Thứ năm, 02/01/2025,


Nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Thơ là sự chân thực về cảm xúc (15/11/2009) 

Nhà thơ Nguyễn Thi Mai hình như không bị thời gian làm giảm đi những nét duyên dáng cho dù công việc của chị có vẻ rất “hao tâm, tổn sức”. Phải chăng thơ đã mang đến cho chị  đặc ân “trẻ mãi không già” mà nhiều người mơ ước?

 

* Chị ở cơ quan TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ VN, công tác đòan thể chính trị rất ngặt về thời gian, nghiêm cẩn và thận trọng trong mọi họat động, kể cả trong sinh họat đời thường. Nhưng chị còn là nhà thơ, mà nhà thơ thì cần có những cảm hứng sáng tạo, cần sự bay bổng, phóng túng, lãng mạn. Chị có bí quyết nào để thành công ở cả 2 lĩnh vực tưởng như trái ngược nhau?

 

- Tôi xác định nhiệm vụ chính của mình là công việc chuyên môn và tìm cho mình niềm say mê thích thú trong công việc ấy. Khi đã say mê, đã yêu thích rồi thì công việc không những không bị căng thẳng, gò bó mà còn cho những cảm hứng, những đam mê tìm tòi thể hiện. Công việc của tôi vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho những người phụ nữ trong đó có tôi, và tôi lại có trái tim đa cảm của nhà thơ luôn yêu thương, muốn chia sẻ với bao thân phận của giới mình. Chẳng nhẽ đó là trái ngược nhau? không phải là những thuận lợi, may mắn với tôi hay sao?

 

* Nhà thơ nam muốn thành danh đã là một sự thử thách, nhà thơ nữ muốn có một vị trí trong thi đàn VN còn khó muôn lần. Nhưng sao chị lại đến với thơ, và có được sự thành công như hôm nay, chị đã phải vượt qua “hành trình” như thế nào?

 

- Tôi đến với thơ là bản năng tự nhiên của người yêu thích thơ từ thuở bé. Tôi làm thơ chẳng khát khao để thành danh hay để có vị trí trong thi đàn mà chỉ vì yêu thích “kiểu” bộc lộ suy nghĩ, chia sẻ tình cảm của mình một cách súc tích, lãng mạn và ấn tượng. Tôi rất hiểu: người phụ nữ làm thơ để có được vị trí trong thi đàn là vô cùng khó khăn, có khi phải đánh đổi cả hạnh phúc. Tôi chưa thành danh với thơ nhưng có một số công chúng của riêng mình. Thành công này chắc là vì cách thể hiện giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của công chúng và sự quan tâm của mình với họ. Việc vượt qua “hành trình” của tôi thế nào ư? Giống như người đi trên giây làm xiếc. Phải luôn thăng bằng, tỉnh táo giữa thơ và đời. Chân dung tôi đã viết đấy: “Em thì tất tưởi mưu sinh/ Nuôi con bến thực, nuôi mình bến mơ...”

 

* Đọc thơ chị, nhiều bạn đọc yêu thơ nhận thấy có nhiều tìm tòi đổi mới,nhưng về cơ bản vẫn là “môn đệ” trung thành với các hình thức thơ truyền thống, vẫn có lượng độc giả yêu mến đông đảo thuộc nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng. Chị nghĩ như thế nào về các hình thức cách tân thơ hiện nay?

 

- Tôi ủng hộ sự cách tân hình thức của thơ. Cách tân để bứt lên khỏi sự nhàm chán, cũ mòn, để phù hợp với nhu cầu thời đại. Thử hình dung phụ nữ bây giờ mà vẫn áo tứ thân, tóc đuôi gà, nón thúng quai thao phi xe máy, lái ô tô... đã buồn cười chết đi được. Tuy nhiên cách tân phải đích thực là sự sáng tạo. Không thể vòng lại bắt chước cái người ta đã làm từ lâu, rồi gọi là cách tân. Tôi là người không có “gan” cách tân hình thức thơ mình. Giống như không có gan cắt tóc tém, nhuộm xanh đỏ, nâng mũi, bơm ngực, rồi mặc quần sóoc với áo hai dây đi tung tẩy giữa phố phường. Vì như thế tôi còn đâu là mình. Nhưng tôi rất chú ý tìm tòi, phát hiện cái mới cho nội dung thơ. Theo tôi, tìm tòi, đổi mới nội dung thơ mới là khó. Trăn trở vô cùng.

