Thứ bảy, 04/05/2024,


Một nhà văn "hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (3) (22/09/2009) 

Kỳ 3: MÂT VIỆC VÌ... ĐI HỌC VIẾT VĂN

 

Năm 1976, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tuyển sinh lớp chuyên tu Viết văn Nguyễn Du khóa I, thời gian học liền trong ba năm tại Hà Nội. Dự thi khóa học này hầu hết là những nhà thơ, nhà văn đã thành danh và nổi tiếng cả nước, vừa bước ra từ chiến tranh. Trần Thị Nhật Tân hào hứng nộp hồ sơ, đi thi. Và cô đã vô cùng sung sướng khi nhận được “Giấy báo trúng tuyển”, giấy này ghi rõ: Ngày nhập trường sẽ thông báo sau.

 

Đầy trắc trở khó khăn vì đi học Viết văn

 

Nhưng chờ đợi mãi, một hôm, Trần Thị Nhật Tân nhận được thư riêng của ông Bảo, Trưởng phòng Tổ chức nhà trường viết đại ý: Lớp Viết văn Nguyễn Du khoá I đã khai giảng được 6 tháng. Trần Thị Nhật Tân là nữ thí sinh đạt điểm cao cả về văn hóa và tác phẩm, nhưng sao không đến nhập học? Nếu Nhật Tân còn muốn đi học, thì hãy lên Hội Nhà văn Việt Nam gặp thày Nguyễn Xuân Sanh.

 

Tác giả của câu thơ nổi tiếng “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” vừa thấy Nhật Tân đã trách: Cô là một cây bút làm thơ thiếu nhi hiếm hoi, được thày Phạm Hổ cho điểm năng khiếu khá cao, nhưng tại sao lại bỏ cuộc? Trong khi rất nhiều người khác muốn vào học mà không trúng tuyển. Phòng Giáo dục thành phố Nam Định đã có ý kiến: Trần Thị Nhật Tân là giáo viên giỏi, không đồng ý cho đi học, thì sao cô còn nộp hồ sơ thi vào Trường Nguyễn Du? Tiếc cho cô, vì Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định đã giới thiệu một người khác thay thế rồi. Cô hãy về yên tâm công tác và đợi khóa sau nhé!           

 

Năm 1982, Trần Thị Nhật Tâm lại nộp hồ sơ xin thi vào học Khóa II của Trường Viết văn Nguyễn Du và cô lại trúng tuyển. Nghe nói, một lãnh đạo của Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định đã dùng cả xe ô tô công, đưa một cây bút nữ thân thiết của riêng mình lên trường giới thiệu, đề nghị thay thế Nhật Tân, nhưng không được nhà trường chấp nhận.

 

Tuy nhiên, con đường đến trường Viết văn của Nhật Tân vẫn chưa hết gian nan. Lãnh đạo Phòng Giáo dục thành phố Nam Định vẫn “bảo lưu” ý kiến: Cô này là giáo viên dạy giỏi, chúng tôi chưa tìm được người thay thế, không thể cho đi học được!

 

Không cam chịu “thất bại” một lần nữa, Nhật Tân đã về thủ đô gặp lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, nhờ nhiều văn nghệ sĩ uy tín viết thư tay, nhờ cả ông Trưởng Ty Công an tỉnh tác động… Cuối cùng, Phòng Giáo dục thành phố Nam Định buộc phải chấp nhận đề nghị của cô, với một điều kiện: Cô giáo Nhật Tân phải làm giấy cam đoan sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du sẽ trở về Nam Định dạy học, không được xin chuyển ngành đi đâu.

 

Các thủ tục giấy tờ nhiêu khê thời bao cấp đã làm Trần Thị Nhật Tân về  nhập trường chậm đúng… 6 tháng so với các học viên khác. Ông Trưởng phòng Tổ chức Trường Viết văn Nguyễn Du dương mục kỉnh lên, nhìn Nhật Tân lắc đầu: “Cô vào trường chậm nửa ngày tôi còn châm trước được, chứ chậm nửa năm thì chúng tôi chịu rồi”.

 

Đúng là chuyện dở khóc, dở cười “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Lại những ngày khốn khổ của Nhật Tân. Cô đánh liều đi gõ cửa hết nơi này đến nơi khác: Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa, Ban Tư trưởng - Văn hóa Trung ương… Rất may, ông Hà Xuân Trường đã có ý kiến với nhà trường ủng hộ cô. Nhật Tân phải viết cam kết: Tranh thủ tự học những kiến thức mà 6 tháng qua cô không được nghe giảng, tham gia đầy đủ các kỳ thi hết môn và đạt điểm chuẩn trở lên… nếu không đạt thì sẽ tự nguyện về quê dạy học.

 

Rất may là sau đó, thi kết thúc tất cả các môn, Nhật Tân đều vượt qua điểm chuẩn. Thậm chí có môn chính trị cô còn đạt điểm 9, được thày dạy biểu dương trước lớp.

 

Dù đôi lần, do tính cực đoan và “quá hâm” trong con mắt một số ít người, Nhật Tân đã suýt bị cho thôi học. Người đồng cảm và đã dũng cảm đứng lên bảo vệ Nhật Tân nhiều nhất là nhà thơ Pờ Sảo Mìn, dân tộc Pa Dí. Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng cô cũng đã tốt nghiệp và ra trường.

 

Sau ba năm học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, hành trang vào đời của Trần Thị Nhật Tân đã có thêm tấm Bằng Đại học chuyên tu của Trường Đại học Văn hóa, cùng hàng chục bài thơ, truyện thiếu nhi đã đăng trên báo chí Trung ương. Cô hăm hở trở về quê Nam Định với hi vọng dù chẳng có “Vinh quy bái tổ” (như người xưa vẫn nói) thì chí ít cũng thuận lợi hơn trong công tác và tương lai.

 

Nhưng không ai ngờ, đón đợi “tân khoa” Nhật Tân ở quê nhà là quãng thời gian thử thách khó khăn nhất trong cuộc đời cô…

 

            Nơi thường trú: Vỉa hè đường phố Nam Định

 

Không cần xem tờ giấy giới thiệu của nhà trường và tấm bằng tốt nghiệp mà Trần Thị Nhật Tân trình lên, ông “sếp” của Phòng Giáo dục thành phố đưa trả lại cho cô tất cả, rồi lạnh lùng bảo:

 

- Chúng tôi đang thừa rất nhiều giáo viên, nên không thể nhận cô về dạy học ở đây được nữa!

 

- Nhưng tôi còn có “Giấy cam đoan” sau khi học xong sẽ trở lại công tác ngành giáo dục, có chữ ký và đóng dấu từ 3 năm trước của cơ quan?

 

- Không “nhưng” gì cả. Cô nằng nặc xin đi học, thì bây giờ phải tự gánh lấy hậu quả. “Vạn vật luôn biến động” ba năm trước khác, bây giờ mọi thứ đều đã thay đổi. Cô phải tự đi tìm việc mới, thông cảm cho chúng tôi!

 

Thất vọng ê chề, Nhật Tân lê từng bước ra khỏi cơ quan cũ.

 

Cô đã đi gõ cửa xin việc ở nhiều nơi, nhưng tất cả đều lắc đầu. Dường như người ta đã nhận được chỉ thị của trên là phải từ chối giúp đỡ cô. Dường như đang có một “thế lực đen tối” nào đó cố tình đeo bám để khống chế và hành hạ cô gái khốn khổ. Cũng có những ánh mắt nhìn Nhật Tân ái ngại, nhưng chính họ cũng “lực bất tòng tâm”. Người thân, bạn bè không ai dám quan hệ với Nhật Tân, hoặc công khai giúp đỡ cô, vì sợ bị liên luỵ, phiền phức.

 

Không có chỗ ở, Nhật Tân đành phải ngủ nhờ mấy cái lều tạm trong chợ Rồng, trong vườn hoa, dưới mái hiên của Công ty Du lịch, ngay tại vỉa hè đường phố... Ngày nắng còn đỡ, những đêm mưa mới thực sự khốn khổ. (Sau này, trong “Thẻ chứng nhận cán bộ hưu” của mình, Trần Thị Nhật Tân đã khai địa chỉ nơi cư trú là “Vỉa hè đường phố Nam Định”. Cái thẻ đó, chị luôn giữ bên mình làm kỷ niệm cho đến ngày nay).

 

 

Không còn tiền ăn, cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học đành phải làm thuê đủ thứ nghề: Rửa bát cho quán phở, giặt giũ, móc cống, kéo xe cải tiến… Ai thuê việc gì cô cũng làm để có chút tiền lẻ sống qua ngày.

 

Vừa đi làm thuê, kiếm sống, Nhật Tân vừa tranh thủ thời gian dồn tâm trí vào viết đi viết lại bản thảo tiểu thuyết “Dòng xoáy”.

 

Một lần, đang gò lưng, mướt mồ hôi kéo chiếc xe cải tiến chở gạch thuê đi qua hồ Vị Hoàng, Nhật Tân bất ngờ gặp ông Phan Điền, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ đã nghỉ hưu. Hồi còn công tác, ông Phan Điền rất trân trọng anh em văn nghệ sĩ. Những dịp Xuân về, Tết đến, ông thường cho tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh, chiêu đãi một bữa cơm thân mật và tặng quà cho anh chị em. Năm 1973, thời chiến tranh bao cấp, giao thông đi lại khó khăn, Bí thư Tỉnh uỷ Phan Điền đã  xin Bộ Giao thông hàng chục cái thẻ lên tàu xe không mất tiền, để ưu tiên cấp cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác… Giờ đây, Bí thư Phan Điền đã nghỉ hưu, ái ngại cho hoàn cảnh của Nhật Tân, ông mời cô về nhà mình ở tạm. Ngày đó đất nước còn khó khăn, một cựu Bí thư Tỉnh uỷ như Phan Điền cũng sống hết sức đạm bạc. Vợ mất sớm, các con đã xây dựng gia đình ở riêng, ông ở cùng vợ chồng một cô cháu gái, nhưng phải tự lo cơm nước, giặt giũ, lại còn tăng gia nuôi lợn để cải thiện kinh tế.

 

Vậy là từ đó, ngày thì Nhật Tân đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Tối cô về nhà cựu Bí thư Tỉnh uỷ để tá túc ngủ nhờ và tiếp tục viết văn. Thấy đã có ông Phan Điền “bảo lãnh” cho Nhật Tân, nhiều người tốt cũng bắt đầu công khai giúp đỡ, tạo điều kiện cho cô.

 

Sau một thời gian, Nhật Tân đã tích luỹ được khoản tiền nho nhỏ, cô thôi đi làm thuê làm mướn, mà mở quán bán phở. Cuộc sống cũng đỡ vất vả đôi chút. Đó cũng chính là thời điểm Đảng và Nhà nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

 

Chú thích ảnh kèm bài: 1: Nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân thời đi học Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội; 2: Kỷ niệm cùng các chuyên gia Liên Xô và bạn bè đồng môn tại Trường Viết văn; 3: Từ phải qua: Trần Thị Nhật Tân, Nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến và một số văn nghệ sĩ bên mộ nhà thơ Trần Tế Xương.

 

                                                   (Còn nữa)

                                           ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Việt Dũng - Lamca07@yahoo.com.vn - 01689781486 - Thành Phố Hồ Chí Minh  (Ngày 26/09/2009 06:54:15 PM)

       Đọc câu chuyện mà thấy lòng phẫn uất bởi thái độ cửa quyền, bon chen, bè cánh ức hiếp người thẳng thắn có tài. Mới chỉ phần đầu nhưng trong tôi đã hình dung được phần nào cái phận số long đong, đầy gian truân của chị Nhật Tân. Tôi xin cảm tác mấy vần trên bày tỏ.

       Kính chúc tác giả & các bạn hoạt động trong Lucbat.com sức khoẻ, thành đạt và có nhiều bài viết phản ánh sự thật bất công ngang trái trong xã hội để góp chung tiếng nói bảo vệ những số phận thiệt thòi.

 

Các bài khác: