Một tuần đã trôi qua, nhưng dư âm của Ngày Thơ Lục bát Việt Nam lần thứ nhất vẫn còn đó. Cũng ngày này, vào Thứ 6 tuần trước, lucbat.com long trọng kỷ niệm sinh nhật tròn một tuổi bằng cách tổ chức một sự kiện văn hóa ấn tượng với tất cả những ai yêu thơ lục bát và trân trọng văn hóa Việt: Lần đầu tiên trong lịch sử, Thơ Lục Bát đã được tôn vinh như vậy!
Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hoàng Linh (bài vừa in trên Báo Người cao tuổi Việt Nam)
Họ là hàng ngàn người yêu thơ, những văn nghệ sĩ, nhà báo... Ngày thơ Lục bát Việt Nam lần thứ nhất còn được đón các vị cao tăng, ni sư đại diện cho giới Phật tử Việt Nam. Đây là sáng kiến của người lập ra website: lucbat.com - nhà thơ Đặng Vương Hưng, với sự phối hợp tổ chức của CLB thơ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Công ty CP truyền thông Ptcom. Ngày thơ Lục bát Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 6-8 âm lịch hằng năm.
Theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm của lucbat.com thì: Gọi “lộc phát” thay cho “Lục bát” là do dân gian sáng tạo ra. Lộc phát, đó là mong ước của tất thảy mọi người. Cứ xem ngày Tết mọi người chúc nhau thì thấy, Phúc – Lộc – Thọ luôn là tâm điểm, là mong ước của con người. Lộc ở đây không chỉ là tiền bạc, vật chất, mà nó bao hàm những giá trị nhân văn rộng lớn. Chẳng thế mà tập sách “Lộc phát Kỷ Sửu” đã được ấn hành, được dâng tế trang trọng, rồi phát lộc cho những người có công gây dựng Ngày thơ Lục bát Việt Nam và tất cả những ai có tấm lòng yêu thơ Lục Bát nhất.
Và Lục Bát đã trở thành 'Lộc Phát' cho nhiều người yêu thơ...
Các thành viên của Ban tổ chức trong các bộ trang phục dân tộc, đã tạo nên sắc màu văn hóa dân gian đặc sắc cho ngày thơ đậm nét văn hóa dân gian này.
Trong lễ khai mạc, một chương trình ca múa nhạc hoành tráng do các nghệ sĩ có kinh nghiệm dàn dựng và biểu diễn. Đây là điểm đặc biệt của Ngày thơ Lục bát Việt Nam. Màn hợp xướng với bài thơ lục bát nổi tiếng của Bác Hồ 'Năm qua thắng lợi vẻ vang'... Tiếp đó là ca khúc “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được các nghệ sĩ thể hiện hùng hồn: “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!...”.
Cùng xem Họa sĩ Dzũ Kha (đến từ Quy Nhơn) biểu diễn 'Bút Lửa' Lục Bát.
Tiếp đó là các màn biểu diễn nghệ thuật dân tộc của Đoàn Nghệ thuật dân tộc Dao, Đoàn Nghệ thuật cồng chiêng tỉnh Hòa Bình và màn múa gậy của các nghệ sĩ đến từ Hà Giang, đem đến cho khách mời, các đại biểu những “món ăn nghệ thuật” mới lạ, đặc sắc.
Cuộc thi trang phục dân tộc với giải thưởng: Trang phục dân tộc đẹp nhất và Giải thưởng trang phục cá nhân khiến không khí Ngày thơ Lục bát sôi động. Kết quả, Đoàn CLB Thơ trẻ Online, Đội tế nữ Hội Chân Tâm (Hà Nội), Đoàn Thành phố Bắc Giang đoạt 'Giải Trang phục dân tộc đẹp nhất'; Giải thưởng mặc trang phục cá nhân thuộc về tác giả Nguyễn Đình Trọng (đến từ TP. Hồ Chí Minh), và hai nữ tác giả Kim Yến, Lệ Thu (CLB thơ Việt Nam).
'Ông đồ' Đậu Phi Hùng (đến từ Cam Ranh) cho chữ người yêu thơ.
Sau lễ khai mạc, chương trình biểu diễn và ngâm thơ lục bát kéo dài đến hết buổi sáng. Các tác giả thơ lục bát tự làm, tự ngâm thơ mình nên vẫn giữ được cái hồn, cái cốt của tác phẩm, cuốn hút người nghe. Cuộc thi thơ lục bát tứ tuyệt tại chỗ được khởi xướng thu hút 968 người tham gia. Một không khí sáng tác chưa từng có diễn ra, các tác giả thuộc đủ mọi lứa tuổi, sáng tác say sưa, hồn hậu, sôi nổi trao đổi với nhau những vần thơ mới viết, rồi góp ý, chỉnh sửa... kéo dài cho tới tận buổi chiều. Kết thúc cuộc thi, tác giả Bùi Văn Hán (CLB thơ Việt Nam huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đoạt Giải nhất; Giải nhì thuộc về nữ tác giả Kiều Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội); 'lão tướng' Điền Ngọc Phách (CLB thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ) đoạt Giải ba. Ngoài ra, còn có 10 Giải khuyến khích dành cho các tác giả khác.
Đặc biệt, Ngày thơ Lục bát Việt Nam lần thứ nhất còn thu hút sự chú ý của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa. Đại diện bộ đội Trường Sa đã về dự và nhận quà, là những cuốn sách, những tác phẩm thơ, thư pháp... do người yêu thơ và các tác giả trao tặng.
Chị An Tuyên, một người yêu thơ (đến từ CHLB Đức) tặng sách cho Trường Sa
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá TP. Hà Nội: “Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc. Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hoá Việt Nam. Sự thành công của Ngày thơ Lục bát Việt Nam lần thứ nhất sẽ đưa đến cho chúng tôi sự tự tin cho những lần tổ chức tiếp theo...” .
Bất ngờ về quy mô tổ chức, nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng: “Ngày thơ Lục bát Việt Nam là một hoạt động tôn vinh thơ nói chung và thể thơ lục bát nói riêng. Sáng kiến tổ chức ngày thơ này cũng có thể xem như đã đem đến cho Hà Nội một Lễ hội độc đáo, hướng tới kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi rất bất ngờ với sự hoành tráng, đậm đà bản sắc dân tộc và quy mô của ngày hội thơ Lục Bát”.
Thơ Lục bát ngày nay đã được những người yêu thơ cả thế giới biết đến dễ dàng qua trang web lucbat.com và giờ đây bạn đọc sẽ còn nhớ đến 'Ngày Lộc Phát' mỗi năm một lần và mong chờ, hi vọng sẽ được phát lộc với những điều tốt đẹp nhất.
Mời xem Chùm ảnh tưng bừng Ngày Thơ Lục Bát Việt Nam
Mời xem Bản tin ICT của VTC về Ngày Thơ Lục Bát (phần cuối)
Nguyễn Minh Quang - bdquangminh@gmail.com - 0914129814 - 251b Trần Phú , An Nhơn Bình Định
(Ngày 1/10/2009 05:19:13 PM)
NGÀY LỤC BÁT Mừng ngày lục bát đầu tiên/ Mùng sáu tháng tám nối liền xưa nay/ Lục bát trên những đường cày/ Lúa vàng óng ả chất đầy vào kho/ Lục bát trên những câu hò/ Điệu nam điệu bắc chuyến đò quê hương/ Lục bát trên mọi nẻo đường/ Trẻ già trai gái vấn vương tơ tình/ Lục bát vang giữa sân đình/ Trăng vàng sáng quá ta mình yêu nhau/ Lục bát từ những vùng sâu/ Mưa ngàn hun hút chiếc cầu bơ vơ/ Lục bát ngân giữa thủ đô/ Ba Đình rực rỡ màu cờ quang vinh/ Lục bát ta lại gặp mình/ Ngàn năm sau mãi chung tình nước non ! |