Thứ ba, 23/04/2024,


Bình dị cây đa làng Uyên Trừng (14/08/2008) 

            

 

 

 

Qua số 039.821101, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Thành Lâm ở Thôn 8, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khi chiều dần tắt nắng. Khách có ngay cảm giác tin cậy và ấm áp khi được đón tiếp hồn hậu bởi chủ nhà là một người đàn ông thoạt nhìn mới chỉ ngoại lục tuần. Thực ra, ông Hà Thành Lâm đã bước sang tuổi 79.

 

 

Họ Hà Văn làng Uyên Trừng

Sau một thời gian tích cực vận động và chuẩn bị, năm 2006, ngôi Từ đường dòng họ Hà Văn tại làng Uyên Trừng thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh đã được phục dựng mang tính vĩnh cửu trên nền đất cũ, với tường cao bao bọc xung quanh. Đây là hiện thân minh chứng tình cảm 'uống nước nhớ nguồn' của lớp lớp con cháu đối với ông bà tiên tổ thuộc dòng họ được ghi nhận lại đã có lịch sử đến trên 700 năm.

Theo ghi nhận của Tộc phả tại Từ đường, họ Hà Văn ra đời năm 1306 tại làng Lạc Dung huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Có mộ Tổ- Cụ Hà Văn Mại- táng dưới chân núi Phượng Hoàng.

80 năm sau, tức năm 1386, con cháu của dòng họ này di cư đến làng Hào Mai huyện Thạch Hà.

70 năm sau nữa (1456), họ lại di rời đến làng Yên Lạc, huyện Can Lộc.

Những lần di cư trên của họ Hà Văn vẫn đều thuộc địa phận của tỉnh Hà Tĩnh.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, luật Hồng Đức ra đời. Không được bao lâu, đất nước lại rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc. Họ Hà Văn lúc này đã đến thế hệ thứ chín, phải tìm đến ẩn dật ở chân núi Hồng Lĩnh.

Tại đây, thế hệ thứ mười gồm bốn người con trai, lại phải chia tay nhau mỗi người mỗi phương sinh cơ lập nghiệp:

Con trai cả Hà Thừa Triệu ở lại bản quán (nay là xã Tùng Lộc).

Con trai thứ hai về làng Thổ Ngoạ lập họ Hà Huy. Chính Chi họ này đã sản sinh ra đồng chí Hà Huy Tập, nguyên Tổng Bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Con trai thứ ba đến làng Kim Vực thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá.

Con trai út là cụ Hà Văn Sán đến làng Bảo Kệ xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1480.

            Cụ Tiền Tổ là con trai thứ tư của cụ Hà Tôn Thuật (thế hệ thứ 9). Tên huý của Người là Hà Văn Danh (cũng có chỗ ghi là Hà Văn Du). Năm 1756, cụ Hà Văn Danh lúc này đã ba mươi tuổi tìm đến định cư tại làng Uyên Trừng xã Tam Xuân Hạ (nay là Thôn 8, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Cuối thời Hậu Lê, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, do có công tôn tạo hào luỹ trên rú (núi) Thành thuộc huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An hiện nay, cụ được thụ lý chức Chánh Tổng.

            Cuối Triều Tây Sơn, ông Hà Nguyên Tiếu đang làm Tri huyện của huyện Nghi Xuyên bị phản tặc giết hại tại huyện đường, cụ Hà Văn Danh được cử lên thay làm Quyền Tri huyện.

            Dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị, cụ Hà Văn Danh còn nhận được hai đạo sắc phong tặng.

            Tính tổng cộng đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tại làng Uyên Trừng đã có đến bảy thế hệ hậu duệ của cụ Hà Văn Danh. Trong đó, thế hệ thứ năm có cụ Hà Văn Quỵ làm đến chức Đội trưởng Hữu binh của Tuần vũ Hà Tĩnh được phong hàm Bát phẩm.

             Là con trưởng của Dòng trưởng, sau này sẽ là Tộc trưởng của cả Đại Tôn, nên sinh thời cụ Hà Văn Quỵ đã lập sinh phần- lăng mộ của mình rất hoành tráng từ năm 1891. Trên khuôn viên rộng 40 mét, có tường hoa bao bọc và lăng tẩm xây cao 4 mét theo kiểu chồng diêm, lăng mộ này thực sự nổi bật giữa cánh đồng chiêm. Mặc dù thường xuyên bị mưa bão và chiến tranh loạn lạc, nhưng mộ phần của cụ Hà Văn Quỵ vẫn được con cháu họ Hà Văn tại làng Uyên Trừng thường xuyên giữ gìn tu bổ.

             Ngoài cụ Hà Văn Quỵ, các thế hệ sau còn có thêm tám người nữa được phong hàm Cửu phẩm Văn giai và một người được phong hàm Cửu phẩm Bá hộ.

             Trong phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931, do làng Uyên Trừng nằm khá kín đáo dưới chân núi Hồng Lĩnh, nên có nhiều gia đình sẵn sàng nuôi giấu các đồng chí đảng viên. Khu vườn cây của Bá hộ Hà Văn Diệm thường xuyên là nơi gặp gỡ liên lạc giữa Huyện uỷ Nghi Xuân và các quần chúng có cảm tình với Cách mạng. Chính tại đây, ngày 1 tháng 5 năm 1931, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của làng Uyên Chừng đã được thành lập.

              Sau cách mạng tháng Tám, tất cả các con cháu họ Hà Văn tại làng Uyên Trừng đều hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Có đến 21 người con trai con gái tham gia bộ đội và 16 người tham gia dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong.

              Đến nay (2008), họ Hà Văn đã sinh sống tại làng Uyên Trừng được 10 thế hệ, gồm 270 nhân khẩu của 68 hộ, trong đó có 58 hộ hiện cư trú tại địa phương. Đã có 100% hộ thoát nghèo, 30% hộ thuộc diện khá.

              Dân làng Uyên Trừng nói chung và đặc biệt là dòng họ Hà Văn sinh sống tại đây nói riêng, luôn có truyền thống khuyến học và hiếu học. Từ trước Cách mạng, những người đỗ Sơ học yếu lược đều đã được nhận tặng phẩm. Sau 1975, truyền thống này được dòng họ Hà Văn khôi phục. Rất nhiều học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh, hoặc các cháu thi đỗ vào Cao đẳng Đại học đã được nhận tặng phẩm của Hội Khuyến học họ Hà Văn. Vì vậy, năm 2006, dòng họ này đã được công nhận là Dòng họ Khuyến học cấp huyện. Năm 2007, họ Hà Văn được công nhận là Dòng họ Khuyến học cấp tỉnh.

              Hiện nay, dòng họ Hà Văn ở làng Uyên Trừng cũ là một trong các dòng họ Hà có tên trong Ban Liên lạc họ Hà Việt Nam do ông Hà Văn Lợi và ông Hà Văn Sĩ ở nhà số 263 đường Giải Phóng, thành phố Hà Nội, làm Trưởng và phó Ban Liên lạc...

              Trên đây chỉ là ít dòng sơ lược về sự hình thành và phát triển của dòng họ Hà Văn tại làng Uyên Trừng, tức Thôn 8, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng để có được sự “sơ lược” đó, không cần khoa trương, cũng phải nhờ biết bao con cháu hậu duệ của dòng họ, đặc biệt là nhân vật chính của bài viết này- ông Hà Thành Lâm- với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, với đạo hiếu đối với ông bà tiên tổ, đã dày công khảo cứu sưu tầm ở mọi lúc mọi nơi mới gìn giữ được Bộ Gia phả có hệ thống khá rạch ròi từ lâu đời và Ngôi Từ đường cùng Mộ Tổ thường xuyên được cháu con chăm lo tu bổ.

              Ông Hà Thành Lâm tâm sự: “Năm nay tôi xấp xỉ tám mươi tuổi. Bên cạnh niềm vui đã đóng góp một ít công sức cho gia đình, xã hội và dòng họ; là ước mong con cháu biết giữ và phát huy truyền thống của tổ tiên. Tôi đã phải dựa vào sự giúp đỡ của Giáo sư Hà Văn Tấn nguyên Viện trưởng Viện Sử học và Khảo cổ học thông qua tác phẩm dịch từ chữ Hán sang chữ Việt Tộc phả Tiên Điền. Rồi lại phải cùng với ông Hà Văn Tích ở làng Bảo Kệ đi nhiều nơi tìm hiểu ghi chép. Và còn nhờ rất nhiều bà con cùng chí nguyện khác nữa, mới có được kết quả bây giờ. Chỉ tiếc quỹ thời gian của mình còn ít quá…”

              Tự hào thay cho đất nước với những dòng họ có bề dày truyền thống như họ Hà Văn làng Uyên Trừng! Tự hào thay những người uống nước biết nhớ nguồn để phúc đức cho con cháu mai sau như ông Hà Thành Lâm!

 

            Một cuộc đời bình dị

            Ông Hà Thành Lâm kể: Người họ Hà đầu tiên di cư lên Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Ông Tổ đời thứ sáu của dòng họ. Trải mấy đời sinh cơ lập nghiệp, từng có lúc nhà cao cửa rộng ruộng vườn sum xuê sung túc. Đến thời cha mẹ ông Lâm, họ đã thuộc lớp bần cố nông cả rồi.

Cha mẹ ông Lâm tên là Hà Văn Cơ và Nguyễn Thị Chín. Ông bà sinh được cả thảy mười người con (hai trai, tám gái). Ông Hà Thành Lâm là con thứ tám, nhưng phải mang trọng trách là con trai đầu. Vì sự nghèo khó của cả một vùng quê, sự thiếu đói do gia cảnh và điều kiện y tế thiếu thốn lúc bấy giờ, cả một bầy con mười người của gia đình, chỉ còn năm người được sống.

Ông Hà Thành Lâm sinh ngày 6 tháng 5 năm 1930.

Nhờ phong trào Mặt trận bình dân bên Pháp và phong trào Truyền bá Quốc ngữ phát triển mạnh trên cả nước ta, vào năm 1939, khi chỉ mới chín tuổi, câu bé Hà Thành Lâm đã lấy được bằng Sơ học yếu lược (tương đương với bằng Tiểu học bây giờ).

Năm 1940, vì điều kiện gia đình khó khăn, ông Lâm phải nghỉ học để đi chăn trâu giúp đỡ cha mẹ. Thêm nữa, vì mối lo gìn giữ huyết thống dòng tộc, cha mẹ ông Lâm đã lo đi dạm hỏi vợ cho đứa con trai chỉ mới 10 tuổi của mình.

Năm 1944, do bệnh hiểm nghèo, bố ông Lâm qua đời đột ngột.

Tháng 10 năm 1945, mẹ ông Lâm- phần vì lam lũ cực nhọc, phần vì quá thương xót người chồng đã khuất của mình- cũng lâm vào bệnh nặng. Trong hoàn cảnh đó, bà càng hối thúc các con gái lớn trong nhà phải tích cực lo cưới vợ cho em trai là ông Hà Thành Lâm.

Thể theo mong mỏi của mẹ, cả nhà xúm vào xúc tiến thu xếp việc lấy vợ cho ông Lâm. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức giữa chú rể mười lăm tuổi Hà Thành Lâm và cô dâu từng được dạm hỏi trước đó là Lê Thị Tiu mười bảy tuổi.

Thật không may, khi mới cưới được ba ngày, mẹ ông Lâm mất. Nhưng cũng thật may, khi người vừa mất thực hiện được di huấn của chồng mình, để con cái cũng không phải đợi mãn tang người quá cố mới được tổ chức đám cưới. Nhưng, may nhất là: Đây là cặp vợ chồng tốt duyên- gái hơn hai, trai hơn một- như bí quyết ông bà ta truyền dạy từ xa xưa.

Năm 1946, dưới chính quyền cách mạng, báo “Tấc đất” do Bộ Canh nông của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ấn hành phát động chủ trương: Lấy đất công điền và đất của địa chủ vắng mặt góp lại để xây dựng phương thức sản xuất mới là Hợp tác xã- Công xã. Địa phương nơi gia đình ông Lâm sinh sống là một trong những lá cờ đầu của phong trào này. Bản thân ông Lâm được tín nhiệm cử làm Kế toán của Hợp tác xã. Trong mấy năm liên tục, hình thức tổ chức và hiệu quả công việc của Hợp tác xã phát triển tốt, mang lại đời sống no ấm ổn định cho đông đảo bà con nông dân trong vùng nói chung và gia đình ông Lâm nói riêng. Người dân nặng lòng biết ơn quyết sách đúng đắn của Chính quyền Cách mạng.

Chính nhờ những thành tích xuất sắc trong thời gian chung lưng đấu cật xây dựng hợp tác xã này, năm 1949, vợ chồng ông Lâm- bà Tiu đều vinh dự được xét kết nạp vào Đảng. Ông Lâm nói: “Lúc nào bà ấy cũng nhường tôi trước.” Nên, ông Hà Thành Lâm được kết nạp vào Đảng ngày 1 tháng 7 năm 1949. Và vợ ông, bà Lê Thị Tiu được kết nạp vào Đảng ngày 10 tháng 9 năm 1949, cùng năm.

Từ đây, hai vợ chồng đã  như chim liền cánh rồi, lại càng như cây liền cành trong đội ngũ tiền phong của Đảng. Cũng hết sức xúc động khi người giới thiệu và kết nạp Đảng cho ông Lâm lại chính là Thầy giáo cũ trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ tên là Phạm Kha.

Theo tiếng gọi của non sông, ngày 10 tháng 1 năm 1951, ông Hà Thành Lâm xung phong nhập ngũ. Đơn vị đầu tiên ông tham gia là Tiểu đoàn 290 thuộc bộ đội địa phương của tỉnh Hà Tĩnh.

Cũng gần chín tháng mười ngày sau, vợ ông- bà Lê Thị Tiu- sinh hạ con trai đầu lòng đặt tên là Hà Thành Chương.

Niềm vui dồn dập là nguồn động viên không nhỏ cho cả hai vợ chồng trên bước đường phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Lâm được phân công vào đơn vị pháo cao xạ. Có thời gian ông được cấp trên tin cậy cử đi đào tạo tại Trường Quân sự tại Nam Ninh Trung Quốc. Học xong, chưa có dịp được trực tiếp tham gia trận đánh nào, hoà bình đã được lập lại ở Miền Bắc.

Tháng 3 năm 1960, do trên có chủ trương cắt giảm binh bị, ông Hà Thành Lâm được phục viên với cấp hàm Thượng sĩ, để về xum họp với gia đình và xây dựng quê hương. Ông lại được lãnh đạo địa phương tin cậy tiếp tục giao cho nhiệm vụ làm kế toán trưởng kiêm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của thời kỳ mới.

Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam Bắc, tháng 4 năm 1965, ông Lâm tái ngũ cùng lúc với sự nhập ngũ của ba đứa cháu trong độ tuổi của dòng họ mình. Ông trở về nhận nhiệm vụ tại đơn vị pháo cao xạ, tích cực tham gia chiến đấu tại mặt trận Lào, với quân hàm Trung uý và chức vụ Đại đội trưởng.

Trong thời gian chiến đấu tại Lào, đơn vị biệt phái Đại đội 2 thuộc Đoàn 866 do ông Hà Thành Lâm chỉ huy đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến đấu của giặc tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Năm 1968, ông Lâm được cấp trên cử đi đào tạo cán bộ tiểu đoàn tại Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.

Do yêu cầu của nhiệm vụ, đầu năm 1969, cùng một số cán bộ ưu tú khác, ông Hà Thành Lâm được chuyển công tác qua Bộ Tư lệnh Đặc công.

Đầu năm 1970, ông Lâm được trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Miền Đông Nam bộ thuộc tỉnh Tây Ninh trong biên chế của Sư đoàn 429.

Sau Hiệp định Paris, đơn vị ông Lâm được chuyển ra Bắc.

Do yêu cầu cắt giảm biên chế lúc đó, năm 1974, ông Hà Thành Lâm được hưởng chế độ về hưu của Quân đội. Đó là năm ông tròn 45 tuổi.

Nhưng với ông Lâm, về hưu không phải để nghỉ.

Bởi liên tục mười hai năm tiếp đó (từ 1974 đến 1986), ông luôn nỗ lực cống hiến hết sức mình khi được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, do chí công vô tư luôn được mọi người thấy rõ, ông Hà Thành Lâm lại được làng xã tin cậy cử làm Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán trong thời gian sáu năm (từ 1986 đến 1992).

Đến lúc có yêu cầu đổi mới trong phương thức hoạt động, năm 1992, ông Hà Thành Lâm lại là người được tín nhiệm quay trở về làm Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp lần thứ hai.

Trong suốt mấy chục năm trời tính từ ngày về hưu, không những chỉ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ về mặt chính quyền mà mình được giao, ông Hà Thành Lâm còn hết sức vững vàng trên cương vị của một Đảng viên gương mẫu, luôn trúng cử Ban chấp hành Đảng uỷ và Hội đồng Nhân dân xã Xuân Hồng với lượng phiếu cao.

Năm 1995, ông lại vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi và đảm giữ chức vụ này suốt mười năm. Đến năm 2005, ông Lâm lại tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Hồng.

Suốt mấy năm tiếp theo và trong hiện tại, ông Hà Thành Lâm vẫn luôn được Đảng uỷ và Chính quyền địa phương hết sức tin yêu giao cho trọng trách sưu tầm, biên soạn và hiệu đính Lịch sử Đảng bộ địa phương. Công việc ngày càng phát triển tốt đẹp do có cơ sở số liệu vô cùng chính xác cụ thể và chất lượng thể hiện giàu tính khoa học chuyên sâu.

Làng Uyên Trừng dưới chân núi Hồng Lĩnh chưa giàu. Nhưng đã và sẽ rất giàu khi ở đó vẫn có những con người- và lớp lớp cháu con của người đó- luôn tràn trề nhiệt huyết tận trung tận hiếu giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc dòng họ quê hương như ông Hà Thành Lâm.

 

  Như chim liền cánh như cây liền cành

 Xin được kết thúc bài viết với đôi dòng về người bạn đời- bà Lê Thị Tiu và các con- cháu- chắt của ông Hà Thành Lâm.

Không nói, chắc ai cũng rõ, nếu không có người vợ thảo, người đồng chí luôn sống chết có nhau- Lê Thị Tiu, thì không thể có ông Hà Thành Lâm dành suốt hơn 60 năm trong đời tận tuỵ hết mình vì sự nghiệp chung đến thế. Xin lần nữa nhắc lại câu của ông Lâm nói về vợ mình: “Lúc nào bà ấy cũng nhường tôi trước.”

Nhưng người viết chợt nghĩ: Một là, bà Lê Thị Tiu, vợ ông Lâm, đã quá khôn, đã quá thừa Công Dung Ngôn Hạnh phải có của một người phụ nữ nên mới “khôn” được như thế; Hai là, bà Tiu là người có Phúc nên mới “nhường” đúng chỗ đúng người, bởi đẹp trai phong độ lại quảng giao lịch lãm như ông Lâm, nhưng nhãn tiền khó có ai thương vợ hơn thế; Ba là, lời truyền dạy của ông bà rằng gái hơn hai trai hơn một quá đúng, nên mới có Đám Cưới Vàng được con cháu và làng xóm tổ chức mừng Cặp uyên ương Hà Thành Lâm và Lê Thị Tiu vào năm 2005 trọng thể thế kia…

Bà Tiu đã sinh cho chồng cả thảy ba người con- một trai hai gái. Con trai cả Hà Thành Chương, đảng viên, đã nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở xã Xuân Hồng.

Ông bà Hà Thành Lâm và Lê Thị Tiu đã có cả thảy mười một người cháu (bốn nội và bảy ngoại) và bốn chắt (một nội và ba ngoại).

Trong số các cháu, đặc biệt có hai cháu hiện đang tham gia quân đội và ba cháu (cả rể) con của trai đầu Hà Thành Chương hiện đang nối nghiệp bố theo nghề giáo viên.

Nhìn qua bảng 'tổng sắp' trên đây, có thể nói gia đình của ông bà Lâm- Tiu thực sự có phúc. Các con các cháu của ông bà phần lớn đã trưởng thành, nhiều người đã trở thành Đảng viên Cộng sản, có công việc làm ăn ổn định, đang tích cực noi gương thế hệ đi trước, đóng góp công sức của mình xây dựng đất nước quê hương.

Sau cả cuộc đời phấn đấu hy sinh không mệt mỏi, ông bà Hà Thành Lâm và Lê Thị Tiu đã vinh dự được nhận rất nhiều Huân Huy chương và Bằng Giấy khen các loại ghi nhận công lao thành tích cá nhân do Đảng và Nhà Nước trao tặng.

Hai vợ chồng, hai đồng chí Hà Thành Lâm và Lê Thị Tiu không những đã may mắn được uống chung ly rượu mừng hạnh phúc trong Đám Cưới Vàng, mà còn may mắn hơn khi là những người, trong số không nhiều, ở làng Uyên Trừng xã Xuân Hồng huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh vinh dự đón nhận Bằng công nhận 60 năm tuổi Đảng. Mồ hôi và nước mắt- Vinh dự và tự hào!

Những người viết xin trân trọng chia vui và kính chúc ông bà Lâm - Tiu cùng cả những người như ông bà- được đại thọ, vâm váp và dày chồi xanh lộc giống cây đa cây đề cho con cháu muôn đời nơi làng quê Uyên Trừng dưới chân núi Hồng Lĩnh được nương dựa, để lớn khôn!

                                   

                                       Nguyễn Thống Nhất

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: