Thứ bảy, 04/05/2024,


Một nhà văn "hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (5) (25/09/2009) 

Kỳ 5: LÁ THƯ VIẾT TAY CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH

 

Đang lúc bức xúc và bế tắc thì có tin: Thông qua Nhà xuất bản Thanh niên (nơi cấp giấy phép in tiểu thuyết “Dòng xoáy”) đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư của Đảng ta đã trực tiếp viết thư tay gửi cho nữ tác giả Trần Thị Nhật Tân. Lá thư đó được Nhà xuất bản gửi bảo đảm qua đường bưu điện về Nam Định cho nữ tác giả. Do đã được dặn trước, thư vừa về, cô nhân viên bưu điện đã nhắn gấp cho Nhật Tân ra nhận ngay. Ai cũng tò mò muốn biết trong thư viết gì? Có người đề nghị Nhật Tân công bố lá thư đó. Được sự đồng ý của chị, cô nhân viên bưu điện đã bóc thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết, đọc to lên cho mọi người xung quanh cùng nghe:

Hà Nội, ngày 25 - 6 - 89

Đồng chí Trần Thị Nhật Tân thân mến.

Rất thân mến!

Dù bận việc và bị ngắt quãng, tôi đã đọc một lèo hết cuốn Dòng xoáy. Dòng xoáy đã thu hút tôi, lôi cuốn tôi bằng lời văn, nhất là bằng nội dung đầy tính thời sự của nó, mặc dù thời điểm của Dòng xoáy mô tả là lúc kháng chiến chống Mỹ.

Tôi không rõ Trần Thị Nhật Tân là nam hay nữ? 'Thị' ắt phải là nữ rồi, nhưng lời văn lại làm cho tôi nghi là nam. Tôi sẽ rất vui sướng nếu tôi lầm to. Vì đúng là nữ, thì nữ tác giả quả là một cô Lý xinh tươI, nhưng rất cương trực, đấu tranh dũng cảm không lùi bước trước những tiêu cực, những ác độc của một bè lũ có chức, có quyền (mà xã hội ta cũng đang còn đầy rẫy), một cô giáo Lý thông minh, sáng tạo, có tư duy mới, đồng thời rất thương yêu học trò, quyết lòng đào tạo các cháu thành con người mới xã hội chủ nghĩa.

Khi đọc, thấy dòng xoáy chỉ được in có 4000 số, tôi không vui lắm, trong khi nhiều cuốn sách nhảm nhí lại in và phát hành nhiều! Ước ao sao 4000 cuốn Dòng xoáy sẽ được người ta truyền tay nhau đọc, nhất là trong các nhà giáo, để nhiều người trở thành cô Lý thân yêu và đáng kính phục. Ước ao sao nhiều nhà xuất bản khác sẽ tái bản Dòng xoáy.

Bắt tay thân mật Trần Thị Nhật Tân. Mong có ngay gặp mặt và được đọc những tác phẩm mới.

(Đã ký)

Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh.

- Thư hết rồi sao? - Có người hỏi to.

- Hết rồi ạ! - Cô nhân viên bưu điện giọng còn chưa hết xúc động trả lời.

- Cô làm ơn đọc lại lần nữa được không?

- Đọc lại thư của Tổng Bí thư lần nữa đi! – Mọi người cùng hưởng ứng.

Trần Thị Nhật Tân nghe đọc thư của người lãnh đạo cao nhất của Đảng viết cho mình mà vẫn chưa dám tin là thật, cứ ngỡ như con đang mơ. Từ bưu điện bước ra, chị đi như người mộng du.

 

      Nhà văn Trần Thị Nhật Tân đang giới thiệu với tác giả bài viết những lá

      thư của bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước gửi về chia sẻ, đồng cảm.

 

 

Bài in trên báo Đảng đã cứu Nữ nhà văn?

 

Cũng thời gian đó, báo Nhân dân số ra ngày 10-9-1989 cho đăng bài “Một nhà văn, một cuốn tiểu thuyết về ngành Giáo dục: Trần Thị Nhật Tân với Dòng xoáy” của tác giả Lê Chi (một người quen của nhà thơ Phùng Quán). Sau khi trân trọng giới thiệu nguyên văn lá thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bài báo viết:

Trần Thị Nhật Tân vào đời không phải để viết văn. Cô nhập thế với nghề cô giáo, và hiện nay vẫn là cô giáo ở ngay quê hương cô - thành phố Nam Định. Thế rồi, có một Dòng xoáy nào đó đã đưa cô vào nghiệp văn chương. Chiến tranh, những đau thương của nó, rồi hoà bình và chiến thắng, những gồ ghề không lường trước của nó; những cái sai, cái đúng, cái vô lý và cái hợp lý, cái mới còn le lói và cái cũ còn hoành hành... Rồi cô là một nạn nhân, trong khi và sau khi là người chứng kiến... 'Dòng xoáy' bắt đầu. Cái xã hội thu nhỏ của cô, một trường Trung học thôi, đã bắt cô, nhưng cũng giúp cô nhận diện những vấn đề và thực trạng của xã hội lớn. Chính tính vĩ mô trong cái vi mô đó, là cái nôi của hầu hết các nhà văn chân chính. Nhật Tân cô giáo đã trở thành Nhật Tân nhà văn từ cái nôi đó...

Bài báo còn cho biết: Nhật Tân quyết định viết dòng xoáy vào năm 1976. Cũng từ đó, 'Dòng xoáy' đã đưa cô qua bao nỗi truân chuyên và sau cùng đã đưa cô ra tới... vỉa hè. Không có ăn - bạn bè và nhân dân cưu mang. Không có chỗ ở - bạn bè và nhân dân cưu mang. Cô đã từng phải sống và viết nhờ trên các hành lang, quán chợ. Không biết người phụ nữ này lấy đâu ra nghị lực để theo đuổi đến cùng mục đích của mình?... Nghe nói cô đã viết đi viết lại tới hơn mười lần. Rồi một nghĩa cử của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã giúp cô có được một tháng tại Nhà sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam bên hồ Đại Lải và cô đã hoàn thành tác phẩm... 'Dòng xoáy' đã tới đích vào mùa hè năm 1989, sau một chặng đường 13 năm.

Sách mới in ra, được nhiều người đọc, sau hai tháng đã bán hết cả 4.000 cuốn, mà đến nay cô muốn mua để tặng bạn bè cũng không còn. Trong số các bạn đọc của cô, có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đọc xong, đồng chí Tổng Bí thư đã viết cho Nhật Tân một lá thư dài, khen ngợi tác phẩm hấp dẫn, có sức thuyết phục, có tính chiến đấu cao, thể hiện niềm tin sắt đá vào cái thiện, vào môt tương lai tất yếu phải sống đẹp hơn... Vinh dự cho Nhật Tân. Cũng là một phần thưởng lớn cho cô - một phần thưởng mà không dễ gì một nhà văn có được.

Lá thư viết tay của đồng chí Tổng Bí thư và bài in trên báo Nhân dân đã có tác dụng những chiếc 'Thẻ bài', tạo dư luận đồng thuận, giúp nữ nhà văn chống tiêu cực vững tâm hơn, ngăn chặn kẻ xấu muốn làm hại chị. Hơn thế, Trần Thị Nhật Tân còn cơ hội về Thủ đô gặp người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.

 

(Còn nữa)

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: