Thứ bảy, 04/05/2024,


Một nhà văn "hồng nhan bạc phận" hai lần được gặp Tổng Bí thư (20/09/2009) 

 

        Lời BT: Với tư cách là một nhà báo, từ nhiều năm nay, nhà thơ Đặng Vương Hưng còn được biết đến là một cây bút phóng sự - tư liệu có nhiều khám phá, phát hiện, thường có những bài viết chia sẻ với những số phận éo le, bảo vệ và bênh vực những mảnh đời bất hạnh... Từ số này, 'Sự kiện-Nhân vật' của lucbat.com sẽ giới thiệu thiên phóng sự - tư liệu nhiều kỳ, viết về cuộc đời chìm nổi của một nữ nhà văn đất Thành Nam...

 

Tròn 20 năm trước, vào “đêm trước” của công cuộc đổi mới đất nước Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, đã hai lần viết thư tay gửi cho một nữ nhà văn, tác giả một cuốn sách đã gây “sốc” cho cả Nam Định hồi bấy giờ, mà ông tình cờ đọc được. Hơn thế, Tổng Bí thư còn mời nữ nhà văn đến để gặp gỡ và lắng nghe “Những chuyện cần làm ngay”.

 

Nữ nhà văn có vinh dự đặc biệt đó là Trần Thị Nhật Tân, tác giả của tiểu thuyết “Dòng xoáy” từng xôn xao dư luận một thời… Nhưng rất ít người biết câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà “hồng nhan bạc phận”, bị dòng xoáy cuộc đời cuốn đi ấy, đã viết di chúc “hiến nhà làm từ thiện”, bây giờ vẫn sống âm thầm trong một ngõ vắng ở Thành Nam…

 

Kỳ 1: TỪ CÔ BÉ MỒ CÔI LÀM NHÂN VIÊN ĐIỆN BÁO CẦU HÀM RỒNG  

          ĐẾN NỮ HỘ LÝ BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108...

 

Trần Thị Nhật Tân tuổi Kỷ Sửu, sinh ngày 25-12-1949 tại thành phố Nam Định; là con thứ sáu trong một gia đình phong kiến yêu nước. Người cha hoạt động Việt Minh từ rất sớm, từng bị thực dân Pháp bắt và tù đày. Người mẹ phải một mình buôn bán, bươn chải nuôi cả đàn con nhỏ. Vì quá vất vả, nên bà đã mất sớm.

 

Mới mười tuổi, cô bé Nhật Tân đã bị mồ côi mẹ. Hai năm sau, người cha của cô cũng đau ốm mà qua đời. Hằn sâu trong ký ức tuổi thơ của cô bé là những ngày đói khổ. Để có cái ăn, cô phải tự đi bắt cua bắt ốc, đào cáy, cất vó tôm tép, kiếm sống qua ngày…

 

Đói khổ và phải sống tự lập từ bé, nhưng Nhật Tân lại học rất giỏi. Đầu năm 1961, cô bé được Trường cấp 2 Liễu Đề cử lên thành phố Nam Định tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn toán lý toàn tỉnh và đã đoạt giải Nhất. Mùa hè năm đó, Nhật Tân là một trong tám học sinh của Liễu Đề đã thi đỗ vào cấp 3 Đông Biên (Hải Hậu); đồng thời, còn thi đỗ cả vào Trường Trung cấp Bưu điện miền Bắc. Do hoàn cảnh gia đình, cô đã quyết định nhờ người khai tăng thêm ba tuổi để đi học Điện báo. Đã vào trường học nghề, nhưng thật ra cô bé Nhật Tân còn ở tuổi thiếu nhi, bé nhỏ và gầy yếu. Khi cùng các bạn tham gia lao động tại Công trường Thuỷ điện Thác Bà, cô bé đã nhiều lần bị chảy máu cam, thậm chí ngất xỉu ngay tại công trường, nhưng vẫn phải cố gắng theo kịp bạn bè.

 

Lớp Điện báo của Nhật Tân tốt nghiệp ra trường đúng thời gian ở miền Nam vừa xảy ra sự kiện Mỹ - Nguỵ đưa anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường xử bắn. Thanh niên cả nước sôi sục tình nguyên xung phong ra chiến trường đánh giặc, trả thù cho anh Trỗi. Trần Thị Nhật Tân được điều về Bưu điện Bờ Hồ, giữa Thủ đô Hà Nội làm việc, nhưng cô đã kiên quyết không nhận quyết định, mà năn nỉ xin… vào chiến trường. Nhật Tân đã nghĩ ra cách viết đơn tình nguyện và ngày nào cũng mang đến trụ sở của Trung ương Đoàn, xin được ra trận.

 

Đầu năm 1965, khi máy bay Mỹ ném bom cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), theo nguyện vọng Nhật Tân đã được điều vào Hàm Rồng biên chế trong Tổ Điện báo, do Tỉnh đội Thanh Hóa phụ trách, phục vụ công tác chiến đấu tại đây. Tổ có bốn chị em, do chị Nguyễn Thị Lanh làm tổ trưởng. Đây cũng chính là thời gian xuất hiện tấm gương chiến đấu của anh hùng Trần Thị Tuyển. Khi chị Tuyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thì chị Nguyễn Thị Lanh cũng được công nhận là Chiến sĩ thi đua.

 

Một lần, có đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Hàm Rồng thâm nhập thực tế sáng tác, đến thăm cả Tổ Điện báo. Họ gồm toàn những tên tuổi lớn và nổi tiếng: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huyền Kiêu, Thái Giang, Anh Thơ, Trần Văn Cẩn… Nhật Tân là cô gái da trắng, tóc dài, trẻ nhất Tổ Điện báo, nên được các bác, các chú văn nghệ sĩ rất quan tâm. Khi phát hiện trong sổ tay của Nhật Tân có một số bài thơ thiếu nhi “đọc được”, nhà thơ Thái Giang đã khuyên cô nên viết nhật ký: “Thích gì thì cứ viết, cố gắng ghi lại thực tế cuộc chiến đấu sinh động của quân và dân Hàm Rồng”. Sau đó, một số bài thơ của Nhật Tân đã được nhà thơ Thái Giang giới thiệu cho đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Một truyện ký về Hàm Rồng mà Nhật Tân viết cũng được Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa tuyển vào sách. (Cũng nhờ ấn phẩm này mà nhiều năm sau, khi Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh khóa I, cô đã nộp thay cho năng khiếu và đã trúng tuyển. Nhưng vì nhiều lý do, phải đợi hơn 3 năm sau Trần Thị Nhật Tân mới được nhập học vào khóa II).

 

Hồi đó, cầu Hàm Rồng là một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, một biểu tượng kiên cường của Thanh Hóa anh hùng. Tổ Điện báo của Nhật Tân cũng phải hứng chịu bao trận mưa bom bão đạn như thế. Và trong một lần bom nổ sập hầm, cô gái trẻ đã bị rỉ máu tai, ngất xỉu vì sức ép bom Mỹ… Nhật Tân được đưa ra Thủ đô điều trị, sau đó, cô được giữ lại làm nhân viên của cơ quan Tổng cục Bưu điện ở Hà Nội.

 

 

Năm 1968, do yều cầu của trên, Nhật Tân được “trưng dụng” điều sang phụ trách Tổng đài của Viện Quân y 108, đóng ở Cầu Giấy. Tại đây, cô không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho bệnh viện, mà có thời gian còn kiêm thêm nhiệm vụ của một hộ lý và y tá (trực tiếp thay băng và tiêm thuốc) phục vụ thương bệnh binh. Ngày đó, do số thương binh từ chiến trường miền Nam đưa ra đông đến quá tải ở Viện Quân y  này, nên thời gian làm việc của Nhật Tân cũng căng thẳng. Ngày nào cô cũng trực liên tục từ 4 - 5 giờ sáng, kéo dài liên tục tới quá 12 giờ đêm. Do làm việc quá sức, Nhật Tân thường bị ngất xỉu ngay tại nơi làm việc. Năm 1970, cô buộc phải chuyển ngành về làm cán bộ Tổ chức của Ty Bưu điện Hà Nam Ninh.

 

           Bắt đầu từ đây, số phận đã đẩy cô gái trẻ Trần Thị Nhật Tân vào một “dòng xoáy cuộc đời” biến cô thành một nhà văn bất đắc dĩ...

         Chú thích ảnh minh họa trong bài: 1: Nữ nhà văn Trần Thị Nhật Tân thời trẻ; 2: Bút tích lá thư của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết năm 1989; 3: Cố Nhà văn Nguyễn Đình Thi (đứng thứ 5, từ trái sang) và Trần Thị Nhật Tân (đứng thứ 6) tại Trại Sáng tác Văn học Khu vực Đồng bằng Sông Hồng năm 1996.

(Còn nữa)

 ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lưu quốc Hoà - quochoahanam@yahoo.com - 01685083357 - ha nam  (Ngày 22/09/2009 10:37:43 PM)
Người thứ 3 từ trái sang hình như Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh phải ko anh Đặng Vương Hưng
Các bài khác: