Theo tin từ Ban tổ chức Giải Mãi mãi tuổi hai mươi – 2008: anh Nguyễn Ngọc Sơn, Đại diện của lucbat.com tại Phú Thọ, sẽ vinh dự cùng 14 cá nhân và 10 tập thể được nhận Giải thưởng Mãi mãi tuổi hai mươi – 2008.
Nguyễn Ngọc Sơn cũng là một người mang trọng bệnh như Nguyễn Hồng Công (Thành viên Đại diện cho lucbat.com tại Bắc Giang, tác giả của cuốn tự truyện nổi tiếng 'Khát vọng sống để yêu'), nhưng trước khi phải chạy thận nhân tạo để lọc máu, bằng nghị lực phi thường, anh đã kịp có trong tay 2 bằng đại học...
Năm 1995 khi đang học dở lớp 10 thì Sơn bị viêm cầu thận mãn tính, dù đã tích cực chữa trị nhưng đến năm 1996 thì Sơn đã bị thể thận hư. Đang là một thanh niên khỏe mạnh, Sơn bỗng bị giảm cân, người phù nề, da xanh tái và yếu tới mức không thể tự đi xe đạp tới trường học được.
Khi Sơn mới bị bệnh, nhiều người đã khuyên nên từ bỏ con đường học tập để tập trung vào chữa trị, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ được học hành tới cùng. Bởi thế sau khi học xong lớp 10 ở Trường Phổ thông trung học Hùng Vương và bảo lưu kết quả một năm để ở nhà chữa bệnh, Sơn đã tiếp tục đến trường...
Sơn đã quyết vượt lên bệnh tật. Vừa đi học, vừa phải mang thuốc đi để uống. Hồi đầu do bạn mới, lớp mới cứ mỗi giờ uống thuốc Sơn lại phải mang cả cặp đựng những chai thuốc bên trong xuống nhà vệ sinh để uống. Hết lớp 12 mọi người và cả bố mẹ nữa khuyên Sơn không nên thi đại học vì sức khỏe càng ngày càng giảm sút. Nhưng thật bất ngờ Sơn đã thi đỗ cả hai Trường Đại học: Sư phạm Hà Nội và Sư phạm Thái Nguyên, với số điểm cao. Sơn đã chọn học Sư phạm Hà Nội. Ngày Sơn về trường nhập học, hành trang của anh không chỉ là quần áo, sách vở mà còn có cả những bọc thuốc
Suốt bốn năm (1999 - 2003) học ở K49 Đại học Sư phạm Hà Nội, Sơn không hề hé lộ cho ai biết về bệnh tình của mình, mặc dù nhiều lúc anh đã phải vật vã trong những cơn đau. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Sơn đã tiếp tục thi và học văn bằng hai. Những năm 2003 - 2005, anh là sinh viên K23B của Ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Sau hơn hai năm học tập văn bằng hai, thành quả của Sơn là một Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích sinh viên nghiên cứu khoa học, một Bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi và trình độ Cao cấp lý luận chính trị. Anh được kết nạp Đảng ngay tại trường.
Một tương lai rực rỡ đang mở ra trước mắt Nguyễn Ngọc Sơn khi anh được Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng nhận vào làm giáo viên thỉnh giảng... Nhưng sau bao tháng ngày, giờ đây bệnh tình trong người Sơn bắt đầu tác oai, tác quái và khiến anh gục ngã. Sơn đã mất tất cả, khi chỉ ít ngày nữa là “công thành danh toại”.
Hiện nay, trên con đường cả đi và về gần 80 cây số, với ba buổi một tuần (thứ ba, thứ năm và thứ bảy); bất kể nắng hay mưa, bất kể đau đớn và tủi hờn, Sơn vẫn một mình đi xe máy tới bệnh viện. Anh luôn nở nụ cười vì mình đã sống như một người con ngoan của bố mẹ, một người anh mẫu mực của bao em nhỏ.
Ngoài giảng dạy, Sơn vẫn tiếp tục viết văn, viết báo. Cũng kể từ cái ngày định mệnh phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Ngọc Sơn đã viết những trang nhật ký đầu tiên của đời mình.
Đầu năm 2008, Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành tác phẩm 'Xin đừng khóc nữa mẹ ơi' cuốn sách nhanh chóng gây được tiếng vang trong bạn đọc. Các báo Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại đã gíới thiệu, đăng tải nhiều kỳ tác phẩm này. Hàng chục bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình đã nói về Nguyễn Ngọc Sơn. Anh đã trở thành một tấm gương sáng về ý chí vượt khó, nghi lực vươn lên và khát vọng cống hiến cho hàng vạn bạn trẻ noi theo. Đài Truyền hình Việt Nam đã làm phim tài liệu “Không thể gục ngã” về anh. Và tác phẩm "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" nói trên cũng đã được tái bản nhiều lần, với số lượng lớn...
Nguyễn Ngọc Sơn còn là thành viên tích cực tham gia thực hiện website lucbat.com ngay từ khi ý tưởng mới hình thành. Tên của anh được xếp đầu tiên trong danh sách những người thực hiện trang web này. Chúng tôi cũng đã giới thiệu một chùm thơ của Nguyễn Ngọc Sơn trong chuyên mục 'Lục bát tự chon'.
Lễ trao Giải Mãi mãi tuổi hai mươi – 2008 sẽ được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối ngày 23 tháng 8 năm 2008. Và được Đài Truyền hình Việt
Đặng Vương Hưng