“Cô Lan hát Dô” là cái tên trìu mến mà người dân đặt cho bà Nguyễn Thị Lan ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Gần 20 năm qua, bà “vác tù và hàng tổng” chỉ có một tâm huyết phải làm “sống lại” làn điệu hát Dô đang đứng trước nguy cơ bị bụi thời gian phủ lấp.
Điệu hát quý trước nguy cơ mai một
Trong ngôi nhà ngói ba gian thoáng đãng, rót trà mời khách, bà Lan bắt đầu kể cho chúng tôi truyền thuyết về câu hát Dô: “Hát Dô là một điệu hát quý, xuất xứ từ vùng quê bán sơn địa nhưng nó lại mang tính nhân văn rất cao trong ca từ. Truyền thuyết kể lại rằng, một ngày mùa xuân, Đức Thánh Tản Viên khi đi du ngoạn qua ven sông Tích, khi đến xã Lạp Hạ (nay là Liệp Tuyết) thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư lại thưa thớt, Đức Thánh Tản Viên đã dạy người dân trồng cấy. Ngài gọi trai gái đến dạy hát múa, sau đó Đức Thánh Tản ra đi, hẹn mùa lúa chín sẽ về nhưng mãi không quay lại”.
Để nhớ đến công ơn của Ngài, người dân đã lập đền thờ lấy tên đền Khánh Xuân và mở hội hát những bài Đức Thánh Tản Viên đã truyền dạy. Đúng 36 năm sau, Đức Thánh Tản Viên mới quay lại. Bởi thế, lễ hội có định kỳ 36 năm mới tổ chức một lần. Mỗi đời người chỉ một lần được hát trong lễ hội nên khúc hát Dô càng khó lưu truyền.
Lễ hội cuối cùng còn vang lên câu hát Dô từ năm 1926. Sau năm 1926, lễ hội đền Khánh Xuân cuối cùng theo định kỳ trên đã không diễn ra nữa. Những câu hát Dô sẽ theo các cụ cao niên “xuống mồ” nếu như không có tâm huyết của “cô Lan hát Dô”.
Ăn cơm nhà... “vác tù và” khắp xã
Khi đó bà Nguyễn Thị Lan là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Liệp Tuyết đã xung phong nhận nhiệm vụ tìm người học hát Dô nhằm “cứu” câu hát cổ truyền đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhận nhiệm vụ, bà Lan đi hết năm thôn, sáu xóm trong xã, vận động được 24 người (cả trung niên, thanh niên) lập thành đội hát Dô, lúc đó trong xã chỉ còn ba cụ biết hát Dô. Bà Lan tâm sự: “Lúc đầu ai cũng nói mình vô công rồi nghề, nhiều lúc thấy tủi thân, nhưng nhìn một nét văn hóa truyền thống quý giá trước nguy cơ bị mai một, càng thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó để giữ lại câu hát của cha, ông để lại”.
Năm 1989 bà Lan bắt tay vào việc tìm kiếm, thu thập lời bài hát bấy lâu đã bị quên lãng. Ngày đi làm đồng, tối về nhiều hôm cơm chưa kịp ăn bà lại vội vàng với cuốn sổ trên tay, tìm đến những cụ cao niên để chép những câu hát gốc. Hễ hỏi được ai câu nào, bà chép lại trong cuốn sổ tay của mình rồi về tập hát cho nhuần nhuyễn…
Bà say sưa ca cho chúng tôi nghe gần như tất cả 36 điệu minh họa cho điệu hát Dô. Khi sôi nổi với điệu hát về lao động sản xuất, khi tha thiết, tinh tế trong điệu hát về tình yêu lứa đôi… Bà không chỉ dồn hết tình cảm vào câu hát mà còn muốn truyền cho người nghe tình yêu với điệu hát ấy và hơn hết, bà có một cái “tâm” với khúc hát cổ truyền của cha ông.
Trồng cây cực nhọc cũng đến ngày cho trái ngọt thơm, năm 2005 Hội Văn hóa dân gian và Quỹ Ford đầu tư 60 triệu đồng cho dự án bảo tồn và phát huy hát Dô. Nhờ đó, việc mời các cụ lên dạy, thu hút thêm học sinh và may phục trang theo lối cổ được thực hiện bài bản hơn. Dự án thực hiện trong hai năm 2005-2006 đã đào tạo được hơn 60 cháu biết hát làn điệu này.
Hiện nay bà Lan đã lập được một câu lạc bộ hát Dô và câu lạc bộ thường được mời tham gia liên hoan nghệ thuật dân gian, các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước. Tháng 5-2008, bà Lan là một trong hai đại diện của Việt
Khi được hỏi về mong ước của mình, bà Lan bộc bạch: “Mong ước của tôi là chính quyền quan tâm, hướng được việc dạy hát Dô vào hội phụ nữ địa phương, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên, trường học… để câu hát Dô của cha ông sống mãi, và tiếng hát Dô không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra cả thế giới”.
Bài và ảnh: HOÀNG ĐỨC - LÊ SÁNG
(Nguồn: Báo QĐND)