Thứ bảy, 27/04/2024,


“ÁO BÀ BA” – Nói lời quê thì thầm. (12/08/2008) 

 

Ai đã một lần đến vùng sông nước mênh mang ở Đồng bằng sông Cửu Long đều ghi nhận một ấn tượng sâu sắc về hình ảnh Chiếc áo bà ba trên dòng sông thẳm. Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon (Nhật Trường- Trần Thiện Thanh).

Chẳng biết chiếc áo bà ba xuất hiện tự bao giờ, nhưng nó mãi mãi là một nét đẹp của hồn quê dân tộc, làm đam mê bao thế hệ. Nếu nhà thơ Nguyễn Duy thổn thức với Aó trắng má hồng, Phạm Đình Ân giật mình trước vẻ đẹp nền nã của chiếc Aó đen, Aó nâu, nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng ngất ngây với Tà áo em bay bay, bay bay trong nắng dịu dàng. Áo bay trên đường như mây xuống phố, áo trên sân trường tựa cánh chim câu (Một thoáng quê hương), thì nhà thơ xứ Thanh - Bùi Văn Bồng- lại bị hút hồn bởi vẻ đẹp dịu dàng của chiếc  Aó bà ba Nam Bộ:

 

Tự bao giờ áo bà ba

Đi vào câu hát dân ca quê mình

Em xinh cái nón cũng xinh

Aó bà ba nữa, cho tình anh say.

Hết tiền, thiếu gạo đi vay

Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong

Ai cho vay được nỗi lòng

Vắng em chỉ biết nhìn dòng sông trôi

Dịu dàng đến thế. Người ơi...

Để chiều sông Hậu lá rơi chạnh lòng

Dòng sông thì rộng mênh mông

Aó em lại thắt eo hông làm gì?

Khen ai khéo chiết đường ly

Để cho tà áo thầm thì lời quê.

Diệu kỳ màu áo đam mê

Cho xuồng ba lá xuôi về bến mơ.

Aó tình và cũng áo thơ

Aó nên duyên, áo đợi chờ là em.

Chẳng ai chuốc rượu đưa men

Mà sao ra bến lại quên lối về?

(Dự thi thơ lục bát

- Báo Văn Nghệ Trẻ- 2002)

       Áo bà ba đã đi vào điệu lý dân ca quê mình từ độ ông cha ta mang gươm đi mở cõi (Huỳnh Văn Nghệ). Nó có một lực hút lạ kỳ đối với các chàng trai đang tương tư, đêm mong ngày nhớ không nhìn thấy áo nửa ngày đã mong. Tiền, gạo hết có thể đi vay, đi mượn được, chứ vắng em lẽ nào anh lại đi vay mượn tình yêu ở đâu đâu. Tà áo bà ba cứ ẩn hiện và lấp đầy vào nỗi nhớ ấy. Nhà thơ đã có những liên tưởng rất chân thật nhưng cũng rất lãng mạn. Tình cảm, và nhất là tình yêu đích thực cao đẹp là thứ không thể vay mượn được. Cái thời gian nửa ngày ở đây không còn là thời gian vật lý giản đơn nữa mà nó đã chuyển hóa thành thời gian tâm lýù, nên nó cứ dài dằng dặc trong tâm trạng chàng trai Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong. Nỗi buồn do vắng em cứ dâng lên như thấm vào từng chiếc lá rơi, từng con  nước lớn, nước ròng của sông Hậu mênh mang: Vắng em chỉ biết nhìn dòng sông trôi/ Dịu dàng đến thế người ơi/ Để chiều sông Hậu lá rơi chạnh lòng... Một bức tranh sông nước bồng bềnh, và hình ảnh chiếc xuồng ba lá cứ chập chờn trước mắt ta. Nhà thơ đã tạo được sự đối lập giữa cảnh trời nước mênh mông và hình ảnh bé nhỏ của cô gái mặc áo bà ba chèo xuồng ba lá. Cảnh tôn người đẹp hơn và người làm cho cảnh ấm lên sự sống. Tà áo bà ba như cất lời thầm thì làm cho con sông quê thêm hồn, thêm sắc:

 

Dòng sông thì rộng mênh mông

Aó em lại thắt eo hôn làm gì

Khen ai khéo chiết đường ly

Để cho tà áo thầm thì lời quê.

 

        Aó bà ba đã nói hộ em bao lời thổn thức của con tim, gửi tới anh những rung động e ấp đầu đời kín đáo mà say đắm thiết tha. Trước mắt chàng trai những bến nước của dòng sông không còn nữa mà đã biến thành bến mơ của  cõi Thiên thai: Diệu kỳ màu áo đam mê/ Cho xuồng ba lá xuôi về bến mơ.

Bến mơ cũng là bến nghĩa, bến tình, bến của hạnh phúc tương lai. Nó cứ lung linh trong tâm trí của những chàng trai và cô gái đang yêu. Nhân vật trữ tình cứ ngân mãi lời ca khẳng định cái áo tình, áo thơ, áo duyên, áo đợi chờ đó. Tác giả đã hóa thân vào chiếc áo bà ba bằng cái nhìn, cái cảm không những của một nhà thơ mà đó còn là cái nhìn của nhà tạo mẫu và tâm trạng của một chàng trai khao khát được yêu nồng nàn,  đắm đuối: Chẳng ai chuốc rượu đưa men/ Mà sao ra bến lại quên lối về? Đến đây chiếc áo bà ba như có phép lạ, nó choán ngợp và hút hồn anh, nó xóa đi khoảng cách của đôi ta trong thương nhớ đợi chờ.

        Aó bà ba đã nói hộ anh lời tỏ tình thầm thì giữa cảnh sông nước thơ mộng. Chiếc áo mang vẻ đẹp chân quê, nền nã của cô gái Nam Bộ thật đáng yêu. Aó bà ba cũng chính là một nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc, là ấn tượng không phai mờ. Nhất là với những người Việt đang sống xa quê và luôn nhớ về quê hương...

LÊ XUÂN

 

------------

-Tên thật   : Lê Xuân Bột

-Địa chỉ      : Nhà số: 55/5 CMT8 Cần Thơ

-Điện thoại: NR:  071. 828363  -  DĐ:  0947.615.119

-E-mail       : xuanbot@gmail.com

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: