Kỳ 7: ĐI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GẶP LẠI BÁC MƯỜI CÚC
Đó là vào năm 1996, nghĩa là phải đợi 7 năm sau lần gặp tại Hà Nội, nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân mới có điều kiện gặp lại đồng chí Nguyễn Văn Linh lần thứ 2. Khi đó, ông đã thôi giữ chức Tổng Bí thư. Sau một nhiệm kỳ đảm nhiệm trọng trách này, tại Đại hội Đảng lần thứ VII, năm 1991, dù có rất nhiều ý kiến đề nghị, nhưng tác giả của 'Những việc cần làm ngay' với bút danh NVL nổi tiếng một thời ấy đã kiên quyết 'rút lui' khỏi chính trường và không ứng cử thêm nhiệm kỳ mới. Hồi đó, bác Mười Cúc (tên thân mật của đồng chí Nguyễn Văn Linh) là Cố Vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng và sống những năm tháng cuối đời tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Nhật Tân có nghe tin nguyên Tổng Bí thư bị ốm. Thông qua một người bạn văn, chị biết được số máy của một người thư ký giúp việc cho ông. Lúc đầu, người này đã từ chối bố trí cuộc gặp, bởi bác Mười Cúc không được khoẻ. Nhưng khi được yêu cầu: đề nghị báo cáo rõ là có nhà văn Trần Thị Nhật Tân muốn tới thăm, thì không ngờ bác Mười Cúc lại yêu cầu cho gặp ngay.
Buổi gặp diễn ra vào một buổi sáng. Ngôi nhà có nhiều cây xanh và khá yên tĩnh, bởi nằm cuối một con đường, không có xe qua lại.
Mỗi khi có khách quý tới thăm, chủ nhà thường ra vườn tự tai hái quả mời.
Từ trái qua: Lê Minh Đạt (Đạt Ma, BTV lucbat.com) và Trần Thị Nhật Tân.
Câu đầu tiên nguyên Tổng Bí thư hỏi là:
- Sao đồng chí không thường xuyên đến thăm tôi như chúng ta đã thỏa thuận?
Nhật Tân rất cảm động, vì bác Mười Cúc vẫn chưa quên cả lời hẹn gần 10 năm trước cùng công việc chị đã và đang làm. Ngắm người từng một thời là lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, nay đã ở tuổi ngoài Tám mươi, ốm yếu lắm rồi, nữ nhà văn nghẹn ngào:
- Bác ơi, sau buổi tối cháu vinh dự được bác tại Thủ đô ấy, rất nhiều lần cháu đã tới thăm bác, nhưng người ta đều nói bác đi công tác vắng.
- Vậy còn tập tiếp theo của cuốn sách 'Dòng xoáy' đồng chí đã viết xong và in chưa, mà không thấy gửi tặng tôi?
- Thưa bác, sau khi in xong “Dòng xoáy” tập 2, cháu đã gửi ngay 10 cuốn sách biếu bác. Để cho chắc chắn, cháu còn vừa gửi theo địa chỉ Văn phòng làm việc theo tên bác, vừa gửi cho bác qua địa chỉ nhà của anh bác sĩ riêng…
- Vậy mà người ta đã không báo cáo, cũng không chuyển cho tôi một cuốn sách nào của đồng chí gửi. Hồi đó, chính tôi cũng bị thiếu thông tin, nên chưa bao quát hết được mọi việc, đồng chí đừng buồn.
Nhật Tân hiểu “người ta” mà nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói đến, chính là một số ít người đã luôn ngăn cản, gây khó khăn cho chị hồi đó.
- Ngày ấy, tôi đã có ý kiến với Tỉnh là quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cô giáo Trần Thị Nhật Tân. Họ đã cấp nhà ở cho đồng chí chưa?
Nhật Tân cảm động báo cáo:
- Thưa bác Mười, có lẽ còn phải lo nhiều việc lớn, nên tỉnh họ vẫn chưa cấp nhà cho cháu ạ. Nhưng năm 1994 cháu đã tự mua được gần 200 mét đất và làm 3 gian nhà ngói, có chỗ ở đàng hoàng rồi.
Bác Mười Cúc lắc đầu, cười buồn:
- Vậy mà tôi quan liêu quá, cứ tưởng mọi chuyện của đồng chí đã được chính quyền địa phương giải quyết tốt đẹp và xong xuôi từ lâu. Có nhiều việc không theo ý muốn chúng ta... Đồng chí và tôi giống nhau là đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tôi cũng là người yêu lao động chân chính, sau giải phóng dù bận làm Bí thư Thành uỷ, tôi còn phụ giúp bà xã nuôi chim cút và nuôi heo tăng thu nhập cho gia đình, nên rất đồng cảm với bà con nghèo khổ. Có chuyện gì, đồng chí cứ tâm sự tôi nghe.
Ngày nào, nhà văn Trần Thị Nhật Tân cũng thắp hương trước di ảnh
và bàn thờ của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cầu mong ông phù hộ...
Sau đó, câu chuyện của hai người chuyển sang chủ đề đời sống của bà con nhân dân lao động từ sau khi Đảng ta chủ trưởng đổi mới kinh tế đất nước... Chuyện chị đang chuẩn bị tư liệu để viết cuốn sách mới mang tên 'Chân trời' (NXB QĐND đã ấn hành năm 2005- ĐVH) như thế nào.
Vừa nói chuyện, Nhật Tân vừa thấy bác Mười Cúc húng hắng ho, lấy khăn nhỏ chấm mồ hôi. Sợ ông mệt, chị vội kính cẩn bê ly nước trắng đưa đến trước mặt Nguyên Tổng Bí thư. Nhưng ông đã xua tay và bảo:
- Tôi còn khoẻ mà. Nếu có sách mới in, đồng chí hãy gửi cho tôi ngay. Tôi rất thích đọc những cuốn như 'Dòng xoáy'. Đó là loại sách cần cho cuộc đấu tranh chống cái cũ, cái bảo thủ trì trệ, giáo điều rập khuôn, với sự tha hóa biến chất và chống lại những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta, mà cả tôi và đồng chí đều đã trải qua...
Thêm một cơn ho, khiến gương mặt bác Mười Cúc từ đỏ lựng chuyển sang xanh tái đi. Nhật Tân vội đứng dậy xin phép ra về, để người nghỉ ngơi.
Bác Mười Cúc đã tiễn Nhật Tân ra đến đường, đứng nhìn theo cho tới khi chị đi khuất hẳn.
Nhật Tân không ngờ, lần gặp thứ hai đó cũng là lần cuối cũng chị nhìn thấy bác Mười Cúc bằng xương bằng thịt. Hai năm sau, tháng 4-1998, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83. Từ Nam Định, nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân đã một mình lặng lẽ lập bàn thờ cho bác Mười Cúc ở vị trí trang trọng nhất trong nhà mình. Đã từ lâu, chị coi ông như một người cha. Chị đã khóc và chịu tang như một người con trong nhà. Ngày sinh nhật, ngày giỗ của bác Mười Cúc, chị đều làm mâm cơm, thắp hương khấn vái cho linh hồn ông được thanh thản ở cõi vĩnh hằng, phù hộ cho dân ấm no hạnh phúc, cho nước giàu mạnh vững bền.
(Còn nữa)
______________
Quý vị và các bạn có thể viết thư chia sẻ với nhân vật chính của loạt bài phóng sự - Tư liệu nhiều kỳ đang được đăng tải trên lucbat.com qua địa chỉ: Nhà văn Trần Thị Nhật Tân – Tổ 5, thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định; điện thoại: 0121.351.1609.