Chủ nhật, 21/04/2024,


Người duy nhất Việt Nam tinh thông chữ Thái cổ Mường Lò (15/08/2008) 

Ông Lò Văn Biến ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, hiện là người duy nhất ở Việt Nam tinh thông và sử dụng thành thạo chữ Thái cổ Mường Lò. Hơn thế, ông còn được mệnh danh là một “Pho sử sống” của dân tộc Thái hiện nay.

Nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã và đang tìm đến với ông. Có chuyên gia người Nhật đã đến ở nhà ông cả mấy tháng trời để tìm hiểu và học hỏi…

 

      Ông Lò Văn Biến và tác giả bài viết tại Nghĩa Lộ, năm 2007.

 

 Các nhà nghiên cứu dân tộc Thái Việt Nam, khi nói tới nghệ nhân Lò Văn Biến, ai cũng yêu quí và kính trọng. Bởi từ nhiều năm nay, ông không quản khó khăn gian khổ, hết lòng vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của dân tộc Thái, giúp cho bà con hiểu được những tinh hoa văn hóa của cha ông mình, đồng thời nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy truyền  thống văn hóa tốt đẹp đã bị mai một dần.

Ông Lò Văn Biến sinh năm 1933, cái tuổi đã thấm thía lời dạy của ông bà: “Cốc cồ lộn bấu hên, vên tai bấu hụ” - nghĩa là: Không ai nhìn thấy gáy của mình, không biết trước được ngày chết. Bởi vậy ông làm việc hết sức mình như chạy đua với thời gian.

 Thuở nhỏ ông Biến học chữ thầy mo Phớ, người giỏi chữ Thái cổ nhất khu vực. Chữ Thái khó học vì không có dấu ngắt câu, không dùng dấu thanh, mà dùng các phụ âm thay thế theo một quy tắc rất phức tạp, vậy mà chỉ sau năm đêm miệt mài với than củi và mo cau, ông bắt đầu biết đọc và viết. Thế rồi từ đấy ông say mê sưu tầm sách cổ, mày mò tập dịch sang quốc ngữ. Có khi phải dấu cả vợ, bớt tiền mua gạo để mua sách, vợ ông biết nhưng thương chồng nên không nỡ trách. Dần dần những bộ sách quí của cha ông được ông sưu tầm và dịch lại cho bà con cùng đọc như: “Quam xon côn” - Đạo lý làm người, “Quam tố mướng”- Chuyện bản mường, “Táy púk xấc” - Bước đường chinh chiến của cha ông, “Căm hánh tặp sấc cớ lương” - Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, “Xống chụ xon xao” - Tiễn dặn người yêu…

Đặc biệt từ khi ông được đi học sư phạm tại Khu học xá Tây Bắc (1954 - 1957), ông càng có phương pháp và ý thức hơn trong việc sưu tầm và bảo vệ vốn cổ của dân tộc. Chính ông là người sưu tầm và truyền dạy sáu điệu xòe cổ cho cả bẩy xã phường của thị xã Nghĩa Lộ, làm bà con vô cùng phấn khởi, còn giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm và khâm phục.

Ông Lò Văn Biến cũng là người góp công lớn vào việc khôi phục lễ hội: “Xên bản xên mường” - tức cúng bản, cúng mường, một mỹ tục của người Thái, nhắm tri ân các bậc có công xây dựng và bảo vệ nên đất Mường Lò, đã được dân tôn làm thành hoàng; sinh hoạt “Hạn khuống” - tức sàn sân ngoài trời, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên; lễ hội “Lồng tồng” - tức lễ hội xuống đồng, nét đẹp của cư dân của nền văn minh lúa nước…

Năm 2007 và 2008 có một ý nghĩa đặc biệt với ông. Được sự giúp đỡ của chính quyền và nguồn tài trợ, ông mở được lớp Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò, thu hút trên 50 học viên tham gia và thu được kết quả tốt, ai cũng vui mừng phấn khởi vì đọc được cái chữ của ông bà để lại, đồng thời tạo nên phong trào học tập chữ Thái trong cộng đồng. Cũng năm 2007 ông được giao trọng trách chủ biên, biên soạn “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò” theo yêu cầu của Bộ Nội vụ để dạy cho cán bộ, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi. Hiện nay bộ tài liệu đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và được dùng làm chương trình khung cho các tỉnh có đông người Thái.

Tháng 7-2007 khi “Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái” được thành lập dưới sự bảo trợ của “Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi” (CSDM) - thành viên của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, ông là một trong những thành viên đầu tiên. Ông mừng lắm vì có điều kiện và cơ hội để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc hơn. Hiện nay ông đang tham gia xây dựng bộ giáo án dạy chữ Thái thống nhất Việt Nam cùng 7 tỉnh có đông người Thái. Theo tiến trình, đến tháng 12-2008 CSDM sẽ kết nối và thống nhất thành bộ chữ Thái Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người Thái trong cả nước và  thế giới có điều kiện giao lưu, học hỏi.

          Bận rộn là thế nhưng ông không bao giờ từ chối khi bà con tín nhiệm đến hỏi ông từ cách khuyên bảo con cháu cách đối nhân xử thế, đến xem ngày dựng nhà, làm đám cưới... Biết tiếng ông, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đến thăm và xin học. Ông đã từng dạy nhiều nghiên cứu sinh người Nhật, Đức, Pháp…thành tài. Đến nay họ vẫn thường xuyên liên lạc với ông với lòng kính trọng đặc biệt và tôn ông là: “Báu vật nhân văn sống”

Những ngày này ông Lò Văn Biến làm việc không biết mệt mỏi. Người viết bài này có chút hiểu biết về văn hóa Thái, đã từng được ông tín nhiệm mời cộng tác biên soạn thành công “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò”, nên ông không dấu điều gì. Ông tâm sự chân thành: “ Còn nhiều việc phải làm quá, mà thời gian có chờ đợi ai đâu, chỉ biết còn sống khỏe mạnh ngày nào thì phải cố hết sức mình giữ gìn và truyền lửa cho con cháu, nếu không cứ thấy như mắc lỗi với tổ tiên !”

 

Trần Vân Hạc

                                  201- B4/189, Thanh Nhàn, Quỳnh Lôi, Q.HBT,Hà Nội

                                 Mobile: 0917 331 683Email: vanhac_@yahoo.com.vn

 

              

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: