Từ cảm hứng “tít mù vòng quanh” của cây đèn kéo quân với những voi giấy, ngựa giấy, dân ca Việt
Bài dân ca rất ít lời, chỉ vẻn vẹn hai cặp thơ lục bát. Cái độc đáo là khi hát cứ lặp đi lặp lại, như đặc tả về sự chuyển động cơ học của đèn: “Khen ai khéo kết (ối a cái) đèn cù/ Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù (nó lại) vòng quanh/Bao giờ em bén (cái) duyên anh/Voi giấy (ối a) ngựa giấy vòng quanh (ối a cái) tít mù (mà)/Khen ai, khéo kết (ối ai cái) đèn cù…”.
Sở dĩ có cái sự vòng quanh là bởi cây đèn làm theo hình ống. Nến ở bên trong trục đèn khi đốt chong chóng sẽ tự quay tròn. Tương truyền, xưa vào dịp Trung thu, nhà vua mở hội làm đèn. Một hôm Lục Đức - chàng nông dân nghèo hiếu thảo - mơ thấy Thái Thượng Lão Quân dạy cách làm đèn. Tỉnh giấc, chàng cùng mẹ chọn thân trúc trắng cùng giấy màu để làm. Khi xong đèn thì rằm tháng Tám cũng vừa đến, hai mẹ con đem dâng vua. Thật kỳ lạ, ngọn lửa trong đèn sáng làm chong chóng quay hiện 6 sắc màu rực rỡ với hình đoàn quan, quân cùng voi, ngựa bằng giấy nối đuôi nhau vòng quanh. Vì thế đèn có tên là kéo quân. Ở góc độ khác, dân gian gọi đèn cù, vì cấu tạo vòng quanh lặp đi lặp lại.
Hậu câu chuyện về cây đèn: Vua vui mừng truyền cho dân chúng tới xem. Từ đó cứ đến Trung thu, nhân dân lại làm đèn, vừa điểm tô sắc màu vừa nhắc nhở về lòng hiếu thảo với mẹ cha. Sau này, những hình ảnh, họa tiết ngày càng được các nghệ nhân sáng tạo thêm. Hình ảnh đoàn quan, quân, voi, ngựa ít đi và câu chuyện nguồn gốc, ý nghĩa cây đèn ít người nhớ tới.
Đèn cù tức đèn kéo quân (trên phố Hàng Mã) nay không còn voi giấy, ngựa giấy
Chuyện về đèn cù đã tỏ, cũng khen ai khéo sáng tạo bài “Đèn cù”. Nhưng, theo lời kể của nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Thao Giang, dù bài dân ca đã rất được yêu thích thì vẫn có một người chưa hài lòng. Vị này không chê nhưng thấy thiếu một cái gì đó.
Một ngày đẹp trời, vị này đã gia công thêm phần đầu: “Trời về khuya sáng tỏ phú lý đêm, đêm rằm/Riêng mình là mình tôi đơn độc (Tình cốp tình tình tình cốp)/Sao đèn là đèn không đơn độc (Tình cốp tình tình tình cốp)/Đèn được săn sóc, được nàng an ủi/ chứ tôi đây chả rõ mà tôi chờ ngoài ngõ mà tôi gõ thông thống mà chẳng thấy nàng á là nàng/Ơi cây đèn sáng tỏ phú lý đêm rằm í a”. Sau đó mới vào bài: “Khen ai khéo kết…”.
Phần mới lắp ráp này khai thác từ nhạc chèo, rất tương đồng với phần cũ. Hơn nữa nâng thêm ý nghĩa ban đầu của bài hát, vốn đơn thuần tả sự quay tròn của đèn, nay thành tâm tình đôi lứa. Chàng trai như ghen với đèn khi cô gái chỉ say sưa với đèn mà quên chàng thấp thỏm, mong ngóng. Người sáng tạo thêm, để bài “Đèn cù” hoàn thiện không phải ai xa lạ, chính là nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Nguyễn Quang Long
(Nguồn: Báo Tiền Phong)