Nhưng dường như đối với ông Trần Thanh Sơn, nghỉ hưu, chỉ là sự khởi đầu của những niềm say mê hoạt động và cống hiến khác.
Bền bỉ bước quân hành
Tên thật của ông là Trần Trọng Khuê. Khi còn rất trẻ, ông đã háo hức nhiệt tình tham gia nhiều công tác của lực lượng tự vệ, du kích và Đoàn thanh niên ngay tại quê nhà. Những chuyến liên lạc đưa thư, những hoạt động cứu đói và truyền bá Quốc ngữ, những ngày đêm cảnh giới và chống phá giặc càn quét, những năng nổ sáng tạo đầy nhiệt huyết… đã khẳng định phần nào đóng góp của chàng trai vào việc giành và giữ chính quyền trong và sau Cách mạng tháng Tám của địa phương nơi mình sinh sống.
Ngày 6 tháng 06 năm 1947, Trần Trọng Khuê xung phong đi bộ đội. Qua một khoá huấn luyện tân binh, anh được điều về Đại đội 200 bảo vệ, thuộc Trung đoàn Bắc bắc (E 36), sau này là Trung đoàn 36 của Sư đoàn Quân Tiên phong 308 của quân đội ta.
Cuối năm 1947, cấp trên giao nhiệm vụ cho đại đội của anh Khuê hành quân về Nam phần tỉnh Bắc Ninh để tiếp cận và lên kế hoạch đánh chiếm đồn Lai Tê do sĩ quan Pháp và lính Dõng (nguỵ) cai quản nằm trên địa phận huyện Lương Tài. Chúng từng gây nhiều tội ác với dân chúng quanh vùng và gây nhiều khó khăn cho việc mở rộng vùng giải phóng về phía
Sau nhiều lần trinh sát và bàn bạc, một phương án tác chiến độc đáo đầy tính sáng tạo đã được thông qua. Sáng ấy, lính canh đồn phát hiện có đoàn người chỉnh trang khăn đóng áo dài khệ nệ bưng bê mâm thúng quà cáp rồng rắn đến trước cổng. Họ xưng là chánh tổng lý trưởng của làng xã gần kề. Do hoa mắt bởi khá nhiều quà cáp rượu thịt, lính canh không còn giữ được nề nếp nghiêm ngặt là phải vào thưa trước với quan thầy Pháp như mọi khi, liền xuống mở cổng. Ngay lập tức, chúng bị những cánh tay chắc khoẻ chặn ngang họng. Đoàn chánh tổng lý trưởng nhanh chóng biến thành lực lượng công đồn với súng ống lựu đạn rút ra từ khăn xếp áo dài và tha hồ hữu đột tả xung. Đám quan thầy Pháp và hầu hết lũ lính Dõng tay sai không kịp trở tay. Tiếng súng, tiếng lựu đạn- chủ yếu là của ta- ròn rã vang xa như pháo mừng chiến thắng. Đồn Lai Tê đã nhanh chóng bị diệt gọn, quan thầy Pháp và hàng chục lính đánh thuê đã không thể thoát thân. Trong chiến công chung, có phần đóng góp không nhỏ về kế sách và lòng quả cảm của người lính trẻ Trần Trọng Khuê.
Nhưng hết sức bất ngờ, khi chỉ ít ngày sau, anh Khuê được cấp trên gọi lên giao cho nhiệm vụ làm nuôi quân của đơn vị. Đã là nuôi quân thì ở đâu và thời nào không phải là làm dâu trăm họ, không phải vất vả cực nhọc và còn chịu ánh nhìn lẫn lời ong tiếng ve của số người lắm chuyện?! Hơn thế, hậu cần của quân đội ta khi đó còn vô cùng thiếu thốn, không liên tục và không đều, làm cho đã khó càng khó hơn. Nhưng, người lính trẻ Trần Trọng Khuê vẫn không nề hà- ngoài việc bảo đảm đúng và đủ theo chế độ cung cấp của trên, anh còn thức khuya dậy sớm lấy măng hái rau bắt cua mò cá cải thiện nhiều về chất cho bữa ăn của toàn đơn vị. “Anh nuôi” Khuê đã nhận được từ mọi người nhiều tình cảm biết ơn khích lệ. Nhưng bất ngờ và đáng khích lệ hơn nữa, khi anh biết lãnh đạo đang thử thách để kết nạp Đảng, nên mới giao cho mình nhiệm vụ nuôi quân.
Tại Sàn Bói tỉnh Bắc Giang, ngày 6 tháng 1 năm 1948, đồng chí Trần Trọng Khuê vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam- nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và mấy tháng sau, ngày 15 tháng 6 năm 1948, anh trở thành Đảng viên chính thức.
Có một trận đánh nữa cũng để lại nhiều vết tích khó quên là trận chiến đấu ở Nội Bài đêm 25 tháng 10 năm 1949. Lúc này người lính- đảng viên trẻ Trần Trọng Khuê đã được giao đảm trách chức vụ Trung đội phó. Nội Bài là nơi bộ đội ta gặp phải sức kháng cự vô cùng ác liệt của địch. Chúng cố thủ trong lô cốt đồn luỹ dùng đủ loại vũ khí có hoả lực mạnh để cản bước tiến của ta. Sau ba mươi phút vẫn chưa mở được cửa đột phá, đồng chí trung đội trưởng Lâm Thành lại hy sinh tại chỗ do trúng lựu đạn của địch. Giữa tình thế bức bách, tiểu đoàn lập tức đề bạt đồng chí trung đội phó Trần Trọng Khuê lên làm quyền trung đội trưởng gánh vác nhiệm vụ thay đồng chí Lâm Thành đã anh dũng hy sinh. Trận đánh kéo dài ác liệt từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, ta đã xoá sổ đồn Nội Bài và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Nhưng tổn thất của ta cũng không phải là ít, phải chia nhỏ thành từng tiểu đội để rút quân dưới làn pháo phản hồi của địch từ căn cứ Phủ Lỗ. Đồng chí Khuê rút ra cùng tiểu đội cuối cùng. Và không may, đạn pháo của địch rót trúng. Anh bị thương hai nơi và mất nhiều máu ngất ngay tại chỗ. Anh Khuê được đơn vị cáng võng từ Phú Cường thuộc Phúc Yên lên điều trị vết thương tại bệnh viện dã chiến trong vùng giải phóng ở Phố Cò tỉnh Thái Nguyên trong thời gian một tháng rưỡi. Sau thẩm định xếp hạng thương tật của anh là 4/4 vĩnh viễn.
Từ năm 1950 đến năm 1953, Trần Trọng Khuê vinh dự được cấp trên cử đi đào tạo Khoá 7 Sĩ quan Lục quân tại Dương Đông Hải của Trung Quốc. Trước đó, vì yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối, đồng chí Khuê đã phải đổi tên thành Trần Thanh Sơn. Xin được dùng danh xưng này trong cả phần sau của bài viết.
*
Cũng như nhiều cán bộ của ta được cử đi học tại Trung Quốc trong thời điểm đó, các phong trào Phản tỉnh, Tạo phản v.v… của bạn, đã trở thành nỗi bức bối ám ảnh sâu đậm khó phôi pha trong ký ức của Trần Thanh Sơn. Học xong, được về nước để tiếp tục phục vụ cống hiến luôn là khát khao mơ ước không chỉ của một người.
Năm 1953, đồng chí Sơn tốt nghiệp, được về nước. Cấp trên điều anh về Trung đoàn 88 của Sư đoàn 308. Mấy tháng sau, anh lại được chuyển sang Trung đoàn 42 của Sư đoàn 351 với chức vụ Chính trị viên đại đội để đi Nông Cống tỉnh Thanh Hoá tuyển quân huấn luyện cấp tốc chuẩn bị lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngã ba Cò Nòi là nơi luôn bị địch đánh phá ác liệt, nhưng đây cũng là nơi từng chứng kiến nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, trong đó có đơn vị của đồng chí Trần Thanh Sơn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lúc đang cùng đơn vị đóng quân ở Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Sơn lại được điều sang công tác tại Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị của Sư đoàn 350 để về tiếp quản và bảo vệ Thủ đô Hà Nội từ ngày 10 tháng 10 năm 1954. Khởi thuỷ từ đơn vị này và tác hợp với một số đơn vị khác, một bộ phận quan trọng thiết yếu của lực lượng vũ trang nhân dân đã hình thành. Và, vô cùng vinh dự khi được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang.
Năm 1958, Đoàn Văn công Công an Nhân dân Vũ trang được thành lập. Đồng chí Trần Thanh Sơn vinh dự nhận được Quyết định là Chính trị viên đầu tiên của Đoàn.
Từ năm 1960 đến năm 1963, đồng chí Sơn được cử đi đào tạo tại Học viện Chính trị Quân đội ngay khoá đầu tiên. Học xong, đồng chí Sơn được cử về công tác, với chức vụ Chính trị viên của Tiểu đoàn 12, thuộc đoàn Thanh Xuyên- Đơn vị cơ động chiến đấu trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang. Với thành tích xuất sắc trong các hoạt động tiễu phỉ, chống xâm nhập biên giới, trung đoàn của đồng chí Trần Thanh Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh Hùng Lực lượng Vũ trang. Hiện nay, Trung đoàn này là bộ phận cấu thành của Quân khu Thủ đô.
Liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 12 của Đoàn Thanh Xuyên từ năm 1963, đến năm 1969, đông chí Trần Thanh Sơn lại được cấp trên tin cậy giao Quyết định về nhận công tác tại tỉnh Lạng Sơn với chức vụ Phó Chính uỷ Công an Nhân dân Vũ trang của tỉnh.
Năm 1972, đồng chí Sơn lại được cử đi học lớp chuyên tu Chính trị Kinh tế tại Học viện Chính trị Quân đội. Ra trường, anh được điều về nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên Trường Cửa khẩu của lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang.
Từ năm 1977 đến năm 1981, đồng chí Trần Thanh Sơn được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Khoa Triết Kinh tế tại Trường Đại học Biên phòng.
Cuối năm 1981, cùng với 36 sĩ quan quân đội có cấp bậc từ Đại uý đến Thiếu tướng được Ban Tổ chức Trung ương do chính ông Lê Đức Thọ ký quyết định điều chuyển sang công tác ở Bộ Công an, đồng chí Trần Thanh Sơn được giao làm Trưởng phòng Huấn luyện Điều lệnh của C28 thuộc Tổng Cục Cảnh sát Nhân dân.
Sau mười năm tận tình đóng góp công sức cho ngành Công an, năm 1991, đồng chí Trần Thanh Sơn nhận Quyết định nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.
Đặc biệt, quyết định nghỉ hưu này ghi rõ: Đồng chí Trần Thanh Sơn có thời gian tại ngũ tổng cộng là 44 năm- 34 năm trong Quân đội và mười năm thuộc Công an- quy đổi thành 59 tuổi quân… Vinh dự và tự hào thay một người về hưu vào tuổi 61 đã được ghi nhận là có thành tích đóng góp bằng 59 năm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc!
Và càng vinh dự hơn nữa, khi cố gắng bươn bả vượt qua cả chặng đường đời chông gai dằng dặc đó, đồng chí Trần Thanh Sơn đã nhận được nhiều Huân Huy chương và Bằng Giấy khen các loại… mà không một lần phải nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào!
Hạnh phúc vút cao sau nốt trầm đáng tiếc
Thân sinh của ông Sơn tên là Trần Trọng Các có được tám người con gồm sáu trai và hai gái. Có đến sáu người con của ông sau này trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có ba người từng nhiều năm tham gia quân ngũ.
Sinh thời, ông Trần Trọng Các là người hiền hậu, thuở nhỏ được học hành, lớn lên làm ăn giỏi và có uy tín lớn trong địa phương làng xã.
Cuối năm 1945, do luật tục tảo hôn bám rễ từ lâu, được nhiều người mai mối hối thúc, ông quyết định tổ chức hôn lễ cho con trai thứ tư của mình là Trần Thanh Sơn với một người con gái ở cùng làng tên là Toàn.
Đây hoàn toàn là phán nguyện của người trên. Còn với Khuê… Có thể do chưa hề biết đến những ham muốn về thể xác của tuổi trưởng thành, có thể do chưa có những cảm nhận thuận thảo ban đầu về vị hôn phu… hay trời đã định là hai người sẽ không duyên không nợ?! Có phải thế chăng mà trong lễ ăn hỏi, trong buổi rước dâu và cả trong lễ cưới được tổ chức rình rang sau đó, gồm đủ mặt bà con quyến thuộc và khách mời, gồm đủ nhà gái nhà trai với mâm trên mâm dưới, pháo đã nổ rồi… đợi- tìm- hỏi mãi, vẫn chẳng thấy chú rể Trần Trọng Khuê đâu. Dẫu không thể nào hiểu nổi, dẫu tức đến ói máu và muốn lòi cả hai con mắt, nhưng lợn gà đều đã mổ rồi, mâm món đã bày dọn tinh tươm và rượu hồng đã mời đã rót, bà con hai họ đành phải cười trừ và… ăn thôi.
Chỉ có thân sinh chú rể là ông Trần Trọng Cát phải méo mặt. Và, cô dâu- không rể- tên là Toàn phải nuốt nhục vào trong.
Mặt trời xuống núi rồi, người ta mới nhác thấy chú rể Trần Trọng Khuê sau cả ngày trốn tránh cô dâu để đi đánh đáo chơi khăng ở hàng xóm nhếch nhác mò về.
Rồi. Cùng ở một làng, cùng chung đường ngang lối tắt, không thể quanh năm suốt tháng chẳng thấy mặt nhau. Vậy mà, cho đến tận ngày chú rể nhập ngũ- hơn một năm sau- họ vẫn chẳng nói với nhau câu nào.
Trong kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của nhiệm vụ nên phải giữ bí mật. Cũng như nhiều đồng đội khác, Trần Trọng Khuê phải đổi tên thành Trần Thanh Sơn và không một lần được viết thư hay về phép thăm nhà.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội và nhiều vùng địch tạm chiếm khác. Tiếp theo là các phong trào cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành thị và cải cách ruộng đất ở nông thôn. Cùng với hầu hết cán bộ thoát ly tham gia cách mạng khác, anh bộ đội Trần Thanh Sơn cũng hoà mình vào dòng chảy chung của toàn xã hội Miền Bắc lúc đó. ở đâu cũng ngổn ngang công việc cần giải quyết. Ở đâu cũng đòi hỏi tính kỷ luật và phẩm chất đã qua rèn luyện của người quân nhân cách mạng.
Đến nỗi, đầu năm 1955 (ngày 19 tháng 3 Âm lịch), khi được em út báo tin người cha thân yêu Trần Trọng Các của mình đột ngột qua đời, con trai Trần Thanh Sơn vẫn không thể rời bỏ nhiệm vụ, tạm xa đơn vị, để về quê nhà thực hiện đạo hiếu chịu tang cha.
Đầu năm 1956, lần đầu tiên, anh bộ đội Trần Trọng Sơn mới được nghỉ phép mười ngày.
Trong hành trang mang theo về nhà, ngoài việc đáp ứng mong mỏi sớm được viếng mộ cha, ngoài niềm vui được gặp gỡ những người ruột thịt, anh Sơn còn mang theo cả ước nguyện được nối lại quan hệ với người vợ cũ- đã cưới- là cô Toàn, theo đúng lời động viên góp ý của chỉ huy và đồng đội cùng đơn vị.
Đến nhà. Sau khi rời mộ cha với bao nhiêu nước mắt và thương nhớ ngậm ngùi, anh Trần Thanh Sơn mạnh bạo bước sang nhà bố mẹ cô Toàn. Cả nhà đón tiếp anh niềm nở. Sau khi nghe anh xin lỗi chuyện quá khứ để nối lại tình vợ chồng với cô Toàn, họ đã nhanh chóng đồng ý.
Mấy giờ sau, biết tin anh Sơn về, chú ruột tên là Trần Trọng Đền và cô ruột Trần Thị Măng mừng rỡ đến nhà thăm. Chưa cạn tuần trà, họ đã sầm mặt khi nghe được ý định của anh Sơn muốn nối lại tình nghiã với người vợ cũ. Ông Đền giằn mạnh tách trà xuống mặt bàn, đứng vụt dậy:
- Muốn nối lại tình nghĩa vợ chồng với nhau, là việc của anh chị. Nhưng, chúng tôi phải nói để anh biết: Trong cải cách ruộng đất, bố anh là một trong những người bị quy oan là cường hào địa chủ. Mà người đã ra sức vu oan và cố tình giáng hoạ xuống đầu bố anh và cả họ mạc nhà Trần ta, lại chính là cô Toàn. Trời không có mắt nên cô ta tha hồ tác oai tác quái khi được làm cốt cán trong cải cách ruộng đất. Nếu tôi nói rằng, người đã dồn đẩy bố anh đến chỗ chết, lại chính là người anh đang muốn nối lại. Liệu anh có còn muốn làm chồng của người vợ đó không?
Cô ruột Trần Thị Măng cũng theo đó góp lời:
- Cái Toàn ấy đã không còn xứng đáng là dâu con trong nhà. Nếu anh vẫn cố tình nối lại với nó, xin hãy từ mặt tất cả bà con dòng họ nhà Trần trước đã!
Trời đất như đổ sập - vần vũ và tối sầm - trước mắt Trần Thanh Sơn. Bên Tình và bên Hiếu? Không cần suy nghĩ gì nhiều, anh Sơn liền sải bước đến nhà gặp cô Toàn và ông bà Thố.
Thể theo nguyện vọng của anh Sơn, ngay chiều hôm đó, thủ tục ly hôn với cô Toàn đã được giải quyết nhanh gọn với sự chứng kiến và xác nhận của uỷ ban xã.
Chiều nặng nề tàn trên từng bước chân người con lầm lũi ra mộ khóc cha…
Được nghỉ phép mười ngày lần thứ hai, cuối năm 1957.
Thương Trần Thanh Sơn, cô ruột Trần Thị Măng đã tận tình đi khắp năm thôn trong xã để dọ hỏi gia cảnh nhiều nhà mong tìm được vợ cho đứa cháu trai đã hay bảy tuổi. Trớ trêu thay, tình hình chị em khắp năm thôn khi ấy mới được phơi bày. Chỉ còn hai loại con gái chưa chồng, một: mười sáu- mười bảy tuổi, quá nhỏ; và hai: ba tư - ba sáu tuổi, quá lớn. Hai cô cháu đành tiu ngỉu, lắc đầu.
Chỉ còn 03 ngày phép. Niềm hi vọng tranh thủ về phép để tìm vợ của anh Sơn đang mỗi lúc một teo tóp dần.
Trong tâm trạng nguội nhạt, Trần Thanh Sơn sang thôn Bằng Quân xã Cẩm Định huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, nơi có nhà cô em họ- con ông chú ruột Trần Trọng Vũ- chơi. Cô em họ, tên là Viết, khi biết chuyện, đã rất sốt sắng giới thiệu liền một lúc năm cô gái chưa chồng cho anh mình chọn lựa. Như duyên trời đã định, ngay sau cái nhìn đầu tiên, anh Sơn đã quyết định tìm hiểu để đi đến hôn nhân với người con gái có tên là Vũ Thị Nhài, tên thường gọi là Vũ Tuyết Mai.
Bà Vũ Thị Nhài, tức Vũ Tuyết Mai, người sau này trở thành vợ yêu của ông Trần Thanh Sơn, bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 14 tuổi. Cô phải tự kiếm sống để theo học văn hoá và nhiệt tình tham gia các hoạt động như Bình dân học vụ, công tác hội phụ nữ, dân quân tự vệ và hiện đang đảm trách chức vụ Phó Bí thư Chi đoàn của Đoàn Thanh niên tại địa phương. Đây là người có tính tự lập cao và giàu ý chí- ngay lập tức anh Sơn nghĩ thế.
Nhưng vết đau của lần hôn nhân trước vẫn in hằn quá sâu, theo hướng dẫn của cô Viết, anh Sơn tìm đến ông Suất - Bí thư Chi bộ thôn Bằng Quân- để hỏi rõ ngọn ngành. Ông Suất vui vẻ trả lời:
- Tôi chỉ sợ chị Nhài không đồng ý, chứ nếu được, sẽ rất tốt cho anh về nhiều mặt. Xin chúc mừng!
Được lời như cởi tấm lòng. Ngay đêm đó, anh Sơn tranh thủ tìm gặp chị Nhài. Thời gian không có bao nhiêu, tất cả mọi chiêu thức chiến thuật lẫn chiến lược đều phải gấp rút mang ra ứng dụng vào thực tế trước mắt. Và, may mắn cho Trần Trọng Sơn, người con gái anh chọn và đã yêu, cũng siêu lòng.
Trở lại đơn vị, nhưng tâm trí anh Sơn đã gửi một nửa tại nơi có chị Nhài. Từ đây, giữa hai người, những lá thư tình mỗi lúc một thêm tíu tít mặn nồng. Buồn vui, trắc trở, nhớ thương… được nâng niu san xẻ. Hạnh phúc cuối cùng cũng đến vào hôn lễ được tổ chức sau ngày quen biết một năm - 1958.
Chồng- anh Trần Trọng Sơn vẫn tiếp tục với bao công việc trong quân ngũ. Vợ- chị Vũ Thị Nhài cũng không thể buông lơi những công tác đang dang dở ở địa phương. Cách mạng đòi hỏi phải tạm gác việc riêng để góp sức lo việc chung. Nhưng ổn định gia đình của mỗi cá nhân cũng là một đòi hỏi lớn. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công ăn việc làm và những cơ sở vật chất tối thiểu, nhưng đến năm 1960, anh Trần Trọng Sơn vẫn cố gắng thu xếp để đưa vợ là chị Vũ Thị Nhài ra Hà Nội.
Gái quê ra tỉnh, đường đi nước bước và lề thói sinh hoạt, mọi thứ đều xa lạ và bỡ ngỡ đối với chị Nhài- từ đây xin gọi là Vũ Tuyết Mai. Nhưng vợ chồng được đoàn tụ, lại được anh Sơn ân cần nâng niu dìu dắt, còn được cả chỉ huy và đồng đội nơi chồng công tác tạo điều kiện giúp đỡ… chị Mai yên tâm và vững chí nhiều. Lúc đầu, chị công tác tại Công ty ăn uống thuộc Sở Thương nghiệp Hà Nội. Công việc quen rồi, chị lại hăng hái nhiệt tình tham gia nhiều công tác đoàn thể khác như Phụ nữ, Công đoàn, rồi làm Tiểu đội phó Tự vệ kiêm Bí thư Đoàn thanh niên nơi mình công tác.
Năm 1963, chị Vũ Tuyết Mai chuyển sang công tác tại Công ty Bách hoá Tổng hợp Hà Nội và vẫn hăng say với các hoạt động đoàn thể như trước. Về chuyên môn, chị Mai liên tục đảm nhận các công tác từ mậu dịch viên, thủ kho, thủ quỹ đến tổ trưởng bán hàng, rồi cửa hàng trưởng.
Sau những trục trặc hết sức đáng tiếc trong việc sưu tra lý lịch của tổ chức, mãi đến năm 1981, chị Vũ Tuyết Mai mới được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng trong bất cứ nhiệm vụ và hoàn cảnh công tác nào, chị cũng đều cố gắng hết mình, luôn tỏ ra gương mẫu và hăng hái đi đầu. Dòng máu Cộng Sản đã tuôn chảy từ lâu trong huyết quản của người phụ nữ đảm đang phúc hậu ấy.
Với những cống hiến xuất sắc trong suốt quá trình công tác, bà Vũ Tuyết Mai đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và các cơ quan đoàn thể trao tặng nhiều Huân Huy chương và Bằng Giấy khen các loại.
Nhưng, một thành tích xuất sắc không kém là bà Vũ Tuyết Mai đã một lòng chung thuỷ và hết sức tận tuỵ với chồng- ông Trần Thanh Sơn. Đặc biệt là trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, bà vừa phải hoàn thành tốt công tác được giao vừa phải thay chồng nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Ông bà Trần Thanh Sơn và Vũ Tuyết Mai có được với nhau 03 người con- một trai hai gái.
1. Trần Thị Thanh Nga, sinh năm 1962, hiện đang làm tại Công ty Dược phẩm Kim Đô ở Yên Phụ, Hà Nội.
2. Trần Thanh Long, sinh năm 1963, hiện đang công tác tại Viện Khoa học- Công nghệ.
3. Trần Thị Thanh Ngà, sinh năm 1965, có chồng là Tiến sĩ y khoa, Trung tá- Trưởng khoa trong một bệnh viện quân đội.
Có thể nói, tất cả những người con của ông bà Sơn- Mai đều đã được dạy dỗ để học hành và đỗ đạt cao. Hiện, họ đang nỗ lực phấn đấu trên con đường hướng tới cái đích công thành danh toại, xứng đáng với công lao chăm dưỡng của cha mẹ và góp phần vào công cuộc dựng xây đất nước.
Mặc dù tuổi đã cao sức đã yếu, nhưng bằng ân tình sâu nặng thuỷ chung và cuộc sống vợ chồng mẫu mực, ông bà Sơn- Mai không chỉ là chỗ dựa vững vàng của nhau, còn luôn là bến đỗ bình yên của cháu con sau những ngày bươn chải vật lộn trong thời buổi kinh tế thị trường không hề bình lặng.
Năm 1995, thấy báo Đại Đoàn kết giới thiệu phương pháp học và lợi ích thiết thực của môn Tâm năng Dưỡng sinh, máu trường chinh lại nổi lên và ông Sơn tin tưởng bước vào một chặng quân hành mới.
Chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực theo học và thực hành, sức khoẻ và trí tuệ của tuổi già như trẻ lại, kết quả tốt đẹp không ngờ. Ông Sơn vinh dự được Trung tâm cử đi đào tạo làm Hướng dẫn viên. Sau đó, ông lại được Trung tâm tin tưởng ký quyết định uỷ thác làm Phó Văn phòng đại diện môn Tâm năng Dưỡng sinh tại Hà Nội. Tính từ năm 1997 đến nay, bản thân ông Trần Thanh Sơn đã đi tuyên truyền vận động và mở được đến 65 lớp tập luyện môn Tâm năng Dưỡng sinh phục hồi sức khoẻ tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Với thành tích này, ông đã vinh dự được cấp trên trao tặng 03 Giấy khen.
Trong một dịp tình cờ, người chắp bút cho câu chuyện này may mắn hội ngộ ông Trần Thanh Sơn. Trong bộ đồng phục khoẻ khoắn trẻ trai, với sắc diện thanh thản, ông Sơn đang vui tươi trên chiếc xe đạp rời khỏi nơi luyện tập Tâm năng Dưỡng sinh cùng rất nhiều môn đệ.
Gặp chúng tôi, ông cười hồn hậu:
- Tôi vẫn đang leo dốc đấy.
Vì an sinh xã hội và để làm đẹp cho đời, hiện tại, bước chân của Người lính già này vẫn không hề ngơi nghỉ.
NGUYỄN THỐNG NHẤT