Thứ bảy, 27/07/2024,


Phan Thanh Liêm: “Tôi là người nói rất dở…” (20/10/2009) 

GS Hoàng Chương đã từng giới thiệu về nghệ sỹ múa rối nước Phan Thanh Liêm rằng: Anh ấy là người nói rất dở, nhưng làm rất tài. Phan Thanh Liêm là người đầu tiên sáng tạo ra mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ, đưa rối nước vào trường học, vào khách sạn để diễn. Thế nhưng, chẳng mấy ai biết tới bước đột phá ấy của nghệ thuật rối nước, cũng như không nhiều người nghe đến cái tên Phan Thanh Liêm, đơn giản chỉ vì… “anh ấy nói rất dở”.

 

Cha của Phan Thanh Liêm vốn là nghệ nhân rối nước nổi tiếng Phan Văn Ngải, người đã sáng tạo ra thuỷ đình đang được sử dụng ở tất cả các nhà hát múa rối hiện nay, đồng thời là chủ nhân của chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre Pháp.

 

Thần tượng cha và mê rối nước từ nhỏ, nhưng khi trưởng thành, Phan Thanh Liêm luôn ấp ủ những ý tưởng riêng để không đi vào “vết xe” của cha – mà theo anh rất khó đến gần công chúng hiện đại, cũng như không giúp cho đời sống chật vật của nghệ sỹ bớt khó khăn hơn.

 

“Khi cha tôi thành lập đoàn múa rối tư nhân đầu tiên của Việt Nam mang tên Sông Ngọc và đi trình diễn khắp Bắc –Trung- Nam, nhiều người nghĩ hẳn cha tôi kiếm được rất nhiều tiền. Thực tế thì cha tôi lỗ nặng, vì việc chuyên chở hàng chục người với hàng trăm kg đạo cụ trên đoạn đường dài đã khiến thu không bù chi, dù đi đâu đoàn cũng được người dân chào đón nồng nhiệt. Ngay từ lúc ấy, tôi đã nghĩ, không thể làm như thế này mãi được”. Nhưng cũng phải đến năm 2000, khi được mời tham gia sắp đặt sân khấu rối nước tại một triển lãm của Bộ Văn hoá -Thông tin (Bộ VH, TT & DL hiện nay), Phan Thanh Liêm mới bất ngờ nảy lên ý tưởng về một sân khấu mini có thể diễn rối ở bất kỳ đâu, bất kỳ chỗ nào.

 

Thế nhưng, ý tưởng của anh ngay lập tức bị cha và gia đình phản đối. Làm sao có thể biến cái ao nước thênh thang vùng vẫy ngụp lặn của những chú Tễu thành cái hồ bằng tôn có 1m2 (sau này đã được cải tiến thành 3m), làm sao những con rối trở nên bé tí mà có thể trình diễn có hồn, làm sao thay đổi được màn biểu diễn nghệ thuật cần sự hợp sức của vài chục người thành tiết mục của một người… Tất cả những điều nghe như vô lý đó được đặt ra để dập tắt ý tưởng của anh. 

 

Như đã đề cập từ trước, vì anh nói rất dở, nên chuyện anh bị người thân phản đối cũng là dễ hiểu. Chẳng ai ủng hộ anh, ngay cả các Nhà hát, các nghệ nhân. Thậm chí có người còn lên án anh, bảo anh “phá rối”. Nhưng dẫu ai nói gì thì anh vẫn làm. Xem chừng Phan Thanh Liêm ít nói  và còn ít nghe nữa, chẳng bận tâm đến các ý kiến xung quanh. Anh cứ thế mày mò, hoàn thiện dần chiếc sân khấu mini có cả thuỷ đình và hồ nước hình bán nguyệt, những chú rối bé tí xíu và một mình độc diễn trò “giật dây cuộc đời”.

 

Thời gian đầu đi độc diễn rối nước bằng… xe máy, đồ đạc gọi là gọn nhẹ so với rối nước truyền thống (thường phải chuyên chở bằng ôtô) chứ vẫn quá cồng kềnh, anh vừa đi đường vừa lo nơm nớp bị công an giữ xe vì tội “chở hàng hoá cồng kềnh làm cản trở giao thông”. Nhưng cũng nhờ thế mà anh có động lực để cải tiến tiếp, và hiện tại toàn bộ đồ nghề của anh chỉ nặng trên dưới 100kg và nhét vừa một cái hòm. Nhờ cái hòm gọn ghẽ ấy, mà một ngày kia, điều mà không một ai trong gia đình 7 đời làm nghề múa rối nước của Phan Thanh Liêm tưởng tượng được đã thành sự thật: những chú rối xinh bé tí xíu cùng hồ nước lẫn thủy đình bước chân vào trường học nhảy múa diễn trò, bước chân vào những toà tháp khách sạn sang trọng phục vụ du khách quốc tế, bước chân vào từng gia đình để nói câu chúc mừng sinh nhật cho một cô bé, cậu bé nào vừa lớn thêm 1 tuổi.

 

        

         

Sân khấu múa rối nước mini của Phan Thanh Liêm

thu hút đông đảo khán giả tại Ba Lan (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

Rối nước, từ một bộ môn nghệ thuật của hội hè, của nhà hát với chiếu ngồi của khán giả cách xa sân khấu thì nay đã trở thành thứ nghệ thuật gần gũi của gia đình, của một nhóm nhỏ. Khán giả không còn phải “kính nhi viễn chi” mà có thể tiến sát sân khấu, sờ mó, xăm soi, thậm chí cùng chú rối đùa nghịch, làm trò.

 

“Điều ý nghĩa nhất mà tôi nghĩ sân khấu rối nước thu nhỏ của mình đã làm được là: trẻ nhỏ từ xa lạ với rối nước như vẫn thường xa lạ với hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, giờ đã có thể dễ dàng xem rối, tìm hiểu về rối, từ đó sẽ thích rối, yêu rối và biết đâu sẽ có em lớn lên trở thành nghệ sỹ múa rối, duy trì cái văn hoá của cha ông”. Còn GS Hoàng Chương nói: điều mà sân khấu rối mini của Phan Thanh Liêm làm được là làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật rối nước Việt Nam và đưa rối Việt Nam ra thế giới.

 

Dĩ nhiên, không phải đến Phan Thanh Liêm làm sân khấu rối mini thì rối nước Việt Nam mới được bạn bè quốc tế biết đến. Nhưng với sự tiện ích của việc độc diễn “một mình một ngựa”, nhiều tổ chức văn hoá nước ngoài đều gợi ý cái tên Phan Thanh Liêm khi muốn đưa rối nước Việt Nam đi biểu diễn. Có hai lý do để Phan Thanh Liêm được chọn: một là tiết mục của anh “lạ”, hai là mời anh thì họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc đài thọ cho một đoàn nghệ thuật lớn vài chục người kèm theo phí vận chuyển cho vài trăm kg đạo cụ. Đã từng có bà hiệu trưởng một trường tiểu học tại Vác-xa-va tình cờ xem anh biểu diễn trong Những ngày văn hoá Việt tại Ba Lan năm 2005 đã vô cùng kinh ngạc và ngay lập tức mời anh về trường để giới thiệu rối Việt cho các học sinh của bà.

 

Nếu đã từng chứng kiến Phan Thanh Liêm biểu diễn thì ai cũng phải ngạc nhiên trước sức lao động của anh. Một mình lo từ A-Z mọi công đoạn của một chương trình, có những ngày anh biểu diễn liên tục 7, 8 tiết mục, mỗi tiết mục chỉ kéo dài nửa tiếng, nhưng là kết quả của vài tiếng miệt mài chuẩn bị, lắp ráp sân khấu để không có một thiếu sót nào xảy ra. Cứ mỗi tiết mục anh thường điều khiển 9, 10 trò diễn khác nhau. Hai bàn tay nhúng trong nước lạnh hàng giờ liền, hai chân mỏi nhừ vì ngồi quá lâu, nhưng anh chỉ nhận ra điều đó khi đã trở về nhà. Còn tại sân khấu, anh không để ý đến điều gì ngoài việc biểu diễn và những tán thưởng không ngớt của người xem.

 

Đến giờ thì gia đình anh đã không còn phản đối nữa. Cha anh đã quay sang ủng hộ anh. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống cũng ủng hộ anh. Chính nghệ sỹ Vương Duy Biên – Giám đốc Nhà hát múa rối trung ương – trong cuộc họp kết nạp Chi hội rối nước Phan Thanh Liêm vào Liên đoàn rối nước Việt Nam cách đây ít lâu cũng phải thừa nhận: “Trước đây tôi phản đối, giờ tôi đã thay đổi cách nhìn”.

 

Dù đang miệt mài với sân khấu rối nước thu nhỏ của mình, nhưng Phan Thanh Liêm vẫn không bỏ quên cách làm rối truyền thống. Anh vẫn đau đáu tìm cách lưu giữ lại môn nghệ thuật độc đáo khi cha anh và nhiều nghệ nhân tài danh khác không còn nữa.

 

Rất nhiều dự án mà Phan Thanh Liêm đang đeo đuổi thực hiện như nghiên cứu cách làm bộ điều khiển rối bằng tre gỗ của các nghệ nhân xưa, dàn dựng vở rối lớn trên sân khấu truyền thông về vua Lý Công Uẩn  cùng với một số nghệ sỹ khác để chào mừng 1000 năm Thăng Long…

 

Song, đến lạ rằng, cái tên Phan Thanh Liêm vẫn chưa thực quen tai công chúng, dù trong nghề thì không ai còn lạ gì anh. Biết vậy, anh chỉ cười hiền: “Có quan trọng gì đâu. Miễn là mình vẫn làm được nghề và sống được với nghề. Vả lại, đã nói rồi mà, tôi là người nói rất dở…”.

 

 

Tùng Mai

(Nguồn: Báo Điện Tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: