Thứ bảy, 04/05/2024,


Một nhà văn "hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (6) (27/09/2009) 

Kỳ 6: VỀ THỦ ĐÔ GẶP TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH

 

Tin Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư khen ngợi “Dòng xoáy” và Báo Đảng có bài biểu dương nữ tác giả Trần Thị Nhật Tân đã nhanh chóng lan khắp Nam Định. Nó giống như một “lá bùa hộ mệnh” ngăn chặn kẻ xấu đang muốn làm hại chị. Hàng trăm lá thư của bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước đã gửi cho Nhật Tân để động viên và chia sẻ với chị. Do áp lực của dư luận, Phòng Giáo dục thành phố buộc phải gọi chị đến để đi dạy học tiếp. Nhưng khi cô giáo Trần Thị Nhật Tân cầm giấy giới thiệu đến trường nào, người ta cũng lắc đầu: 'Thừa giáo viên'. Sau này chị mới biết đó là một thủ đoạn người ta cố tình bày đặt ra để 'hành' chị.

 

Có người gợi ý: Tại sao Nhật Tân không trực tiếp phản ánh những chuyện oan ức của mình và những tiêu cực tại địa phương với Tổng Bí thư và nhờ đồng chí can thiệp giúp đỡ? Nghĩ đi, nghĩ lại, không còn cách nào khách, Nhật Tân đã quyết định một mình mang theo lá thư của Tổng Bí Thư về Hà Nội, tìm đến Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh. Nhưng người cán bộ thường trực thông báo: Tổng Bí thư đang đi công tác vắng. Không ngần ngại, Nhật Tân đã để lại lá thư viết sẵn từ nhà, nói rõ việc mình đã đến thăm, nhưng tiếc không được gặp Người...

Sau đó không bao lâu, ông Bùi Xuân Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh cho mời Trần Thị Nhật Tân đến văn phòng và trực tiếp trao cho chị một lá thư mới, được gửi từ Văn phòng Tổng Bí thư:

- Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có gửi cho nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân một lá thư nữa, qua túi công văn của Tỉnh uỷ, yêu cầu tôi trao tận tay...

Nhật Tân run run mở phong bì ra đọc, vẫn những dòng chữ quen thuộc, nhưng tràn đầy tình cảm. Lần này, Tổng Bí thư đã gọi nữ nhà văn là “cháu”:

 

Hà Nội, ngày 10-9-1989.

Cháu Trần Thị Nhật Tân,

Rất tiếc hôm 10-8-89 cháu lên Hà Nội thăm tôi, tôi lại không có nhà!

Qua báo Nhân dân ngày 10-9-89 với bài của Lê Chi, tôi mới được biết Trần Thị Nhật Tân là người thế nào, đã phải chịu bao nhiêu gian nan vất vả, nhưng đã phấn đấu kiên cường thế nào để hoàn thành tác phẩm của mình và cũng đã xoay sở gian khổ thế nào để in ra được 4.000 bản!

Càng hiểu, tôi càng thương, càng phục Trần Thị Nhật Tân.

Tôi rất mừng nay Nhật Tân đã vừa được trở lại làm cô giáo, lại đang ấp ủ một tác phẩm nữa. Rất hoan nghênh và mong chờ được đọc.

Lúc này đã vào năm học rồi. Nhưng nếu có dịp, mong Nhật Tân đến gặp tôi vào khoảng tháng 9, 10, hay 11- 1989.

Chúc sức khoẻ, thành công và thắng lợi mới!

Thân ái

(Đã ký)

Nguyễn Văn Linh.

Đợi cho Nhật Tân đọc xong lá thư, ông Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh:

- Chị thấy đấy, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu được gặp nữ nhà văn. Đây không chỉ là một vinh dự dành riêng cho cá nhân chị mà còn là một vấn đề hết sức quan trọng. Vì thế, tôi cho mời chị lên, trước hết là trao thư, sau nữa là để chị làm việc với Ban Tuyên giáo, giúp chị chuẩn bị nội dung cho tốt trước khi về Hà Nội gặp đồng chí Tổng Bí thư...

Nhật Tân hiểu sự 'chu đáo' của ông Bí thư Tỉnh uỷ. Có thể ông lo chị lên gặp Tổng Bí thư sẽ phản ánh cả những chuyện tiêu cực hơn cả 'Dòng xoáy' đã viết, gây bất lợi cho tỉnh. Bởi thế, ông cán bộ Tuyên giáo tỉnh đã 'quán triệt' rất kỹ cho nữ nhà văn phải làm gì, nói gì khi được gặp vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.

Nhật Tân chỉ 'vâng dạ' cho qua chuyện. Thực ra trong đầu chị đã hình thành những vấn đề cần phản ánh với đồng chí Tổng Bí thư. Chị nhẩm kỹ nội dung từng vấn đề một: Chuyện những người nông dân nghèo khổ trồng lúa mà thiếu gạo ăn như thế nào; chuyện những người công nhân phải cả ca đêm mà không có bồi dưỡng, đời sống cực kỳ khó khăn; chuyện nên sử dụng chất xám và thù lao cho các nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ xã hội thế nào; rồi chuyện thầy giáo, thầy thuốc không có đạo đức nghề nghiệp, sử dụng bằng giả để thăng quan tiến chức...

Không hiểu từ đâu mà cái tin nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân sắp được về Hà Nội gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để phản ánh những chuyện 'Cần làm ngay' cũng đã lan ra khắp Nam Định và những vùng lân cận. Nhiều người dân có oan ức đã viết sẵn đơn, thư mang đến nhờ Nhật Tân chuyển giúp. Hàng trăm lá thư, xếp đầy một chiếc cặp táp, nặng tới mấy cân...

Rồi cái ngày mong đợi đầy vinh dự ấy, cuối cùng cũng đến. Đó là một buổi chiều tối thứ Bẩy cuối tháng 9 năm 1989. Khi Nhật Tân vào tới cổng số 10 Nguyễn Cảnh Chân thì đã 7 giờ tối. Người sĩ quan cảnh vệ trẻ đứng gác ở cổng vừa nhìn thấy Trần Thị Nhật Tân đã reo lên:

- Chào nữ nhà văn! Chị tới gặp Tổng Bí thư đấy ư?

Nhật Tân không khỏi giật mình, ngạc nhiên:

- Sao anh biết tôi? Hình như ta chưa gặp nhau lần nào!

- Nhiệm vụ của chúng tôi mà. Chị tưởng ai cũng có thể vào gặp đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước tuỳ tiện ư? Lần trước chị đường đột tới đây, chúng tôi chưa được phép. Nhưng lần này thì khác. Chúng tôi đã chuẩn bị xong và thấy chị có đủ điều kiện. Mời chị vào phòng đợi. Tôi sẽ điện báo cáo ngay…

 

            Cuộc trò chuyện trong phòng kín gần 3 giờ đồng hồ

 

Nhật Tân ôm theo chiếc cặp căng phồng tài liệu và đơn thư, hồi hộp đi theo người sĩ quan cảnh vệ bước vào.

Qua một căn phòng, chị thấy có khoảng gần chục người vẫn đang ngồi làm việc, nét mặt ai cũng đầy vẻ quan trọng. Hầu hết họ đều là những Thư ký và Trợ lý của Tổng Bí thư. Một người có có tên là Tình đứng đợi sẵn, vừa hướng dẫn Nhật Tân lên cầu thang, anh vừa căn dặn:

- Xin chị lưu ý thời gian, nói gì thì cũng phải ngắn gọn. Vì chị chỉ được phép có 5 phút thôi đấy nhé. Hôm nay là Thứ Bẩy, mà Tổng Bí thư vẫn phải tiếp tới 12 đoàn khách, đồng chí đã mệt lắm rồi đó.

Nhật Tân vội vàng đi như chạy lên cầu thang, vì sợ hết giờ. Một người đàn ông khác tên là Sơn đón chị vào một phòng rộng, bài trí đơn giản, chỉ có 4 chiếc ghế xalông và một chiếc bàn nhỏ ở giữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ phòng trong bước ra. Ông mỉm cười bắt tay Nhật Tân, rồi chỉ chiếc ghế cho chị ngồi:

- Đồng chí có khỏe không? Ông bà nhà ta có sinh được nhiều anh chị em không? Đồng chí đã xây dựng gia đình chưa? Chồng làm gì? Các cháu học hành ra sao?

Nhật Tân bỗng ứa nước mắt, nghẹn nào:

- Cảm ơn bác đã quan tâm đến chuyện riêng tư của cháu. Nhưng cháu tới đây là muốn báo cáo với bác về nỗi khổ và sự oan ức của bà con nhân dân cơ. Mà anh thư ký chỉ cho phép cháu gặp bác có 5 phút thôi. Cháu sợ hết thời gian rồi, mà chưa kịp nói gì, bác ơi!

Nhật Tân bỗng bật khóc...

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xua tay:

- Đồng chí hãy bình tĩnh, cứ yên tâm nói chuyện. Không phải 5 phút. Mà tối nay tôi chỉ làm việc riêng với đồng chí. Nếu chưa xong thì ngày mai, lúc khác ta làm việc tiếp nữa. Khi nào xong mới thôi.

Nói rồi, ông quả quyết đứng dậy ra đóng cửa phòng, bấm chốt bên trong:

- Nào, bây giờ đồng chí cần tôi giúp giải quyết vấn đề gì? Cứ nói thẳng, nói hết, đừng ngại.

 

  Nữ tác giả Trần Thị Nhật Tân trong một buổi nói chuyện về tác phẩm    

Dòng Xoáy tại Trường Cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Hải Hưng năm 1991.

 

- Thưa bác, cháu biết bác bận trăm công ngàn việc, không có thời gian nhiều. Cháu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chồng con chưa có, nên cháu không có đề nghị gì cho riêng mình. Cháu chỉ xin phép bác cho nói những chuyện bức xúc, oan ức và nỗi thống khổ của bà con nhân dân, nguyên nhân là do cơ chế chính sách và những cán bộ Đảng viên cầm quyền thoái hóa biến chất gây ra. Theo cháu, đó cũng là 'những việc cần làm ngay' như bác thường nói. Nhưng nếu bác không thích nghe, thì xin phép bác cho cháu về, để không làm mất thời gian nghỉ ngơi của bác.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mỉm cười ân cần và độ lượng:

- Tôi rất muốn nghe những người nói thẳng, nói thật. Đồng chí đã đến đây rồi, thì phải có nhiệm vụ nói hết nhiều điều đang suy nghĩ. Tôi chờ, đang chờ đợi được nghe đây!

Đúng là 'được lời như cởi tấm lòng', nữ nhà văn trẻ đã nói hết những điều chất chứa trong tâm can mình từ lâu nay. Chị kể những chuyện chưa viết trong 'Dòng xoáy'; những thủ đoạn của những kẻ quan chức thoái hóa biến chất đã lợi dụng chức quyền tham nhũng và ức hiếp dân lành ra sao; chuyện Đảng và Nhà nước đã đối xử bất công, vô lý với trí thức thế nào; rồi cả chuyện nhà thơ Phùng Quán và một số người bạn của ông chỉ vì yêu nước, muốn thẳng thắn góp ý cho Đảng mà bị quy kết, làm hại...

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng mới hỏi thêm một chi tiết cho rõ. Gương mặt ông rất điềm tĩnh, nhưng cũng  không giấu được cảm xúc buồn vui và giận dữ theo nội dung lời kể của Nhật Tân.

Cuộc trò chuyện vượt ra ngoài dự kiến, kéo dài tới gần 3 giờ đồng hồ. Khi Nhật Tân nhận thấy một lúc lâu Tổng Bí thư im lặng không nói gì. Rồi ông lặng lẽ rút khăn mùi xoa lau mắt, thì chị giật mình. Trái tim của người lãnh đạo cao nhất đất nước, dù đã trải qua bao năm tháng gian khổ của Cách mạng và Kháng chiến vẫn đang đập cùng nhịp đập của nhân dân...

- Cháu xin lỗi, vì đã làm bác phải suy nghĩ và buồn

- Không, câu chuyện của đồng chí rất bổ ích với tôi. Cảm ơn đồng chí đã nói thẳng, nói thật. Nhưng lời nói thật thì dễ làm người ta mất lòng, làm kẻ xấu căm hận. Đồng chí đi đường nên cẩn thận tàu xe, cảnh giác đề phòng bọn xấu. Nếu ta mất cảnh giác, thì có thể bị chúng làm hại đó. Đồng chí hiểu tôi muốn nói gì chứ?

Nữ nhà văn hăng hái chống tiêu cực khẽ gật đầu 'vâng ạ' và thầm biết ơn Tổng Bí thư đã nhắc nhở.

Chị nhớ lại, vào một buổi trưa cách đó chưa lâu, khi đang một mình đạp xe trên đường phố Nguyễn Du, chị đã bị một thanh niên lạ mặt đi xe máy ngược chiều tông thẳng vào người. May là nhờ cảnh giác, chị đã bỏ xe đạp, né người lao lên vỉa hè tránh, nên chỉ bị xây sát nhẹ. Gã thanh niên phóng xe chạy mất... Nhật Tân lễ phép thưa:

- Chắc bác đã mệt rồi. Cháu cũng đang đói, vì tối nay chưa ăn. Xin phép bác cho cháu về. Đây là đơn thư khiếu nại của bà con Nam Định và nhiều nơi khác nhờ cháu chuyển cho bác.

- Tạm thế đã nhé. Khi nào đồng chí còn gặp nhà thơ Phùng Quán, thì cho tôi gửi lời thăm và nhờ kiếm cho tôi một sách 'Vượt Côn Đảo'. Nếu đồng chí có điều kiện thì thỉnh thoảng đến gặp tôi, ta sẽ bàn tiếp.

- Thưa bác, cháu rất muốn như thế, nhưng gặp được bác khó lắm, bảo vệ sẽ ngăn không cho cháu vào thăm bác đâu.

            - Đồng chí cứ yên tâm, tôi đã dặn anh em rồi: đồng chí đến bất cứ lúc nào cũng phải báo cho tôi biết!

Nhưng đó cũng là lần duy nhất, nữ nhà văn được gặp Tổng Bí thư tại Hà Nội. Dù ngay sáng hôm sau, Nhật Tân đã quay lại, nhờ Văn phòng chuyển cho ông cuốn sách 'Vượt Côn Đảo' có chữ ký tặng của nhà thơ Phùng Quán.

Và nhiều lần sau đó, chị còn tìm đến địa chỉ này, dù đã cố gắng gửi thư, gửi sách, liên lạc qua điện thoại, nhưng Nhật Tân vẫn chưa có cơ hội được gặp lại Tổng Bí thư.

(Còn nữa)

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: