Thứ bảy, 21/12/2024,


Người truyền bá nhạc dân tộc đến 70 nước trên thế giới (23/10/2009) 

Nữ danh ca Bạch Yến đã cùng với GS Trần Quang Hải, con trai GS Trần Văn Khê, lưu diễn và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam đến hơn 70 nước trên thế giới. Sau 40 năm ca hát xứ người, đây là lần đầu tiên danh ca Bạch Yến trở về Việt Nam. Tuy nhiên, chị sẽ hát tân nhạc tại phòng trà Văn nghệ chứ không phải nhạc dân tộc, một dòng nhạc đã mang đến cho chị nhiều vinh quang trên bước đường lưu diễn.  

 

* Nếu ngày xưa, không gặp GS Trần Quang Hải thì chị có tìm về với nền âm nhạc dân tộc không?

 

- Chắc khó lắm! Tuy lòng mình muốn nhưng mình không có cơ hội do ở nước ngoài. Và nếu không có người dìu dắt, chỉ tự một mình theo đuổi bên này thì rất khó.

 

* Khi trở về với nền âm nhạc dân tộc, chị đã phải luyện tập như thế nào?

 

- Có những bài tôi học trên các tài liệu mà anh Hải có. Còn có một số bài thì tôi học trực tiếp từ các cụ già, như những bài ru khi các cụ ru cháu ngủ.

 

* Khi trở về lại với nền âm nhạc dân tộc, chị có gặp khó khăn gì không?

 

- Nếu tôi chưa bao giờ hát nhạc gì hết thì đến với nhạc dân tộc rất dễ. Nhưng vì tôi đã đi theo nhạc Tây phương và quay trở về nên gặp khá nhiều khó khăn. Đây là hai thái cực hoàn toàn khác nhau, hai dòng nhạc khác hẳn, nên rất khó để hòa nhập lại.

 

* Chị đã biểu diễn những bài hát dân tộc nào cho khách nước ngoài thưởng thức?

 

- Nếu theo con đường tân nhạc thì mình phải luôn cập nhật và trau dồi thêm. Còn khi đã quyết định quay về với dòng dân ca, mình phải dồn hết tâm trí để làm việc này mà thôi. Tôi phải mất 15 năm để học và luyện. Nói là luyện thì cũng không đúng lắm, nhưng khoảng thời gian đó là để mình nghe cho thấu đáo, không bị “lai”. Trong 15 năm, tôi không nghe bất kỳ loại nhạc nào khác ngoài dân ca.

 

* Phải chăng chị chỉ muốn nhạc của mình là “thuần” Việt luôn chứ không “pha” bất cứ loại nhạc nào khác?

 

- Đúng vậy! Ngày xưa, mình không hiểu được hết giá trị của nhạc dân tộc. Nhưng khi hát nhạc Tây phương rồi tìm về nhạc dân tộc, mình mới thấy được rất nhiều điểm hay và đẹp trong đó. Mình sẽ trân trọng và tán thưởng nó nhiều hơn và nhất là mình rất muốn đem 'khoe' cho thiên hạ thưởng thức.

 

* Chị tự nhận là hát đúng nguyên bản những bài hát dân tộc. Vậy theo chị, nhạc dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn nguyên bản như vậy hay nên “phá cách” một chút để thu hút công chúng hơn?

 

- Mình cần bảo tồn và làm giàu nó, nhưng chỉ trong khuôn khổ nhạc dân ca cổ truyền, chứ không nên pha bất kỳ dòng nhạc nào của ngoài hay của phương Tây. Ví dụ cụ thể một chút,  ví như khi mình làm cá kho tiêu, không nên dùng nước tương thay cho nước mắm, nếu muốn “phá cách” một chút thì chỉ nên cho thêm chút mỡ hành, tỏi phi chứ không cho bơ vào, sẽ làm “lạc vị” ngay và nhất là không còn giá trị truyền thống cho món này nữa. 

 

* Theo kinh nghiệm biểu diễn nhiều nơi trên thế giới của chị, giữa nhạc dân tộc và tân nhạc, người nước ngoài chú ý về thể loại nào hơn?

 

- Tất nhiên là họ chú ý âm nhạc dân tộc hơn. Vì thực tế, tân nhạc của ta cũng là tiếp thu từ nhạc Tây phương mà thôi, nên sẽ không có gì khác lạ và mới mẻ cả. Hát nhạc dân tộc sẽ được nhiều người đón nhận hơn.

 

* Khi đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới như vậy, theo cảm nhận của chị thì âm nhạc Việt Nam có vị trí nào trên bản đồ âm nhạc thế giới không? Và đó là nhạc dân tộc hay tân nhạc?

 

- Tôi thấy người ta rất quý khi nghe những bài nhạc dân tộc của mình. Đi đâu mình cũng không sợ, cho dù ở đại hội liên hoan âm nhạc nào mình cũng có chỗ đứng hết. Khi hát nhạc dân tộc, không “lai” hay “pha” bất cứ cái gì vào thì mình không sợ là không bằng người khác.

 

* Vậy theo chị, có phải tân nhạc của Việt Nam đã 'bắt chước' nhiều quá nên đánh mất đi giá trị của nó hay vì lý do nào khác?

 

- Dù tân nhạc Việt Nam có hay tới đâu thì cũng chỉ là nhạc tách âm. Giới thiệu nhạc Việt Nam không có nghĩa là mình không hát tân nhạc mà còn phải quảng bá dòng nhạc dân tộc truyền thống nữa.

 

* Chị hát được nhiều thứ tiếng. Vậy chị có định chuyển ngữ những bài hát dân tộc Việt Nam ra tiếng nước ngoài không?

 

- Có bài tôi nghe xuôi tai thì viết ra lời Pháp hoặc Anh, chứ không dịch. Vì nhiều khi mình dịch bài hát, âm điệu  khác thì sẽ không phù hợp với hòa âm của bài nhạc đó. Cũng có vài nốt nhạc, mình phải đổi chút xíu để phù hợp hơn, như bài “Cho anh quên tuổi ngọc” của Lam Phương. Khi tôi hát lời Pháp sẽ không hẳn y chang như lời Việt vì nghe không xuôi tai. Vì vậy, cho tới nay, lời ca Pháp của bài đó, chỉ có mình tôi hát thôi, nghe rất giống Pháp chứ không phải hát bài Việt được chuyển ngữ.

 

* Cảm ơn chị và xin chúc chị có nhiều thành công trong việc quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

 

 

Thanh Chung - Ngọc Mai

(Nguồn: Vietnamnet)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: