Album vol.4 "Tango '09" đánh dấu sự trở lại sau hơn hai năm vắng bóng của nữ ca sĩ Quỳnh Hoa."Lột xác" bằng những vũ điệu nóng bỏng và tiết tấu đặc quánh của giai điệu tango, diện mạo mới của Quỳnh Hoa gây bất ngờ cho nhiều người yêu nhạc vốn chỉ quen với một Quỳnh Hoa da diết và trữ tình của dòng nhạc chủ yếu là tiền chiến.
Chinh phục thử thách...
Đúng với tên gọi của album, 9 ca khúc chủ yếu mang âm hưởng tango đầy tính mạnh mẽ nhưng vẫn ẩn chứa trong đó nét gợi cảm và tươi mới: "Tình nghệ sĩ" (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), "Buồn ơi! Chào mi" (Nguyễn Ánh 9), "Xóm đêm" (Phạm Đình Chương), "Bóng ngày qua" (Hoàng Giác), "Bóng chiều xưa" (Dương Thiệu Tước) và 4 bài song ca với các ca sĩ: Lê Anh Dũng trong "Đường về Việt Bắc" (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Đức Long trong "Tình khúc chiều mưa" (Nguyễn Ánh 9), Quang Hoà trong "Mơ hoa" (Hoàng Giác) và Tuyết Tuyết trong "Mùa xuân đầu tiên" (Văn Cao).
Điều có thể dễ dàng nhận thấy trong "Tango '09" là mối duyên đặc biệt giữa ca sĩ Quỳnh Hoa với tác phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Mối duyên nợ ấy được chị chuyển tải rất ngọt trong "Tình nghệ sĩ" và "Đường về Việt Bắc". Nếu "Tình nghệ sĩ" cho thấy nét lả lơi trong cách nhả chữ cùng với giai âm nửa cung một của đàn guitar Hawaii, thì "Đường về Việt Bắc" là sự kết hợp đẹp giữa giọng tenor Lê Anh Dũng và giọng alto Quỳnh Hoa khiến cho ca khúc có cái duyên e ấp vừa đủ mở ra một không gian âm nhạc thoáng đạt bay bổng. Hai bản tango chuẩn mực "Bóng chiều xưa" và "Xóm đêm" thể hiện sự vuông vức, chặt chẽ trong cấu trúc âm nhạc và thể hiện cái tình, cái tinh tế của người hát. Sự điêu luyện trong cách xử lý tiết tấu với những câu dằn, câu nghỉ buông lơi được "gói gọn" trong "Bóng chiều xưa". Tới "Xóm đêm" lại thấy bước chuyển mới trong không gian âm nhạc, một "Xóm đêm" thật đẹp và khác lạ qua bản hoà âm mạnh mẽ của nhạc sĩ Lưu Hà An với giọng hát tươi trẻ của Quỳnh Hoa. Sự cách tân trong hoà âm và trong cách hát của Quỳnh Hoa không những không làm mất đi tinh thần vốn có của những ca khúc đã từng vang bóng một thời mà còn là "một cách để thử thách bản thân và hoà mình vào dòng chảy thời đại nhưng sẽ không bao giờ để mất đi phong cách đã được định hình trong tâm thức của khán giả bấy lâu".
Nghệ thuật luôn cần những "cú hích"...
* Từng là giọng hát vốn quen thuộc trong những giai điệu đẹp của Phạm Đình Chương và Dương Thiệu Tước... Bây giờ lại thấy Quỳnh Hoa hướng tới vũ điệu Ballroom nóng bỏng với các ca khúc mang nhiều tiết tấu tango, valse, chachacha, slow... Lý do gì ở thời điểm này chị lại quyết định có cuộc "trở mình" ?
- Theo tôi, đối với một người làm nghệ thuật thì trăn trở tìm ra cái mới luôn là điều cần thiết. Nghệ thuật cần những "cú hích" và tôi nghĩ đã đến lúc, mình phải "khoe" với khán giả khả năng hát nhạc có tiết tấu nhanh, chính xác và tinh tế như thế nào. Vấn đề thời gian không ảnh hưởng nhiều quá đến một người làm nghệ thuật thực sự. Dù có yên lặng dài ngày thì ngọn lửa đam mê vẫn âm ỉ cháy trong hơi thở, đời sống của họ chờ đến ngày bùng phát. Hơn nữa, tôi nghĩ, công chúng yêu nhạc đều mong muốn thưởng thức những bài hát xưa theo hơi thở mới mang sức sống hừng hực của ngày hôm nay và chắc chắn sẽ ủng hộ sự "trở mình" của tôi.
* Với phương châm "đi chậm mà chắc", ca sĩ Quỳnh Hoa cũng được biết tới là một người kỹ lưỡng trong từng sản phẩm của mình. Đối với chị cái gì cũng phải chậm mới... chắc?
- Tính tôi từ trước tới nay khi đã làm việc gì đều phải cố gắng hết mực để có thể đạt đến hiệu quả cao nhất. Để hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong một sản phẩm âm nhạc - đứa con tinh thần và vật chất mà mình bỏ công bỏ sức ra làm - tất yếu phải "cầu toàn" một chút cũng là điều rất dễ hiểu.
* Xin cảm ơn ca sĩ Quỳnh Hoa!
Mai Châu thực hiện
(Nguồn: Báo Lao Động)