Sau hai trường ca “Bài ca Đất Việt” và “Bài ca dâng Đảng” được độc giả hoan nghênh. Vào tháng 10/2009, lão nông Vũ Đình Thự (70 tuổi) lại cho ra mắt trường ca “Thái Bình đẹp mãi bài ca” (NXB Hội Nhà văn).
Chúng tôi tìm về quê ông, một làng có cái tên rất nôm na là làng Hống, thuộc xã Thuỵ Ninh, huyện Thái Thuỵ (Thái Bình). Nhà ông nằm ngay ở đầu làng, trước mặt là đồng lúa bát ngát. Cổng khoá chặt nhưng thấy sau vườn thấp thoáng có bóng người, chúng tôi lên tiếng gọi:
- Ban ngày ban mặt, sao mà ông khoá cửa kỹ thế?
Ông chỉ cười buồn.
Mãi sau chúng tôi mới hiểu nỗi buồn của ông. Mấy năm nay, anh hàng xóm đi chung ngõ nhà ông bỗng có dấu hiệu của bệnh tâm thần, lúc đầu những lần lên cơn còn thưa, sau cứ dầy dần. Mỗi lần lên cơn, anh ta lại gào thét ầm ĩ. Nhiều lần anh ta xông sang nhà ông và có lần cầm gạch phang ông chảy máu đầu, vì thế ông phải khoá chặt cổng cả ngày lẫn đêm, cả lúc ở nhà lẫn lúc đi vắng.
Và nhà thơ - nông dân kể, tập trường ca thứ ba này, nhiều hôm ông đang ngồi viết thì anh hàng xóm lên cơn. Mỗi lần như vậy, ông lại buông bút, thở dài. Cuộc đời của ông, có thể nói là khổ từ trong bụng mẹ khổ ra.
- Năm tuổi, tôi đã nếm mùi nạn đó Ất Dậu. Nạn đói ập đến khiến gia đình tôi phải chia lìa. Chị gái tôi deo dắt bám vào ông bà ngoại. Mẹ tôi mang đứa em lên hai xiêu dạt lên Phú Thọ làm thuê và lên nương mót sắn, mót khoai… còn bố tôi làm thuê cho một nhà giầu trong làng. Nhà ấy làm nhà ngay trong năm đói. Làm thuê nhưng bố tôi không được trả công mà chỉ được cơm ăn kèm theo một suất ăn của tôi nữa. Gọi là kèm nhưng sự thực tôi cũng quần quật suốt ngày, nào đun nước, bưng nước cho thợ, nào cầm cái bị đi khắp làng, rúc vào mọi bờ bụi nhặt mảnh sành, mảnh bát vỡ mang về để người ta độn xuống móng nhà. Bà chủ gọi riêng tôi ra, bảo: “Mỗi bữa mày chỉ được ăn 2 lượt xới, xong rồi phải xuống bếp ngồi”. Mâm cơm toàn người lớn. Thấy tôi bé, mỗi lần xới người ngồi đầu nồi chỉ xêu cho một tý cơm, độ hai ba thìa. Sau 2 lượt xêu, đói lắm nhưng tôi đành phải xuống bếp ngồi. Sau bố tôi hỏi, tôi mới kể lại lời bà chủ. Từ đó, mỗi bữa ăn, đến bát cơm cuối cùng, bố tôi chỉ và vài miếng rồi đứng lên, đổ phần cơm còn lại ra tay, nắm lại, vòng qua bếp dúi cho tôi…
Ông Thự trở thành Đảng viên khá sớm, làm Bí thư Chi đoàn, Phó chủ nhiệm HTXNN, Chủ nhiệm HTX mua bán, xã đội, đi bộ đội rồi phục viên, lại làm Phó chủ nhiệm HTXNN và cuối cùng thì…về theo chế độ, được 1,4 triệu đồng, tiêu vèo một cái là nhẵn…
Câu chuyện của chúng tôi, từ chuyện đời nhanh chóng chuyển sang chuyện sáng tác. Hỏi ông bắt đầu sáng tác từ bao giờ, ông bảo:
- Tôi chẳng bao giờ có ý định sáng tác để in, rồi lên báo này báo nọ. Tính tôi ưa đọc sử. Nhà quê, sách vở hiếm hoi, nên vớ cái gì thì đọc cái ấy, kể cả sách giáo khoa của con cháu. Thấy phần lịch sử, họ viết khô cứng quá, có chữ mà chẳng có hồn, các cháu tôi nó học lịch sử ra rả như cuốc kêu nhưng rất khó thuộc, khó thấm. Thấy vậy, tôi mới diễn ca lịch sử thành thơ lục bát cho chúng nó học, rồi đóng thành quyển, thỉnh thoảng đem ra ngâm nga. Diễn ca lịch sử đất nước xong, tôi viết tiếp lịch sử Đảng bằng thơ.
Cái bản thảo ấy tình cờ lọt vào tay ông Lê Hùng ở NXB Thanh Niên. Đọc xong, ông Hùng rất thích, đưa cho tiến sỹ sử học Tạ Ngọc Liễn ở Viện Sử học đọc để thẩm định nội dung. Ông Liễn phê “Tốt lắm, rất chính xác về những sự kiện lịch sử…”. Ông Hùng bèn đem in, mời luôn ông Tạ Ngọc Liễn viết lời nói đầu. Thế là cuốn “Bài ca Đất Việt” ra đời. Mấy tháng sau, một hôm BTV của VTV1 đưa xe cộ, máy móc về phỏng vấn tôi, rồi quay phim. Khi đài phát chương trình đó, cả làng xôn xao. Nhiều người ở các tỉnh xa viết thư cho tôi, bảo tôi gửi sách đến cho họ, nhưng sách đã hết mất rồi. Tiếp theo, ông Hùng lại xuất bản tập “Bài ca dâng Đảng”…
Trường ca “Thái Bình đẹp mãi bài ca”, có thể nói, là nỗi lòng, là tiếng tơ lòng của một nhà thơ - nông dân với quê hương của mình. Cũng như hai trường ca trước, trường ca “Thái Bình đẹp mãi bài ca” cũng mang đậm chất lịch sử, hay nói như ông Nguyễn Bá Côn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Bình, thì đó là “một tập sử thi về mảnh đất và con người Thái Bình”. Với 3.160 câu thơ theo thể lục bát, một thể thơ dân tộc, ngoài phần mở đầu với tên “Thái Bình buổi bình minh dựng nghiệp”, tác giả đã tổ chức trường ca thành 6 chương. Chương đầu mang tên “Truyền thống Thái Bình trong công cuộc đấu tranh giữ nước” và chương cuối là “Thái Bình, hành trang vào thế kỷ XXI”. Sự kiện những Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Thái Bình cho đến khi Thái Bình dành được chính quyền, được tác giả thể hiện từ trang 46 đến trang 69, trong chương “Đảng về quê lúa, chính quyền nở hoa”, như một tiếng reo vui của người dân đang trong cảnh nước mất nhà tan khi chợt gặp được ánh sáng cách mạng. Thơ mà sử, sử mà thơ là thế.
170 địa danh, 54 nhân vật gắn liền với những sự kiện lịch sử - văn hoá, sự kiện đấu tranh cách mạng đã được tác giả đề cập đến trong trường ca. Cách dùng chữ độc đáo, sự dầy công nghiên cứu về lịch sử quê hương đã giúp tác giả có những câu thơ khái quát khiến người đọc hình dung ra ngay hình thế, sắc thái của mảnh đất Thái Bình, như: “Hình rùa, ốc đảo, cồn xanh/Nhìn ra phía trước mênh mông biển trời/ Địa linh, nhân kiệt sinh sôi/ Danh nhân, khoa bảng truyền đời lưu danh…”.
Viết về thành phố Thái Bình của những năm đầu thế kỷ XXI, giọng thơ của tác giả vừa phơi phới niềm tự hào vừa thiết tha yêu mến: “Đến thăm thành phố ngày nay/ Đường thông, đô thị đã xây mới rồi/ Niềm vui như níu chân người/ Bước đi gặp những nụ cười như hoa/ Tình người ấm áp mặn mà/ Văn minh giầu đẹp tay ta đã cầm…”.
Không có một tấm lòng yêu tha thiết, gắn bó máu thịt với quê hương, thì khó có thể làm được điều mà nhà thơ - nông dân Vũ Đình Thự đã làm.
Trần Ninh Thuỵ
(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt