ đảm nhận vai bà cô của nhân vật Thùy Trang (diễn viên Diệu Hương đảm nhiệm - PV). Đây là người phụ nữ hết sức xảo quyệt dùng mọi thủ đoạn, giả lả với cả gia đình người anh để có được khối tài sản khổng lồ. Diễn viên Lan Hương đã nói ngay với đạo diễn, sao anh không mời Minh Hòa, đảm bảo thành công. Và sau đúng 2 ngày quay, đạo diễn đã phải thốt lên, anh không nghĩ em có thể đóng vai này hợp đến thế.

 

* Tôi ấn tượng nhiều hơn với vai Trần Lệ Xuân trong “Ông cố vấn”, Yến Chi trong “Gió đại ngàn” của đạo diễn Đỗ Chí Hướng và con gái bà trùm trong phim “Cổ vật”. Các vai diễn đó, chỉ cần ánh mắt sắc lẻm của chị là tôi đã thấy toát lên cái thần thái của một vai phản diện. Đó có phải là những phim chị thấy mình thành công?

 

- Là một diễn viên sân khấu, tôi thấy chỗ đứng của mình vẫn là trên sàn gỗ, nên các bộ phim truyền hình, tôi không tự kiêu mà nói mình thành công ở rất nhiều phim, tôi yêu nhân vật của mình nên phim nào cũng đầu tư tìm hiểu nội tâm nhân vật, phong cách diễn, những bộ quần áo phù hợp, để lột tả được nhân vật mình thể hiện. Nhưng trên sân khấu, vai diễn mà tôi cảm thấy mình thành công nhất có lẽ là nhân vật cô gái ma quỷ (nhân vật không có tên) trong vở “Vàng” của đạo diễn NSND Lê Hùng, kịch bản Lê Quý Hiền. Đó là vở diễn tôi được thỏa sức sáng tạo theo diễn tiến của tâm lý nhân vật, phản ánh đúng tính cách đa sắc màu trong con người tôi. Cô gái đó vốn là một người nghèo, bán thuốc lá, nhưng vì một phép thử mà trở nên độc ác với mọi người, càng ngày càng trở nên nham hiểm. Vai diễn đi suốt vở kịch, với nhiều thay đổi đặc biệt là suy nghĩ khiến tôi đã có lúc bị ám ảnh, trong cơn mơ ngủ còn nghĩ mình bị nhỡ lớp và nói không thành lời, nhưng nó khiến tôi không thấy mệt mỏi mà như có một sự thăng hoa trong nghiệp diễn của mình. Và để bù đắp lại sự lao động của mình, tại Hội diễn Sân khấu nhỏ toàn quốc tôi đã được giải “Ngôi sao sân khấu”.

 

               

 

* Những vai diễn phản diện thường để lại ấn tượng không tốt, hay bị người xem ghét, nhưng chị dường như dành nhiều thời gian và công sức hơn cho những vai diễn kiểu này?

 

- Vai phản diện là một kiểu vai đặc biệt, không phải ai cũng dễ cảm để thực hiện cho tốt. Với tôi, đóng phản diện không là sự cau có, quát nạt gồng mình lên thể hiện ra trên cơ mặt mà đó là sâu thẳm trong tận cùng suy nghĩ của con người, những tính toán, những thủ đoạn hại người. Tôi không làm thế, ưu điểm của tôi là khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt, hóa trang mắt sắc, tôi sẽ là người làm điều ác, nhưng để nó to tròn như “nguyên bản” thì tôi sẽ hiền không chê vào đâu được.

 

* Chị yêu nghề diễn, thành công với nghề, tôi nghĩ chị sẽ chỉ theo chuyên môn đơn thuần, nhưng rồi chị được chọn làm quản lý, có dễ dàng như nghề diễn?

 

- Thực tâm tôi không muốn trở thành người quản lý. Từ câu chuyện đầu đời bỏ chuyến đi học ở nước ngoài để được làm diễn viên, thì cả cuộc đời tôi, tôi chỉ ước mơ được cống hiến cho khán giả và được mọi người yêu mến. Làm quản lý đau đầu lắm, phải lo toan nhiều thứ, tôi lại tự nhận thấy mình là người có trách nhiệm nên việc gì mình cũng muốn lo trong khi sức khỏe của mình chỉ có hạn, nhưng tôi nghĩ mình cũng không quá tệ với vị trí Trưởng đoàn 2 Nhà hát Kịch Hà Nội.


* Hiếm người thành công trên mọi phương diện như chị, cuộc sống của chị hình như gặp nhiều suôn sẻ, tại sao có lúc chị lại tuyên bố rằng mình cô đơn?

 

- Người nghệ sỹ tâm hồn nhạy cảm hơn, đa đoan và hay suy nghĩ nên cũng có lúc, khi cảm xúc không được chia sẻ thì cảm thấy cô đơn. Một điều kỳ lạ đó là trong con người tôi, khi thì rất mạnh mẽ có thể làm được mọi việc thay chồng, là trụ cột trong nhà nhưng 50% còn lại thì lại rất nữ tính, mềm mại, phụ nữ chuẩn với chăm lo gia đình, nội trợ giỏi. Bạn tin không, nhà tôi không có “ôsin” đâu nhé. Nên tôi nghĩ gia đình mình, bản thân mình dù tròn trịa đến đâu cũng có lúc cảm thấy cô đơn thôi, tôi tin cả bạn cũng thế.

 

* Những viên diễn gần đây trên truyền hình của chị nếu không phải nhân vật phản diện thì lại là những bà mẹ tuổi teen hết sức tâm lý, chị được cộng tác nhiều với các bạn trẻ. Chị cũng là ban giám khảo các kỳ tuyển sinh diễn viên vào trường sân khấu điện ảnh, chị đánh giá thế nào về những người đang khởi đầu hành trang với nghiệp diễn?

 

- Các em diễn viên trẻ hôm nay may mắn hơn thế hệ chúng tôi vì các em có nhiều cơ hội để thử sức mình ở phim ảnh nhưng trong sự may mắn đó cũng cần có sự rèn luyện, trau dồi lao tâm khổ tứ, đặc biệt là trên sân khấu, vì đây là nơi mà người diễn viên bước ra đối thoại với hàng trăm khán giả đang ngồi phía dưới và 3 bức tường của sàn gỗ, không chỉ có đài từ, kỹ năng biểu diễn mà còn là bản lĩnh sân khấu. Nơi ấy, không có cơ hội được làm lại. Nếu bạn để cơ hội trôi qua phải mất rất nhiều thời gian mới có thể làm lại được từ đầu. Khó nhưng khiến người ta nhanh trưởng thành, song các bạn trẻ thì thích lên truyền hình hơn, dễ nổi tiếng, nhưng cũng không dễ duy trì được cái gốc lâu bền.

 

* Chị sẽ ngừng đóng phim khi...

 

- Đạo diễn nào đó mời tôi vào vai bà (Cười). Giờ tôi đang được đóng vai các bà mẹ teen, hơn một chút là mẹ của thanh niên, những người đã trưởng thành. Nhưng tôi kiên quyết không nhận vai bà vì tôi muốn giữ cho mình một hình ảnh đẹp, trẻ trung trong lòng khán giả.

 

* Một câu ngắn gọn nhất về chị?

 

- Tôi là người may mắn.

 

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

 

 

Yên Hưng thực hiện

(Nguồn: Báo ANTĐ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: