Chủ nhật, 22/12/2024,


Người "nhà quê" tao nhã (04/10/2009) 

Sau ngót chục năm lưu lạc bên trời Âu, như một kẻ hành khất văn hoá, nghiền ngẫm những giá trị tinh hoa của hội hoạ thế giới, từ cổ điển cho đến hiện đại, ông trở về chốn cũ của ông, khước từ sức hấp dẫn mãnh liệt của hội hoạ hiện đại phương Tây, cho dù đã khiến ông bỏ nhà bỏ cửa chạy theo kiếm tìm.

 

Ông về và làm mới lại mình bằng cuộc dấn thân vào mảnh vườn sơn mài truyền thống. Những ngày trung thu này, tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đang trưng bày những tác phẩm sơn mài của ông, hoạ sĩ Lý Trực Sơn. Triển lãm mang tên 'Chốn này'.

 

Ngay cái tên 'Chốn này' đã phần nào khẳng định sự lựa chọn của ông cho một quan niệm thẩm mỹ. Sự lựa chọn chắc chắn chẳng dễ dàng gì, ông đã phải vượt qua cả không gian cả thời gian để đắn đo nhìn lại nơi xuất phát của mình. Có một nhà văn đã từng nói, đại ý: 'Muốn giỏi tiếng Việt thì phải biết ngoại ngữ, muốn thấy quê mình đẹp phải đi thật xa!'.

Điều này với hoạ sĩ Lý Trực Sơn là một thí dụ cụ thể. Ông trở lại với sơn mài có lẽ cũng bởi sau rất nhiều trải nghiệm nhọc nhằn để biết được cái gì là của mình, cái gì của người khác. Vốn là một hoạ sĩ vững vàng về nét và hình, màu với ông chỉ đóng vai trò phụ hoạ, hoặc như ông từng nói màu là trời cho.
 

Ở sơn mài, màu được tinh giản như một ước lệ. Khác với những hoạ sĩ sơn mài khác, ông không hề lạm dụng vàng, son, những yếu tố rất dễ sa đà vào tính trang trí của chất liệu. Ông thường chọn những màn trung gian, ấm và sâu đượm, cộng vào đó là kỹ thuật mài rất truyền thống bài bản, vừa độ dừng, vậy nên tác phẩm của ông rất giàu tính hội hoạ.

Thế giới hội hoạ của hoạ sĩ Lý Trực Sơn vẫn như ngày nào, đã từ lâu lắm, là một thế giới thật bình yên, giản dị, là một vùng quê ngoại đầy bóng mát của những lùm cây nếp nhà, là những đứa trẻ hát nghêu ngao theo cánh diều, theo gió, là những cô gái e dè muốn giấu đi niềm khát khao nhục cảm.

 

Ông vẽ phụ nữ thật điệu đà, điệu từ khoé nhìn đến dáng đi, người xem đọc được ở những bức này cách nhìn phụ nữ bằng con mắt vừa ngưỡng mộ, vừa rụt dè, Hình như điều đó đã tạo ra một phong cách cho riêng ông, ít người có được. Nông thôn Việt là một đề tài quen thuộc, các bậc trưởng lão trong làng hoạ mỗi người đều tìm cho mình một góc riêng.
 

Từ cụ Phan Chánh với những người đàn bà bên bờ ao, đến Lưu Công Nhân là buổi cày, là những cây xoan mùa đông đầu xóm. Bùi Xuân Phái dời phố cổ của mình đến những làng cổ ven đô đã cất riêng cho mình những con đường gạch nối mái rạ chiều hôm....
 

Lý Trực Sơn lại không định chọn cho mình một ấn tượng cụ thể nào, dường như ông nguyên là một người 'nhà quê' muốn cất lên khúc hát của quê mình, không cần một phát hiện hay một xúc cảm mới mẻ, không gian quê mùa của ông nguyên vẹn. Con trâu, còn bò, lùm cây, lá chuối, những đứa trẻ, những người đàn bà, đều là hàng xóm thân thiết của ông.

Chính cái thân thiết mộc mạc ấy đã cho ông được một lối vẽ thong thả để người xem nhận được một nhịp sống chậm rãi hồn nhiên. Trong tranh của ông, làng quê vẫn luôn luôn mới trong cái cũ kỹ của mình. Phải chăng tính hiện đại trong tranh của Lý Trực Sơn nằm ở chỗ này. Hoạ sĩ đã khéo tránh được cái hiện đại hình thức để làm phong phú thêm con mắt hội hoạ của mình, con mắt nhìn thấu vào bên trong tâm thức.

Mỗi một thế hệ hoạ sĩ có vài ba người thay mặt, tất nhiên mỗi người một giá trị riêng, chia nhau từng năm tháng, làm nên một diện mạo hội hoạ. Thế hệ của hoạ sĩ Lý Trực Sơn, thế hệ của tuổi 60, cũng là thế hệ bản lề khi hội hoạ VN bước vào đổi mới đã tạo ra những khuôn mặt đông đúc hơn cả. Họ đã mở đầu cho những quan niệm hội hoạ mới, tạo nên một đời sống mỹ thuật phong phú hơn, nhiều sắc thái hơn, nhiều đề tài mang tính thời sự hơn của một xã hội đang chuyển mình.
 

Thành công này là một dấu ấn đáng kể tác động vào đời sống. Không đụng chạm gì đến những vấn đề bức bối của một thời đại mới. Lý Trực Sơn cứ thong thả vẽ về một miền ký ức, tự làm mới chính mình, không vội vã, đủng đỉnh như một người 'nhà quê'. Người 'nhà quê' tao nhã.

 

 

Trịnh Cẩm Nhi

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

---------------------

Chú thích ảnh:

1-      Chân dung họa sỹ Lý Trực Sơn

2-     Cảm xúc 3. Sơn mài của hoạ sĩ Lý Trực Sơn.

3-      Quê ngoại. Sơn mài của hoạ sĩ Lý Trực Sơn.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: