Tôi đọc chậm tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của Di Li (tên thật Nguyễn Diệu Linh, NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2009). Vừa đọc vừa cảm nhận vẻ đẹp trong từng trang viết, về khung cảnh đa sắc, đa âm mà tác giả miêu tả. Ở đó có tiếng sáo ma quái, sự huyền bí của ngôi nhà cổ, nét thâm u của hang đá dưới quả núi hình Người Cụt Đầu, những cánh rừng thiên nhiên và nhân tạo... Đọc xong “Trại hoa đỏ”, tôi có cảm giác như mình vừa bước ra từ một ma trận mà Di Li đã bày ra. Hơn 430 trang sách khổ lớn ghi nhận sự lao động, sáng tạo bền bỉ của tác giả. Song, điều đáng nói là Di Li đã tạo nên ấn tượng không dễ quên. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” không chỉ là chủ đề trinh thám-kinh dị, mà còn là sự khéo léo trong bố trí các tuyến nhân vật, cách miêu tả cảnh vật tài tình và lối viết trong sáng, khơi gợi cảm xúc cho người đọc.
Sự kết hợp phản ánh tâm lý nhân vật với sự huyền bí thiên nhiên, bóng hình ma quái và chất trữ tình siêu thực, nhất là khi chuyển đoạn, chuyển chương tạo cho tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” thêm cuốn hút độc giả.
Ở “Trại hoa đỏ”, Di Li tạo được sự hấp dẫn trước hết trong việc xây dựng các tuyến nhân vật, đặc trưng từng nhân vật thông qua tâm lý, hành động và đặc điểm hình dáng, tính cách. Dù là nhân vật chính, nhân vật phụ hay thoảng qua, có khi là con người, loài động vật hay loài sinh vật hoang dại, sự vật đều tạo được ấn tượng cho bạn đọc qua cách xây dựng và miêu tả của tác giả. Hình ảnh người chiến sĩ công an là chủ thể của tuyến nhân vật chính diện thông qua Phan Đăng Bách, Mai Thanh, Trung tá Phả, điều tra viên Lãm. Còn có những người tốt như bác sĩ Khang, người mẹ miền Trung, A Cách. Tuyến phản diện đặc trưng là những con người xảo quyệt như Phan Hoàng Lưu, Phạm Văn Sương, lão thày Mo, Ráy, kẻ đội lốt công an Trịnh Huy Bình, Kahlil Tan. Diên Vĩ là nhân vật chính tiêu biểu của những nạn nhân bị cái ác trà đạp và sự tắc trách của một bộ phận người có trách nhiệm làm công tác quản lý. Còn những nạn nhân khác, mỗi người một hoàn cảnh như Di, Bi-nốt-ruồi, Gã điên và người con gái cuối cùng của dòng họ Quách, vợ chồng bà Miến-A Bằng v.v.. Thông qua miêu tả, bạn đọc hình dung được tính cách của các nạn nhân bị giết chết như Đỗ Quang Huy, Trần Đàm Anh, Lý Minh Văn. Có hai nhân vật đặc biệt trong tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” không thể không nhắc tới, đó là bé Bảo và chú chó Lucky. Bé Bảo hồn nhiên, dù sinh ra trong bất hạnh: mắt khuyết tật, mẹ bị giết. Nhưng chính từ những trò chơi, cảm giác của bé Bảo đã làm cho câu chuyện hấp dẫn. Chú chó Lucky, xuất thân là loài chó hoang, khi được cảm hóa đã có những hành động như con người đầy nghĩa khí và trung thành. Từng nhân vật, mỗi người một vẻ, qua ngòi bút của Di Li trở nên sinh động, cuốn hút người đọc.
Nữ tác giả Di Li trong buổi ra mắt tác phẩm Trại hoa đỏ.
Trong “Trại hoa đỏ”, Di Li đã ít nhiều thành công khi khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an thông qua các nhân vật như Đại úy Phan Đăng Bách, Mai Thanh, Trung tá Phả và Thiếu tá Đỗ Quang Huy, người Trưởng phòng điều tra nghiêm khắc. Ở Phan Đăng Bách là một sĩ quan công an cần mẫn trong điều tra, cố gắng tích lũy kinh nghiệm nghiệp vụ, tạo cho mình có một “trực giác” tốt để tự khẳng định mình trong công việc. Còn Mai Thanh là một nữ công an tâm huyết với nghề, có sự thông minh đến lạnh lùng, nhưng cô cũng có sự hờn ghen của người con gái, ám ảnh day dứt về cái chết của chị gái. Trung tá Phả với hàm răng vàng, cái miệng cười rất “đặc biệt”, là một con người chân chất, tận tụy công việc. Những nhân vật như Thiếu tá Huy, người Trưởng phòng điều tra, điều tra viên Lãm... dù chỉ thoáng qua, nhưng đó là những con người vì công việc, dám hy sinh cả tính mạng để đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống nhân dân. Nhưng cũng qua việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an, cho thấy, tác giả còn chưa thật hiểu về nghiệp vụ, nguyên tắc, tính lô-gic trong điều tra, dẫn đến xử lý các vụ việc đơn giản. Có lẽ, Di Li còn thiếu vốn sống trong lĩnh vực này.
Các tuyến nhân vật trong “Trại hoa đỏ” xây dựng đan xen nhau, trình tự, kết cấu theo chương mục nên bạn đọc dễ theo dõi câu chuyện. Di Li cố gắng đưa người đọc vào ma trận, nhưng lại vẽ một con đường thẳng để bạn đọc đi vào ma trận ấy, khiến “Trại hoa đỏ” có kết thúc rõ ràng, chưa thực sự làm thỏa mãn bạn đọc. Điểm yếu dễ nhận thấy ở tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” là tác giả đã “nhân tạo hóa” khung cảnh, sự vật, miêu tả nhiều lời, có nhiều chỗ người đọc cảm thấy như tác giả quanh quẩn, lúng túng với chính các khung cảnh mình vẽ ra. Có thể, Di Li cố gắng bám theo quan niệm “Ở nơi nào có con người, ở nơi đó có tình yêu và lòng trung thành. Còn cũng ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tồn tại sự độc ác, nham hiểm và phản trắc”, nên cách xây dựng nhân vật, giải quyết những mẫu thuẫn, xử lý các tình huống cũng trở nên gò bó, chưa thật sự đắc địa. Cách Di Li xử lý những trạng huống tâm lý của Diên Vĩ khi vào ma trận rừng nhân tạo, dấn chân vào ngôi nhà cổ, lục lọi trong lòng hang dưới núi hình Người Cụt Đầu... chưa thật phù hợp. Dường như là cố gắng ma quái hóa để truyện ly kỳ hơn. Tuy nhiên, bạn đọc dễ chấp nhận bởi sự hấp dẫn, lý thú qua cách miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, âm thanh rất trữ tình của “Trại hoa đỏ”.
Một tiểu thuyết đầu tay dày dặn, tiên phong trong thể loại trinh thám-kinh dị, là thành công của Di Li, đưa cô trở thành một trong những nhà văn trẻ nổi bật và rất tiềm tàng công lực trong ngôi nhà văn học nước ta.
Nguyễn Đình Xuân
(Nguồn: Báo QĐND)