Chủ nhật, 22/12/2024,


Ý tưởng về những ngôi nhà "sống chung với bão" cho đồng bào nghèo ven biển (12/10/2009) 

 Bão số 9 (bão Ketsana) đổ bộ và tàn phá các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua được Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm qua tại VN. Dù dự báo và tổ chức phòng chống tốt nhưng cơn bão này vẫn gây thiệt hại lớn: 163 người chết, 11 người mất tích và 629 người bị thương; 21.614 nhà bị sập, trôi; 258.264 nhà hư hại và 294.711 nhà bị ngập. Ngoài ra, bão lũ còn gây thiệt hại rất nặng về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi..., tổng thiệt hại ước tính 14.014 tỉ đồng.

Gần 3 năm trước, ngay sau khi Bão số 6 (Xangsane) tàn phá Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, tháng 10-2006, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã thực hiện bài viết dưới đây, cho công bố trên Báo Nhân dân và webiste Đảng Cộng sản Việt Nam. Nay chúng tôi xin bổ sung thêm tư liệu và đưa lại trên Lucbat.com, như một sự gợi mở với các nhà khoa học và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Người Nhật Bản, người Indonesia đã thành công với những ngôi nhà 'sống chung với động đất'; người Sri Lanka đã có mẫu nhà 'sống chung với sóng thần'; đồng bào Nam Bộ nước ta đã làm quen với những mẫu nhà 'sống chung với lũ'... Ðã đến lúc chúng ta phải tìm được một mẫu nhà lý tưởng để cho đồng bào nghèo ven biển 'sống chung với bão', tại sao không!

 

         Ngày càng nhiều 'siêu bão' đô bộ vào Việt Nam....

 

Tại sao lại phải xây nhà 'sống chung với bão'?

 

Một điều rất đáng lưu ý là dường như thời tiết trái đất đang biến đổi ngày càng phức tạp, nên xu hướng những cơn bão nhiệt đới hình thành trên Biển Ðông cũng ngày càng nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và sức tàn phá cũng ghê gớm hơn nhiều... Bởi chúng đều có sức gió mạnh trên cấp 12 và trở thành những 'siêu bão'.

Trở lại thời gian gần 3 năm trước, sau khi bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền trung nước ta hồi đầu tháng 10-2006, đã khiến hàng vạn ngôi nhà bị sập đổ, hàng trăm nghìn ngôi nhà khác bị tốc mái và hư hỏng. Trong đó, Ðà Nẵng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất: có tới 14.138 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 100 nghìn căn nhà khác bị tốc mái và hư hỏng. Nạn nhân của thiên tai khủng khiếp này, hầu hết là những gia đình đồng bào nghèo, nhiều người tích cóp cả đời mới dựng được căn nhà nhỏ, nên hậu quả mà trận bão để lại thật ghê gớm và dài lâu với bà con.

Trước cơn bão số 6 kể trên, cùng với nhiều biện pháp tích cực để chống bão, Chính phủ ta đã tổ chức sơ tán thành công hàng chục vạn dân sống ven biển (từ Hà Tĩnh tới Phú Yên) đến nơi an toàn. Tới cơn bão số 9, Chính phủ lại tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương từ Phú Yên tới Cà Mau phải kiên quyết sơ tán đồng bào ven biển. Ðiều đó đã giúp giảm thiểu thiệt hại rất nhiều về người và của. Có lẽ vì vậy mà đã có ý kiến cho rằng: cách phòng, chống bão tốt nhất là bắt buộc nhà dân phải xây dựng lùi sâu vào trong đất liền.

 

           Khổ nhất là đồng bào nghèo sống ven biển...

 

Tuy nhiên, trong thực tế những 'siêu bão' khi đổ bộ vào đất liền đã không chỉ tàn phá nhà cửa ven biển, mà nhiều nơi cách xa biển tới vài chục cây số vẫn bị thiệt hại nặng, như Bão Xangsane đã tàn phá Bà Nà - Ðà Nẵng năm 2006. Bão số 9 năm 2009 bất ngờ làm cho Kon Tum bị thiệt hại và số người chết nhiều nhất trong các địa phương nó đi qua.

Thêm nữa, lợi thế của Ðà Nẵng cũng như các tỉnh ven biển chính là gần biển. Người dân đã bao đời 'bám biển' để sinh tồn cũng là lẽ đương nhiên. Vì thế, khi mùa khô đã đến, việc xây dựng những ngôi nhà 'chung sống với bão' cho đồng bào nghèo ven biển là hết sức cần thiết.

 

Làm gì hợp lòng dân thì sẽ thành công!

'Từ trước tới nay, hầu như các quy chuẩn xây dựng công trình dân dụng của chúng ta đều chưa chú ý việc phòng, chống 'siêu bão'. Qua khảo sát thực tế ở Ðà Nẵng cho thấy: những căn nhà bị sập đổ vì bão số 6 (2006), hay bão số 9 (2009) vừa qua đều là những nhà có tường xây không chịu lực (tường chỉ xây 10 cm, nhưng lại không có trụ bê-tông, không giằng sắt, kết cấu không phù hợp), hoặc nhà ở riêng lẻ, trống trải, xây gạch đơn giản, lợp tôn, đóng trần. Ðồng thời với việc khắc phục hậu quả của bão số 6, lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng đã giao cho Sở Xây dựng phải thiết kế ngay một mẫu nhà cho người nghèo 'sống chung với bão' và mưa lũ. Yêu cầu đặt ra là: chắc chắn và không quá tốn kém. Nghĩa là ngôi nhà phải bền vững trước những trận bão tương tự như bão số 6 (2006) hay Bão số 9 (2009); nhưng phù hợp với nhà nghèo, kinh phí xây dựng không quá 20 triệu đồng'.

 

    Bão về, bà con phải ở nhờ các công sở, trường học...

 

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng có bằng kiến trúc sư loại ưu tại Liên Xô (trước đây), trưởng thành từ cán bộ chuyên môn cơ sở. Ông vốn tính kiệm lời, chỉ say mê công việc và rất ít nói về mình. Nhưng khi chúng tôi nhắc đến câu ca ngày trước người dân Ðà Nẵng vẫn đọc cho nhau nghe 'Con gái quận Ba không bằng... bà già quận Một'? Thì KTS Nguyễn Ngọc Tuấn sôi nổi hẳn lên, giải thích: Ðấy là nỗi buồn đeo đẳng chúng tôi một thời, 10 năm qua Ðà Nẵng đã phải phấn đấu cật lực để câu ca ấy trở thành quá khứ. 'Quận Một' là trung tâm phố chính, bên này sông Hàn, còn 'Quận Ba' bên kia sông, là Sơn Trà. Nơi ấy toàn là dân nghèo, có rất nhiều những ngôi nhà 'chồ' ven sông, những 'xóm nước đen', những mảnh đời lam lũ, những cảnh sống nhếch nhác. Ðường đi lối lại chật chội, nhà không số, phố không tên... Khi Ðà Nẵng có quyết định trở thành đô thị loại I, thì một trong nhiều việc lớn mà lãnh đạo thành phố đã cùng nhân dân chúng tôi đã làm được là tiến hành quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị hiện đại, văn minh... Các anh hỏi nguyên nhân thành công ư? Ðó là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm; nhờ sự tận tụy của các cơ quan chức năng, đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố; và một nguyên nhân rất quan trọng nữa là sự đồng thuận của nhân dân! Chúng tôi đã tiến hành giải phóng mặt bằng rất nhanh, rất quyết liệt, nhưng hầu như không có chuyện khiếu kiện. Người dân chưa hiểu thì giải thích, thuyết phục để bà con ủng hộ. Việc thiết kế mẫu và xây dựng những căn nhà 'sống chung với bão' cũng vậy. Người 'phê duyệt' cuối cùng không phải là chúng tôi, cũng không phải là lãnh đạo thành phố, mà chính là những người dân sẽ tiến hành xây dựng và sử dụng chúng.

'Thế thì mẫu nhà ấy nhất định phải được nhân dân đồng tình và ủng hộ mới gọi là thành công. Nếu không, những người dân nghèo sẽ lại... đào hầm trong cát để tránh bão, như bà con một số nơi ven biển đã từng làm' - Ðó là ý kiến của ông Nhật Thành, nguyên Bí thư Quận ủy Sơn Trà, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong trận bão số 6 năm 2006.

 

Mẫu nhà cần chắc chắn, lịch sự, nhưng phải rẻ!

Nhìn rộng ra thế giới, để đối phó với những thảm họa thiên tai, người ta đã nói nhiều về việc các kỹ sư người Nhật Bản, người Australiavà người Indonesia đã thiết kế thành công những mẫu nhà bền chắc để 'sống chung với động đất'. Gần đây, sau thảm họa sóng thần ở Ðông - Nam Á, một nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Nghiên cứu Sóng thần của Ðại học Harrvard của Mỹ đã đưa ra một mẫu nhà 'chung sống với sóng thần', với chi phí 1.200 USD (tương đương với 20 triệu đồng VN) cho một ngôi nhà, được áp dụng ở Sri Lanka.

Tại Việt Nam, mấy năm trước, báo chí nước ta cũng nói nhiều về mẫu nhà cứu nạn (chống động đất, lũ quét, gió lốc...) của kỹ sư Nguyễn Văn Mẫn ở Gia Lâm, Hà Nội và những mẫu nhà 'sống chung với lũ' cho đồng bào Nam Bộ.

Trở lại ý tưởng tìm mẫu nhà 'sống chung với bão' cho đồng bào nghèo ven biển, bài toán đặt ra là phải làm sao chọn được mẫu nhà đơn giản, mà chắc chắn (có thể tồn tại được với những cơn bão mạnh tương tự như bão số 6 năm 2006 và Bão số 9 năm 2009; những trận lũ quét, lở đất; bảo đảm cả yếu tố văn hóa (dân tộc và hiện đại); nhưng lại phải ít tiền, phù hợp với điều kiện của đồng bào nghèo... Một mẫu nhà hội tụ đủ các yếu tố ấy, quả không phải chuyện dễ dàng! Trước mắt, cần có ngay phương án xây dựng nhà ở chống bão lụt cho những nơi vừa bị thiệt hại nặng nề, để bà con có thể 'an cư lạc nghiệp'. Nhiệm vụ này được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Ðà Nẵng, Viện trưởng KTS. Nguyễn Văn Chương cho biết: Viện của ông đã hoàn thành phương án xây dựng nhà sau bão tại chỗ (kèm theo thiết kế và dự toán) để UBND các quận, huyện tham khảo và tư vấn cho nhân dân xây lại nhà phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

Gần 3 năm trước, ngay sau Bão số 6 (2006), Sở Xây dựng Ðà Nẵng cũng đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện và các tổ chức tư vấn khuyến cáo cho nhân dân trong việc thiết kế và cấp phép xây dựng nhà ở gia đình chống bão lụt, với các nội dung rất cụ thể: Một là, các hộ dân khi xây dựng nhà ở, nên xây tối thiểu hai gian nhà kiên cố khung bê-tông cốt thép (BTCT), có móng, trụ, dầm BTCT. Nếu mái lợp tôn thì phải sử dụng tôn dày ít nhất 0,45mm, được bắt vít chặt vào xà gồ, với khoảng cách từ 20 - 30 cm; xà gồ phải được neo chắc chắn vào phần thân bằng thép 'phi' 6, khoảng cách giữa các xà gồ nên nhỏ hơn 1m. Hai là, trong trường hợp khó khăn, không xây được nhà khung BTCT, thì cần tôn trọng nguyên tắc cơ bản 'Neo - Giằng - Liên khối' và một số yêu cầu tối thiểu đối với tường chịu lực, với vật liệu mái nhà, với gác lửng, với cửa và ô thông gió... Ngoài ra, trong mọi trường hợp còn phải xây dựng nhà trên kết cấu móng bảo đảm ổn định và chịu lực; vật liệu phải đúng quy cách chất lượng, thi công đúng cầu kỹ thuật; đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt, còn phải tận dụng chiều cao thông thủy để làm gác tránh lũ, cốt sàn phải cao hơn cốt ngập lụt...

KTS Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Sở Xây dựng Ðà Nẵng đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề và Hội thảo khoa học nhằm tìm ra nguyên nhân thiệt hại của ngành xây dựng sau bão, đề xuất giải pháp khắp phục hậu quả; đồng thời, tìm ra một mẫu nhà tối ưu 'sống chung với bão'.

Đề làm việc đó, chúng ta cần phải tổ chức một cuộc thi thiết kế mẫu nhà cho đồng bào nghèo ven biển. Nhà nước và chính quyền các địa phương nên quan tâm đến vấn đề này, đừng để tiếp tục xảy ra cảnh “mất bò lo làm chuồng” bởi bão lũ, thiên tai hậu quả thật khôn lường.

Đà Nẵng, 2006-2009

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: