BẢN DI CHÚC HIẾN NHÀ LÀM TỪ THIỆN...
Tên tôi là Trần Thị Nhật Tân, nhà giáo, nhà văn.
Tôi viết di chúc trong lúc tỉnh táo, khoẻ mạnh.
Ngôi nhà hai tầng của tôi xây trên diện tích 180 m2 theo trước bạ. Cả cuộc đời tôi lao động cực nhọc mới có cơ ngơi này. Là người cầm bút, tôi thấu hiểu nỗi cơ cực của nhà văn chân chính. Bởi vậy, tôi chỉ có một nguyện vọng là: Sau khi tôi qua đời, tôi để ngôi nhà làm từ thiện cho các nhà văn nghèo khổ. Tôi giao quyền quản lý nhà đất cho Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định. Khi nào trong nước có nhà văn viết đấu tranh cho xã hội công bằng, văn minh, vì dân, vì nước mà bị vùi dập khốn khổ thì về nhà tôi ở cho qua cơn hoạn nạn. Tôi tin rằng nhà văn ấy tiếp tục sáng tác phục vụ nhân dân.
Đề nghị Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định 'hóa thân hoàn vũ' cho tôi. Lấy hai lọ tro, một đặt tại bàn thờ ngôi nhà này, một đặt nằm cạnh cha mẹ tôi. Số tro còn lại rắc xuống sông Đào.
Ai chăm sóc trước khi tôi qua đời, thì được ở trông coi ngôi nhà. Mỗi thế hệ, mỗi gia đình có đức, thương người như thể thương thân ở. Khi nào có nhà văn do Hội Văn học - Nghệ thuật đưa đến, sắp xếp cho họ một chỗ ở. Nếu người trông coi nhà không thực hiện quy định, thì Hội Nhà văn bố trí người khác có tâm.
Đêm đêm, nữ nhà văn vẫn miệt mài trang viết, đánh vật với con chữ...
Không ai có quyền bán nhà, bán đất của tôi.
Không phá cây ăn quả đi để làm gì. Chỉ trồng lại giống cây quả ngon, có kinh tế cao. Khi cần sửa, nâng cấp nhà theo nền cũ, không lấn chiếm đất trồng cây quả, giữ không khí trong lành. Tiền bán cây quả chia ba phần: phần người chăm cây, phần cúng giỗ các cụ và tôi, phần giúp nhà văn cơ nhỡ.
Tang lễ tôi chi tiêu thật tiết kiệm, mua cỗ áo rẻ tiền nhất.
Sổ tiết kiệm, tiền phúng viếng, nhuận bút tác phẩm in sau này (nếu có) gửi ngân hàng, Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định giữ để khi cần sửa chữa nhà...
Tôi tin rằng Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định trân trọng, giữ gìn tài sản tôi để lại làm việc thiện cho các thế hệ nhà văn mai sau.
Nam Định, ngày 22.2.1998
(Đã ký)
Trần Thị Nhật Tân.
Bản di chúc trên, được nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân viết lần đầu, khi bà vừa qua một cơn tai biến, ở tuổi 49 vận hạn của đời người, cách đây đã hơn chục năm. Từ đó đến nay, nó đã được tác giả sửa chữa và bổ sung nhiều lần. Mỗi khi có khách văn đến thăm nhà, thể nào Nhật Tân cũng mang bản đi chúc ấy ra 'khoe' và đọc cho họ nghe.
VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ ÂM THẦM TRONG NGÕ VẮNG
Nhà văn Lê Hoài Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định trực tiếp đưa chúng tôi tới thăm nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân vào một ngày cuối mùa hạ. Ngôi nhà nhỏ (mà bản di chúc kể trên nói đến) ở Tổ 5, thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định, được xây tường cao, cổng đóng kín và khóa trong. Hàng xóm cho biết không mấy khi thấy cánh cửa gỗ cũ kỹ ấy mở ra. Chủ nhân có nhà, hay đi vắng cũng chẳng ai biết. Chúng tôi đã gõ cửa, thậm chí là đập cửa rầm rầm và hét to lên gọi tên người, nhưng chỉ có tiếng chó sủa bên trong.
Nhà văn Lê Hoài Nam ái ngại bảo: “Bà này tai nghễnh ngãng, huyết áp tăng giảm thất thường, lại chỉ ở một mình, nói gở mồm chứ nếu có ốm đau, cảm sốt mà bất ngờ 'đi thăm cụ Nguyễn Khuyến' cũng chẳng ai biết, gay go thật”.
Nhưng rồi nhờ ông Đào, một người hàng xóm tốt bụng và cô thợ may tên là Thuần (người vẫn thường cho nữ nhà văn nghe và gọi nhờ điện thoại qua số máy 0350.8601348) giúp đỡ, cuối cùng chúng tôi đã vào được nhà, gặp được chủ nhân.
Bao năm quen sống một mình, chỉ có con chó làm bạn
Tiếng là nhà hai tầng, nhưng do xây cất đã lâu, lại không được “bảo dưỡng, nâng cấp” thường xuyên và nội thất chẳng có gì đáng kể, nên ngôi nhà của nữ nhà văn trông tuềnh toàng và cũ kỹ. Nhưng bù lại, chủ nhà vốn tính cẩn trọng, chu đáo, nên đồ đặc được sắp đặt rất ngăn nắp và sạch sẽ.
Đã sang tuổi “bà” từ lâu, nhưng Trần Thị Nhật Tân vẫn sống một mình. Dù thời xuân sắc trước đây, không ít chàng trai đã say mê cô giáo Nhật Tân, nhiều người đàn ông tài giỏi đã ngỏ lời yêu và tha thiết và muốn cưới cô làm vợ… Nhưng như người ta thường bảo: “Hồng nhan bạc phận”, hạnh phúc đã không mỉm cười với nữ nhà văn đất Thành Nam một thời xinh đẹp và tài hoa ấy.
Bây giờ, người đàn bà ấy bước đi đã chậm chạp, suốt ngày phải đội mũ, buộc khăn trên đầu vì “sợ gió” đang sống âm thầm, khép kín trong bốn bức tường bao quanh khu vườn nhỏ và ngôi nhà cũ. Cái ngõ vắng khuất nẻo và quanh co ấy chỉ có tiếng chó sủa mỗi khi có tiếng xe máy đi qua. Chủ nhà thường tự hào giới thiệu với khách mảnh vườn rau đã giúp bà sống theo kiểu “tự cung tự cấp”, không cần quan tâm đến việc đi chợ. Trong nhà không có điện thoại, (mãi gần đây một bạn đọc của lucbat.com mới tặng nữ nhà văn chiếc điện thoại di động và số máy: 01213511609, bà chỉ dùng để nghe là chính) không có tủ lạnh, thậm chí không có cả ti vi, đài thu thanh… nên cả xã hội và thế giới bên ngoài có biến đổi thế nào, dường như cũng không ảnh hưởng tới ngôi nhà này là mấy.
Hàng ngày, Trần Thị Nhật Tân vẫn vẫn cặm cụi viết văn, làm thơ và dạy học văn miễn phí cho các cháu nhỏ hàng xóm. Tháng hè năm nào bà cũng tổ chức luyện thi từ thiện môn văn cho vài học sinh thi đỗ đại học. Vốn là cô giáo, nên chữ viết trong bản thảo của bà cũng rất đẹp và nắn nót. Bây giờ việc in ấn tác phẩm khó khăn hơn trước nhiều. Hiếm hoi lắm mới có tờ báo, hay tạp chí in cho Trần Thị Nhật Tân một bài thơ, một mẩu truyện ngắn, kèm theo những đồng tiền nhuận bút ít ỏi.
Hơn mười năm trước, khi Nhật Tân công bố bản di chúc “hiến nhà làm từ thiện” của mình, nó cũng đã gây sự xôn xao chú ý của một số người hiếu kỳ ở Nam Định. Khi thấy Hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh không có “ý kiến tiếp nhận”, bà đã viết thư gửi cả cho Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nêu ý kiến “hiến tặng” như trên… Nhưng rồi, thời gian cứ thế trôi đi, vẫn chẳng thấy ai quan tâm. Hội Văn học - Nghệ Thuật Nam Định “dửng dưng” đã đành, Hội Nhà văn Việt Nam cũng “thờ ơ” luôn.
Người ta nói nhỏ với nhau: Ngôi nhà ấy dù đáng tiền tỷ thật, nhưng cứ theo nội dung bản di chúc thì nhận nó có dễ dàng đâu! Các quan chức văn nghệ có “dính” vào thì cũng chẳng được lợi lộc gì, có khi còn mang tiếng. Còn các nhà văn thì chẳng ai dại gì mà “hi sinh” đời mình làm “ông từ coi đền không công” cho Trần Thị Nhật Tân! Thành ra bao năm nay rồi, chủ nhân vẫn nhiệt tình đem nhà mình đi… “hiến tặng”, mà chẳng ai dám nhận; khiến nó vẫn còn đó, càng ngày càng xuống cấp, cũ kỹ, vắng lặng và buồn tẻ hơn.
Khi tôi viết những dòng cuối cùng cho thiên phóng sự này, thì nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân có một tin vui đặc biệt: Nhà xuất bản Thanh niên vừa tái bản cuốn tiểu thuyết “Dòng xoáy”, có sửa chữa và bổ sung thêm nhiều tư liệu quý - Cuốn sách từng mang lại cho cuộc đời bà biết bao nhục nhã, cay đắng và cả vinh quang! (Chúng tôi xin giới thiệu ảnh bìa của cuốn sách mới tái bản).
Vì sao tác phẩm kể trên lại có thể gây “sốc” cho cả Thành Nam và làm xôn xao ngành Giáo dục một thời và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hai lần trực tiếp viết thư tay gửi cho tác giả của nó? Câu trả lời có trong cuốn sách dày 540 trang, khổ lớn. Quý bạn đọc quan tâm, xin liên hệ trực tiếp với tác giả Trần Thị Nhật Tân, hoặc bà Trần Hằng Thanh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên (ĐT: 0903295118).
Đọc thêm:
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 1)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 2)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 3)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 4)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 5)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 6)
Một Nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 7)
Một nhà văn “hồng nhan bạc phận” (kỳ 8)
Nam Định - Hà Nội, tháng 9-2009
ninh - lehaininh76@yahoo.com.vn - -
(Ngày 22/11/2010 10:36:18 AM)
Vào những năm 1989, 1990 cô Nhật Tân - lúc đó đã là nhà văn- do viết truyện Dòng xoáy nên có mang sang Ninh Bình để bán, lúc đó cô rất nghèo nên vô tình cô biết bố tôi và ở nhờ nhà tôi gần 2 năm, bây giờ khi nhìn lại hình cô sao thấy cô khác xưa quá, chắc tại vì cô bị bệnh. Có thể cô chẳng còn nhớ đến nhà tôi nhưng tôi cũng mong cô thật vui và khỏe mạnh
Nguyễn Tường Thụy - tuongthuy59@yahoo.com - 0983485952 - 11 Quỳnh Lân Vĩnh Quỳnh Thanh Trì Hà Nội
(Ngày 1/10/2009 10:45:29 AM)
Kính gửi nhà thơ Đặng Vương Hưng Tôi đón đọc từng kỳ trong thiên phóng sự - tư liệu của nhà thơ viết về nhà văn Trần Thị Nhật Tân. Tôi rất xúc động trước con người dũng cảm và đầy nghị lực ấy. Thủ đoạn nhỏ nhen, toan tính thấp hèn không vùi dập được chị. Vinh quang đã đến với chị nhưng nghĩ về cuộc đời chị, tôi vẫn cứ xót xa. Tôi nghĩ chị xứng đáng là tấm gương cho những người cầm bút. Tôi là người gốc Nam Định, điều đó làm tôi tự hào vì quê hương tôi đã sinh ra chị. Tôi sẽ tới thăm chị trong dịp về quê tới. Cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng rất nhiều. Ngòi bút của anh quả là tài hoa. Chúc anh hạnh phúc và thành đạt hơn nữa. Kính. Nguyễn Tường Thụy
Trương tường lân - tuonglan_truong@yahoo.com - -
(Ngày 1/10/2009 08:06:42 AM)
Cảm ơn anh Đặng Vương Hưng, Những mảnh đời nếu anh không viết lên cũng ít ai hiểu...Bùi ngùi chua xót anh ạ ...!
|