Thứ tư, 08/05/2024,


Tiếng cuốc (28/10/2009) 

Không dễ nhìn thấy con cuốc, nhưng dường ai cũng từng nghe tiếng gọi hè khắc khoải của loại chim này. Xưa nay, tiếng cuốc không chỉ ám ảnh nhiều văn nhân thi sĩ, mà còn trở thành tiếng lòng nhớ nước của những người xa quê.

 

Tuy hkông dễ gặp con cuốc nhưng người ta thường nghe tiếng cuốc kêu khắc khoải như từ cõi xa xăm nào đó vọng về. Loài chim này có ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Nó thường lặn lội ở ven sông, rạch, bờ ao, bờ ruộng, bìa rừng. Bước đi của chim cuốc dài và nhanh, tất bật và hối hả. Khi có bóng người hoặc tiếng động, cuốc sải bước thật nhanh, lủi vào bụi rậm mất tăm. Cuốc lủi là để tự vệ, khác với cử chỉ lấm la lấm lét chui lủi của kẻ buôn gian bán lận trốn tránh pháp luật, mà dân gian ta quen gọi là “lủi như cuốc”. Ngoài cái tên “cuốc” nôm na, trong văn cổ loài chim này còn có tên “đỗ quyên”, “đỗ vũ”,…

 

Xưa nay cuốc gắn với câu chuyện huyền thoại về Thục đế mất nước khi hóa thành chim cuốc kêu hoài nỗi đau mất nước. Hình ảnh con chim cuốc và tiếng kêu “cuốc cuốc” là hồn nước lúc ẩn, lúc hiện thăng tỏa với thời gain, không gian đời đời:

 

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên.

(Nguyễn Du)

 

 

Nhân đây nói thêm: ở làng quê ta, cùng với tiếng “cuốc cuốc” còn nghe thấy tiếng “da da” của loài chim khác mà tiếng hán gọi là “gia gia”, nhắc về điển Bá Di, Thúc Tề- bề tôi nhà Thương thà chết chứ không chịu sống với nhà Chu (triều đại đã diệt nhà Thương) và không ăn thóc nhà Chu. Nó là loài chim hiện thân hai vị ấy, luôn luôn kêu “bất thực cuốc chu gia” (nhân gian gọi là “bắt tép kho cà”) tức là “không ăn thóc nhà Chu” nhưng “gia gia” thường dùng để nhắc đến nhà.

 

Lọt lòng thuở nằm trong nôi, lời ru của mẹ, của bà rót vào cõi tâm linh và đưa ta vào giấc ngủ trưa hè dưới bóng tre:

 

Cuốc kêu tiếng nhỏ tiếng to

Nửa thương phận nước nửa lo phận nhà

 

Hay:

 

Đêm khuya dưới đất trên trời,

Một mình cô đứng cô ngồi cô nghe

Cô nghe hết giọng con ve

Đến lời con cuốc gọi hè tiếc xuân!

 

Chung quanh điển tích về chùa giải oan, suối giải oan ở Hương Sơn có nỗi đau của con người dĩ vãng lưu lại đây qua bốn câu thơ khuyết danh giải thích hiện thực thời ấy:

 

Giải Oan chùa suối nổi danh

Người đời mê mẩn loanh quanh nực cười

Oan mà giải được ai ơi

Đêm đêm cuốc chẳng hoài hơi kêu sầu!

 

Đau sầu, khổ ải, oan khiên là bể trầm luân của kiếp người xa:

 

Nắng mưa, sương tuyết bấy chầu

Cho đau lòng cuốc, cho sầu lòng ve.

 

Tiếng cuốc vừa là tiếng đồng hồ thiên nhiên báo mùa - thời gian, không gian, vừa điểm nhịp tâm con người:

 

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nơ hoa xoan

(Nguễn Trãi)

 

Cùng với sắc màu của trăng, của hoa, tiếng cuốc là âm thanh đặc sắc góp cho bức hội họa thiên nhiên của tiết hè thêm diễm lệ:

 

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

(Nguyễn Du)

 

Qua đèo Ngang tiếng cuốc kêu, Bà Huyện Thanh Quan nghĩ về niềm chung và tình riêng:

 

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

 

“Cuốc cuốc” và “gia gia” là các âm thanh biểu tượng cho nước và nhà đều thân thiết như máu với thịt, vừa hiện hữu, vừa quá khứ - nó là lịch sử.

 

                 

 

Nhiều người ở độ tuổi sáu mươi còn nhớ bài học thuộc lòng trong sách quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu của nha học đông phương in năm 1948 và tronh sách của nhà văn trẻ tái bản sau đó có bài “vào hè” giống từng câu từng chữ bài “vào hè” ở sách giáo khoa văn lớp 4:

 

Ai xui con cuốc gọi vào hè

Cái nóng nung người nóng nóng ghê

Ngõ trước vườn sau um những cỏ

Hồng rơi thấm rụng tiếc cho huê

Trên cành gọi bạn chin xào xạc

Trong tối đưa bay đóm lập lòe

Nay được nồm nam cơn gió thổi

Đàn ta ta gảy khúc nam nghe

(Vào Hè chính là bài thơ hay có lời thơ, điệu thơ giống một bài thơ của Phương Bá Trạc – vốn là một bài thơ hồi đầu thế kỉ 20)

 

Nhà thơ Chế Lan Viên sinh thời đã kêu lên: thế sao lại nhớ mày hở con chim cuốc- cái cuốc gọi hè là ở trong sách giáo khoa thư?

 

Con cuốc và tiếng cuốc kêu là có thật, còn đâu là nguyên nhân sâu thẳm về hoài niệm da diết ấy? Nguyên nhân tâm lý, tâm linh hay cảm hứng?

 

T          iếng cuốc không chỉ ám ảnh văn nhân thi sĩ, những người giàu cảm xúc. Tiếng cuốc còn gây xúc động tận đáy lòng mỗi người Việt Nam xa xứ tiếng cuốc đêm đêm ngấm vào thịt xương thành một thứ tình yêu trên tất cả mọi thứ tình yêu, đó là tình yêu tổ quốc:

 

Nhớ điều chi ơi tiếng cuốc đêm sương

Kêu da diết suốt một mùa nước nổi

Bỗng điên điển mơ cánh vàng nóng hổi

Là nắng chiều đẫm lại giữa lòng tay

Đất nước ngấm vào ta đêm sơ

Như tháp mười điểm trang

Đầy im lặng

Trên tất cả tình yêu tình yêu này đi thẳng

Đến mỗi đời ta

Bất chấp những ngôn từ

 

Từ xa xưa, tiếng cuốc ngoài đời vào sách vở, văn chương thành biểu tượng của lòng yêu nước, yêu nhà. Tiếng cuốc thời chiến là lời thúc giục mang về chiến thắng, tiếng cuốc thời bình khiến ta xúc động tự hào về những năm tháng hào hùng của qua khứ, nhắc ta sải bước nhanh hơn tronh hiện tại để xây dựng đất nước.

 

 

Theo tác giả Phương Kim Anh

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: