Chủ nhật, 08/09/2024,


Họa sĩ Phương Linh: "Những giọt mồ hôi cần được tôn vinh" (10/09/2009) 

Ngoài dáng vẻ nhỏ nhắn, tóc húi cua như con trai, đôi mắt tinh nghịch sau cặp kính cận thì ấn tượng mà cô gái nhỏ sinh năm 1985  - Phương Linh - để lại cho người khác là sự già dặn và nhiều trải nghiệm.

 

Và, có lẽ, chính nhờ những điều ấy mà Phương Linh có được Muối – một câu chuyện kể bằng nhiếp ảnh, video tài liệu, điêu khắc kết hợp với sắp đặt rất thú vị ở Gallery Quỳnh những ngày cuối tháng này.

 

* Muối - kết tinh của biển và của những giọt mồ hôi nhọc nhằn từ đời sống diêm dân, vì đâu một cô gái Hà thành chân quen bước ở đại lộ New York, vỉa hè Venice như bạn lại nghĩ đến muối và chọn muối như  một phương tiện để truyền đạt những suy nghĩ về cuộc đời?

 

- Có thể lấy mốc thời gian từ tháng tám năm ngoái, khi tôi đi chơi vùng biển Thanh Hóa, ở nhờ nhà một người dân làm muối. Từ đó, tôi nghĩ đến việc mình sẽ làm một cái gì đó về muối. Đầu tiên, tôi có ý định làm một con thuyền bằng muối – thuyền bằng gỗ thật nhưng bao phủ bằng muối. Con thuyền muối này sẽ như một biểu tượng tặng cho những người phụ nữ diêm dân. Tôi rất thích chất liệu muối ở VN vì nó to, ẩm ướt, không được đẹp như muối của nước ngoài. Cách làm muối ở VN cũng rất đặc biệt, mang tính đặc trưng vùng miền rất rõ, rất thủ công và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Tôi đem ý tưởng này nói với cô Quỳnh, chủ gallery Quỳnh thì cô rất ủng hộ và đề nghị tôi làm nhiều tác phẩm. Sau đó, tôi quyết định đi thực tế đến một số vùng biển làm muối từ Bắc, Trung, Nam: Hải Hậu (Nam Định), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cần Giờ (TP.HCM) và Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

* Có một cảm giác rất gần gũi, thân quen khi xem triển lãm của bạn. Nắng gió đại dương, mặn mòi mồ hôi và nước mắt mưu sinh với muối...

 

- Tôi rất yêu tác phẩm Hoa của mình. Không chỉ vì sự cực công với 700 chiếc quần, áo cũ của người làm muối, người làm lúa, công nhân, thợ sơn mài và mấy tháng trời may tay ròng rã, mà còn vì những tâm tư mà tôi muốn gửi gắm vào đó. Những giọt mồ hôi mặn chát của diêm dân và những người lao động đã làm nên cuộc sống của chúng ta hôm nay. Những giọt mồ hôi ấy cần được tôn vinh như một biểu tượng của sự cần cù, nhẫn nại, của sức sống người dân.

 

                 

                                                   Ngẫu hứng

 

* Có điều gì ngoài tác phẩm mà bạn muốn chia sẻ với người xem triển lãm Muối?

 

- Hành trình tôi đi theo muối cũng là hành trình tôi khám phá về con người và không gian sống ở các vùng miền khác nhau. Những cánh đồng muối ở miền Bắc thường nhỏ, ở miền Trung thì lớn hơn một chút còn miền Nam thì rộng bao la. Diêm dân ở miền Bắc khắc khổ hơn do điều kiện thời tiết, công việc nhọc nhằn hơn. Điều kiện mưu sinh đã tạo ra tính cách con người. Tôi thấy người miền Bắc khó thân hơn nhưng khi đã thân thì rất thân và chia sẻ, còn người miền Nam thì cởi mở hơn, dễ gần hơn và họ dễ bày tỏ cảm tình ngay lần đầu tiên gặp gỡ.

 

* Học bổng trao đổi văn hóa năm lớp 11 ở Mỹ có ảnh hưởng gì đến quyết định chọn nghề họa sĩ của cô học sinh chuyên văn trường chuyên Hà Nội - Amsterdam?

 

- Một năm học lớp 11 ở bang Texas (Mỹ) đã cho tôi niềm say mê đầu tiên với mỹ thuật. Học sinh trung học phổ thông ở Mỹ được giáo dục nhiều về các bộ môn nghệ thuật, mà mỹ thuật là một trong số đó. Ngoài những môn học chính trong chương trình, học sinh còn được tự chọn lớp học ngoại khóa và tôi đã chọn học thêm ba lớp: vẽ, lịch sử mỹ thuật và điêu khắc.

 

                   

                                                      Muối

 

*Hai lần thi vào ĐH Mỹ thuật Hà Nội đều... rớt nhưng lại có duyên với những học bổng trao đổi văn hóa, học bổng mỹ thuật. Một năm học về mỹ thuật ở Italia có ý nghĩa như thế nào với bạn?

 

- Tôi thấy mọi việc đều có cái duyên của chúng. Một năm học mỹ thuật ở Italia cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng, nhưng quan trọng nhất là cho tôi một ý niệm rõ ràng về con đường mình sẽ theo đuổi trong tương lai. Tôi đã được học vẽ, điêu khắc... Về điêu khắc, tôi học điêu khắc người thật, vật thật và điêu khắc đương đại, với những chủ đề hoàn toàn tự do. Các giáo viên có những phương pháp dạy rất mở. Tôi thích điêu khắc vì điêu khắc không phụ thuộc nhiều vào không gian, mình có thể di chuyển dễ dàng...

 

* Tôi nhớ có lần cao hứng, một họa sĩ nói rằng mỹ thuật VN, nhất là mỹ thuật đương đại hoàn toàn có thể ngang tầm với mỹ thuật thế giới. Là một người trẻ đi nhiều, có cơ hội tiếp xúc với nhiều họa sĩ trẻ thế giới, bạn đánh giá về các họa sĩ của thế hệ mình thế nào? Liệu nhận xét của người họa sĩ nói trên có là...  một hình thức 'tự sướng' không?

 

- Tôi không nghĩ rằng đó là 'tự sướng', nhưng ý kiến đó cũng không hẳn chính xác. Về mặt ý tưởng, tôi nghĩ các họa sĩ VN có nhiều ý tưởng hay, táo bạo và độc đáo, ngang tầm với họa sĩ của các nước. Nhưng để đạt đến sự chuyên nghiệp ở số đông, mặt bằng chung, cũng như sự chuyên nghiệp trong việc phổ biến tác phẩm đến đông đảo công chúng trên thế giới thì hiện tại chúng ta chưa làm được.

 

* Vẽ bằng bút chì là đam mê của bạn. Vì sao lại là bút chì? Bạn không cần sự bền vững của tác phẩm?

 

- Tôi thích vẽ bằng bút chì là vì tính tiện lợi và đơn giản của nó. Không chỉ vậy, cái chất của bút chì cũng rất đẹp. Theo tôi, quan trọng là việc chọn chất liệu vẽ có thể hiện được những tình cảm, cảm xúc của mình hay không mà thôi. 

 

                      

                                                          Hoa

 

* Với tác phẩm điêu khắc là thuyền làm bằng muối, tác phẩm sắp đặt làm bằng quần áo của những người lao động, bạn muốn hướng tới sự tối giản trong mỹ thuật, một lối đi riêng hay vì bạn không có nhiều ý tưởng để tung ra cùng lúc?

 

- Sự tối giản là khát vọng mà tôi nghĩ họa sĩ nào cũng muốn vươn tới. Làm thế nào để có thể nói nhiều điều nhất thông qua sự tối giản thật không dễ dàng. Sự tối giản để đạt đến đa nghĩa khác với cố tình tung hỏa mù nhiều thứ để đánh đố. Tôi luôn cố gắng hướng tác phẩm của mình đến sự tối giản. Nhưng nếu đánh đồng mỹ thuật đương đại với sự rắc rối khó hiểu thì cũng hơi bất công. Dĩ nhiên, tôi cũng không loại trừ có những họa sĩ cố tình làm cho khó hiểu. 

 

* Phương Linh của năm năm trước và hiện tại có gì khác biệt về quan niệm và khuynh hướng nghệ thuật?

 

- Khi mới bắt đầu với hội họa, tôi thích phô diễn, thích làm cái gì đó thật hoành tráng, thích tác phẩm của mình phải thật ghê gớm, phải có hình hài cụ thể và... gây 'choáng' cho người xem. Nhưng từ hai năm trở lại đây, tôi biết sống kiên nhẫn, yên lặng và quan sát cuộc sống nhiều hơn, tôi thích làm những tác phẩm chứa đựng nhiều gợi ý, đa nghĩa, đa thanh.

 

* Cuối cùng là một tò mò rất phụ nữ dành cho bạn, vì sao lại cắt tóc...  gần như trọc thế này, lại còn xăm mình nữa? Bạn không ngại người ta 'đánh giá” sao?

 

- Tôi cắt tóc ngắn tại vì đầu tôi to và tròn, cắt ngắn thấy cũng... hợp và đẹp... (cười hồn nhiên). Còn xăm... Tôi chỉ xăm tên bố tôi lên cổ tay với bốn  con số có ý nghĩa đặc biệt. Đâu có hình gì bậy hoặc xấu đâu mà ngại. Tôi nghĩ bây giờ xã hội cởi mở rồi, người ta không đánh giá người khác qua bề ngoài nữa.

 

* Xin cảm ơn bạn, chúc bạn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

 

Theo Hồng Hạnh (Phụ nữ online)

                                

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: