Chủ nhật, 22/12/2024,


Bài thơ lục bát của một hậu duệ cụ Nguyễn Du tặng nhà thơ Tố Hữu (12/09/2009) 

Trong dịp kỷ niệm 230 năm sinh và 150 năm mất của danh nhân Nguyễn Công Trứ, có một cuộc hội thảo lớn được tổ chức tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khách mời ở Hà Nội gồm nhiều giáo sư sử học, các nhà nghiên cứu văn học của Trường đại học Quốc gia, Viện Văn học cùng một số cơ quan khác...

           Sở Văn hóa và Du lịch Hà Tĩnh cho một chiếc xe ôtô dài rộng, mới tinh đón khách từ Hà Nội. May mắn, tôi cũng được mời. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông rất khó đoán tuổi, người cao, chắc, khỏe, da ngăm đen, mái tóc dày chỉ mới điểm một phần sợi bạc. Lúc đầu là những câu chuyện về Nguyễn Công Trứ, mỗi người góp một vài câu, và những lời của người bạn đường ngồi cạnh bao giờ cũng gây ấn tượng cho tôi nhất, bởi số liệu hết sức cụ thể và nhận định khá mới mẻ về nhân vật lịch sử này. Ví như ông cho biết Nguyễn Công Trứ đã từng đảm đương 26 chức vụ khác nhau, 11 lần bị giáng chức...

Là một người vốn yêu môn lịch sử và tương đối nhớ các sự kiện, tôi cảm thấy thật may mắn khi được ngồi cạnh ông. Tôi quyết định đem những điều thắc mắc về lịch sử ra hỏi ông:

Câu nào ông cũng trả lời hết sức chi tiết. Ông nói rằng, nhớ lịch sử không khó, vì chỉ cần lưu tâm đến ba thứ: Đó là sự kiện, thời gian và địa điểm. Tôi nghĩ rằng, ông là một nhà sử học thì mới thế, giống như Anhxtanh nói thuyết Tương đối là đơn giản!

Tạm ngưng chuyện lịch sử, khi trên xe chuyển sang văn học dân gian, phần lớn là những bài thơ vui thì ông góp nhiều bài gây cười nhất. Tôi cũng là người thích cóp nhặt loại thơ này, nhưng những bài ông đọc làm cả xe cười ran, thì tôi chưa từng nghe lần nào! Tôi lặng nhìn ông, phân vân: Ông là nhà sử học hay là nhà nghiên cứu văn học dân gian?

Xe vào đất Nghệ An, phía tây đường quốc lộ có một con sông nhỏ chạy gần như song song với đường. Ông bảo đó là kênh Nhà Lê do Lê Hoàn khởi xướng và đào trong ba năm, từ năm 998 đến năm 1001 thì hoàn thành. Trước đó Cao Biền cũng đã có ý định đào kênh này nhưng không làm được. Mục đích của Lê Hoàn là mở thêm con đường thủy để vận chuyển theo tuyến  Bắc - Nam vào mùa biển động...

Đến lúc này tôi tin chắc ông là một nhà sử học tôi đã quen tên nhưng chưa biết mặt, nên mạnh dạn:

- Chắc giáo sư công tác ở Viện Sử học?

Ông cười hồn nhiên:

- Tôi không phải là giáo sư và cũng không ở Viện Sử học. Tôi cũng như anh, đều là lính. Anh thì là nhà thơ, còn tôi là phi công, đã nghỉ hưu gần chục năm.

Thì ra ông là Đinh Văn Niêm, Đại tá phi công đã qua mười hai ngàn giờ bay. Ông sinh năm 1937 tại Nghi Lộc, Nghệ  An. Năm 1953 đi thanh niên xung phong. Năm 1955 trở về học tiếp, tốt nghiệp phổ thông thì đi bộ đội. Năm 1961 đi học lái máy bay, 1964 trở thành phi công trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau ngày nước nhà thống nhất ông sang Liên Xô học môn chụp ảnh trên không, về nước làm việc mấy năm rồi chuyển sang hàng không dân dụng.

Thế thì tôi tìm hiểu về không quân:

- Ở nước ta, ai là phi công đầu tiên, có phải là đồng chí Lê Hồng Phong không?

Ông lắc đầu:

- Lê Hồng Phong học về không quân nhưng không phải phi công. Theo tôi biết thì phi công sớm nhất của ta là ông Hà Đồng, người Huế, lái máy bay ở sân bay Soi Trinh, ven sông Gâm, thuộc tỉnh Tuyên Quang vào năm 1953. Số là năm 1945, Bảo Đại có để lại cho ta hai chiếc chuyên cơ nhãn hiệu Tiger, chúng ta có thành lập Ban Nghiên cứu sân bay ở chiến khu Việt Bắc. Sở dĩ ông Hà Đồng cùng một vài người nữa lái máy bay được là do một hàng binh người Đức, tên do Bác Hồ đặt là Đức Việt, dạy cho cách lái. Sau đó hai chiếc máy bay ấy bị hỏng và Ban Nghiên cứu không quân cũng không còn nữa.

- Anh đã bắn rơi mấy máy bay Mỹ?

- Chỉ máy bay tiêm kích mới không chiến, tôi lái máy bay cường kích, chủ yếu là đánh mục tiêu trên biển, trên bộ.

Theo yêu cầu của tôi, ông kể một số trận đánh tiêu biểu trong cuộc đời phi công của mình. Ông nói rằng, không biết tại sao khi nói về Đoàn tàu Không số, không ai đề cập đến sự yểm trợ của không quân ta, trong khi đó, đơn vị ông gần hai năm trời làm nhiệm vụ này. Để ngăn chặn các đoàn tàu Không số của ta, Mỹ ngụy thành lập một đơn vị hải quân đóng ở bán đảo Sơn Trà làm nhiệm vụ ra Bắc phong tỏa biển, đồng thời thả biệt kích, có khi tàu của chúng ra đến tận vùng biển Đồ Sơn. Mười một phi đội máy bay cường kích của ta làm nhiệm vụ đánh phá tàu địch, trong đó có ông. Trong thời gian mười mấy tháng, ta đã bắn chìm, bắn cháy, bắn bị thương một số tàu địch.

Từ trận đánh đầu tiên vào ngày 8/3/1966, trên biển Sầm Sơn, đơn vị ông đã bắn đứt đôi một tàu giặc, sau ta trục vớt hai nửa tàu về trưng bày tại viện bảo tàng. Trận thứ hai ông không thể quên được là đánh vào trạm rađa của Mỹ trên đỉnh núi Pa Thí cao 1.670 mét ở Bắc Lào. Trạm rađa này Mỹ xây dựng để bao quát vùng trời, vùng biển miền Bắc nước ta, đồng thời dẫn đường cho máy bay vào đánh phá. Đặc công ta đã nhiều lần muốn tiêu diệt nhưng không làm được vì địa hình quá hiểm trở, quá cao, nên nhiệm vụ được giao cho đơn vị ông. Suốt mấy tháng trinh sát và luyện tập, cuối cùng bốn phi đội được lựa chọn, đánh vào 12h30' ngày 12/1/1968. Mỗi máy bay mang theo 2 quả bom, 32 quả tên lửa, 32 quả cối. Đội hình xuất phát từ sân bay Gia Lâm, bay thật thấp, luồn lách theo sông ngòi, thung lũng, đến Sầm Nưa thì phát hiện được trạm rađa đó đang hoạt động, bốn chiếc lần lượt bay vọt lên rồi bổ nhào xuống mục tiêu, trút bom, phóng tên lửa và thả hết đạn cối… Mục tiêu hoàn toàn bị san phẳng, nhưng trên đường về, hai máy bay của ta bị súng phòng không của chúng bắn rơi, sáu chiến sĩ hy sinh, máy bay của ông về đáp xuống sân bay Vĩnh Phúc…

Có một chuyện nữa cũng thật đáng nhớ trong đời phi công của ông. Đó là chuyện xảy ra trong thời kỳ ông lái máy bay dân dụng, vào ngày 30/6/1988, trên đường bay Hà Nội - Nha Trang. Chuyến bay ấy chở gia đình đồng chí Tố Hữu cùng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Phú Khánh sau khi họp xong trở về tỉnh. Lần ấy máy bay bị trục trặc vì rađa, sau ba lần cất cánh, lại phải quay về sân bay xuất phát. Đồng chí Trưởng đoàn Quốc hội của Phú Khánh tỏ ra bất bình vì chuyện này, nhưng nhà thơ Tố Hữu vẫn vui vẻ, động viên anh em khắc phục. Cất cánh lần thứ tư mới trót lọt, khi qua không phận Vinh, ông bắt đầu làm bài thơ để tặng nhà thơ Tố Hữu (mặc dù là lái chính, nhưng lúc này máy bay bay theo chế độ điều khiển tự động). Bài thơ như sau:

Nhà thơ bay với chúng mình
Ba lần lên xuống tội tình làm sao
Bây giờ cao giữa trời cao
Băn khoăn đôi cánh, xôn xao nắng vàng
Nước non lớp lớp, hàng hàng
Lâng lâng mây trắng, mây vàng lung linh.

Trưa nay qua đất Quảng Bình
'Chang chang cồn cát' thấu tình anh chưa?
Huế ơi! Quê mẹ Nhà thơ
Có nghe dìu dặt đò đưa mái chèo?
'Trời trong veo, nước trong veo'
Thân thương cô gái giữa chiều Hương Giang
Hải Vân - Đà Nẵng - Quảng Nam
Tiếng thơ nghe rõ, xốn xang nỗi tình
Cùng bay vào đó Nghĩa Bình
Đất Tây Sơn, bóng ngạc kình ngẩn ngơ…

Nhà thơ chắc chẳng ' bí thơ'
Nha Trang hò hẹn những giờ phiêu diêu
Thương nhau bỏ quá mọi điều
Chuyến bay tình nghĩa một chiều… bâng khuâng.

Khi nhận được bài thơ này, nhà thơ Tố Hữu nói: 'Tôi đi máy bay đã nhiều. Tôi biết các đồng chí trong khi bay phải tập trung làm nhiều việc để bảo đảm an toàn, mà còn làm được thơ tặng tôi, quả thật là những người có tâm hồn. Thơ tổ bay thấm đậm tình người, tôi rất cảm động, đồng chí nên đặt tên cho bài thơ là 'Tình đời và tình người', được đấy!'.

Rồi nhà thơ Tố Hữu làm ngay một bài thơ tặng lại tổ bay.

Thân ái tặng tổ bay AH 24 - 232

Đường đi, thường vẫn gập ghềnh
Đường bay, có lúc rập rình xuống lên.
Việc đời khó mấy cũng nên
Bóng mây qua, lại xanh miền trời cao.
Cám ơn đồng chí hỏi chào
Câu thơ đằm thắm, dạt dào tình thân.
Gặp nhau, đâu chỉ một lần
Xa nhau, lại nhớ mấy vần thơ say…

Sau khi nghe bài thơ ông Đinh Văn Niêm sáng tác trên máy bay, tôi khen lục bát khá nhuyễn, ông nói:

- Họ tôi có nhiều người thích văn thơ, có lẽ nhận được một ít gien ngoại từ cụ tổ, là  một nhà thơ khá nổi tiếng, mà nhắc tên, chắc Vương Trọng quen!

- Là ai thế anh?

- Cụ Nguyễn Du…

Tôi sửng sốt nhìn ông và nghĩ thầm người bạn đường này cũng khá hài hước khi không nói thẳng ra cụ Nguyễn Du mà lại bảo 'một nhà thơ khá nổi tiếng'. Ông giải thích:

- Bà Nguyễn Thị Tiềm, bà tổ năm đời của tôi là con gái cụ Nguyễn Du…

- Con bà nào hở anh, vì cụ Nguyễn Du có ba vợ?

- Con bà vợ thứ hai, họ Trần. Bà Tiềm là em ruột (cùng bố, cùng mẹ) với ông Nguyễn Ngũ, người từng đưa hài cốt cụ Nguyễn Du từ Huế về mai táng ở quê vào năm 1824… Gia phả họ Nguyễn (Tiên Điền) và gia phả họ Đinh chúng tôi đều ghi rõ điều này.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng rồi tự nhủ: Một người mang gien cụ Nguyễn Du, việc giỏi văn, sử, thơ phú, có gì là lạ?

 

            Nhà thơ Vương Trọng

Nguồn: CAND

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: