Thứ năm, 02/01/2025,


Nhạc sĩ Thanh Tùng: Đã vắng những ngôi sao cô đơn... (14/11/2009) 

Với bản nhạc Một mình, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần…

 

Ông tự nhận mình giống con công, mà con công đực thì rất đẹp và điệu đà. Nhưng điểm đáng quý của con công không phải bộ cánh, mà bởi đặc tính chung tình, công trống bị chia lìa khỏi bạn tình thì nó không sống được quá ba tháng. Ông nghĩ lại về cuộc đời của mình: “Những cuộc tình đi qua, để lại cho tôi một điều, con người sẽ cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu”. Bởi thế nghe “Em đừng đi xin em đừng đi, vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì” hay “Cửa nhà ai hé mở, chờ bàn chân ai ghé nơi đây”… là hiểu người đàn ông ấy luôn cần tình yêu.

 

     

 

Có thể sẽ là mâu thuẫn bởi một người yêu nhiều lại là một người chung thuỷ. Bà Thanh Tùng lâm bệnh một thời gian trước khi qua đời. Phút lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi Thanh Tùng: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, giữa hai cách trả lời có hoặc không, chỉ không là có thể nói lúc này… Bà nhắm mắt, Thanh Tùng một mình nuôi ba con Bách, Thông và Bạch Dương trưởng thành lên như chính những loài cây mạnh mẽ mà họ mang tên. Không ai trong số con cái của ông phản đối sự đào hoa của cha, bởi họ biết, ông yêu nhưng để đưa về một người phụ nữ thay mẹ họ, thì không bao giờ.

Bởi thế Thanh Tùng sống trọn nửa đời trong cô đơn giữa ngôi nhà lớn của ông. Ông thích ngồi chiếc ghế tựa trong phòng khách uống rượu, bên kia là chiếc ghế trống. Ông viết nhạc cho người ta, bao nhiêu học trò, một số người tình đã hát… Không rõ bao nhiêu lần người ta hát cho ông nghe “riêng anh có buồn thì ngồi yên cho tôi ngắm xem. Vì sao trong đôi mắt anh có những ngôi sao cô đơn?”… Ông nói, “Bài Ngôi sao cô đơn, tôi viết cho ca sĩ Ngọc Bích, nhưng người ta cứ gán ghép cho tôi. Có thể vì họ liên tưởng đến sự không may mắn trong hạnh phúc gia đình của tôi. Nhưng với tôi, cô đơn là số phận, và tôi đã cố gắng đương đầu với nó, cố gắng cóp nhặt từng niềm vui để bình thường hoá cuộc sống”.

Ông nói về cuộc sống “một mình”: “Không còn cảm giác cô đơn nữa dù người ngoài nhìn vào thấy tôi một mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, có đông bạn bè. Trong thân phận của mình, tôi tìm được sự lý giải về tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn”.

 

Với bản nhạc Một mình, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần… “Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về”.

 

Nỗi cô đơn làm ông quen với rượu, đến mức rượu trở thành một người bạn vô tâm của ông. Sáng sớm ngồi Chu Bar cũng rượu, gặp bạn bè lại rượu, tối về nghe nhạc hoặc đứng trên ban công ngôi nhà lớn nhìn ra vườn cũng lại rượu… Lúc lâm bệnh, ông cũng tự thấy tất cả vì rượu mà ra. “Tôi sống thường trực trong nỗi cô độc vì tình yêu. Nói cô độc thì hơi quá, tôi là người luôn cô đơn thì đúng hơn. Nói về nỗi cô đơn. Trước hết phải là người biết yêu mới thật sự cảm nhận được nỗi cô đơn trong lòng mình. Nhưng sự cô đơn sống động lại là sự sống. Còn có những sự cô đơn nghĩa là tự làm mình rơi vào sự lãng quên, vào cô lập, thì điều đó lại dễ dẫn đến cái chết. Tôi lại là một người cô đơn sống động vì tôi được nhiều người chia sẻ nỗi cô đơn này qua bài hát Một mình và cả nhiều bài hát khác. Điều này vô cùng ý nghĩa với tôi. Không hẳn có một người phụ nữ bên cạnh là bạn hết cô đơn. Với một người nghệ sĩ sống lãng mạn như tôi thì đôi khi càng sống bên cạnh nhau lại càng cảm thấy cô đơn”.

“Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi”. Bây giờ cuộc sống của ông chậm trôi và thanh thản, dù ngồi trên xe lăn như tôi đã nhìn thấy khi con cái và bạn bè cùng ông nay Sài Gòn mai Hà Nội. Tháng nào chẳng có tình khúc của ông vang trên truyền hình, sân khấu tụ điểm. Mỗi bản tình ca đều là một tình yêu, một kỷ niệm, một viên thuốc của Thanh Tùng xoa dịu nỗi cô đơn. “Khi thấy buồn em cứ đến chơi. Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi. Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi. Bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên”…

 

Theo Chu Minh Vũ (Sài Gòn Tiếp Thị)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: