NSƯT Đăng Tiến không phải là cái tên mà khi nhắc đến nhiều người biết ngay, bởi anh gần như chỉ xuất hiện trong tâm trí của những ai đó biết và yêu rối cạn.
Tuy nhiên, đối với “dân” làm sân khấu, đặc biệt là sân khấu múa rối, thì Đăng Tiến lại rất thân quen, nhiều người bảo rằng anh là người dám phá cách với rối, anh cũng là người thổi một luồng không khí mới vào với rối để cố tình xua tan cái ý nghĩ “Múa rối thực chất chỉ dùng để phục vụ trẻ con” vốn đã ăn sâu vào máu thịt của hàng triệu khán giả trong cả nước. Và dù đã có hơn mười vở rối cạn nhưng anh vẫn cứ khiêm tốn sau cánh gà. Không phải vì anh “cành cao lá dài” gì mà bởi lúc nào anh cũng cho rằng “mình vẫn chưa làm được gì đặc sắc lắm”. Tuy nhiên, sau thành công của một loạt các vở rối cạn như “Thánh Gióng”, “Huyền thoại Tiên Rồng”, “Trấn Cổ Loa Thành”… và mới đây là “Nàng Hến”, thì cái tên Đăng Tiến bắt đầu được nhiều người tìm kiếm.
* Xin chào anh Đăng Tiến, sau khi xem vở “Nàng Hến” mới nhất, tôi muốn hỏi anh tại sao anh lại quyết định chọn vở diễn này đưa lên sân khấu rối cạn trong khi đây là một câu chuyện quen thuộc và đã được diễn đi diễn lại nhiều lần trên sân khấu và khá thành công?
- Khi bắt tay vào vở diễn này tôi cũng bị áp lực khá lớn, bởi đây không chỉ là một câu chuyện truyền thống rất quen thuộc với người Việt
* Từ trước đến giờ người ta vẫn có quan niệm “múa rối thực chất chỉ dành cho khán giả nhỏ tuổi”. Là một người làm việc lâu năm với sân khấu rối, anh có suy nghĩ gì không?
- Đó là điều chắc chắn và tôi hoàn toàn không phủ nhận. Tuy nhiên, cũng chính vì cái suy nghĩ ấy mà Nhà hát Múa rối Thăng Long quyết định chọn cho mình một hướng đi, để làm sao kéo khán giả quay lại với sân khấu rối truyền thống, yêu múa rối và sẽ bỏ cái suy nghĩ rằng múa rối chỉ dành cho trẻ con.
* Và đó là lý do để những vở rối cạn của Đăng Tiến ra đời?
- Có thể coi đó là một lý do nhưng cái quan trọng hơn đó chính là sự thể nghiệm bản thân và cuối cùng chính khán giả lại đón nhận. Vì vậy tôi vẫn nghĩ việc thành hay bại không phụ thuộc vào truyền thống hay hiện đại mà là cái để lại trong lòng khán giả khi họ thưởng thức xong và bước ra khỏi rạp.
* Từ trước tới nay chúng ta chỉ có trường đào tạo viết kịch bản phim hay kịch bản sân khấu chứ chưa hề có trường đào tạo các nhà biên kịch múa rối. Bản thân anh gặp khó khăn như thế nào khi viết kịch bản cho các vở rối?
- Đúng là từ trước đến giờ không có trường đào tạo những người viết kịch bản cho múa rối nhưng tôi nghĩ có thể vì không có khuôn mẫu nên khi sáng tác mình gặp lợi thế hơn bởi sẽ không có sự so sánh nào. Hơn nữa trước khi đặt bút viết tôi đã ngồi tưởng tượng rất nhiều, ví dụ đoạn này nhân vật thật sẽ hợp hơn nhưng đoạn kia chỉ có con rối mới làm được. Kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này với nhau sẽ tạo được hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, cái khó nhất là làm thế nào để người xem thấy được vở diễn dù là kịch nhưng vẫn đảm bảo đủ yếu tố của múa rối, như vậy khán giả mới yêu quý con rối của mình, yêu quý các nhân vật mà không phải là người thật biểu diễn. Để làm được điều đó quả thực là không dễ dàng.
* Khi viết các vở rối cạn, anh có sợ mọi người sẽ bảo rằng như vậy là phá múa rối truyền thống không?
- Cá nhân tôi thì nghĩ rằng người viết nên tìm cho mình những hướng đi mới. Bản thân khi quyết định viết những vở rối cạn là khi múa rối truyền thống đã bắt đầu không hấp dẫn khán giả. Thực tình mà nói không phải múa rối kém và không đưa được khán giả đến rạp mà bởi thời đại ngày nay, có quá nhiều phương tiện giải trí và khán giả có quyền lựa chọn cho mình một cách thưởng thức riêng. Khi kết hợp giữa múa rối và kịch với nhau, tôi đã nghĩ rằng đó là một cách làm mới cho múa rối truyền thống nhưng hoàn toàn không dám nghĩ sẽ thành công, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng mình cần phải làm tất cả để kéo khán giả quay lại rạp xem múa rối và một phần nữa để họ thấy rằng thực chất múa rối luôn có sự hấp dẫn riêng.
* Như vậy làm nghệ thuật hiện nay là đuổi theo thị hiếu của khán giả chứ không phải khẳng định cái tôi của người nghệ sỹ?
- Chiều theo ý của khán giả không có nghĩa là không thể khẳng định được cái tôi cá nhân mình, bởi hiện nay chúng ta đang làm việc để phục vụ công chúng. Việc kết hợp giữa rối và kịch tôi nghĩ cũng là một cách làm mới mình và tôn trọng khán gia, bởi vì chúng ta không thể cứ theo một khuôn mẫu mãi nhưng như lúc đầu tôi đã nói, việc dựng rối cạn phải làm sao để liều lượng của sự xuất hiện nhân vật thật và con rối vừa đủ để đảm bảo rằng đó vẫn là nghệ thuật múa rối chứ không phải là loại hình nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định khi đã có thể kéo khán giả đến rạp xem rối cạn, sau một thời gian họ sẽ yêu quý múa rối và lúc đó chúng tôi lại tiếp tục quay về nghệ thuật múa rối truyền thống.
* Một số đạo diễn khi dựng các vở diễn không phải do mình viết kịch bản đã than phiền rằng “các tác giả bây giờ viết cứ bị trượt dài theo cảm xúc quá nên khi dựng hầu như không còn vẹn nguyên như ý lúc đầu của tác giả”. Là một người viết, mỗi khi đặt bút anh có bị trượt dài theo cảm xúc?
- Tôi không dám lạm bàn những người viết khác nhưng với riêng bản thân tôi, trước khi viết một vở diễn mới, tôi thường trao đổi với đạo diễn để tìm ra hướng đi hay nhất để triển khai, vì vậy khi tôi hoàn thành kịch bản các đạo diễn cũng có vẻ hài lòng vì không phải sửa chữa nhiều lắm (cười)…
* Khi viết anh có định hình cho mình diễn viên nào sẽ vào vai nào không?
- Với những người khác thì tôi không biết, chứ với bản thân tôi khi viết chỉ xác định tính cách của nhân vật như thế nào thôi, còn việc chọn diễn viên nào cho vai diễn lại là việc của người đạo diễn. Trong múa rối cạn thì khác với kịch, chèo hay cải lươngm bởi vì ở đây là sự kết hợp của con rối và nhân vật thật chứ không phải chỉ diễn người thật như ở những sân khấu khác. Tất nhiên, khi viết “Nàng Hến” tôi đã tận dụng hết mọi lợi thế về sự hài hước của múa rối để đem lại cho khán giả những tiếng cười mới, dí dỏm đấy nhưng cũng sẽ có chút băn khoăn.
* Từ trước đến nay anh toàn dựng lại các vở diễn dân gian như “Thánh Gióng”, “Huyền thoại Tiên Rồng”, “Trấn cổ Loa Thành”, “Nàng Hến”… Anh có nghĩ đã đến lúc mình cũng nên viết về thời đại ngày nay với sự sôi động của cuộc sống và sự phát triển của đất nước?
- Tôi chưa thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, trong tương lai không xa tôi nghĩ cũng nên đi thẳng vào đề tài cuộc sống đương đại, bởi chúng ta nên xác định nghệ thuật chính là một món ăn tinh thần của cuộc sống, nó phản ánh đúng thời đại mà chúng ta đang sống hiện nay.
* Xin cảm ơn anh!
Võ Thị Thúy thực hiện
(Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)