Thứ bảy, 04/05/2024,


Một nhà văn "hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (2) (21/09/2009) 

 

Kỳ 2: LÀM CÔ GIÁO CHỐNG TIÊU CỰC VÀ VIẾT TIỂU THUYẾT

 

Không phải ai sinh ra, dù mong muốn, cũng có thể trở thành nhà văn - một danh xưng cao quý, nhưng nhọc nhằn, mà xã hội chỉ dành cho một số ít người. Vì nghề này thường thuộc về những người có nhiều trải nghiệm cuộc đời, sống nội tâm và rất dễ bị tổn thương tâm hồn. Trần Thị Nhật Tân cũng không phải là một ngoại lệ.

 

Cô gái trẻ Trần Thị Nhật Tân đã đến với nghề văn hết sức tình cờ. Đó là sau khi một số bài thơ thiếu nhi của cô được giới thiệu trên báo chí và in vào một số tuyển tập. Nhà thơ Định Hải, một nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng, hồi đó đang làm Biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, đã rất chú ý đến Nhật Tân. Ông khuyên cô nên xin đi dạy học, để có điều kiện tiếp xúc với những tâm hồn ngây thơ trong trẻo của các em, sẽ dễ làm thơ thiếu nhi hơn.

Nghe lời khuyên có lý, lại gợi đúng với đam mê một thời, Nhật Tân đã “chuyển hướng” nghề nghiệp xin sang giáo dục. Để làm việc này, nhà thơ Định Hải đã báo cáo trường hợp của Nhật Tân với đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ Nhất Trung ương đoàn hồi đó. Trung ương Đoàn đã có công văn gửi Ty Giáo dục Hà Nam Ninh, đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ trường hợp đặc biệt.

Vì có công văn của đồng chí Bí thư Trung ương đoàn và nhân sự lại là người đã có thành tích phục vụ chiến đấu trong quân đội, nên người ta ưu tiên cho cô làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 8-3. Nhưng Nhật Tân lại không thích làm “sếp”. Cô chỉ muốn được trực tiếp dạy học, để có thêm vốn sống, tiếp tục sáng tác. Ông Đoàn Xuân Phả, Trưởng phòng Tổ chức của Ty Giáo dục Nam Hà hồi đó đã rất ủng hộ nguyện vọng ấy. Bởi ngày đó, ngành giáo dục ở địa phương này còn rất thiếu giáo viên có trình độ. Nhiều giáo viên dạy cấp I chỉ mới tốt nghiệp Lớp 4, dạy cấp III cũng chỉ mới tốt nghiệp Lớp 10. Thấy Nhật Tân đã tốt nghiệp Trung cấp Bưu điện, lại có thơ thiếu nhi được đăng trên sách báo Trung ương, ông Phả liền cho cô đi dạy văn ở Trường Sư phạm Mẫu giáo của tỉnh. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, khi Trường Sư phạm Mẫu giáo của Hà Nam Ninh được sáp nhập với Trường của Trung ương ở Phủ Lý, theo nguyện vọng cá nhân, Nhật Tân đã được điều về dạy văn tại Trường cấp I Trần Quốc Toản, một trưởng điểm của thành phố Nam Định.

Tuy không được đào tạo cơ bản về sư phạm, nhưng với lợi thế về hình thức mảnh mai, da trắng, tóc dài, ăn nói có duyên, cô giáo Nhật Tân đã có những giờ giảng sáng tạo, chẳng giống ai. Cô thường dành thời gian đọc thơ, say sưa phân tích những cái hay, cái đẹp trong những thi phẩm đó. Cô Nhật Tân không chỉ giảng bài mà đã truyền cảm hứng cho các học trò… Nhiều học sinh trong lớp của cô sau này đã trở thành học sinh giỏi văn cấp tỉnh và toàn Miền Bắc. Nhưng một số ít đồng nghiệp đã ganh tị với cô từ trước, thì bắt đầu xì xào... Và “sóng gió cuộc đời” cũng bắt đầu nổi lên từ đây.

Chẳng là ngày đó Trần Thị Nhật Tân thỉnh thoảng vẫn có những bài thơ được giới thiệu trên báo chí Trung ương. Bài thơ “Về trường” sau khi in báo Thiếu niên còn được nhạc sĩ Hoàng Long phổ nhạc, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong nhiều hội nghị ở tỉnh, vì hình thức trẻ trung xinh đẹp, lại được coi như một “tài năng trẻ của ngành”, nên cô đã được mời đọc thơ. Thậm chí đọc xong, còn vinh dự được lãnh đạo tỉnh tặng hoa và cho ngồi bên ghế danh dự. Điều ấy, đã khiến một số đồng nghiệp khó chịu và ganh tị ra mặt.

Có kẻ đã đặt điều: Nhật Tân đã dùng nhan sắc kiểu “mỹ nhân kế”, mê hoặc lãnh đạo để được làm giáo viên. Cô không được học sự phạm, cũng chẳng có trình độ, hay khả năng gì cả, nên đã giảng dạy sai phương pháp! Theo yêu cầu của Phòng Giáo dục, Nhà trường đã buộc phải họp để thành lập “Hội đồng dự giờ kiểm tra” gồm Tổ trưởng các Khối từ Lớp 1 đến Lớp 5, Bí thư Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn… liên tục yêu cầu dự giờ giảng một tuần liền để xem xét lại trình độ của cô Nhật Tân... Cuối cùng, Hiệu trưởng nhà trường đã kết luận: “Cô Nhật Tân dạy tốt, phương pháp của cô đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo và gợi mở trí thông minh của học sinh. Chính con trai tôi đang học Lớp 4 cũng thích những giờ giảng của cô Nhật Tân, vì nó hấp dẫn, dễ hiểu. Chúng ta không nên cứ máy móc theo phương pháp sư phạm cũ”.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu Nhật Tân phải đi học thêm nghiệp vụ, hoặc chuyển công tác. Cực chẳng đã, Nhật Tân muốn làm hồ sơ xin thi vào Đại học Sư phạm, nhưng lại chưa có bằng tốt nghiệp cấp III. Cô yêu cầu người ta có thể lập Hội đồng tổ chức thi kiểm tra trình độ tại chỗ, cam đoan mình có thể giải được những bài toán khó nhất của trình độ giáo viên cùng khối, nhưng đã không được chấp nhận. Họ gợi ý: muốn yên chuyện, tốt nhất là cô phải chuyển trường khác.

Nhưng thật ra, đó chỉ là một cách để “hành” nhau. Bởi không một trường nào dám nhận cô giáo Nhật Tân, khi cấp trên chưa “bật đèn xanh”. Thời đó, ngành Giáo dục chưa hề có dám “Nói không với tiêu cực” như bây giờ. Tất cả còn đang sống trong bao cấp, rất coi trọng chuyện báo cáo thành tích thi đua. Người ta cũng không dại gì lại “chứa chấp” một người “ngang bướng nhiều chuyện” như Nhật Tân. Cô đã “cả gan” làm văn bản gửi đi nhiều nơi về thực trạng giáo dục ở địa phương: Giáo viên trình độ thấp kém, chương trình sách giáo khoa không phù hợp, chất lượng học sinh kém cũng cứ đẩy lên lớp 100%, rồi chuyện thi giả, mua điểm, bán bằng... Thấy gửi văn bản lên Bộ Giáo dục không có hồi âm, mùa hè năm 1973, cô giáo Nhật Tân đã trực tiếp đi Hà Nội, đến cơ quan Bộ Giáo dục để phản ánh những chuyện tiêu cực… Nhưng mới nghe vài câu, ông cán bộ thường trực “đầu hói đeo kính trắng” đã thẳng thừng đuổi cô về mà không tiếp.

Thất vọng, trên đường trở về Nam Định, cô giáo Nhật Tân chợt nảy ra ý định viết tiểu thuyết. Chỉ có viết tất cả thành sách mới giúp cô giải tỏa phần nào những ấm ức bấy lâu nay.

 

         Từ phải qua: Nhà văn Lê Hoài Nam, nhà văn Trần Thị Nhật Tân

    và BTV lucbat.com Thủy Hướng Dương tại Nam Định, tháng 8-2009.

 

Vậy là đêm đêm, Nhật Tân đã chong đèn vùi đầu vào bàn viết. Những con chữ cứ thế ồ ạt tuôn ra. Những trang bản thảo cứ thế dày lên từng ngày… Nhiều trang đọc lại thấy không ưng, Nhật Tân đã xé đi viết lại. Nhiều đoạn cô viết nhọc nhằn như chính cuộc đời mình đã trải qua.

Hàng năm sau, bản thảo tiểu thuyết “Dòng xoáy” đã hình thành. Nhật Tân hồi hộp mang đến nhà văn Chu Văn, với lời đề nghị: “Bác đọc giúp cháu xem đây có phải là tiểu thuyết hay chưa?”

Vài ngày sau, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh (cũ) đã đọc xong, vội cho người gọi ngay Nhật Tân đến. Ông trả lại bản thảo và kèm theo lời khuyên chân tình:

- Cô viết hấp dẫn đó, nhưng nội dung thế này thì nguy hiểm quá. Giữa thời buổi mọi người ăn còn chưa đủ, xã hội còn bao việc phải lo, làm sao mà  một mình cô chống tiêu cực được? Theo tôi, cô nên huỷ bản thảo này đi, coi như tôi chưa hề đọc nó.

Buồn và thất vọng vô cùng, nhưng Nhật Tân còn chưa biết một tai họa mới đang chờ đợi mình…

 

“Bị Công an bắt” và những tin đồn chết người

 

Khoảng một tuần sau, Nhật Tân bất ngờ được mời đến cơ quan Công an tỉnh để “làm việc”. Tiếp cô là hai cán bộ An ninh Văn hóa. Họ rất lịch sự và nhã nhặn:

- Chúng tôi đã đọc bản thảo tiểu thuyết “Dòng xoáy” của chị.

Nhật Tân chột dạ: Chết rồi! Không hiểu sao Công an lại biết được bản thảo này, khi mà nó còn nằm trong cái hòm gỗ được khóa kỹ trong phòng tập thể của giáo viên? Ai đã “tố cáo” nó với cơ quan an ninh?

- Xin chị bình tĩnh, hôm nay chúng tôi cho mời chị đến để đề nghị chị giúp Công an làm rõ mấy vấn đề: Chị viết bản thảo tiểu thuyết này nhằm mục đích gì? Nội dung phản ánh trong đó bao nhiêu phần trăm là sự thật? Có tổ chức nào đứng đằng sau xúi giục, hay thuê chị viết không?

“Đằng nào thì Công an cũng biết rồi, thôi thì cứ sự thật mà nói, có muốn giấu cũng chẳng được”. Nghĩ thế, nữ nhà văn tương lai đã nói hết những vấn đề bức xúc trong đời sống, công việc và những điều muốn viết trong tác phẩm của cô. Hai cán bộ an ninh ghi chép rất đầy đủ. Cuối cùng, họ đề nghị cô ký vào “Biên bản ghi lời khai”.

Đợi Nhật Tân ký xong, một cán bộ Công an bảo:

- Nói thật, là cá nhân tôi đọc bản thảo “Dòng xoáy” thấy chị viết tác phẩm này rất hấp dẫn, phản ánh đúng thực tế. Nhưng vì có đơn thư tố cáo, chúng tôi phải làm theo chức trách nhiệm vụ được giao. Chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn chỉnh văn bản và báo cáo vụ việc này lên trên. Chị cứ ra về và yên tâm làm việc bình thường.

Rồi anh này hạ giọng, nói nhỏ:

- Nhưng mà muốn đấu tranh, chị cũng phải có phương pháp đấy. Nếu chỉ dũng cảm thôi thì chưa đủ. Bởi như nghề Công an của chúng tôi, nếu không giỏi võ thuật mà lại tấn công tội phạm thì rất dễ bị hi sinh đó!

Từ trụ sở Công an tỉnh ra về, mà Nhật Tân thầm cảm ơn hai anh cán bộ An ninh đã giúp cô vững tâm hơn.

Chuyện chỉ có vậy. Nhưng không hiểu sao ngay tối hôm đó, cả thành phố Nam Định đã đồn ầm lên: Cô giáo Nhật Tân vừa bị Công an bắt, có thể sẽ bị đi tù, vì tội liên quan đến… tuyên truyền phản động!

Nhiều bạn bè, người thân lo lắng kéo đến hỏi thăm, động viên Nhật Tân. Nhưng cũng có những người sợ hãi, tìm cách xa lánh, tránh gặp mặt cô, vì sợ bị “liên luỵ”. Một số ít kẻ thì vui mừng, hả hê trong bụng…

 

            Từ trái qua: Trần Thị Nhật Tân, cố nhà văn Bùi Hiển

             và hai người bạn văn, tại Nam Định năm 1996.

 

Ngày đó, mỗi khi cô giáo Nhật Tân ra đường, người ta thường chỉ chỏ, xì xào sau lưng. Có phụ huynh học sinh đã xin cho con mình học lớp khác cô Tân, để khỏi bị ảnh hưởng. Nhà trường đã buộc cô phải nghỉ dạy, để ổn định tình hình. Sống trong tâm trạng bực bội, ấm ức, lo lắng và dằn vặt; nhưng Nhật Tân không thể làm gì hơn. Không thể tự mình đi giải thích, thanh minh với tất cả mọi người, cô đành viết đơn cầu cứu cơ quan Công an giúp đỡ…

Thật bất ngờ, hai tuần sau đó, Công an tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã cho mời Nhật Tân lên gặp. Đích thân ông Phạm Văn Bổng, Trưởng ty Công an tỉnh hồi đó đã tiếp nữ nhà văn tương lai. Khi Nhật Tân được người sĩ quan trực ban đeo quân hàm, băng đỏ, dẫn vào phòng khách của Trưởng ty, trên bàn đã bày sẵn đĩa bánh kẹo thơm ngon và ấm trà bao bạc (hồi đó, những thứ này còn hiếm và rất quý).

Ông Trưởng ty Công an mặc thường phục tươi cười bắt tay Nhật Tân. Sau khi trực tiếp rót nước chè, mời cô ăn bánh rồi, ông thân mật nói ngay:

- Chú vừa đọc hồ sơ lý lịch của cháu đã được xác minh và kết luận rõ ràng: Ông ngoại cháu tuy có làm quan án sát, nhưng có tinh thần yêu nước và chống Pháp. Bố cháu từng tham gia hoạt động cách mạng từ hồi còn trẻ, bị địch bắt và tù đầy, không may bị mất sớm. Cháu mồ côi cha mẹ, mà còn cố gắng học tập, vươn lên được là rất tốt.

Chú đã nghe báo cáo về vụ việc của cháu. Chú cũng đã đọc bản thảo tiểu thuyết “Dòng xoáy”. Tuy không am tường về văn học lắm, nhưng theo chú thấy cháu xây dựng hình tượng nhân vật khá điển hình. Về cơ bản, nội dung tác phẩm này là tốt. Cháu đã dám đấu tranh với những tiêu cực, lạc hậu, ủng hộ cái mới vì một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cháu cần phải sửa chữa theo hướng văn học hoá và nghệ thuật hơn nữa, đừng viết thẳng thắn quá, như ám chỉ ai đó cụ thể, sẽ làm cho một số người phản ứng.

           Nhật Tân không ngờ một ông Trưởng Ty Công an, chỉ quen ra lệnh sử dụng “dao găm súng lục” để bắt trộm cướp, lại sâu sát hoàn cảnh của mình đến thế. Ông khiêm tốn tự nhận là “không am tường về văn học lắm” nhưng thật ra đã đọc được cả ruột gan của một tác giả như cô. Sự sâu sắc, độ lượng và chân tình của ông Trưởng ty Công an đã khiến Nhật Tân rưng rưng cảm động.

- Thưa chú, vậy cháu phải làm gì bây giờ?

- Cháu nên bình tĩnh, sau buổi gặp chú hôm nay hãy về công tác bình thường. Chú đã ký công văn gửi cho cơ quan cháu, thông báo kết luận của Công an. Mọi sự hiểu lầm rồi sẽ qua đi. Điều quan trọng là cháu phải làm việc cho tốt. Cứ tiếp tục sáng tác thơ và văn cho hay. Cứ viết những tác phẩm mà cháu thích, nhưng nhớ là phải vì cái chung, đừng vì cá nhân ai.

“Được lời như cởi tấm lòng”. Ông Trưởng ty Công an đã giúp Nhật Tân “giải oan”. Nhưng rắc rối và thử thách của cuộc đời thì vẫn còn đang còn đợi cô ở phía trước…

 

(Còn nữa)

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: