Ông từng là một cựu chiến binh Trường Sơn, chuyển ngành sang lĩnh vực báo chí. Ngót bốn mươi năm làm báo chuyên nghiệp, trong đó có hơn mười năm làm phóng viên, biên tập viên, nhà báo Kim Quốc Hoa từng lần lượt làm “thủ lĩnh” của 6 cơ quan báo chí: Báo Chiến sĩ Hậu cần thành lập lại (1984-1988), Báo Tuổi trẻ Thủ đô (1990-1993), Báo Lao động – Xã hội (1993-1997), Báo Xây dựng (1997-2003), Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (2005-2007) và hiện đương nhiệm là Tổng biên tập Báo Người cao tuổi... Có lẽ, Kim Quốc Hoa là nhà báo đang giữ “kỉ lục” là người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều nhất Việt Nam! Hơn thế, ông còn là người có công sáng lập bốn toà báo và cải tổ hai toà soạn cùng những ấn phẩm theo nó...
Nhưng dù ở cương vị nào thì mãi ông vẫn là một người lính theo đúng nghĩa của nó: Luôn là người tiên phong, đối mặt với mọi khó khăn thử thách, khai phá và tạo dựng cái mới, cái tốt đẹp; kiên quyết đấu tranh với những chuyện bất công, nhất là tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
Cựu chiến binh, nhà báo Kim Quốc Hoa tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2000.
Bút danh giống người... Hàn Quốc và rất... phụ nữ!
Nhà báo Kim Quốc Hoa sinh tháng Giêng năm 1945, tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Tên khai sinh cha mẹ đặt cho là Nguyễn Quang Hoa. Ông cụ thân sinh là một nhà nho, hay làm thơ và câu đối. Lúc cậu bé ra đời không khóc mà chỉ toe toét cười nên được mang cái tên cúng cơm ấy. Nhưng khi học hết lớp bốn, do một lỗi viết tắt họ tên trong hồ sơ là Nguyễn Q. Hoa, cho nên vào lớp năm nhà trường lập hồ sơ học bạ mang tên đệm là “Quốc”, từ đó thành tên cậu bé là Nguyễn Quốc Hoa từ thuở học sinh lớp năm.
Học gần hết cấp ba, Nguyễn Quốc Hoa tình nguyện đi miền núi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân nông trường quốc doanh Hữu Lũng (Lạng Sơn) và nông trường quốc doanh Tân Trào – Tuyên Quang (1963-1965). Tại đây, chàng trai thư sinh đã “phải lòng” một cô y tá xinh đẹp có tên là Đỗ Thị Kim Hoa. Dù chuyện tình duyên của họ ngắn ngủi không thành, khi chàng trai vào bộ đội, cô gái nông trường cưới một người thợ lái máy cày, nhưng vốn có tâm hồn lãng mạn, anh đã làm rất nhiều thơ để tặng cô gái, bên dưới đề bút danh là Kim Quốc Hoa (ghép tên của hai người), để ghi nhớ một kỉ niệm đẹp lãng mạn của tuổi trẻ. Cũng từ đó, Kim Quốc Hoa không chỉ là bút danh, mà còn trở thành họ tên thường dùng, xuất hiện trong hồ sơ lí lịch, các loại giấy tờ tuỳ thân và gắn bó với chủ nhân của nó cho tới tận bây giờ...
Hồi còn làm Phó Tổng biên tập Báo Lao động – Xã hội, một lần Kim Quốc Hoa được cử tham gia đoàn Nhà báo Việt Nam sang thăm Hàn Quốc. Khi đoàn tới thăm Tập đoàn Daewoo, các vị lãnh đạo tập đoàn kinh tế nổi tiếng xứ Kim Chi này rất ngạc nhiên khi được biết có một đại biểu Việt
Tuy nhiên, cái bút danh chẳng giống ai kể trên, không chỉ mang đến cho Kim Quốc Hoa những bất ngờ thú vị, mà còn có cả những chuyện phiền toái cười ra nước mắt: Nhiều lần, người ta đã nhầm ông là... nữ kí giả. Thậm chí, có lần ông được mời đi dự một hội nghị tại Đà Nẵng. Sau khi đón ở sân bay về ban tổ chức đã bố trí ông ở cùng phòng với một... phụ nữ trên tầng 2 tại khách sạn Bạch Đằng. Và nhiều năm qua, thỉnh thoảng ông vẫn nhận được thư bạn đọc gửi đến tòa soạn, ngoài phong bì đề rất trân trọng: “Kính gửi bà Kim Quốc Hoa, hay bà Tổng biên tập Kim Cúc Hoa”...
Trong cuộc đời gần 40 năm làm báo chuyên nghiệp của mình, nhà báo Kim Quốc Hoa đã viết hàng ngàn tin, bài với nhiều thể loại cộng tác rất nhiều báo. Ngoài họ tên thường dùng và cũng là bút danh chính thức, Kim Quốc Hoa còn kí nhiều bút danh khác nhau mà một bút danh nhiều người biết: Kim Phú Hà. Ông giải thích: Kim: là Kim Quốc Hoa; Phú là quê huyện Phú Xuyên; còn Hà: là quê tỉnh Hà Tây và Hà
Lần lượt làm “thủ lĩnh” của 6 cơ quan báo chí
Kim Quốc Hoa nhập ngũ tháng 2 năm 1966, ông từng được quân đội chọn cho sang Trung Quốc học kĩ thuật điện để phục vụ công nghiệp quốc phòng nhưng huấn luyện quân sự, học chính trị xong thì nước bạn nổ ra “Đại cách mạng văn hóa” thế là ở lại học trong nước (Trường Trung cao cơ điện Bộ Công nghiệp nặng), sau đó là quân số của Tổng cục Hậu cần, tham gia phục vụ chiến đấu cho chiến trường miền Nam và trên tuyến đường Trường Sơn. Một lần trong cuộc thi thơ “Bộ đội hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” do Tổng cục Hậu cần phát động, ông đoạt giải ba – nhà thơ Phạm Tiến Duật (hồi đó là lính của Cục Vận tải) đoạt giải nhất. Nhờ thế, mà ông được cấp trên lấy lên làm phóng viên, biên tập cho tờ báo Chiến sĩ Hậu cần đầu năm 1971. năm 1984, sau khi báo Chiến sĩ Hậu cần được tái lập Kim Quốc Hoa chính thức được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập tờ báo này; đầu năm 1988 ông chuyển về làm Phó trưởng Phòng Tuyên huấn (Tổng cục Hậu cần).
Năm 1990, khi quân đội có chủ trương giải thể các tờ báo của Quân khu, Binh chủng, Tổng cục... và tinh giảm biên chế, nhiều nhà báo mặc áo lính đã được chuyển ngành. Hồi đó, ở Hà Nội có tờ Tuổi trẻ Thủ đô đang trong tình trạng khủng hoảng, đì đẹt, nợ chồng chất, cán bộ biên tập, phóng viên nhân viên không có lương, không nhuận bút. Thành đoàn Hà Nội sau khi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành uỷ Phạm Thế Duyệt đã xin trung tá Kim Quốc Hoa về làm Tổng biên tập, nhưng giấu kín, không cho biết tình trạng của báo. Với sự năng động chèo chống, bươn chải và khéo léo tổ chức lại, ông đã vực dần tờ báo này, đưa lượng phát hành từ chỗ 1.200-1.500 bản/kì lên ngay 6.000 bản, 8.000 bản và sau ba năm ông đưa số lượng phát hành của báo lên tới 2 vạn mỗi kì. Toà soạn chẳng những tự trang trải trả hết nợ nần, ăn nên làm ra mà còn xin được Uỷ ban Nhân dân thành phố dự án xây trụ sở ở 19 Lý Thường Kiệt, Hà Nội khang trang. Dự án được duyệt cũng là lúc ông lại chia tay tờ báo này.
Chẳng là Tết năm 1993, có hai người khách đặc biệt đến thăm và chúc tết Kim Quốc Hoa. Đó là vợ chồng Anh hùng Trịnh Tố Tâm, vốn là bạn học ở trường cấp III Thường Tín từ những năm đầu thập kỉ 60 thế kỉ trước. Trịnh Tố Tâm vừa thôi làm Bí thư Trung ương Đoàn, được Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ông bất ngờ đưa ra một đề xuất: “Kim Quốc Hoa hãy về giúp Bộ thành lập một tờ báo ngành. Tôi vừa nhậm chức, được Bộ trưởng Trần Đình Hoan phân công phụ trách cả công tác tuyên truyền, không có tờ báo thấy bí quá. Vẫn biết ông vừa yên vị Tổng biên tập Tuổi trẻ Thủ đô, nhưng cũng là nhiều tuổi rồi và chỗ bạn bè thân thiết tôi mới dám nhờ”. Lời đề nghị chân tình, khiến Kim Quốc Hoa bối rối. Bởi lẽ, trước đó mươi hôm, thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm sau chuyến đi nước ngoài về cho người đón nhà báo Kim Quốc Hoa đến nhà riêng, ngỏ ý vận động ông về thành lập báo Ngân hàng. Tuy chưa dứt khoát nhận lời nhưng ông cũng băn khoăn giãi bày với Trịnh Tố Tâm. Song nể bạn, ông đã nhận lời. Ông và nhà báo đại uý Ngọc Niên (báo Quân đội Nhân dân) làm một đề án ra Báo Lao động – Xã hội do Ngọc Niên đứng tên. Khi đề án được chấp nhận, Kim Quốc Hoa tự nguyện “từ chức” Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô để làm Phó tổng biên tập báo Lao động – Xã hội (Anh hùng Trịnh Tố Tâm đứng tên Tổng biên tập, Ngọc Niên là Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam). Mọi việc “bếp núc” Kim Quốc Hoa phải lo hết. Từ không đến có, Báo Lao động – Xã hội đã phát hành nâng dần con số hàng vạn, nhanh chóng xuất bản tuần 2-3 kì, ra cả số cuối tháng...
Cũng thời gian trên, Bộ Xây dựng có nhu cầu cần xuất bản một tờ báo ngành. Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc rất sốt sắng tìm người gánh vác sứ mệnh này. Một lần, nhà báo Hồng Vinh (Tổng biên tập báo Nhân Dân), đã tiến cử Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc: “Anh muốn ra báo mới trong thời buổi không còn bao cấp thì không phải nhà báo nào cũng làm được Tổng biên tập, nhưng nếu xin được Kim Quốc Hoa về thì rất ổn. Nhưng ông này đang ăn nên làm ra ở báo Lao động – Xã hội; phải thuyết phục khéo, may ra được”. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc đã tìm cách gặp Kim Quốc Hoa tới... 4 lần để chiêu mộ hiền tài”. Nhiều lần ông cho mời nhà báo Kim Quốc Hoa tới gặp riêng, để vận động và thuyết phục... Nể quá, Kim Quốc Hoa nhận lời sẽ làm giúp Bộ Xây dựng một đề án ra báo. Đề án này đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng thông qua và nêu rõ: Ai là tác giả đề án thì mời người đó về làm Tổng biên tập! Không thể từ chối mãi được, tháng 8 năm 1997 Kim Quốc Hoa nhận lời Văn phòng Bộ Xây dựng đã dọn dẹp một gian gara ô tô cũ để làm trụ sở... Tòa soạn. Kim Quốc Hoa chỉ xin cấp 60 triệu đồng và cùng mấy anh em đi nhặt một số bàn ghế mà cơ quan Bộ thải ra bỏ ngoài hành lang để có chỗ làm việc. Vậy là từ hai bàn tay trắng Kim Quốc Hoa đã lập thêm một kì tích. Từ lúc có giấy phép đến khi ra số đặc biệt ngót trăm trang đầu tiên chào mừng 40 năm thành lập ngành xây dựng với 7-8 con người chỉ sau 3 tháng. Sau một năm xuất bản tuần 2 kì, và có ấn phẩm cuối tháng. Cuối năm 2002 ông nộp đơn thôi Tổng biên tập báo Xây dựng để nhằm có thời gian viết, ra một số đầu sách. Thế là sau đó, ông đầu quân ra làm trợ lí Tổng biên tập báo Văn nghệ. ở đây, ông không chỉ viết sung sức với hàng loạt bài điều tra, phóng sự xã hội và còn giúp Hội nhà văn và bạn bè, biên tập, xuất bản 7-8 đầu sách Văn học. Cá nhân ông cũng ra một tập chính luận, một tập thơ riêng...
Cuối năm 2005, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài mong muốn xây dựng một cơ quan ngôn luận. Lại có người tiến cử mời... Kim Quốc Hoa! Ông phân vân suy nghĩ mãi: Nên hay không? Trong lúc đã quá tuổi hưu mà chờ mãi chưa nhận được sổ hưu, chưa một ngày kịp nghỉ ngơi, giờ nếu nhận trọng trách này, nghĩa là lại tự làm khổ mình nữa. Nhưng niềm say mê nghề báo, sự khát khao được làm việc và cống hiến đã buộc Kim Quốc Hoa không thể ngồi yên. Vậy là, lại thêm một lần nữa, ông chấp nhận “tay không bắt giặc” lại viết đề án làm mọi thủ tục xin cấp phép, một lần nữa lại thành công – sáng lập Tạp chí Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và làm Tổng biên tập, mỗi tháng ra một kì, được in 64 trang, trên giấy tốt, trình bày đẹp. Nửa năm đầu, tòa soạn chỉ có một mình và một cháu giúp việc, vừa xong khâu đăng kí tài khoản, mã số thuế ông đã cho xuất bản 2-3 số đầu. Ngoài trụ sở Tòa soạn ở Hà Nội, tạp chí này còn có chi nhánh ở nhiều nơi...
Nhưng trọng trách “thủ lĩnh” báo chí của Kim Quốc Hoa vẫn chưa dừng lại ở đó. Ông tiếp tục được mời về làm... Tổng biên tập Báo Người cao tuổi từ ngày 1 tháng 3 năm 2007 và ông đã thành công ngoài sự tưởng tượng của nhiều người ở cơ quan báo chí này.
Làm báo Người cao tuổi, càng chống tiêu cực khỏe hơn!
Tháng 1 năm 2007, sau khi Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ III thành công, Ban lãnh đạo mới của Trung ương Hội quyết định cải tổ tờ báo đã bị bê bối với nhiều tiêu cực kéo dài từ nhiều năm. Một đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng đã giới thiệu... Kim Quốc Hoa và thuyết phục ông về làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Cái khó nhất với Kim Quốc Hoa là tờ báo vốn đã “nát” mà khi về (từ 1 tháng 3 năm 2007) Ban biên tập cũ lại bất hợp tác, không những không chịu bàn giao mà còn chống đối rất quyết liệt. Gần như ông phải làm lại từ đầu. Mấy tháng đầu vừa lo làm báo Người cao tuổi, Kim Quốc Hoa vừa kiêm Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, vì Hiệp hội chưa tìm được người thay thế. Vậy mà chỉ sau nửa năm, Kim Quốc Hoa đã hành động quyết liệt để “lột xác” cho tờ Người cao tuổi: Báo tăng trang, tăng kì, mà lượng phát hành cũng tăng dần gấp rưỡi, gấp đôi... Lại còn thực hiện khai trương trang báo điện tử (Website) mà không xin kinh phí. Uy tín của người cao tuổi ngày càng tăng trong báo giới và bạn đọc.
Điều đáng nói hơn, là từ ngày làm báo Người cao tuổi, Kim Quốc Hoa lại được dịp phát huy khả năng chống tiêu cực của một nhà báo rất có bản lĩnh giàu lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội.
Thời gian chủ trì các Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động – Xã hội, Xây dựng... Ông đã “xung trận” nhiều phen sóng gió. Hoặc là trực tiếp viết bài điều tra, hoặc là chỉ đạo phóng viên viết những loạt bài gai góc, đụng chạm đến các nhà lãnh đạo, nhiều lần bị “kiện” lên bờ xuống ruộng... nhưng ông vẫn không nản. Ông bảo: “Dính vào quá nhiều vụ, bị phanh phui người ta oán tôi, thù tôi nhưng đông đảo bạn đọc yêu tôi”. Ông cũng bộc bạch rằng ông chưa chịu “thất bại” trong vụ nào, còn chuyện “cay đắng” như là một tất nhiên, không vì thế mà nhụt chí! Ví dụ khi còn làm Tổng biên tập Báo Xây dựng, ông đã bị “thành kiến” khá nặng nề về loạt bài “Nhà hát chèo Kim Mã – một công trình hàng mã”, bài về thói hư của ông Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam và loạt bài viết về chuyện tiêu cực trong cấp đất và khiếu kiện của nhân dân Khánh Hòa, khiến ông chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh này phải cùng chánh văn phòng cắp cặp bay ra Hà Nội kiện lên... Cơ quan chủ quản. Lãnh đạo Bộ Xây dựng buộc phải tổ chức một cuộc họp với các thành phần để phân giải. Nhưng sau cuộc họp này, ông chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phải thừa nhận nhà báo Kim Quốc Hoa đúng... Bây giờ, họ vẫn coi nhau như bạn tốt và thỉnh thoảng vẫn liên lạc hỏi thăm nhau. Rồi nữa, những năm 2005 – 2006, nhà báo Kim Quốc Hoa dám xông trận, viết và cho đăng loạt bài điều tra về những tiêu cực của một vị Trung ương uỷ viên, Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội... gây xôn xao dư luận. Do viết chính xác, lời bình có sức thuyết phục nên chính “người bị nêu” không phân bua được gì!
Từ ngày về làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi, Kim Quốc Hoa đã cho đăng những bài “mạnh bút” vạch trần nhiều vụ tiêu cực về đất cát và chế độ chính sách bất cập ở một số địa phương. Điển hình như loạt bài Công ty Xây dựng Bến Tre, “Một vụ án vắt qua hai thế kỉ”. Một số người bị hại, đi kiện đã được minh oan, một số quan chức địa phương phải trả giá. Gần đây, với loạt bài “Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Giang coi thường... pháp luật” đã làm chấn động dư luận xã hội, chẳng những nâng cao uy tín của báo Người cao tuổi trong báo giới và bạn đọc, mà còn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước.
Còn có những vấn đề nếu không nêu ra sẽ là khiếm khuyết đối với nhà báo Kim Quốc Hoa. Thứ nhất, trừ tờ Báo Chiến sĩ Hậu cần (khi còn trong quân ngũ) còn 5 cơ quan báo chí sau này ông là người đứng đầu, không một tờ báo nào được thụ hưởng bao cấp của nhà nước, không có lấy một xuất lương ngân sách mà đều phải bươn chải, tự cân đối, trang trải, song vẫn cân đối được hoặc có lãi. Ông bảo: Làm báo trong cơ chế thị trường, cần là cần có cơ quan chủ quản cho cơ chế chứ không cần biên chế (lương ngân sách). Thứ hai, là nhà báo song chính ông còn là nhà hoạt động xã hội. Năm 1995, ông là người đầu tiên nêu ý tưởng cần phải xã hội hóa việc chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và phụng dưỡng bà mẹ Việt
Quả thật, Kim Quốc Hoa là một nhà báo giỏi nghề, dũng cảm, có bản lĩnh. Ông mãi là một người lính.
Tháng 6 năm 2008
ĐẶNG VƯƠNG HƯNG