Thứ sáu, 27/12/2024,


Lục bát... Bia hơi Hà Nội! (14/08/2008) 

Ngày 15-8-2008, kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ra đời của Bia Hà Nội! Các “Thượng đế” sành bia hơi có biết đế chúc mừng?

Thời mở cửa và hội nhập, có hàng chục loại bia nổi tiếng, nhưng mỗi khi có điều kiện về Thủ đô, những người sành bia trong cả nước đều nói với nhau: Không loại bia nào uống thích hơn… Bia Hơi Hà Nội! Tuy nhiên, rất ít người biết rằng: lịch sử loại bia này có từ ngày 15-8-1958, nghĩa là nó đã có truyền thống tròn nửa thế kỷ!

Theo TS. Nguyễn Văn Việt (TGĐ HABECO) cho biết: Bia Hà Nội xuất hiện cách đây tròn 50 năm, với sản phẩm bia Trúc Bạch, sau này có thêm bia Hồng Hà, Hà Nội, Hữu Nghị... Do đó ngày 15-8 hàng năm đã được chọn làm ngày truyền thống của Bia Hà Nội. Hiện HABECO có trên 470 đại lý phân phối trong cả nước và 3 chi nhánh là Phố Nối, Nghệ An và Nam Định cùng 2 công ty thương mại là HABECO Trading và Công ty CP Bia - Rượu – NGK Hà Nội – Quảng Ninh.

Hiện nay, không chỉ người Việt khoái uống loại bia này mà, chúng còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHLB Đức, Đài Loan, LB Nga, và đặc biệt là Hoa Kỳ… Được biết, HABECO đang thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất với việc khởi công xây dựng nhà máy bia mới tại tỉnh Vĩnh Phúc với công suất 100 triệu lít/năm, sau đó sẽ mở rộng lên 200 triệu lít/năm vào năm 2010. Với số vốn khoảng 2.000 tỉ đồng.

Nhân dịp này, chúng tôi xin chép tặng bạn đọc một bài lục bát viết về… bia hơi Hà Nội của nhà thơ Đặng Vương Hưng, cùng những lời bình của bạn yêu thơ…

 

Lục bát ở quán bia hơi...

 

Thế là công việc xong rồi!

Thở phào ta kéo ra ngồi quán bia

 

Ồn ào náo nhiệt thế kia

Bình dân phải quán vỉa hè mới vui

 

Giữa nắng gió với đất trời

Nào ta nâng cốc tự mời mình đây

 

Mặc cho ai tỉnh ai say

Ta xin cạn vại bia này cùng nhau

 

Uống đi cho hết buồn rầu

Cho niềm vui ở thật lâu với mình!

 

Đầy vơi đâu chỉ nghĩa tình

Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai...

                                  Mùa hạ 2000

                                   Đặng Vương Hưng

 

 

 

         “Người xưa buồn, rượu uống một mình, đếm bóng mình với bóng trăng là mấy kẻ tri âm. Thời nay hiện đại rượu, hiện đại bia... hiện đại cả nỗi buồn và cách tâm sự với chính mình. Chỉ có thiên nhiên là như cổ, như xưa và nỗi buồn xưa xin ở lại chứ không nỡ rời đi... Chỉ có tâm hồn thi sĩ mới say mê với nỗi buồn ấy.

         Ôi! Cốc bia hơi cho hình bóng người anh yêu và mơ tưởng - đâu phải ai cũng một lần trong đời”.

                 (Lê Kim Giao)

 

“Tình yêu như thể men nồng / Nếu không có nó thì không có đời / Thơ viết ở quán bia hơi / Có bao hương vị, ngọt, bùi, đắng, cay…”

                (Nguyễn Đình Trọng)

 

       “Tôi cứ nghĩ uống rượu mới là thơ. Còn bia thì tân thời quá, lại nhanh nữa, khó thành thơ lắm! Bấy nay, người ta chỉ lấy chuyện bia để làm thơ tếu táo cho vui. Thế mà ĐVH lại có “Lục bát ở quán bia hơi” nghiêm túc để bày tỏ nỗi lòng mình thì thật tài.

         Có đọc kỹ mới biết thi sĩ đã uống bia một mình giữa đất trời và nắng gió. Anh chỉ mượn bia để say một bóng hình người đẹp. Cái phóng khoáng trong cảnh uống bia bây giờ hóa ra cũng sánh được với “Bầu rượu túi thơ” của người xưa.'

                 (Hà Đức Toàn)

 

      'Tưởng là để 'xả hơi' sau một ngày làm việc căng thẳng, nhưng hóa ra tác giả chỉ mượn bia để... say người! Thế mới biết người đàn ông trong bài thơ cũng 'nghiêm túc' đấy chứ (Không 'say người' trong giờ hành chính cơ quan.

                 (Bùi Tuyết Nhung)

 

       “Nhiều người đàn ông đã có thói quen “tự thưởng” cho mình vại bia hơi sau khi thở phào vì đã hoàn thành một công việc. Nhưng ĐVH còn “tự thưởng” ở mức cao hơn, mà vẫn rất thi sĩ: Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai.

                 (Nguyễn Trần Thái)

 

       “Cái thú uống bia hơi ở quán vỉa hè thì hầu hết các Quý anh, Quý ông đều không bỏ qua. Và hiện nay nhiều Quý bà, Quý cô cũng đã tham gia. Nhưng mỗi người lại tận hưởng một cách riêng.

        Thật lạ và thú vị khi ta bắt gặp tứ thơ “Nào ta nâng cốc tự mời mình đây”. Thì ra vì tình, vì yêu, nên mới “Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai”. Câu kết bất ngờ này đã lý giải cho cả bài thơ!

                  (Đắc Lê)

 

 

-----------------------

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: