Tôi là Nguyễn Thị Phương, hiện tại là Vận động viên đội tuyển bóng bàn khuyết tật Tp. Hà Nội. Tôi đã tham gia tập luyện được hơn ba năm nay và bước đầu thành tích chưa được là cao nhưng tôi đang cố gắng từng ngày để phấn đấu sẽ nâng cao được thành tích trong những kỳ đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc tiếp theo.
Người cho tôi động lực để vươn lên trong cuộc sống là bà ngoại tôi. Khi sinh ra, tôi là một đứa cháu gái bụ bẫm đáng yêu của Ngoại; vậy mà trải qua cơn sốt bại liệt, di chứng để lại làm cho bên chân trái của tôi bị teo nhỏ và tôi trở thành đứa cháu tật nguyền đáng thương mà Ngoại hết lòng chăm sóc và bù đắp. Thời đi học tôi hay bị bạn bè trêu ghẹo, nhại lại dáng đi của tôi, có lần không kiềm chế được tôi đã bật khóc, và xảy ra xô xát với người bạn ấy. Điều ấy đã từng khiến tôi trở thành một cô bé tự ti, sống khép mình, không dám tiếp xúc nhiều. Sau những lần như vậy tôi chạy về bên Ngoại mà khóc, Ngoại giải thích động viên rồi chỉ tôi nhận ra sự nóng nảy của mình và từ đó tôi không không bao giờ như vậy nữa vì cho dù tôi có hành động gì thì cũng không thể thay đổi được cách nhìn nhận và những ánh mắt nhìn lạ lẫm của mọi người về sự thật đôi chân của mình. Từ đó, có ai trêu chọc gì tôi đều yên lặng và cười, điều đó khiến tôi thấy thoải mái hơn. Bởi tôi cũng nhận ra rằng bên cạnh tôi cũng còn rất nhìêu người thân, Thầy Cô giáo, bạn tốt dành tình cảm và tình yêu thương cho tôi.
Cũng có lúc tôi vẫn thấy buồn vì đôi chân không thể giúp mình đi lại nhanh nhẹn được, nhưng nỗi buồn ấy cũng nhanh qua đi khi tôi lại nhớ lời bà ngoại từng nói: “Cháu đã thiệt thòi về cơ thể thì càng phải vươn lên, phải học giỏi không được phụ công bà”. Câu nói ấy của bà luôn mang đến cho tôi sự lạc quan và nỗ lực phấn đấu. Tuổi thơ trong tôi luôn có Ngoại, bà là người chăm lo cho tôi, không ai hiểu tôi như Bà, bây giờ dù đã tuổi cao nhưng chưa bao giờ bà hết dành tình thương cho tôi. Mỗi khi buồn hay mệt mỏi chỉ cần về bên Ngoại được nhìn thấy Ngoại, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhàng như được trút hết tâm sự.
Mãi tới năm 2005, tình cờ biết đến bộ môn bóng bàn khi có huấn luyện viên tới nơi tôi học nghề làm hoa lụa nghệ thuật, tôi cảm thấy môn thể thao này có sức cuốn hút kỳ lạ, thế nhưng gia đình tôi mà nhất là chị gái khuyên tôi không nên theo đuổi vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi, nhưng tôi vẫn quyết tâm và từ bỏ việc học nghề mà khi đó tôi đang theo học.
Một tấm gương sáng để tôi học tập đấy là chị Hồng Kiên vận động viên xe lăn và cử tạ, tuy cũng là người khuyết tật nặng và ở xa Hà Nội nhưng bao năm qua chị vẫn miệt mài lao động và luyện tập đạt rất nhiều thành tích cao, chị đã tạo cho mình hạnh phúc. Tôi nghĩ mình có thể thua kém nhiều người về sức khoẻ phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng nếu cứ mãi chỉ biết sống trong vỏ ốc tự ti và buông xuôi cuộc sống thì sẽ tự làm khổ chính mình và làm Ngoại buồn lòng và cứ phải mãi lo lắng cho tôi. Tuy tập luyện khá vất vả, chuyện bị trẹo chân, trật tay là rất bình thường, nhưng tôi vẫn hăng say vì với bóng bàn, tôi có thể sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa và có ích hơn bao giờ hết. Can ngăn không được, nhất là khi nhìn nhận thấy sự đam mê và tinh thần hứng khởi của tôi, gia đình từ phản đối đã chuyển sang ủng hộ để cho tôi tự do theo đuổi con đường tôi đã chọn. Khi tôi được chính thức vào Đội Bóng bàn khuyết tật Hà Nội, được hưởng lương và nhiều chế độ ưu đãi khác, điều đó là động lực khiến tôi càng có quyết tâm và cố gắng hơn. Và khi được phường hỗ trợ cho một số kinh phí, tôi đã dùng để chi phí thuê huấn luyện viên để tập thêm, nâng cao trình độ.
Phần lớn quỹ thời gian trong ngày bây giờ tôi dành cho việc sinh hoạt và tập luyện bóng bàn cùng với Đội Bóng bàn khuyết tật Hà Nội. Vừa qua tôi cũng may mắn được tham gia giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2009 tại Quảng Trị và giành được một Huy chương vàng đồng đội và hai Huy chương đồng khác. Thành tích ấy còn rất khiêm tốn nhưng đối với tôi nó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của tôi và khích lệ tôi trên bước đường sắp tới. Tôi rất mong những người khuyết tật khác cũng giống như tôi, được gia đình quan tâm, giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn, thực hiện được ước mơ của mình. Sự tin tưởng và chia sẻ của gia đình luôn là động lực lớn nhất để những người khuyết tật nỗ lực vươn lên…!
Nguyễn Thị Phương
(VĐV Đội tuyển bóng bàn khuyết tật Hà Nội)
Đ/c: Số 24, Tổ 3, P. Mộ Lao, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội.
ĐT: 0986566428 - Email: nguyenphuong_hoahongtrang@yahoo.com.vn