Thứ bảy, 04/05/2024,


Người giải mã tiếng Huế (08/11/2009) 

Tiếng Huế với tôi không chỉ là ký ức, là sự giãi bày những tâm sự mà còn là niềm đam mê khi đi vào thế giới của chữ nghĩa... Tiến sỹ Bùi Minh Đức, tác giả cuốn Từ điển tiếng Huế thường phân bua như thế với bạn bè, với độc giả ái mộ.

  

Không chỉ những người bạn thân thiết, những người cùng trang lứa, những người cùng cảnh ngộ tha hương, mà lớp hậu sinh ở quê nhà như chúng tôi cũng có sự đồng cảm và trân trọng với Bùi Minh Đức. Độc giả càng cảm phục hơn khi biết rằng ông không phải là nhà khoa học xã hội nhân văn, mà là một Tiến sĩ Y khoa.

Năm 1973 sau khi tu nghiệp ở CHLB Đức trở về Bùi Minh Đức được bổ làm Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng của Đại học Y khoa Huế. Năm 1975, ông cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ, là giảng sư tại Đại học LOUISVILLE thuộc bang Kentucky. Trong cuốn Vẻ vang dân Việt, xuất bản năm 2003 ở hải ngoại, bài viết về Bùi Minh Đức được giật tít “Người đầu tiên dùng ống nội soi để vá nhĩ - sử dụng nội soi để đặt ống thông khí”.

 

     

Tiến sĩ Bùi Minh Đức và Tiến sĩ Thái Kim Lan trong buổi ra mắt cuốn Từ điển tiếng Huế

 

Cơ duyên với chữ nghĩa tiếng Huế của Bùi Minh Đức bắt đầu từ cú điện thoại ở quê nhà báo tin người mẹ yêu quý vừa qua đời. Những ngày sau đó hình ảnh người mẹ với những lời ân cần dạy bảo thuở thiếu thời cứ vọng mãi trong tâm trí, thôi thúc ông cầm bút chép lại những lời mẹ xưa. Đọc đi ngẫm lại thấy có quá nhiều từ, nhiều ngữ thế hệ mẹ ông nói hàng ngày bây chừ ít người Huế sử dụng.

Thế là ông nảy sinh ý tưởng phải ghi lại cái tiếng nói rất riêng đó của Huế. Lúc đầu chỉ chuyền tay bạn bè đọc để nhớ về Huế, nhớ về những kỷ niệm. Nhưng sau đó ông lại nghĩ tại sao không mở rộng nghiên cứu, ra in thành sách cho nhiều người được đọc, để gìn giữ tiếng mẹ đẻ, như là gìn giữ một thứ tài sản quí giá của Huế?

Thế rồi, từ tình cảm của một người con hiếu thảo dành cho người mẹ hiền, từ những lời dạy dỗ vọng về trong tiềm thức như tiếng nói quê hương sâu lắng, thâm trầm, thấm đẫm những giá trị nhân văn Bùi Minh Đức đã đến với tình yêu rộng lớn hơn là tấm lòng đối với quê hương, xứ sở để mười năm sau  (1991 - 2001) ông đã cho ra đời cuốn Từ điển tiếng Huế đầu tiên, dày 530 trang,  in tại California. Năm 2004 công trình được tái bản dày dặn hơn với 1.052 trang, in tại TPHCM. Và  năm 2009 được in lần thứ ba (gồm quyển thượng và quyển hạ) dày 2.054 trang – tái bản lần hai và ba  đều do NXB Văn học và Trung tâm Quốc Học ấn hành.

Hơn 40 năm đầu đời sinh sống và làm việc tại quê nhà đã giúp Bùi Minh Đức tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội, ở nhiều địa phương khác nhau. Đó là những kênh thông tin, những vốn từ tạm đủ cho ông tự tin bắt tay vào việc soạn thảo Từ điển tiếng Huế.

Dĩ nhiên là còn có vai trò của cộng đồng người Huế ở nước ngoài, của bạn bè, của kho tàng thư tịch Huế, và của nhiều chuyến đi thực tế sưu tập tư liệu trong những lần về thăm quê. Nhờ vậy mà Bùi Minh Đức đã tập hợp được khá nhiều từ ngữ, thành ngữ của Huế từ khắp “trong triều ngoài nội”, từ tiếng của người Việt cổ đến cả tiếng của người Chăm xưa, tiếng của các vùng miền trong cả nước được Huế hóa theo suốt chiều dài lịch sử 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân.

Cuối cùng là sự miệt mài, cần mẫn.  Để tìm những lời chú giải chính xác, dí dỏm, phù hợp với từng ngữ cảnh, Bùi Minh Đức đã dấn thân vào ngõ ngách của từng chữ từng câu, đã gửi gắm cả tấm lòng mình vào từng từ ngữ, và có sự đối sánh với các phương ngữ khác. Có nhiều khi cả ngày, thậm chí phải mất vài ngày, vật vã với từng con chữ ông mới giải mã được một từ, một ngữ. Chính nhờ vậy mà Từ điển tiếng Huế  không chỉ có những từ, những trang chỉ thấy toàn sự giải nghĩa khô cứng.

Không cục bộ với vốn từ ngữ tiếng Huế. Bùi Minh Đức còn nuôi tham vọng biến nó trở thành một cuốn “bách khoa toàn thư”. Nhưng điểm yếu của Từ điển tiếng Huế cũng bắt đầu từ đây. Từ điển tiếng Huế nhiều chỗ bị loãng ra, có rất nhiều từ - ngữ đã vượt qua giới hạn địa lý hành chính của Huế. Nhiều từ là chung của cả vùng Huế, được dùng phổ biến từ Quảng Trị ra đến Quảng Bình. Đơn cử như những từ: hổ ngươi, ổ ngai, ngạ (ăn không ngạ, làm không ngạ).

Nhiều từ đã có trong từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt, từ điển Phật học, từ điển lịch sử, từ điển danh nhân, từ điển địa danh, từ điển Y học... nay vẫn thấy xuất hiện trong Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức. Chẳng hạn như các từ: mô, tê, răng, rứa đã phổ biến từ vùng Nghệ Tĩnh đến nam Trung Bộ. Cơ chi Bùi Minh Đức bớt “ham hố”. Bởi cứ sa đà như rứa thì tuổi già sức yếu, một mình một ngựa như ông “mần răng cho ngạ”...

Chưa kể vì lo “ôm rơm nặng bụng”, lo mở rộng tìm kiếm, đối sánh với các phương ngữ khác mà Bùi Minh Đức đã để sổng mất một số từ rất Huế. Khi nói về chuyện xấu hổ người Huế hay dùng từ ôốc dôộc, nhưng tôi tìm mãi không thấy.

Để nhấn mạnh người Huế hay nói nhất một, bản thảo của tôi gửi đi thường bị biên tập viên trong Nam ngoài Bắc bỏ mất một trong hai từ, trong từ điển của Bùi Minh Đức cũng không thấy từ này. Liên quan đến chữ ăn Bùi Minh Đức đưa vào từ điển đến 23 trang, nhưng tôi tìm mãi không ra từ ăn theo chạy dọi nằm ở đâu cả. Người Huế xưa gọi từ điển là từ vị nhưng Từ điển tiếng Huế bỏ cả hai từ này ra ngoài. v.v… Thật tiếc.

Tuy nhiên, theo Bùi Minh Đức, ngoài những tiếng của riêng người Huế còn có nhiều tiếng mà một vài địa phương lân cận cũng nói nhưng người Huế dùng nhiều hơn, thích dùng nhiều hơn và nó thể hiện tính cách, gần gũi tâm tư, tình cảm người Huế hơn.

Dẫu sao thì trong Từ điển tiếng Huế nhiều nhất vẫn là tiếng Huế “rin”, tiếng Huế thổ ngữ của các làng xã, những tiếng Huế bị biến âm, bị phát âm sai so với chuẩn tiếng Việt phổ thông -  như các trường hợp on = ong (con = cong), an = ang (dan = dang), ắt = ắc (đắt = đắc), nh = d (nhỏ = dỏ). v.v... Thật tuyệt vời, trong khi bị người khác bắt lỗi thì người Huế ít ai thừa nhận mình sai mà coi đó như là một nét duyên của tiếng Huế. Bùi Minh Đức biết khai thác đánh đậm cái duyên này, có một chút gì đó giống như AQ của Lỗ Tấn, xem nhược điểm của mình như là một ưu điểm “chẳng nơi nào có được”.

Cũng vì thế mà có “đôi hồi”  Bùi Minh Đức sa vào nói tục trong Từ điển tiếng Huế thì có nhiều người khi đọc thấy ôốc dôộc và khó chịu. Cũng có người đã đề nghị Bùi Minh Đức không được đưa tiếng Huế ra “dỡn chơi”, đưa tiếng Huế ra để mua vui, mua tiếng cười - như lối nói tục - mà phải biết làm sao để tỏ rõ, để thấy rõ sự hãnh diện về tiếng Huế “quê miềng”. Ăn Bắc mặc Kinh, Huế một thời là kinh đô, là nơi văn hóa hội tụ và tỏa sáng, trong đó có ngôn ngữ, chữ nghĩa. Vì thế tiếng Huế có vốn từ phong phú, có nhiều từ sang trọng, quý phái, cần phải nâng tầm vóc của tiếng Huế lên cao hơn, đi xa hơn trong sự tổng hoà ngôn ngữ Việt Nam.

Dẫu sao thì  Từ điển tiếng Huế  cũng đã được người Huế trân trọng, nâng niu, vì đây là công trình đầu tiên về từ điển tiếng địa phương. Bùi Minh Đức đã bảo tồn và lưu giữ được một kho tàng tiếng Huế, một loại phương ngữ đang bị mất đi dần dần trong xã hội hiện đại hóa và hội nhập hóa cực nhanh. Càng đọc càng thấy tác giả là một người rất sành Huế, rất trí tuệ và rất can trường khi dấn thân vào một lĩnh vực trái tay.

Tôi được nghe GS Phạm Văn Hưởng, thầy giáo cũ của Bùi Minh Đức nhận xét rằng: Đây là một người học trò chăm chỉ, một người học trò giỏi, không chỉ học giỏi mà còn hành giỏi. Vì thế đọc Từ điển tiếng Huế tôi không ngạc nhiên lắm. Một người như thế đẻ ra những tác phẩm như thế là đương nhiên.

 

Thanh Tùng

(Nguồn: Báo Tiền Phong)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: