Mỗi bộ phim đều phản ánh một mặt của đời sống xã hội, bên cạnh những chính kịch thể hiện thông điệp của bộ phim một các trực tiếp, thì những vai hài thường làm “nhẹ” bớt nhưng tình tiết “năng nề” của câu chuyện, dù ở vai chính hay vai phụ, có thể nói họ vẫn là các “hoạt náo viên” làm cho bộ phim thêm sinh động.
- Được biết mặt qua hầu hết các vai diễn hài trong các phim như:“ May ơi là may”,“Đèn vàng”, gần đây nhất là “Lập trình trái tim” và “ Người đàn bà thứ 2” ...., anh có nghĩ mình có “duyên” với các vai như thế ?
Đức Khuê: Khi học trong trường đại học, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ đóng các vai hài. Nhưng khi đi làm phim, rồi làm việc tại nhà hát Tuổi trẻ,các đạo diễn thấy tôi có chất “bị bắt nạt” nên thường giao cho tôi những vai có thể gọi là “cá biệt” mang lại tiếng cười cho khán giả. Bị “ép” nhiều quá nên “ tự nhiên” thành tuýp riêng.
- Ai là người đầu tiên “phát hiện” ra chất hài trong anh?
Đức Khuê: Người đầu tiên có thể nhắc đến là đạo diễn Lê Hùng của Nhà hát Tuổi trẻ, anh dựng vở “Kẻ khóc người cười” rồi “ Đời cười”, khi đó tất cả các anh chị em nghệ sĩ đều phải tham gia. Qua các vai diễn này đạo diễn Lê Hùng đã nhận thấy tôi có tố chất hài mà chính tôi cũng không biết (cười). Người thứ 2 có thể kể tới là đạo diễn điện ảnh Vương Đức của Hãng phim truyện I đã “dũng cảm” giao cho tôi vai hài của điện ảnh trong phim “ Của rơi”, vai thầy Thắng, một nhân vật hài nhưng mang nhiều nội tâm, anh ta bị lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thời đại chính vì vậy mà những hành động mà anh ta cho là bình thường lại khiến cho khán giả cười.
-Trong tất cả các vai hài anh đã từng đảm nhiệm, kể cả trên sân khấu và điện ảnh,vai diễn nào anh thích nhất?
Đức Khuê: Đó là vai trong vở kịch ngắn “Nói nhiều”, đây là vai mà khán giả nhớ nhất. Khi vở kịch ra mắt buổi đầu tiên đã mang lại một bầu không khí vui vẻ cho cả nhà hát bởi tiếng cười của khán giả. Năm phút trước, khi vào quán cà phê này, cậu bảo vệ nói “ A, đây là chú nói nhiều mà!”( cười).
- Hiện nay, ngoài công việc ở nhà hát Tuổi trẻ, anh còn tham gia đóng phim, làm các tiểu phẩm…với cường độ làm việc như vậy, anh có thời gian để thay đổi mình trong mỗi vai diễn?
Đức Khuê: Rất may là với mỗi vai diễn, người biên kịch và đạo diễn đã tạo ra một “mầu sắc” riêng để khán giải không nhàm chán, bản thân tôi là một diễn viên cũng rất sợ lặp lại chính mình. Với mỗi vai diễn tôi đều phải tìm ra cách thể hiện riêng từ cử chỉ, hành động hay câu thoại để tạo tính cách cho nhân vật, để khán giả không chán và tôi cũng không chán chính mình.
- Theo anh, các đạo diễn thích anh nhất ở điều gì?
Đức Khuê: Đó là tôi không có thói quen “đòi hỏi” đạo diễn phải chỉ đạo nhiều, trước mỗi tình huống tôi thường xuyên trao đổi với bạn diễn để tìm ra cách diễn “hợp logic” nhất. Tôi luôn đặt mục tiêu công việc lên hàng đầu, cố gắng hài hòa với từng bạn diễn để tạo cảm giác thoải mái nhất khi diễn.
-Vợ và con anh có nhận xét gì về các vai hài của anh?
Đức Khuê: Lúc nhỏ, các con tôi thường nói không thích bố đóng phim vì thấy bố hay bị “bắt nạt” quá. Tôi có giải thích đó là công việc, đến bây giờ các cháu đã lớn, cũng tham gia đóng kịch trong các hoạt động văn nghệ của trường .Vợ tôi là khán giả “khó tính” nhất, thường đưa ra những nhận xét và góp ý để tôi nhận ra nhưng chỗ diễn xuất “chưa được” và cố gắng “sửa sai” ở những vai sau.
- Là một người luôn xuất hiện với sự vui vẻ, hóm hỉnh, anh có “tâm sự” gì với khán giả về những người luôn mang lại tiếng cười cho khán giả?
Đức Khuê: Người ta gọi nghề diễn là “nghiệp”, nhất là các vai hài, có những khán giả trân trọng, yêu quý nhưng không ít khán giả cho là “nhố nhăng”, trước hai luồng ý kiến ấy người diễn viên chỉ có thể cố gắng hết mình để phục vụ khán giả. Ai cũng có nỗi lo riêng nhưng khi nhập vai chúng tôi tạm “quên” những lo toan của bản thân đi để mang lại cho khán giả niềm vui. Với tôi mang lại tiếng cười cho khán giả là hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ chán những vai hài.
- Cảm ơn anh đã trò chuyện.
Khánh Chi
(Nguồn: Báo KTĐT)