Thứ sáu, 03/05/2024,


Một nhà văn (hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (4) (23/09/2009) 

            Gian nan ấn hành tiểu thuyết “Dòng xoáy”

 

Bản thảo cuốn sách được viết đi viết lại hàng chục lần, rồi cuối cùng cũng xong. Nhưng khi Nhật Tân đưa cho mấy người bạn văn thân thiết ở Nam Định đọc xong, ai cũng lắc đầu: Viết thì hấp dẫn, nhưng sẽ chẳng ai dám in! Vì đây là một bản thảo có nội dung như... 'phản động”, toàn đề cập đến những chuyện tiêu cực, nhạy cảm nhất của ngành Giáo dục ở một địa phương thời bấy giờ. Nếu sách in ra thì chẳng những tác giả, mà nhà xuất bản cũng có thể bị… đi tù như chơi!

Nữ tác giả trẻ không cam chịu khuất phục, bởi cô đã bị dồn tới đường cùng, không còn gì để mất. Nhật Tân đã gửi bản thảo đi xin ý kiến nhiều nhà văn có uy tín ở Hà Nội, trong đó có nhà văn Sơn Tùng (tác giả của “Búp sen xanh” rất nổi tiếng hồi đó) và ông Chu Thành (tức nhà thơ trào phúng Tú Sót, 1930 - 2006, tác giả của bài thơ hài hước “8 tháng 3 muôn năm” nổi tiếng), cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Thanh niên. Cả hai người này khi đọc xong bản thảo, đều rất ủng hộ cô. Chu Thành là người đọc bản thảo lần thứ nhất rất kỹ, ông viết bản nhận xét kín 4 trang giấy khổ lớn, đầy cảm tình: Kết cấu  khá chặt chẽ. Văn viết trong sáng ngắn gọn. Nhờ có vốn sống phong phu, thể hiện chân thực, sinh động; chi tiết văn học được chọn lọc và sắp xếp nhuần nhuyễn, nên Dòng xoáy có sức lôi cuốn người đọc

 

Trần Thị Nhật Tân (đội mũ, đứng hàng sau cùng) trong một buổi gặp mặt

truyền thống của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Nam Định) năm 1999.

 

Cuối cùng, Biên tập viên Chu Thành đã thuyết phục được Nhà xuất bản Thanh niên cấp giấy phép cho tác giả “Dòng xoáy” liên kết, tự bỏ vốn ấn hành 4.000 cuốn sách.

Nhưng khi Nhật Tân mang bản thảo và giấy phép của Nhà xuất bản Thanh niên đến Nhà in Nam Định liên hệ, thì người giám đốc không dám nhận in, vì sợ liên lụy: “In xong cuốn này giúp em, thì bọn anh cũng đóng cửa xí nghiệp luôn à!

Một buổi chiều, khi Nhật Tân lang thang đến Hiệu sách nhân dân thành phố Nam Định, thì nhìn thấy một chiếc xe tải nhỏ đang dỡ hàng. Thành xe đề chữ “Nhà máy in Tiến Bộ”. Cô mạnh dạn đến hỏi một phụ nữ đã đứng tuổi:

- Chị ơi, chị là nhân viên của Nhà máy in Tiến Bộ?

- Cô hỏi có việc gì? Tôi là Giám đốc Nhà in đây!

- Ôi, thế thì may mắn cho em quá, em đang muốn in một cuốn sách. Xin chị giúp em với…

Rồi Nhật Tân trình bày hết nỗi khó khăn, gian nan của mình để hoàn thành bản thảo cuốn sách như thế nào.

Chị Nguyễn Thị Đính, Giám đốc Nhà in Tiến Bộ nghe xong, nói ngay:

- Quan trọng là cuốn sách của em đã được Nhà xuất bản cấp phép, việc ấn hành là hợp pháp. Hôm nào mời tác giả mang bản thảo và giấy phép xuất bản lên Hà Nội, đến nhà in Tiến Bộ làm thủ tục hợp đồng. Tôi sẽ giúp cho.

Nhìn tấm danh thiếp của chị nữ Giám đốc đưa mà Nhật Tân mừng vui khôn tả. Cô chuyển ngay cho chị Đính tập bản thảo trước. Nhưng vài hôm sau, khi lên Hà Nội làm hợp đồng, thì dù đã cố gắng hết mức, kể cả vay mượn, cô cũng chỉ đáp ứng được số kinh phí khoảng một nửa. Lãnh đạo Nhà in hội ý, chị Giám đốc tốt bụng tuyên bố: “Nữ tác giả Trần Thị Nhật Tân là trường hợp đặc biệt, người đã trực tiếp phục vụ chiến đấu ở cầu Hàm Rồng, giờ lại đang dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải… nên chúng tôi ủng hộ tiền công, chỉ phải nộp tiền giấy và mực”.

Khi cần bản sách đầu tiên lấy từ nhà in còn thơm mùi giấy mực, Nhật Tân đã bật khóc. Có những nữ công nhân in đã kịp đọc những trang viết đầy mồ hôi và những nỗi đau đời ấy cũng ôm cô khóc theo. Rưng rưng nước mắt, nữ tác giả trẻ ký tặng những bản sách đầu tiên cho những công nhân tốt bụng và nhiệt tình ấy, nhưng họ kiên quyết không nhận biếu miễn phí, mà đòi trả tiền theo giá bìa.

Mang sách mới nộp lưu chiểu, báo cáo cho Nhà xuất bản xong, Nhật Tân chọn hai cuốn đóng xén đẹp nhất, háo hức đến giới thiệu và chào hàng tại Hiệu sách Nhân dân lớn nhất Tràng Tiền (Hà Nội). Bà Dung, giám đốc Hiệu sách nhìn nữ tác trẻ ái ngại hỏi:

- Cô định phát hành kiểu gì, có bao nhiêu cuốn, gửi đi những đâu?

- Dạ, em định nhờ chị giúp đỡ phát hành giúp 4.000 luôn, gửi đi đâu là tuỳ chị a.

- Cô nói dễ dàng thế! Chúng tôi muốn giúp cô, cũng đành chịu thôi, vì độc giả chưa biết Trần Thị Nhật Tân là ai. Hiệu sách lại đang chuyển đổi thực hiện cơ chế thị trường. Chúng tôi chỉ có thể cho tác giả “ký gửi” hàng thôi. Nghĩa là, cho cô để nhờ một hai trăm cuốn ở đây, bán thử. Nếu hết hàng, chúng tôi sẽ báo lấy thêm, nếu không bán được mà ế hàng thì cô đến mang về…

- Ôi, thế thì chết em rồi, lấy tiền đâu mà trả chi phí cho Nhà in và Nhà xuất bản? Mong chị thương tình mua đứt, bán gọn giúp em.

- Thế cô in mỗi cuốn sách này hết bao tiền?

Nữ nhà văn trẻ thật thà bảo:

- Nhà in giúp tiền công, chỉ phải trả tiền giấy và mực, hết một ngàn (1.000) đồng cuốn thôi ạ

- Nếu tôi mua đứt, thì chỉ có thể trả hết giá cho cô là tám trăm (800) đồng mỗi cuốn!

Nhật Tân lắc đầu cười mà như mếu. Như thế thì khác gì bán giấy cân!

Cô tặng sách cho một số nhà văn, nhà báo, bạn bè thân thiết tại Hà Nội, số sách đã in đành phải nói khó để gửi kho, rồi thuê người chuyển một ít lên tàu đưa về Nam Định bán thử.

Chuyện phát hành sách “Dòng xoáy” ở quê nhà của Nhật Tân cũng chẳng khá gì hơn. Thậm chí tất cả các hiệu sách đều lắc đầu từ chối cô, bởi họ ngại phiền toái và liên luỵ.

 

            Cả thành phố Nam Định bị “sốc” và xôn xao

 

Đó là mùa hè năm 1989.

Sau bao ngày cực nhọc để có được tác phẩm ra đời, nhưng nữ tác giả trẻ Trần Thị Nhật Tân đã bất lực, không biết làm cách nào phát hành chúng, chẳng nhẽ lại mang chất đống số sách “Dòng xoáy” mới in mà giấu đi? Thôi, nếu không bán được thì mang đi cho vậy. Nhưng phải là cho đúng những người thích đọc sách. Nếu không, người ta sẽ chẳng thèm nhận, chứ đừng hy vọng được cảm ơn.

Nhật Tân đã đem hàng trăm cuốn đi tặng những đồng nghiệp, bạn bè, tặng những bà con ở xóm chợ, tặng cả những người yêu thích sách mà cô gặp trên vỉa hè đường phố… Số còn lại, đành phải bán “rẻ như giấy cân” cho Phát hành sách Hà Nội.

Nhưng, việc tặng sách kể trên đã có tác dụng. Người ta bắt đầu xì xào, truyền tay nhau cuốn “Dòng xoáy”. Và sau khoảng một tháng, thì cả thành phố Nam Định xôn xao: trong công sở, bên quán trà vỉa hè đi đâu cũng thấy người ta nói đến một cuốn sách mang tên “Dòng xoáy”:

- Cuốn sách ấy 'ghê gớm' lắm! Nhà văn đã viết thẳng vấn đề tiêu cực của ngành giáo dục tỉnh nhà.

- Nhưng đó là chuyện có thật, là nỗi bức xúc của bao người, chỉ có nhà văn mới dám nói ra.

- Tác giả có thể sẽ bị mấy ông bảo thủ kiện ra tòa.

- Kiện gì chứ, đây là tiểu thuyết, nghĩa là 'hư cấu văn học' cơ mà.

- Thế thì nhất định sẽ bị người ta trù úm, trả thù, sống không yên thân được. Vì nghe nói chị nhà văn ấy cũng đang trong ngành giáo dục, nhưng bị mất việc vì chuyện gì đó.

- Thì từ trước tới nay, chị này đã bị trù đập rồi, vì không chịu nổi nữa mới viết chuyện đời mình ra thành sách cho thiên hạ đọc…

- …!?

Người lạ không biết mặt Nhật Tân thì đàm tiếu thoải mái như thế. Còn người quen, biết mặt, vừa nhìn thấy đã gọi to, không phải bằng tên người, mà là tên cuốn sách:

- A, “Dòng xoáy” ơi! Đọc “đã” lắm, mời chị vào đây uống chén nước chè cho ấm bụng đã!

- “Dòng xoáy” phải viết nữa đi cho dân được nhờ! Viết như thế mới đúng lòng dân.

Nghe được những lời bà con khen, Nhật Tân cũng sung sướng lắm, nhưng mà bụng đói thì không thể ngồi viết được. Có chút tiền tiết kiệm đã phải rút ra trả cho nhà in hết, để có tiền sống qua ngày, nữ tác giả tiểu thuyết lại phải đi kiếm việc làm thuê. Thậm chí chị còn lội ao, lội hồ, thành thạo việc đánh lưới sen một, lưới sen đôi ở ngoại thành để kiếm sống. Ngày đó, người ta vẫn thấy một phụ nữ mảnh mai đi bán cá lẹp, bán cua, ốc ở chợ. Không phải ai cũng biết đó là nữ tác giả tiểu thuyết có tác phẩm đang xôn xao dư luận. Người biết thì thương tình gọi lại cho cái này, bán rẻ cho cái kia. Bà hàng cháo sườn ở chợ Diên Hồng, sáng nào cũng ưu tiên cho “cô nhà văn” thêm lưng bát cháy cháo.

 

Trần Thị Nhật Tân (đứng bên phải) cùng các văn nghệ sĩ tham dự Trại sáng

tác văn học Đồng bằng sông Hồng viếng mộ nhà thơ Nguyễn Bính, năm 1986.

 

Một hôm, đang bán cá ở chợ thì Nhật Tân gặp ông An Viết Đàm, Phó trưởng Ty Văn hóa. Ông reo lên:

- May quá! Tôi đang muốn tìm thì gặp cô ở đây. Mời cô về nhà tôi ăn một bữa cơm gia đình và ta nói chuyện được không?

- Có quan trọng lắm không anh? Nếu anh nhân danh cơ quan làm việc công, muốn góp ý, phê bình, hay kiểm điểm thì cứ báo trước, em sẵn sàng tới công sở. Còn nếu là việc riêng thì xin anh nói luôn. Em cũng bận lắm.

- Xin cô đừng hiểu nhầm. Là chuyện tốt lành thôi. Nhưng cô phải tới gia đình, tôi mới nói được.

Nhật Tân đành theo ông Phó Ty về nhà. Cô còn biếu gia đình cân cá làm chả. Trong bữa cơm ấy, ông Đàm thân tình bảo:

- Thú thật là tháng trước, khi cô mang tặng cuốn “Dòng xoáy” cho những cán bộ trong cơ quan tôi, lúc đầu chẳng ai quan tâm đâu. Tôi cũng mang về rồi vứt đấy. Tình cờ, con gái tôi đang học lớp mười vớ được, nó đọc ngấu nghiến và khen hết lời: Bố ơi! Dòng xoáy của cô Trần Thị Nhật Tân viết hay cực kỳ, thế mà người ta cứ bảo cô ấy bị hâm.  Thế là tôi đọc liền một mạch, rồi giới thiệu cho anh em trong cơ quan cùng đọc. Ai cũng thích khen cô viết hấp dẫn và dũng cảm lắm!

Nhìn trước, ngó sau, rồi ông Đàm hạ giọng:

- Nhưng mà cô cũng nên cẩn trọng mới được, tôi biết có những người không thích cuốn sách này. Trong đó có cả một ông “sếp” ở tỉnh. Họ sẽ không chỉ gây rắc rối cho cô đâu, mà có thể sẽ căng thẳng hơn trước đấy.

Lời cảnh báo của ông An Viết Đàm, Phó Ty Văn hóa quả không sai. Trong khi ở một số tỉnh bạn lân cận, đặc biệt là bên Hải Hưng (cũ) hàng chục cơ quan, nhà trường đã liên tục mời Nhật Tân đến nói chuyện về tác phẩm “Dòng xoáy”, thì ở Nam Định không một cơ quan nào dám công khai bàn tán về nội dung tác phẩm kể trên. Dường như ngày đó ở thành phố này người ta đã nhận được lệnh của ai đó có chức quyền: nghiêm cấm việc tuyên truyền giới thiệu cuốn sách “Dòng xoáy”, thậm chí còn coi đó như một ấn phẩm độc hại, có nội dung xấu, cần phải tiêu huỷ. Chưa hết, Nhật Tân còn bị kẻ xấu ném gạch đá, đe dọa: “Nếu không im miệng thì sẽ thiệt mạng”. Đi xa thì thôi, về tới Nam Định là Nhật Tân lại bị theo dõi, rình mò… Tình hình căng đến nỗi, Nhật Tân phải trốn lên Hà Nội cầu cứu một người bạn thân...

 

                                             (Còn nữa)

                                      ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

 

Lưu ý: Quý bạn đọc có thể chia sẻ với nhà văn Trần Thị Nhật Tân qua số điện thoại: 01213511609.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: