Sinh năm 1974, hiện đang là Trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 4 của mình mang tên "Phiên bản" (NXB Công an nhân dân & Phương Đông Books ấn hành) với nhiều hứa hẹn quanh những lý giải về tâm lý, thân phận, cái ác và tội phạm ở góc độ văn học. Báo Hà Nội Mới có cuộc trò chuyện với anh về cuốn tiểu thuyết này.
* Thưa nhà văn Nguyễn Đình Tú, “Phiên bản” được hoàn thành trong bao lâu và anh đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì trong suốt quá trình viết?
- Tôi đã bắt đầu có ý tưởng khi cùng nhà văn Trần Thanh Hà đi thực tế ở Cục Cảnh sát phòng chống ma túy từ năm 2006. Ý tưởng ấy tiếp tục được bổ sung trong đợt đi thực tế một loạt trại giam của Cục V26, Bộ Công an hồi 3-2008. Khi những suy nghĩ về cuốn tiểu thuyết đã chín thì tôi viết rất nhanh và hoàn thành đầu năm 2009. Khó khăn lớn nhất đối với tôi khi viết là luôn nghĩ phải làm sao để bạn đọc không bỏ cuốn sách của mình xuống dở chừng.
* “Phiên bản”được bắt đầu từ chính ngôi nhà nhỏ ở xóm Cấm, nơi nhà văn Nguyễn đã từng sống và viết tiểu thuyết “Đời cô Tám”. Thưa anh, có phải nhà văn Nguyễn trong “Phiên bản” được xây dựng từ nguyên mẫu nhà văn Nguyên Hồng?
- Đúng vậy. Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” với nhân vật Tám Bính rất nổi tiếng. Điều này gợi cho tôi một suy nghĩ: Sao không chọn đó là cái cớ để cho các nhân vật đời con cháu của Tám Bính ra đời và tiếp tục phát triển tính cách của mình. Cái tính dòng đời luẩn quẩn của tiểu thuyết bắt đầu từ đó mà ra, để giờ đây chị có được cuốn “Phiên bản” trên tay mà vui buồn cùng với các nhân vật của tôi.
* Tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú thường đề cập trực tiếp hoặc thấp thoáng bóng dáng của tội phạm và cái ác, có phải do được đào tạo chính về chuyên ngành luật nên anh thấy mình có sở trường hơn các nhà văn khác trong lĩnh vực này?
- Tôi không nghĩ đó có phải là sở trường không nhưng tôi bị ám ảnh về cái ác và tôi muốn cầm bút viết về nó. Cái ác là một phạm trù lớn, đặt nó bên cạnh cái thiện. Còn tội phạm là phạm trù nhỏ, không đồng nghĩa với cái ác. Những câu chuyện của tôi về mặt hình thức có vẻ là lý giải về các cá thể phạm tội, nhưng thực chất là nó đào bới cái ác luôn tồn tại vĩnh hằng trong đời sống xã hội.
* Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của anh. Những kinh nghiệm từ các cuốn trước đã giúp được anh những gì khi viết “Phiên bản”?
- Nếu nói không rút được kinh nghiệm gì thì không đúng, nhưng chỉ rõ một cách cụ thể là rút ra được những kinh nghiệm nào thì cũng không chỉ ra được. Hơn nữa mỗi cuốn lại đề cập những kiểu nhân vật khác, bố cục khác, hơi văn khác, nhà văn viết cuốn mới không phải là “làm lại” những cuốn cũ, vì thế cái gọi là sự rút kinh nghiệm ở đây, với tôi, chỉ là làm sao để viết hay hơn, hấp dẫn hơn mà thôi.
* Cao Hành Kiện từng viết “Linh Sơn” với hai ngôi “ta, mi” và đã được giải Nobel văn học, anh có hy vọng, “Phiên bản” với 3 ngôi “ta, thị, em” sẽ đạt một giải thưởng nào đó? Như của Hội Nhà văn Việt
- Trước hết, tôi viết tiểu thuyết để thỏa mãn nhu cầu nội tại của bản thân. Sau đó cuốn sách được xã hội đón nhận thế nào là ngoài sự kiểm soát của tôi. Giải thưởng có thể đem lại niềm vui cho người viết như tôi, nhưng không có giải thưởng thì các cuốn sách vẫn cứ ra đời và tôi vẫn say mê với công việc này. Còn việc sử dụng các ngôi kể khác nhau, tôi không có tham vọng trình ra một nghệ thuật tiểu thuyết mới, chỉ hy vọng cách kể này gây được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất ở người đọc mà thôi.
* Cuốn sách đã ra đời, anh có còn nuối tiếc một điều gì đó?
- Tôi thường không hài lòng lắm sau khi đọc lại những gì mình viết. Nhưng tôi không có ý định sửa chữa cái đã xong mà hay nghĩ đến những cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
* Cám ơn anh!
Hoàng Mai thực hiện
(Nguồn: HNM Online)