Thứ bảy, 21/12/2024,


Đêm biểu diễn ấn tượng của nghệ sĩ Đặng Ngọc Long ở Berlin (21/10/2009) 

Tại Hội trường lớn 'Glaskasten Ballsaal' nằm trên đại lộ Hoàng tử ở thủ đô Berlin, tối 18/10, trước đông đảo đồng nghiệp, thính giả Đức yêu âm nhạc guitare và bạn bè Việt Nam, nghệ sĩ  Đặng Ngọc Long đã có buổi biểu diễn đặc sắc giới thiệu Album nhạc Giutare mới của anh mang tựa đề 'Long plays Long' (Long trình tấu nhạc phẩm của Long) và cuốn sách nhạc kèm theo do nhà xuất bản âm nhạc Logiber- Berlin ấn hành.

 

       

Nghệ sĩ Đăng Ngọc Long trình tấu các
nhạc phẩm trong Album mới của anh.

 

Sau khi Album đầu tay được phát hành vào năm 1998, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã có hơn 10 năm ấp ủ ước mơ ra Album thứ hai và giờ đây niềm mơ ước ấy đã thành hiện thực. Album Giutare mới của nghệ sĩ người Việt, Đăng Ngọc Long đang sinh sống và làm việc ở Đức, đến với công chúng gồm các tác phẩm do chính anh sáng tác và độc tấu thu âm như Morning-Mai, For Thay, Bamboo Ber, Mien man, Preluyt No.1, Bèo dạt mây trôi, Hoài niệm và Núi rừng Tây Nguyên. Bằng cây đàn Giutare cổ điển, với kỹ thuật trình tấu điêu luyện, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long trong đêm biểu diễn đã giới thiệu tới khán, thính giả 8 nhạc phẩm trong Album mới, trong đó có những sáng tác mới nhất của anh và sẽ là bài thi bắt buộc đối với các thí sinh tham dự cuộc Thi Giutare và liên hoan Giutare quốc tế lần thứ ba do anh tổ chức vào tháng 10/2010.

 

Các sáng tác của Đặng Ngọc Long, đặc biệt là tác phẩm 'Núi rừng Tây Nguyên' thuộc thể loại 'âm nhạc hình ảnh' đã giúp thính giả dễ dàng cảm thụ được đầy đủ sắc thái riêng của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Qua những chùm âm hưởng được bung ra từ sáu dây đàn Giutare cổ điển, họ nghe thấy như có tiếng gió hú, suối reo, chim hót, muông thú gầm rú, tiếng vọng của đại ngàn, ngọn lửa bập bùng và tiếng kồng chiêng trầm bổng trong lễ hội của đồng bào các dân tộc. „Núi rừng Tây Nguyên“ được „con tằm Đặng Ngọc Long“ kéo kén từ lâu và rồi nhả trọn „nguồn tơ âm nhạc“ cho tác phẩm này nhằm hoài niệm về những năm tháng công tác tại Trường nghệ thuật Tây Nguyên và thực sự nó đã để lại ấn tượng sâu lắng trong lòng người nghe, đúng như Giáo sư âm nhạc Giutare Đức, bà Inge Wilczok nhận xét : '...Với sự kết hợp khéo léo, pha trộn sáng tạo giữa giai điệu dân tộc của Việt Nam và hòa âm kỹ thuật hiện đại, 'Núi rừng Tây Nguyên' đã tạo nên một nhạc phẩm với những âm sắc đặc biệt'. „Tuyệt vời“ là cảm nhận chung của khán giả dự buổi trình diễn và hầu hết đều mua đôi ba Album về nghe và tặng bè bạn.

 

        

Khán giả trong buổi trình diễn.

 

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long hiện là Hiệu trưởng trường nhạc 'Gesundbrunnen - Musikschule' ở Berlin gồm các khoa thanh nhạc, Violin, Organ, Piano, phong cầm, kèn,... riêng khoa Giutare đã có khoảng 200 học sinh Đức và các nước với đủ lứa tuổi khác nhau theo học. Ở đây, các em học sinh không chỉ học ở thầy Long kiến thức âm nhạc, mà còn học cả những sắc thái văn hóa Việt Nam qua các làn điệu dân ca ba miền Bắc-Trung-Nam như 'Bèo dạt mây trôi“, 'Đi cấy dưới trăng', 'Lý cây bông“,… Ngoài ra, hàng tuần Đặng Ngọc Long vẫn có giờ dạy tại Trường nhạc Marzahn-Berlin. Số học sinh của anh ở Đức trong gần 20 năm qua đã lên tới hàng ngàn. Cách đây ít tuần, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã được trường Đại học quốc tế Kirgikixtan phong học hàm Giáo sư danh dự và định kỳ anh bay sang đó để giảng dạy.

 

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long không chỉ để lại sau mình những cuộc thi Giutare quốc tế  lớn và được giải, mà cả hàng trăm cuộc lưu diễn ở Đức và các nước châu Âu. Điều đáng quý ở Đăng Ngọc Long là dù sống xa Tổ quốc và nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, nhưng trong tâm anh vẫn in đậm những hoài niệm về cội nguồn. Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre làng và cánh cò chao nghiêng trên thảm lúa mênh mông nơi quê nhà dường như vẫn ẩn hiện trong nét nhạc của anh và giai điệu quê hương luôn lắng đọng trong tiếng đàn của anh.

 

 

Nguyễn Xuân – TTXVN tại Đức

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: