Trong một ngôi nhà nhỏ khiêm nhường ẩn mình tại số 210, C19, phường Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, ít người biết đó là nơi chung sống hạnh phúc của một đôi vợ chồng cựu chiến binh. Ông là Đại tá Đỗ Sâm nguyên là sĩ quan Pháo binh đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; từng chiến đấu tại các chiến trường ác liệt Trung Bộ và Tây Nguyên trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ; nguyên Trưởng Ban Nhà trường Bộ Tư lệnh Pháo binh. Còn bà là Đào Thị Thu, nguyên là Trưởng phòng Hành chính Quản trị của Sở Giao thông tỉnh Hà Tây cũ. Ông bà sinh được hai con trai và đều đã trưởng thành, lập gia đình. Người con trai lớn là Đỗ Nam Thắng tốt nghiệp Tiến sĩ về Môi trường tại Australia, đã về nước làm việc. Người còn trai thứ là Đỗ Nam Trung, tốt nghiệp Tiến sĩ Văn học tại Trung Quốc, hiện đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại tại Trung Quốc.
Cố điệp báo viên Đào Thiện Thùy (thứ nhất, từ trái qua) trong vỏ bọc
Phó ty Cảnh binh Sơn Tây, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947-1954)
Tôi có may mắn và vinh dự được quen biết gia đình Đại tá Đỗ Sâm rất tình cờ: Tháng 12 năm 2004, sau khi tôi công bố ý tưởng tổ chức cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” (làm tiền đề cho sự ra đời của các tác phẩm nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20 và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” sau này) vợ chồng Đại tá Đỗ Sâm - Đào Thị Thu là một trong những gia đình hưởng ứng đầu tiên. Ông bà đã điện thoại trước, rồi chuyển cho tôi 35 lá thư từ miền Nam gửt ra Bắc và một lá thư do người vợ từ miền Bắc gửi vào Nam cho chồng. Tất cả đều là những lá thư tình, thường bắt đầu bằng dòng chữ “Em yêu quý!”, “Em yêu quý nhất đời của anh!” hoặc “Em yêu duy nhất của anh!”, “Em vô cùng thương mến!”... Tôi đã chọn 5 lá thư trong số đó, với tựa đề “Em yêu quý! Hãy luôn tự hào vì có một người chồng xứng đáng...” để đưa vào tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam (tập 1)” xuất bản năm 2005.
Đồng chí Nông Đức Mạnh nói chuyện với cựu điệp báo viên
Đào Thiện Thùy (bìa trái) tại cuộc gặp mặt các cơ sở tiêu biểu
của phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 1995.
Hai năm sau, Đại tá Đỗ Sâm đã tự biên soạn số thư của vợ chồng mình, bổ sung thêm tư liệu và xuất cuốn sách “Thư thời chiến” (Nhà xuất bản CAND, 2007). Tập sách dày hơn 300 trang, in trang trọng lá thư viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi hoan nghênh tập sách của đồng chí Đỗ Sâm, đã ghi lại nhiều tấm gương sáng của quân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh anh hùng”. Và lời giới thiệu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ ngày về nghỉ hưu (năm 1991), Đại tá Đỗ Sâm có thêm một “nghề” mới là viết báo và viết sách. Ông rất thích nghiên cứu lịch sử, các sự kiện và tư liệu và thường viết về những người thật, việc thật, những nhân vật, sự kiện nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mà ông đã trực tiếp gặp, tham gia, hoặc nghe kể lại. Đại tá Đỗ Sâm là cộng tác viên của hàng chục tờ báo có uy tín với độc giả như: Báo Quân đội nhân dân, đặc san Sự kiện và Nhân chứng, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Công An nhân dân, An ninh thế giới, Văn nghệ Công an, Tạp chí Lịch sử Quân sự, Thông tấn xã Việt Nam,Tuần báo Văn nghệ… Đỗ Sâm đã là tác giả của hàng trăm bài viết gây ấn với bạn đọc.
Đọc những bài viết của Đại tá Đỗ Sâm, người ta thấy ông chẳng những là một cây bút từng trải cuộc sống, am hiểu nhiều vấn đề xã hội; mà còn là một người tốt bụng, chu đáo với mọi người. Từ khi biết tôi thôi làm báo và chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Công an nhân dân, nhiều lần ông đã một mình cất công đi xe buýt đến thăm. Những biên tập trẻ của cơ quan tôi đều coi Đại tá Đỗ Sâm như bậc cha chú, từng trải cuộc đời, phúc hậu và nhân từ.
Cuối năm 2008, Đại tá Đỗ Sâm bất ngờ chuyển cho tôi tập bản thảo “Người điệp báo Thành Sơn”. Thì ra từ khi về hưu, gần 20 năm nay ông đã âm thầm lặng lẽ thu thập tài liệu về cuộc đời hoạt động điệp báo của cha mẹ vợ mình và lặng lẽ viết một cuốn sách về họ. Ông coi đó như món nợ tình cảm không chỉ riêng với gia đình mà còn với cả Lực lượng Tình báo - Phản gián của Công an nhân dân trong Kháng chiến chống Pháp và các thế hệ cha anh đi trước.
Viết về cha mẹ và những người thân trong nhà, tưởng là dễ, nhưng lại rất khó - Đại tá Đỗ Sâm tâm sự - Có những chuyện mình đã quá quen thuộc, đã ngấm vào máu thịt của mình, như là sự tồn tại hiển nhiên, không cần tìm hiểu, khám phá nữa, nhưng lại không dễ dàng nhận ra. Tôi biết và hiểu nhiều chuyện, nhiều điều muốn nói, nhưng lại không diễn đạt được ra sách. Ngược lại, với “người ngoài” sự cảm nhận là mới mẻ, dễ hấp dẫn và cuốn hút hơn. Thêm nữa, khi con cái viết về cha mẹ, thì sự bình luận, đánh giá có thể dễ bị tình cảm tôn kính lấn át, thiên vị, mà thiếu đi tính khách quan và công bằng...
Nhưng Đại tá Đỗ Sâm đã cố gắng khắc phục được những hạn chế ấy. Để có tư liệu viết cuốn sách này, ngoài việc nghe cha mẹ vợ, (hai nhân vật chính của tác phẩm) trực tiếp kể lại, Đỗ Sâm còn cất công gặp gỡ thêm rất nhiều nhân chứng. Họ là những đồng đội, bạn chiến đấu cũ của vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thuỳ - Nguyễn Thị Đào. Họ còn là những người từng một thời ở 'phía bên kia' chiến tuyến trong kháng chiến. Giờ đây, tất cả đều là những nhân chứng sống của tác giả Đỗ Sâm. Chưa hết, để xác minh, bổ sung tư liệu và kiểm chứng qua nhiều nguồn, Đại tá Đỗ Sâm còn vào thư viện, tìm đến các bảo tàng của lực lượng Công an, Quân đội, Phòng Truyền thống của lực lượng Tình báo, Công an Hà Tây (cũ)...
Sau hàng chục năm, bản thảo 'Người điệp báo Thành Sơn' đã dần được hình thành. Cuốn sách này được chia làm 2 phần: phần chính là cuộc đời hoạt động của vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thuỳ và các đồng đội của ông trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1954. Phần thứ 2 là 'phụ lục' một số bài viết của Đại tá Đỗ Sâm, chủ yếu là những hồi ức, tư liệu lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp, hầu hết đã được giới thiệu trên báo chí.
Như tác giả Đỗ Sâm tâm sự: ông không không phải là nhà văn và cũng không có ý định làm văn chương; mà chỉ là người yêu lịch sử, trân trọng truyền thống yêu nước, kháng chiến của lớp cha anh, mong muốn nhờ những trang viết này, chuyển tới bạn đọc những kỷ niệm, những câu chuyện mà ông trực tiếp được nghe, được thấy, được tham gia, hoặc nghe người thân, đồng đội kể lại... nên chắc chắn, tác phẩm chưa thể trọn vẹn. Rất mong được bạn đọc góp ý, bổ sung, để khi có điều kiện tái bản sẽ đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Hi vọng, 'Người điệp báo Thành Sơn' sẽ được bạn đọc đón nhận, góp thêm vào trang sử truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân một cuộc đời với những cống hiến thầm lặng, còn ít được biết đến.
Hà Nội, tháng 9 năm 2009
____________
Quý vị muốn đọc cuốn sách trên, có thể
liên hệ trực tiếp với tác giả Đỗ Sâm qua
số điện thoại nhà riêng: 04.38544342