 

* Tình yêu là đề tài “truyền thống” và muôn thuở thu hút các thi nhân xưa nay. Chị cũng là một nhà thơ thành công trong mảng đề tài này. Khác với các nhà thơ nam, các nhà thơ nữ khi được hỏi xuất xứ về bài thơ tình, họ thường lảng tránh... Theo chị, bài thơ tình hay nhất có phải là sự rung động từ những kỷ niệm tình yêu mà chính bản thân đã trải nghiệm?

 

- Có một vĩ nhân nào đó đã từng nói: “Trên thế gian này, tình yêu bao giờ cũng khiến cho kẻ đang yêu trở thành thi sĩ”. Vậy chúng ta đã sẵn có tâm hồn thi sĩ, tình yêu không làm cho chúng ta “thi sĩ” lên gấp nhiều lần người thường sao? Tôi cũng như rất nhiều chị đã làm thơ tình và có lảng tránh nói về xuất xứ các bài thơ tình của mình đâu? Như chị Đoàn Thị Lam Luyến, chị Phan Thị Thanh Nhàn, chị Đặng Nguyệt Anh, hay nhà thơ Xuân Quỳnh… và rất nhiều các chị khác đấy. Thơ tình của chúng tôi đằm thắm, khát khao, da diết và thật lòng hơn nhiều nam giới. Nhưng tình yêu, khi đi vào thơ nó đã trở thành hình tượng, nó mơ hồ, lãng mạn, khái quát, nó không còn cụ thể nữa. Vậy mà cứ đi hỏi người ta: Bài này chị viết cho người nào? Ở đâu? Tại sao lại yêu thế này, người ấy có vợ không? Đã có gì với nhau chưa?... Ối giời thế thì thể nào người hỏi cũng bị ăn “mắng”: Chẳng hiểu gì về thơ cả.  Thôi, tốt nhất đừng hỏi xuất xứ những bài thơ yêu. Tình yêu không có tội, nam hay nữ cũng đều có trái tim. Trái tim thi sĩ càng cần phải giống như quả chuông treo trước gió. Quả chuông mà không rung ngân thì đời làm sao có những áng thơ tình tuyệt tác cho nhân loại ngâm nga thưởng thức, thậm chí dùng để nói hộ lòng mình với người mình yêu: “Xin đừng bắt chước câu ca/ đi về dối  mẹ để mà yêu nhau” (Xuân Quỳnh) 

 

* Chị là một trong số ít nhà thơ nữ thành công trong thơ lục bát. Thơ lục bát gần như vắng bóng trong thơ của những nhà thơ trẻ, nhưng ngược lại có cả một trang web thơ lục bát có hàng ngàn người vào xem mỗi ngày. Chị thấy thơ lục bát hôm nay thật sự ra sao khi có một cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” của 6 tờ báo đồng tổ chức?Chị có tham gia? Và chị có thể chia sẻ với bạn đọc những bài thơ đó?

 

- Tôi yêu thơ lục bát như yêu ông bà, cha mẹ, yêu làng xóm quê hương tôi. Tôi rất ủng hộ trang Web thơ lục bát vì đó là một trang Web cần thiết, độc đáo, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc. Lục bát xứng đáng được tôn vinh là niềm tự hào của thi ca Việt Nam.

Về cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”, tôi thấy đó là một sáng kiến rất có ý nghĩa đối với những ngày đang hướng về kỷ niệm “1000 Thăng Long- Hà Nội” của đất nước. Tôi có tham gia cuộc thi đó để góp phần tôn vinh thơ lục bát của chúng ta. Tôi thấy nhiều bài dự thi (kể cả không dự thi) hay lắm và mọi người hào hứng, thích thú thơ lục bát vô cùng. Qua đó mới thấy được công chúng còn yêu thơ lục bát, lực lượng này đông đảo chứ không hề ít ỏi. Chỉ có điều đã là thi thơ lục bát thì phải chuẩn lục bát. Tôi thấy còn nhiều câu chưa chuẩn vần, luật bằng chắc còn lục cục, khấp khểnh thế đã dự thi.

 

* Khi làm thơ, nhất là thơ lục bát, kinh nghiệm tìm ý, chọn từ gieo vần, hay cách ngắt câu của chị có “bí quyết” gì để bài thơ được công chúng yêu thơ đón nhận như một sự chia sẻ cảm xúc cùng chị nhưng không bị nhàm chán?

 

- Tôi rất coi trọng vần, luật trong thơ lục bát. Khi phát hiện được vấn đề (tứ), tôi hình dung ngay phải chọn thể thơ gì để thể hiện. Với tôi, nội dung quyết định hình thức trước hết. Còn khi chọn từ thì tránh hết sức những từ cũ, xáo, lặp lại mình. Tôi khâm phục nhà thơ Trương Nam Hương biết sáng tạo từ cho thơ. Tôi cũng chú ý cách ngắt nhịp vì nhịp là hơi thở của thơ, là giọng điệu khác người. Nếu buồn thì nên để nhịp dài, nếu vui ngắt nhịp ngắn, cho khỏe khoắn. Nhìn chung thơ lục bát muốn tươi tắn, trẻ trung còn cần chú ý ngắt nhịp và sáng tạo từ độc đáo. Xin có ví dụ về ngắt nhịp trong một bài thơ tôi đã viết:

 

Chắc là em giống tôi xưa

Dễ buồn vui với nắng mưa...

                                                 với mình?

Chắc là em trẻ, em xinh

Tóc mây một sợi kéo đình đổ xiêu?

Chắc là em hạnh phúc nhiều

Khi ôm hoa tặng, nhận điều hứa, cho?

Chắc là...

                 Sao tôi đắn đo?

Thương em, nói thật

                                   mà lo bời bời

Rồi mai hoa cải về trời

Thì em sẽ hiểu những lời lá dăm.

(Nói với người đến sau- trong tập Thời hoa gạo cháy)

 

* Được biết chị là một ủy viên trong Ban nhà văn nữ của Hội NVVN, chị có nhận xét gì về văn học nữ nói chung, nhà thơ nữ nói riêng của VN hôm nay ? Ban nhà văn nữ có vai trò thế nào để nhưng “nàng thơ” VN thật sự có một vị trí trong văn chương VN đương đại?

 

- Hiện nay các nhà thơ, nhà văn nữ đã trở thành một lực lượng đông đảo trong Hội Nhà văn VN. Theo danh sách của Hội, đến tháng 10/2008 đã có 146 nữ trong tổng số 1.133 hội viên. Trong số 146 nữ hội viên trên, có 68 nữ sĩ (chiếm 47%), người trẻ nhất 28 tuổi, người cao niên nhất 79 tuổi. Các chị ở tất cả các miền của đất nước, có chị đã xuất hiện trên văn đàn hơn 50 năm nay. Tuy nhiên thành tựu được khẳng định rõ nhất đối với các nhà thơ nữ Việt Nam không chỉ là sự phát triển đông đảo về đội ngũ, mở rộng nhiều thế hệ mà còn nở rộ về số lượng, nâng cao về chất lượng thơ. Các chị, người có ít nhất là 3 tập thơ và người nhiều nhất hơn 10 tập, có chị được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và đa số các chị đều đã được giải thưởng sáng tác thơ cấp quốc gia do Hội Nhà văn, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam hoặc các Báo Trung ương tổ chức thi và trao giải.

Ban Nhà văn nữ khóa này hoạt động tương đối mạnh. Năm nào cũng tổ chức đi thực tế sáng tác, tổ chức gặp mặt, tọa đàm, hội thảo hoặc giới thiệu thơ của nữ hội viên. Tính từ đại hội đến nay Ban đã tổ chức được hơn chục lần đi thực tế, có cả đi nước ngoài thăm quan. Ngân sách của Hội có hạn nên chị em tự bỏ tiền tổ chức đi với nhau. Những cuộc đi như thế chị em thấy rất bổ ích và thu hoạch được nhiều thực tiễn cuộc sống. Nếu Ban chấp hành cho phép, hàng năm Ban Nhà văn nữ được giới thiệu và bỏ phiếu kết nạp hội viên nữ thì chắc rất chính xác và chất lượng.

 

* Có một nghịch lý, những nhà thơ nữ trẻ thường ít công nhận hay lấy những nhà thơ nữ thế hệ trước làm “thầy” của mình, họ có đường đi riêng biệt, đôi khi phá cách táo bạo, chối bỏ giới tính của mình, mạnh mẽ bạo liệt không thua gì các nhà thơ nam. Chị có khi nào “dị ứng” với thơ của họ? Và nếu có một lời nào đó với họ, chị sẽ nói gì?

 

- Nói chung làm thơ, mỗi người phải tìm đường đi riêng biệt cho mình. Tôi không thích đi vào con đường có sẵn của ai và cũng không muốn ai đi đúng con đường của mình. Nhưng đó là nói về cách thể hiện, giọng điệu, phong cách. Còn như kỹ năng lập tứ, óc quan sát, kinh nghiệm sáng tác… vẫn phải học hỏi. Tôi nghĩ làm thơ cần có người “thầy” hoặc người mình hâm mộ để học hỏi. Tôi cũng nghĩ vườn thơ như vườn rau thơm đủ loại hương vị. Tôi mê rau mùi, húng Láng nhưng rất dị ứng với dấp cá, trong khi những người ăn được dấp cá thì họ thấy ngon, lạ, thích và bảo mình là “không biết thưởng thức…” . Còn ai đó phá cách táo bạo, mạnh mẽ không thua kém nam giới, tôi nghĩ cũng chẳng sao. Chỉ có điều tâm trạng cảm xúc rất tinh tế, rất nữ tính mà chỉ phụ nữ mới có thì họ không khai thác, không thế hiện. Hơn nữa thi ca thiên về cái đẹp, cái mơ hồ, cái thánh thiện. Táo bạo, sống sượng và  dung tục thì không hợp với thi ca.

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai sinh năm 1955, người Hà Nội. Giải  thưởng thơ Bộ GTVT & BĐ- 1986,1990. Giải thưởng thơ Tạp chí VNQĐ- 1989-1990. Giải thưởng thơ Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội NVVN -1993. Giải thưởng thơ “Thơ tuổi hoa”-1994.Giải thưởng thơ Báo Phụ nữ VN- 1994. Giải thưởng tập thơ “Thời hoa gạo cháy” của UBTQ LH các Hội VHNT VN- 1995, Giải thưởng Nguyễn Trãi- 1990-1995…. 

* 3 câu hỏi ngắn đến chị

 

1- Chị thích làm thơ vào buổi sáng, trưa, chiều, khuya?

 

- Làm thơ không bao giờ định được thời gian. Bắt được tứ, có được cảm xúc dâng trào thì tôi viết ngay, bất kể sáng trưa, chiều, tối, nửa đêm. Lúc ấy nếu bảo đợi đến sáng viết cho thích thì ý tứ bay biến hết. Chẳng thể viết được câu nào.

 

* Bài thơ đầu tiên của chị?

 

- Đó là bài Tâm sự cô giáo trẻ, tôi viết và được đăng báo Hà Nội Mới khi đang là sinh viên năm thứ ba – Khoa Văn- ĐHSP Hà Nội 1

 

* Nếu không làm thơ, chị sẽ chọn môn nghệ thuật nào?

 

- Trời cho niềm đam mê thơ để tôi yêu và say đắm suốt đời. Nếu sẵn sàng thay thế được môn nghệ thuật nào cho thơ thì tôi chỉ là kẻ hời hợt, làm gì có niềm đam mê đích thực. Giống như người mình đang yêu. Bây giờ ai đó hỏi nếu không yêu người ấy thì sẽ yêu ai, có lẽ không thể trả lời được. Tình yêu đích thực (với thơ hay với người mình yêu) chỉ có một và  không bao giờ nghĩ đến việc thay thế./.



Hoài Hương thực hiện

ĐT:0989690760

Email: dieuhasaigon@gmail.com 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đinh Thường - thuonghuyen858@yahoo.com.vn - 0912.242.998 - 16/111 Đường Đông Khê, Quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng  (Ngày 17/11/2009 06:13:28 PM)

Đọc bài viết về nhà thơ nữ Nguyễn Thị Mai do tác giả Hoài Hương thực hiện, chúng ta có thể nhận ra rằng:

Để trở thành một nhà thơ thực thụ, người ta không chỉ cần tới năng khiếu mà còn cần tới tình yêu đích thực cho thơ và phải luôn học hỏi, tìm tòi cho con đường đi riêng biệt của thơ mình...

Đây là bài viết bổ ích cho người yêu thơ, sáng tác thơ nói chung và thơ Lục Bát nói riêng. Cảm ơn tác giả Hoài Hương đã cho bạn đọc hiểu thêm về nhà thơ Nguyễn Thị Mai.

Chúc nhà thơ Nguyễn Thị Mai luôn vững bước và gặt hái được thêm nhiều thành công từ con đường thi ca mà chị đã gửi gắm tình yêu đích thực.

Các bài khác: