23 giờ 46 phút 43 giây đêm Chủ nhật, tôi nhận được tin báo 'Trần Hòa Bình bị tai biến mạch máu não đang đưa từ Hải Hậu -
Nhận những tin nhắn này, tôi thật sự bàng hoàng. Anh Trần Hoà Binh sinh năm 1956. Cách đây hơn 1 tháng, gặp anh trong một đám tang ở xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng), tôi thấy anh to béo, khỏe mạnh, dáng đi có vẻ nặng nề, không còm nhom như cái thời anh về Hải Phòng dạy Lớp đại học báo chí tại chức khóa 1 mà tôi là một học viên. Cách đây hơn 1 tuần, tôi còn trò chuyện với anh qua điện thoại di động. Bằng giọng nói đĩnh đạc và sảng khoái, anh chúc mừng khi biết tin cậu con trai của tôi trúng tuyển thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh còn khuyên tôi sớm lên Hà Nội tìm chỗ thuê trọ học cho con. Thế mà…
Tôi quen biết anh từ những năm 80 khi tôi đang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1. Hồi đó, gia đình anh ở một căn phòng nhỏ trong khu tập thể của Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1, vì vợ anh là cán bộ Phòng công tác chính trị của Trường này, còn anh là cán bộ giảng dạy môn Lịch sử văn học Việt Nam ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Tôi và anh khá thân nhau vì đều là 'dân' mê thơ và hăng viết báo. Vài hôm anh lại dùng chiếc xe máy cà tàng chở những bao tải thư bạn đọc từ báo Tiền Phong về nhà, rồi dọi cánh sinh viên chúng tôi chia nhau đọc và tập viết trả lời thư. Anh bày cho tôi cách đi lấy tin, tổ chức xây dựng hẳn những trang Câu lạc bộ với những ô chữ vui, thơ châm biếm, tranh vui, mẩu chuyện cười… để cộng tác với báo Tiền Phong. Cuộc sống gia đình anh thật khó khăn, vất vả. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ sang giúp anh dọn dẹp nhà cửa và trông hộ đứa con nhỏ để anh nấu cơm bằng chiếc bếp dầu. Tối tối, dưới ánh đèn điện vàng hoe, anh và tôi đua nhau viết báo túi bụi. Chúng tôi rất vui vì được đăng bài trên mặt báo, lại có thêm tiền nhuận bút để tiêu pha trong những tháng ngày túng bấn. Anh còn viết cả truyện thơ đồng thoại cho thiếu nhi nữa. Ra trường, tôi về Hải Phòng công tác, ít có dịp gặp lại anh, năm thì mười họa mới gọi điện thoại bàn đường dài để hỏi thăm sức khỏe hoặc chúc Tết nhau. Vừa rồi gặp lại tôi, anh khoe sẽ mang những truyện thơ trước đây anh đã viết cho thiếu nhi đến in ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Thế mà…
Trong làng văn, mọi người biết đến Trần Hòa Bình là tác giả bài thơ Thêm một. Bài thơ giản dị, xao xuyến và trầm lắng. Trần Hòa Bình sáng tác không nhiều, hoặc cũng có thể anh ít chịu công bố tác phẩm của mình, có thể vì bài thơ Thêm một do được quá nhiều bạn trẻ yêu thích, nhắc nhớ, thuộc lòng, đã che lấp những câu thơ khác của anh chăng.
Trong làng báo, anh em đồng nghiệp thường nhắc đến anh với bút danh Tầm Thư một thời trên báo Tiền Phong. Có thể coi anh như là một chuyên gia tư vấn tâm lý thanh niên. Anh viết báo trả lời bạn đọc cũng rủ rỉ như trò chuyện thường ngày vậy. Ai có vướng mắc tình cảm gửi thư đến báo đều được anh chia sẻ tận tình, thấu đáo. Mọi bạn đọc ở xa đâu biết nhà báo Tầm Thư có cuộc sống gia đình nhiều hụt hẫng, bị đổ vỡ. Anh chịu cảnh 'gà trống nuôi con'. Trần Hòa Bình khá tài hoa. Anh tổ chức tập hợp bản thảo, biên soạn và thực hiện nhiều trang báo, biên tập sách thơ, vẽ minh họa khá bay bướm cho các trang sách, trình bày các trang báo, vẽ tranh vui đăng báo, gom góp từng đồng nhuận bút nuôi con. Bé Hà Trang - đứa con gái duy nhất của anh - đang là sinh viên đại học lớp Báo truyền hình khóa 24 năm cuối. Là cán bộ giảng dạy môn Lịch sử báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, nhưng Trần Hòa Bình vẫn là một nhà báo tận tụy với công việc. Anh viết báo kiếm thêm thu nhập thì đã đành, nhưng nhiều khi anh còn nhận lời đảm đương vị trí trọng trách cho những tờ báo mới khai sinh hoặc rơi vào tình cảnh sắp dừng bản. Mới đây anh nhận làm Thư kí Tòa soạn cho tạp chí Trí Tuệ, một tờ báo đang gặp nhiều khó khăn của Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập. Nhà báo Trần Hòa Bình cùng 2 nhà báo lão thành Trường Giang và Lê Khắc Hoan đang nỗ lực đưa tạp chí Trí Tuệ có những khởi sắc mới thì anh lại bất ngờ rời bỏ tất cả ở tuổi 53…
Anh Trần Hòa Bình ơi, Hoài Khánh sắp đưa con lên Hà Nội nhập trường, hi vọng sẽ được gặp lại anh nhiều hơn như cái thưở hàn vi khốn khó. Thế mà… Thôi, xin anh nhẹ nhàng về cõi vĩnh hằng.
Đôi dòng này là nén nhang lòng để Hoài Khánh nghiêng mình kính cẩn thắp lên viếng hương hồn anh. Anh mãi là người thầy, người bạn của tôi.
Hoài Khánh (Hải Phòng)