Trong giới văn chương Việt Nam, Sương Nguyệt Minh không mấy xa lạ. Sinh năm 1958, anh là tác giả của 6 tập truyện ngắn và gặt hái nhiều giải thưởng văn học. Mới đây, tập truyện thứ 7 với tựa đề 'Dị hương' (NXB Hội Nhà văn và Công ty Hà Thế ấn hành) đã chính thức ra mắt và có buổi tọa đàm tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà văn, nhà phê bình: Nguyễn Khắc Trường, Phạm Xuân Nguyên, Khuất Quang Thụy, Trần Quang Quý, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đăng Điệp...
Lâu nay, nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn quan niệm 'văn chương xét tới cùng là thân phận con người'. Vì thế, với những tác phẩm trước đây của mình, như 'Đêm làng Trọng Nhân' (1998), 'Người ở bến sông Châu' (2001), 'Mười ba bến nước' (2005)… Sương Nguyệt Minh mang đến cho người đọc một khuôn mặt văn chương theo lối truyền thống, nhuần nhụy từ giọng văn cho tới tên của các nhân vật trong tác phẩm. Nhưng với 9 truyện ngắn, 'Dị hương' khi vừa ấn hành đã được đánh giá là một 'bước ngoặt lớn', thoát khỏi cách viết với những đề tài quen thuộc của nhà văn quân đội này. Tại cuộc tọa đàm về cuốn sách, nhà văn Sương Nguyệt Minh tiết lộ, thực ra ông chưa có ý định ra mắt tập truyện này trong năm nay, nhưng vì 'cơ duyên' nên ông đã tăng tốc, trong vòng một tháng viết được thêm 4 truyện ngắn, trong đó có 'Dị hương' được lấy làm tên chung cho cả tập.
Tại cuộc tọa đàm, nhà văn Y Ban tỏ ra tiếc nhất cho chính truyện ngắn 'Dị hương'. Theo Y Ban, cách khai thác đề tài này bị lặp lại, không mới. Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì mừng cho những đổi mới về tư duy, dám bước vào phong cách mới của Sương Nguyệt Minh. Theo ông, người viết sau không hẳn là cứ phải hay hơn người viết trước, nhưng nhất thiết phải mới, phải khác. Sương Nguyệt Minh đã làm được điều này, đã bứt phá để có được một cái mới, đặc biệt thể hiện rõ nhất trong truyện 'Dị hương': Tác giả đã đặt ra một cái nhìn mới về lịch sử, một cách để soi chiếu các vấn đề từ lịch sử đến văn học.
Chia sẻ với nhận định này, nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng cho rằng, lịch sử là một đề tài khó và những người dám viết truyện lịch sử là những người dũng cảm. Ông tin 'Dị hương' tạo được những nét khác biệt và có những thành công nhất định. Còn nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức nói về bút pháp hiện thực kỳ ảo rất đặc thù của Sương Nguyệt Minh. Với 'Dị hương', bút pháp này đã biểu tỏ được những gì nhạy cảm nhất. Ông nhận xét Sương Nguyệt Minh viết về đàn bà rất hay và khẳng định đây là cây bút có mặt trong tốp đầu hiện nay của văn chương quân đội.
Bìa tập truyện ngắn 'Dị Hương'
Đến từ 'ngôi nhà số 4' - tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi tác giả Sương Nguyệt Minh đang công tác - nhà văn Khuất Quang Thụy ví von buổi tọa đàm đặc biệt này là một 'đám cưới sách'. Trong thời buổi hiện nay, việc có một tập truyện ra đời không phải là khó, nhưng tập truyện này đối với tất thảy anh em nhà văn quân đội đều rất quan trọng. Ông tâm huyết với thể loại truyện lịch sử và cho rằng, Sương Nguyệt Minh đã cho ra đời tác phẩm đáng giá nhất. Những phát hiện ở góc độ dân tộc hết sức quan trọng đã mang đến thành công cho 'Dị hương'. Nhà phê bình Văn Giá rất tâm đắc tặng cho người bạn của mình ba chữ: Hoạt - Phiêu - Thõa. Hoạt là sự biến chuyển linh hoạt. Phiêu là sự phong phú về chất liệu và Thõa là sự trẻ trung. Ý ông muốn nói đến nét 'trẻ' của 'Dị hương' và chính tác giả của nó, một sự trẻ hóa về bút pháp.
Gạt đi ý kiến mang tính 'ngoại giao' hoặc phát biểu nhưng… chưa đọc hết tác phẩm, buổi tọa đàm về 'Dị hương' đã vượt qua một cuộc giới thiệu sách thông thường, để tìm kiếm và giới thiệu một tác phẩm văn chương có giá trị.
Thu Phố
(Nguồn: HNM Online)