Thứ bảy, 18/05/2024,


NSƯT Quyền Văn Minh: Tôi chỉ có tình yêu nhạc jazz! (20/11/2009) 

Khi tôi nhận được lời mời, qua điện thoại, của nghệ sĩ Quyền Văn Minh, một trong những giọng kèn saxophone hàng đầu của Việt Nam, mời đến dự đêm kỷ niệm tròn 10 năm thành lập CLB nhạc jazz của ông tại Lương Văn Can Hà Nội.

 

Tôi vẫn nghĩ rằng, giống như mọi khi, thi thoảng qua đây, hoà vào khách tây cùng khách ta, uống vài ly rồi thưởng thức mấy bản nhạc jazz rất chuẩn mực. Thật bất ngờ, trong số khách đông chật CLB người tôi gặp đầu tiên lại là ngài Đại sứ Vương quốc Thụy Điển cùng bà Tham tán Văn hoá. Thì ra trong buổi kỷ niệm này, một ban nhạc jazz của Trường Đại học Âm nhạc Mano Thụy Điển đến CLB trình diễn như một lời chúc mừng nồng nhiệt. Vẫn biết các ban nhạc jazz của nhiều nước khi sang VN biểu diễn, họ đều tụ về đây như một địa chỉ quen thuộc; nhưng một ban nhạc từ Thụy Điển đến vào ngày này thì thật đáng quý và xúc động. Cố nán lại cho đến cuối buổi, tôi tìm gặp riêng NS Quyền Văn Minh để chia sẻ và cũng muốn biết rành rọt hơn về công việc của người nghệ sĩ tài hoa với vẻ ngoài rất gồ ghề này.

 

Chậm rãi uống, chậm rãi nói, ông mở đầu câu chuyện bằng những ký ức tuổi thơ của ông, ông kể rằng 7-8 tuổi ông đã được học guitar bằng cây đàn của cha ông, một người rất yêu âm nhạc; nhưng món quà âm nhạc lớn hơn cả lại đến với ông vào năm 10 tuổi, khi một buổi sáng mẹ ông mua cho ông một cây kèn clarinette, tất nhiên không còn mới, và bảo rằng mẹ thích con chơi kèn và mẹ tin con sẽ chơi rất hay.

Cho đến bây giờ, có lẽ đó là ngày hạnh phúc nhất của đời ông, ông nói, đó như một ngày định mệnh gắn đời ông với cây kèn. Cũng bắt đầu từ ngày ấy ông mày mò tự học là chính. Bài học đầu tiên của ông là mấy nốt nhạc cơ bản trên khuôn nhạc kèm theo thế tay trên kèn mà cha ông kẻ trên một tờ giấy khổ to, rồi ông học bằng cách nghe thật nhiều, bất kỳ ở đâu có nhạc không lời là ông tìm tới, nghe, thuộc rồi ghi thành nốt, dò, bấm lại trên phím kèn.

Có lần ông dò tìm được một chương trình nhạc hoà tấu ở chiếc radio của bố ông trên sóng của một đài nước ngoài, sung sướng quá nên cứ chờ khi nào ông cụ đi vắng ông lại bật đài nghe, đến một ngày bố ông biết được, cụ sợ quá, vội bán ngay chiếc radio vì thời đó, nghe "đài địch" là một điều cấm kỵ! Càng thiếu thốn, tình yêu với cây kèn càng lớn dần trong ông, giờ ngồi nghĩ lại chặng đường dài đầy gian truân, ông hạnh phúc nói rằng nếu bây giờ phải làm lại từ đầu, ông sẽ lại làm đúng như thế.

* Ông bước vào nghiệp kèn một cách tự nguyện như vậy, nhưng chẳng lẽ chừng ấy năm trời của một đời người, ông không có một lối rẽ nào khác, không qua một trường đào tạo nào?

- Có một lần, năm ấy tôi mới chừng 15-16 tuổi, một mình ôm kèn đến thi tuyển vào Trường Nghệ thuật Quân đội, đang đứng ngơ ngác ở hành lang, gặp một vị chắc là trong ban giám khảo đi qua hỏi: "Cháu đến đây làm gì?". "Dạ cháu đến thi tuyển". "Cháu đã học ai chưa?". "Dạ chưa". "Thế thì làm sao đỗ được!". Nghe vậy, tôi về ngay. Sau đó một đôi lần tôi đánh bạo đến trường Âm nhạc VN, nay là Nhạc viện Hà Nội, nhưng không hiểu tại sao, tôi lại quay về và luôn tự nhủ mình sẽ học theo cách của mình.

* Và rồi sau này ông lại trở lại để làm giảng viên của chính ngôi trường đó?

- Đúng vậy, khi tôi đã là cây kèn vững vàng trong dàn nhạc của Đoàn Ca múa Hà Nội, đã biểu diễn rất nhiều và có chút tiếng vang. Nhất là sau hai buổi độc tấu tại Hội Nhạc sĩ VN (1988) có một ngày, nghệ sĩ Phúc Linh -  chủ nhiệm khoa Kèn của Nhạc viện Hà Nội - đến tìm tôi mời về Nhạc viện giảng dạy. Tôi thực sự cảm động khi ông nói: "Anh đã nghe Minh thổi nhiều rồi, anh biết trình độ của Minh, nên anh chính thức mời Minh về Nhạc viện với anh, ta cùng xây dựng khoa kèn!". Anh nên nhớ ngay từ ngày đó nghệ sĩ Phúc Linh đã rất nổi tiếng trong giới, ông được đào tạo bài bản từ nước ngoài về, là thần tượng của tôi, vậy mà tôi lại được ông vời  tới. Thật bất ngờ, tôi xin phép ông được suy nghĩ vài ngày, vì quả thật vẫn chưa dám tự tin, hơn nữa tôi cũng đang gắn bó với Đoàn Ca múa Hà Nội. Thậm chí, tôi phải hàm ơn Đoàn vì chính ở đó tôi mới có cơ hội gặp gỡ các nhạc jazz, tạo ra một bước ngoặt cho đời tôi.

* Ông có thể nói kỹ hơn về bước ngoặt này?

- Số là có một năm Đoàn Ca múa Hà Nội được đi biểu diễn tại CHDC Đức, thời đó đi nước ngoài khó khăn lắm, Lần đầu tiên được ra nước ngoài, như được nhìn thấy chân trời mới, may mắn thay, khách sạn chúng tôi ở họ luôn luôn mở nhạc jazz, nhất là dưới quầy bar của họ, đi đâu tôi cũng được nghe jazz. Tôi thực sự choáng váng và bị hút hồn vào dòng nhạc này và rồi có bao nhiêu tiền tôi dành hết để mua đĩa jazz mang về Hà Nội. Ngày đó, ngoài hệ kèn trong dàn nhạc giao hưởng chơi cổ điển, còn kèn trong các dàn nhạc của đoàn nghệ thuật chủ yếu đệm cho múa, hát, đôi lúc chơi hoà tấu của bản nhạc nhẹ quen thuộc, dường như chưa đâu chơi nhạc jazz. Tôi nung nấu ngay ý định sẽ theo đuổi kỳ được dòng nhạc này. Muốn thế phải đặt mình vào hẳn một môi trường nghệ thuật chính thống tức là Nhạc viện, trong lúc hoàn cảnh của tôi đang phải nuôi hai con nhỏ mà những ngày đầu ở Nhạc viện lại không có lương. Nhưng tôi vẫn quyết định "bỏ đời theo đạo" về Nhạc viện nhưng đồng thời vẫn làm chương trình cho Đoàn Hà Nội.

* Vậy khi nào ông bắt đầu có chương trình riêng cho mình?

- Lần đầu tiên là năm 1988 ở Hội Nhạc sĩ, như tôi đã kể. Sau khi về Nhạc viện, cuối năm 1989 tôi làm tiếp một buổi nữa cũng ở Hội, lần này phần I tôi chơi một bản cổ điển là concerto của J.Bach chương I, do piano đệm, phần II là bốn tác phẩm thính phòng. Nhưng vẫn chưa phải là jazz. Đáng nhớ nhất là năm 1994, ngày 12.4, lần đầu tiên tôi có một chương trình tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, thánh đường của âm nhạc. Đó là chương trình do Quỹ Sida của Thụy Điển tài trợ, họ tài trợ cho hai nghệ sĩ, tôi và anh Tạ Bôn. Ở buổi biểu diễn đáng nhớ này tôi trình tấu thêm mấy bản dân gian VN tôi tự viết chuyển thể sang jazz, và thật không ngờ lại được công chúng đón chào rất nồng nhiệt. Sau buổi biểu diễn này, tôi dành nhiều thời gian viết thêm jazz VN lấy cảm hứng từ những giai điệu dân ca rồi xuất bản đĩa rồi hồi hộp chờ xem dòng nhạc mới mẻ này sẽ chảy về đâu. Sang năm 1996, tôi nhận được 2 lời mời, đầu năm là từ Nhật, cuối năm là từ Pháp sang biểu diễn. Sau chuyến lưu diễn này tôi biết được con đường trước mắt của mình là sẽ phải làm những gì mang đặc thù Việt Nam hơn, cũng như phải để công chúng VN biết kỹ càng hơn về nhạc jazz truyền thống.

* Phải chăng điều đó đã thôi thúc ông thành lập CLB nhạc jazz?

- Đúng là vậy, tôi muốn trước hết tôi phải thoát ra khỏi nhạc thính phòng, để chuyên tâm vào jazz. Mà muốn vậy phải có chỗ riêng của mình. Tính tôi đã định làm gì là phải làm bằng được. Tôi mang sổ đỏ căn nhà của mình đến một người bạn vay tiền. Ông bạn đồng ý ngay nhưng với điều kiện chỉ làm ca nhạc phòng trà, mời thêm ca sĩ, mới nhanh lấy lại vốn. Tôi giãy nảy từ chối, tuyên bố chỉ chơi nhạc jazz, ông bạn cũng chưa hiểu jazz là gì, nhưng rồi chắc cũng thương tình tôi mà cho vay. Sau hai ba lần thay đổi chỗ, đến năm 1999 tôi lại được trở về chốn cũ của tôi, ở đây, toàn bộ tầng dưới của Đoàn Hà Nội xưa nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Vậy là đã 10 năm rồi.

* Trong 10 năm đó vừa dạy vừa phải duy trì từ CLB vừa kinh doanh mà chắc là cũng không nhiều người yêu thích jazz cho lắm, vậy có khi nào ông nản lòng?

- Để duy trì CLB này có những lúc tôi phải đi vay nóng để trang trải các khoản tiền, không để bị chê trách bất cứ điều gì. Nhưng chuyện đó vẫn còn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là phải giữ được niềm say mê cho từng đêm diễn, không chỉ cho mình mà cho cả ban nhạc, phần lớn là học trò của tôi. Giới trẻ bây giờ có tài năng một chút là lắm tật lắm. Tôi như người giữ lửa. Những năm đầu, để thu hút khán giả, rất nhiều người khuyên tôi trong chương trình nên kèm thêm nhạc nhẹ thính phòng, quả thực có những lúc tôi lung lay nhưng may mà tôi đủ nghị lực để từ chối. Đã là CLB Jas thì chỉ chơi jazz. Và rồi dần dần lượng khách nghe ngày càng ổn định, mừng nhất là người ngoại quốc không phải là tất cả. Công chúng yêu nhạc jazz ngày một đông. Ban nhạc của CLB đã đi biểu diễn ở hầu hết các nước Châu Á, Đông Nam Á, đã phát hành đến 7 đĩa CD. Rồi các ban nhạc nước ngoài hoặc cá nhân nghệ sĩ thường xuyên đến đây. Vinh dự nhất là năm 2005, Đoàn jazz Mỹ cùng nghệ sĩ piano jazz hàng đầu thế giới Herby Hancok đã biểu diễn tại CLB này.

* Nghe nói cậu con trai anh, Quyền Thiệu Đắc cũng được học ở ban nhạc này bên Mỹ?

- Làm sao vào được, Đắc học ở Trường Berklee bang Massachusett may thay, kỳ thi nào nó cũng được điểm tuyệt đối. Khi tốt nghiệp có rất nhiều ban nhạc mời ở lại. Lúc đó tôi cũng đang ở Mỹ và nói với cháu: "Con đừng vội quên, bố đã phải bán sạch 7 chiếc kèn trong nhà để con đi học, không phải để nhìn thấy con vất vưởng xứ người. Con phải là người làm tiếp việc bố đang làm ở Việt Nam". Và anh thấy đấy, bố con tôi vẫn đang song hành tại đây. Ông cười sảng khoái, và tôi hiểu rằng để có tiếng cười như thế trong đêm đáng nhớ này, ông đã phải sống bằng hết niềm đam mê, bằng hết nghị lực, bằng sự đánh cược cả cuộc đời ông cho âm nhạc. Chừng như ông chỉ có một tình yêu, đó là nhạc jazz.

 

 

Trịnh Tú thực hiện

(Nguồn: Báo Lao Động cuối tuần)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: